Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt hen phế quản và viêm phế quản ở trẻ?

Câu hỏi

Viêm phế quản có những dấu hiệu gì ạ? Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách phân biệt hen phế quản và viêm phế quản ở trẻ?

Trả lời

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

BS chuyên khoa Hô hấp, BV ĐHYD TP.HCM - Bệnh viện đại học Y dược TPHCM

Trẻ có thể bị 6 lần viêm phế quản trong 1 năm

Chào bạn,

Khi một loại virus tấn công vào đường hô hấp, đầu tiên bắt đầu từ mũi và đi xuống họng và đường dẫn khí. Do đó 3 bộ phận này đều tổn thương và gây nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng và ho do tiết chất nhầy. Quan trọng nhất là có cần kháng sinh hay không? Và cần phân biệt viêm phế quản, viêm phổi hay hen phế quản.

Viêm phế quản nói chung lành tính, vì vậy phải chấm dứt trước 10 ngày. Khi trẻ nhỏ bị sốt, chúng tôi thường khuyên nếu sốt trong vòng 48 giờ, bố mẹ có thể dùng các thuốc giảm sốt như Paracetamol, cho bé uống nhiều nước như nước cam, nước chanh pha mật ong. Nhưng nếu quá 48 giờ mà bé vẫn còn sốt thì nên đưa đến bác sĩ.

Nếu trẻ kèm theo các triệu chứng hô hấp cần phải chụp hình phổi. Trường hợp bé bị viêm phổi sẽ xuất hiện trên Xquang ngực; hai lá phổi bình thường nếu trẻ bị viêm phế quản. Nếu viêm phổi do vi trùng, các bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh. Nếu do virus không thể dùng kháng sinh.

Đôi khi trên nền nhầy tiết ra viêm thì vi trùng rất dễ xâm nhập, và rất dễ bội nhiễm về sau. Ví dụ, trẻ bị viêm phế quản do virus thông thường sẽ hết. Nhưng nếu trẻ đã hết sốt nhưng sau đó sốt trở lại thì đó là dấu hiệu nguy hiểm, chứng tỏ virus đã qua vi trùng, nghĩa là từ siêu vi nhiễm vi trùng. Lúc đó cần phải dùng kháng sinh để điều trị.

Bố mẹ thường thắc mắc con mình bị viêm phế quản hay hen suyễn? Nếu đứa trẻ trên 2 tuổi bác sĩ sẽ cho kiểm tra bằng dụng cụ dao động xung ký để xem xét đường thở của bé có tắc nghẽn do hen hay không, phun thuốc giãn phế quản có bung ra hay không - đây là dấu hiệu của hen phế quản. Đồng thời nếu trẻ có chàm, có viêm mũi dị ứng, tiền sử gia đình bị hen thì các bác sĩ nghĩ nhiều đến hen.

Tuy nhiên, một đứa trẻ dưới 2 tuổi rất khó phân biệt hen phế quản và viêm phế quản. Bình thường một đứa trẻ trong 1 năm có thể có tới 6 lần bị viêm phế quản.

Đầu tiên, trẻ bị viêm phế quản đơn thuần thường dưới 10 ngày theo từng đợt, giữa các đợt trẻ hoàn toàn bình thường.

Thứ hai, nếu mỗi đợt kéo dài hơn 10 ngày, và giữa các đợt không bình thường, thì cần phải suy nghĩ.

Thứ ba, mỗi đợt hơn 10 ngày, và giữa các đợt trẻ không lành (như khò khè, khó thở, tím tái, chàm, viêm mũi dị ứng, tiền căn hen) thì nên nghĩ đến hen.

Viêm phế quản nếu bội nhiễm phải dùng kháng sinh, nhưng hen phế quản không dùng kháng sinh. Kinh nghiệm của tôi là, khi cha mẹ nói rằng trẻ dừng thuốc thì bị lại thì nên nghĩ đến hen. Nếu chẩn đoán con nhỏ bị hen, điều trị theo hướng hen sẽ mang lại hiệu quả, trẻ không còn ho khò khè, khó thở, dù trẻ có bị viêm phế quản thì giữa các đợt sẽ được kiểm soát. Quan trọng nhất là trẻ không dùng kháng sinh.

Điểm khó cho các bác sĩ là, với trẻ dưới 2 tuổi không có phương tiện khách quan để chẩn đoán chính xác hen. Thứ hai, khi cho ra chẩn đoán hen, bản thân bác sĩ phải hết sức thận trọng vì cha mẹ rất sợ hãi và ngại ngần không chấp nhận chẩn đoán này. Thông thường bố mẹ sẽ nhờ bác sĩ coi lại chẩn đoán liệu thật sự trẻ có hen hay không.

Tuy nhiên phụ huynh cần hiểu rằng, hiện nay biến đổi khí hậu đang diễn ra từng phút từng giây. Trái đất nóng lên, lũ lụt, bão tố… làm độ ẩm cao hơn, các tác nhân, dị nguyên, nấm mốc có tính kháng nguyên mạnh hơn bình thường, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng… đây đều là những tác nhân thúc đẩy hen. Vì vậy, trẻ có thể không có tiền căn hen trong gia đình nhưng vẫn bị hen như thường.

Khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán hen thì rất mất thì giờ cho chẩn đoán này, ví dụ như bác sĩ phải tư vấn cho bố mẹ tránh các yếu tố nguy cơ gây hen cho con; hướng dẫn xịt thuốc, buồng đệm, cách dùng thuốc cắt cơn, thuốc ngừa cơn…

Khi khám đường hô hấp, bác sĩ sẽ có cây đè lưỡi và cây đèn để xem họng. Nếu họng đỏ, amidan sưng, có mủ, nghe phổi, nếu đường thở không có vấn đề sẽ khu trú trong viêm họng. Nhưng khu trú này rất mỏng manh, bởi gần như không có giới hạn. Vì vậy thường viêm đường hô hấp sẽ được gọi chung là viêm đường hô hấp trên, không chia ra từng vùng mũi, họng, đường dẫn khí bởi nó có mối liên quan với nhau.

Thân mến.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X