Hotline 24/7
08983-08983

Nên kiêng gì, ăn gì khi bị hội chứng ruột kích thích?

Câu hỏi

Em là nam 28 tuổi, cao 1m65, nặng 70kg. Gần 3 tuần qua em bị triệu chứng đau âm ỉ bụng trên rốn, có lúc tưng tức thượng vị, bụng hay sôi rột rột. Đặc biệt là em hay có cảm giác buồn đi cầu, một ngày đi 1-2 lần, phân lúc sệt lúc nát, có lúc đỏ (em không biết có phải máu không).

Em đi khám bệnh viện tỉnh 2 lần. Lần đầu là bác sĩ nội tổng hợp cho em soi đại trực tràng và siêu âm tổng quát bụng nhưng không phát hiện bất thường. Em uống thuốc mà không hết. Cách đây 3 hôm em quay lại bác sĩ khác khám vẫn chẩn đoán trào ngược + viêm dạ dày và hội chứng ruột kích thích.

Toa thuốc gồm Normagut; Opeverin và Dimonium 3g. Bác sĩ có xem kết quả nội soi dạ dày tá tràng cũ của em hồi ngày 1/2/2020 (gerd b l.a ; thân vị xung huyết ; Clo Hp -) thì BS nói không cần phải soi lại.

Hiện tại em hay âm ỉ vùng thượng vị, cảm giác nóng, lúc đau lúc không, khi đi cầu hoặc xì hơi được thì mới giải tỏa chút. AloBacsi ơi tại sao trong đầu em hay suy nghĩ tiêu cực nghĩ mình bị chứng bệnh gì đó bí ẩn và nguy hiểm? Em bất an lắm xin BS cho lời khuyên ạ.

(Bảo Tâm - lamthan...@gmail.com)

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp, thường gây ra rối loạn tiêu hóa, hay gặp nhất là đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón có liên quan đến thức ăn và tâm lý.

Chào em,

Biểu hiện của người mắc hội chứng ruột kích thích là thường xuyên phải đối mặt với các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, có thể bị táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai, thường sẽ dễ chịu hơn sau khi đi cầu hoặc xì hơi.

Triệu chứng mà em mô tả khá phù hợp với hội chứng ruột kích thích, trường hợp bác sĩ cho rằng chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở người trẻ và hay đi kèm với các biểu hiện trầm cảm, lo âu, stress, bệnh ít gây nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu về mặt tâm lý.

Người mắc hội chứng ruột kích thích cần quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Tránh ăn nhiều chất béo vì bữa ăn giàu chất béo có thể gây co thắt đại tràng mạnh, chuột rút và gây tiêu chảy. Trong thực đơn hàng ngày cũng cần hạn chế các đồ uống có gas, các loại rau cải như: cải bắp, súp lơ, bông cải xanh… vì các loại thực phẩm này dễ tạo khí, gây đầy hơi.

Có thể bổ sung men vi sinh để giảm các triệu chứng của bệnh bằng nhiều hình thức khác nhau như: ăn 1 - 2 cốc sữa chua/ngày, uống các chế phẩm sinh học có chứa men probiotics… Quan trọng nhất là cần tránh lo lắng, tái khám chuyên khoa Tâm Thần Kinh thường xuyên để điều chỉnh phác đồ cho phù hợp hơn em nhé!

Trân trọng!

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X