Hotline 24/7
08983-08983

Không ho ra máu, vì sao bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lao?

Câu hỏi

Em chào bác sĩ, Em ho và có hiện tượng sốt, giảm ký, mệt mỏi. Em đi khám xét nghiệm đờm thì bị chẩn đoán bệnh lao. Em đọc trên mạng thấy bệnh lao có thêm triệu chứng ho ra máu nhưng giờ thì em vẫn chưa gặp tình trạng này. Vậy là sao thưa bác sĩ? Em đang dùng thuốc trị lao, uống được 5 ngày nhưng ban đêm và buổi sáng em vẫn ho, chưa thuyên giảm gì. Bác sĩ cho em lời khuyên với ạ. Em cảm ơn. (N.T.N.Y - Gia Lai)

Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,

Không phải bệnh nhân lao nào cũng có ho ra máu. Em có các triệu chứng sốt, ho đàm, sụt cân, mệt mỏi, xét nghiệm đàm tìm thấy vi khuẩn lao thì có thể khẳng định chẩn đoán bệnh lao là phù hợp.

Em nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị lao, nên dùng thuốc đúng giờ, trước ăn sáng 1 giờ, không bỏ cữ thuốc để tránh kháng thuốc. Tốt nhất là điều trị theo Chương Trình Chống Lao Quốc Gia để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm từ từ, ho có thể kéo dài nhiều tháng do lao thường gây tổn thương nặng ở phổi và có thể để lại sẹo, bác sĩ sẽ đánh giá lại từng đợt sau 1-2 tháng, để quyết định tiếp tục phát thuốc hay tầm soát kháng thuốc cho em, em không nên quá lo lắng em nhé!

Bệnh lao phổi chỉ xuất hiện khi có đủ hai điều kiện: sức đề kháng của cơ thể giảm sút và bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây là những người bệnh lao mang nhiều vi trùng (trong chuyên môn còn gọi là lao phổi AFB(+))

Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể chúng ta ( chủ yếu qua đường hô hấp) - hiện tượng này gọi là cơ thể bị “nhiễm Lao”. Trong trường hợp sức đề kháng của cơ thể suy giảm, thường gặp trong các trường hợp như: mắc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch (nhiễm HIV/AIDS, tiểu đường…), dùng thuốc Corticoides kéo dài, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, người già, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai,… thì “nhiễm lao” sẽ trở thành “mắc bệnh” lao.

Ngoài việc dùng thuốc theo đúng phác đồ, vấn đề quan trọng là phải nâng cao thể chất và hạn chế tiếp xúc với nguồn lây.

Cụ thể là cần nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng (tránh dùng rượu bia có hại thêm cho gan, vì các thuốc điều trị lao vốn đã làm ảnh hưởng đến chức năng của gan), đồng thời phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân có thể làm giảm sức đề kháng cơ thể: tiểu đường, nhiễm HIV, các bệnh lý mạn tính dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài…

Song song với việc tầm soát các nguyên nhân trên, cần hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bằng cách: đeo khẩu trang khi nói chuyện, ho, hắt hơi, khi tiếp xúc với người xung quanh. Động viên những người thân sống chung với người bệnh hay những người mà thường tiếp xúc với họ, nhanh chóng đến các cơ sở Y tế khám khi có triệu chứng nghi lao như: ho kéo dài trên 2 tuần, sốt về chiều, sụt cân, đau ngực…

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X