Hotline 24/7
08983-08983

Sỏi thận khi đang mang thai, xử trí như thế nào?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em bị sỏi thận P 12mm, nhưng em mới phát hiện ra có thai. Vậy em có nên sinh em bé không? Vì sỏi của em phát triển rất nhanh, cách nay 6 tháng có 4mm. Em còn bị nhiễm canxi 2 đài thận. Em đang rất lo lắng không biết phải làm sao, nhờ bác sĩ tư vấn dùm em. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Sỏi thận khi mang thai. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Sỏi thận khi mang thai. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,

Sỏi thận 12mm thông thường có chỉ định can thiệp ngoại khoa, nhưng do bạn đang trong giai đoạn có thai nên sẽ tuỳ từng tình huống mà xử trí khác nhau. Chỉ định can thiệp bắt buộc trong những trường hợp sỏi thận gây ra nhiễm trùng, sốt, biến chứng tắc nghẽn, suy thận, đau tái diễn… Thai kỳ có thể làm cho sỏi thận nặng lên, khi thai lớn gây chèn ép niệu quản và gây ứ nước thận cũng như gây đau. Mức độ chèn ép nhiều hay ít tùy vào vị trí và độ lớn của sỏi.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp có thể vượt qua thai kỳ an toàn mà không có biến chứng gì liên quan đến sỏi. Do đó, bạn nên yên tâm tiếp tục dưỡng thai và tái khám chuyên khoa Thận để theo dõi sự phát triển của sỏi, để phát hiện kịp thời khi nào cần can thiệp xử trí bạn nhé!

Thân mến.
Mời tham khảo thêm:

Sỏi thận xuất hiện khi lượng chất khoáng trong nước tiểu lắng động lâu ngày ở thận kết lại thành sỏi. Trong thời kỳ mang thai, bạn có nguy cơ bị sỏi thân cao hơn, bởi một số nguyên nhân sau:

– Uống không đủ nước: Khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ tăng cao hơn. Bà bầu cần bổ sung thêm nhiều khoáng chất, điển hình là phốt pho và can-xi. Nước có nhiệm vụ pha loãng và làm giảm nồng độ các khoáng chất, ngăn ngừa việc hình thành sỏi. Vì vậy, nếu uống ít nước, mẹ bầu có nhiều nguy cơ hình thành sỏi thận.

– Yếu tố di truyền: Mẹ bầu có người thân trong gia đình mắc chứng can-xi niệu hoặc một số bất thường dẫn đến tăng nồng độ can-xi trong nước tiểu thường có nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn.

– Bổ sung dư can-xi: Để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi, bà bầu được khuyến cáo nên tăng cường bổ sung can-xi. Tuy nhiên, nếu bổ sung dư, lượng can-xi này ngược lại sẽ dẫn đến sỏi thận.

– Thai nhi càng lớn dần, càng tạo sức ép cho tử cung và bàng quang, cản trở sự lưu thông nước tiểu, tăng nguy cơ lắng đọng các chất hòa tan trong nước tiểu.

– Nhiễm trùng tiểu: Đây là một trường hợp thuận lợi tạo thành sỏi thận.

Sỏi thận thường diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu rõ ràng, đòi hỏi bà bầu phải hết sức chú ý mới phát hiện được. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất, mẹ lưu ngay vào sổ tay nhé!

– Xuất hiện những cơn đau xung quanh vùng thắt lưng, sau đó kéo xuống vùng chậu hông, thỉnh thoảng kèm chuột rút và sốt.

– Máu trong nước tiểu: Tình trạng này là do viên sỏi di chuyển, làm phá vỡ mô liên kết và tế bào xung quanh.

– Khi sỏi di chuyển đến phần dưới của đường tiểu, vùng niệu quản và bàng quang, có thể gây cảm giác đau buốt khi đi tiểu.

Bà bầu bị sỏi thận không nên sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị nào. Tốt nhất, tham khảo ý kiến bác sĩ để ngăn chặn sự phát triển của sỏi cũng như những biến chứng có thể xảy ra, chẳng hạn nhiễm trùng bàng quang. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để điều trị sỏi thận là uống thật nhiều nước. Nước sẽ làm loãng nước tiểu, khoáng chất, muối hữu cơ và giúp loại bỏ những viên sỏi nhỏ từ thận đến niệu quản. Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo mẹ bầu nên tăng cường những loại trái cây chứa nhiều nước như dưa hấu, đào, các loại quả mọng như dâu, nho, việt quất… Uống nước chanh thường xuyên cũng là cách giảm sỏi thận hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ bầu nên uống nước ép tự nhiên, tránh uống nước ép pha sẵn, bởi loại nước ép này thường chứa một lượng lớn muối khoáng, có thể làm tình trạng sỏi thận thêm nghiêm trọng.

Mẹ bầu cần lưu ý:

– Bổ sung chất lỏng là cách tốt nhất để phòng ngừa sỏi thận. Ngoài 8 ly nước mỗi ngày, mẹ bầu cũng nên ăn nhiều trái cây, rau xanh.

– Nếu cảm thấy đau bất thường ở vùng bụng, nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để được thăm khám và điều trị kịp thời.

– Thường xuyên tập thể dục không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh mà còn giúp loại bỏ các chất độc hại ra ngoài.

– Không nên uống sữa trước khi đi ngủ. Vì trong lúc ngủ, tuần hoàn chậm lại, lượng nước tiểu giảm trong khi cặn trong nước tiểu tăng, dễ hình thành sỏi.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X