Hotline 24/7
08983-08983

Khắc phục tật nói mớ khi ngủ như thế nào?

Câu hỏi

Bác sĩ ơi, Cháu đang học đại học năm nhất. Cháu nghe bạn cùng phòng kể lại là buổi tối ngủ nửa đêm cháu hay nói mớ, còn nội dung thì bạn bảo nghe không hiểu gì. Cháu thấy rất lo lắng, có cách gì để chữa không ạ?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Nói mớ khi ngủ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nói mớ khi ngủ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Hiện tượng nói trong giấc ngủ, dân gian thường gọi là nói mớ, là một trong các rối loạn của giấc ngủ. Người ngủ có thể nói mớ ở bất kỳ giai đoạn nào của giấc ngủ và không ý thức được hành vi cũng như ngôn từ của mình.

Lúc mới bắt đầu ngủ, nội dung nói mớ có thể hiểu được, có khi là những từ đơn độc, có khi giống như cuộc đối thoại, thường liên quan đến các sự kiện ban ngày gây ấn tượng mạnh, các mối quan hệ, tình cảm đã qua. Khi giấc ngủ càng sâu thì nói mớ thường có thể là những tiếng rên rỉ, lầm bầm, không rõ nghĩa. Càng về cuối giấc ngủ, nói mớ thường kết hợp với các cử động.

Nói mớ thường gặp nhất ở trẻ em và tự hết. Nói mớ có thể xuất hiện ở người trưởng thành, có khi mang tính chất gia đình, có khi được gây ra do các nguyên nhân như tình trạng stress, trầm cảm, sốt, thiếu ngủ, lạm dụng chất (rượu, các chất gây nghiện…).

Nói mớ có thể được xem là lành tính và không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra hầu như mỗi đêm trong thời gian dài và gây gián đoạn giấc ngủ của người bên cạnh hoặc diễn ra đồng thời với các rối loạn giấc ngủ khác như cơn động kinh, cơn hoảng loạn trong giấc ngủ, hội chứng ngưng thở trong khi ngủ và các rối loạn hành vi trong giấc ngủ thì cần phải tìm và điều chỉnh nguyên nhân chính nằm bên dưới, nếu không có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người nói mớ.

Với tình trạng của mình, em cho biết đã diễn ra khá thường xuyên và từ lâu. Như vậy, em nên ghi chú lại nhật kí giấc ngủ như giờ giấc đi ngủ, vào giấc ngủ, thức giấc; nhờ người ngủ chung bổ sung các thời điểm nói mớ, nội dung cũng như các biểu hiện khác kèm theo.

Nếu chỉ là tình trạng nói mớ đơn thuần, trước mắt em có thể tự điều chỉnh bằng cách sắp xếp lại công việc và sinh hoạt sao cho có đủ thời gian ngủ nghỉ, giảm bớt stress, tránh các thức uống có chất kích thích như rượu, cà phê, nước ngọt,… tránh ăn quá no hay làm việc trí óc căng thẳng trước khi ngủ, nên tập thể dục đều đặn, giải trí, thư giãn nhẹ nhàng vào buổi tối.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ban ngày của em như mệt mỏi, kém tập trung, hay quên, dễ cáu gắt… và những cách tự điều chỉnh trên không có hiệu quả, em nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều chỉnh phù hợp.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Nói mớ là một loại rối loạn giấc ngủ, người ngủ mơ thường không nhận thức được mình đang nói chuyện. Nói mơ biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào sự thay đổi sinh lý và tâm lý. Họ thường nói những câu không đầy đủ, lộn xộn, sai ngữ pháp hoặc thậm chí có khi còn lầm bầm, có người khi được hỏi sẽ nói tiếp, có người chỉ nói một câu rồi thôi...

Hiện tượng nói khi mơ là sự phản ánh các mong muốn và nhu cầu của chúng ta mà khi thức ta không làm được hoặc không dám làm. Điều này có thể được thể hiện khi ngủ mơ nhưng còn tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của cháu khi đó. Thường thì khi sức khỏe yếu hơn, điều này sẽ được thể hiện rõ rệt hơn. Nó phản ánh các vấn đề tâm lý mà chúng ta đang gặp phải.

Trong giai đoạn ngủ mơ, những giấc mơ thường xuất hiện và hoạt động nói bắt đầu xảy ra, một vài từ ngữ đặc trưng trong giấc mơ sẽ nhanh chóng được chuyển về miệng và dây thanh, từ đó mà phát ra thành tiếng.

Nói mơ cũng có thể xuất hiện trong quá trình “thức tạm thời”, lúc người ta đang ở tình trạng nửa tỉnh nửa mơ và khi có dấu hiệu của sự tỉnh táo xen vào thời gian ngủ, cho phép chúng ta nói chuyện (nhưng là những câu chuyện vô nghĩa).

Một số trường hợp gặp phải tình trạng rối loạn nặng còn bị mộng du, nói mơ liên tục, vung tay vung chân, đái dầm...

Ngủ mơ là hiện tượng sinh lý bình thường, hiện tượng này gặp ở nhiều người, có người nói ít, có người nói nhiều... Trong giấc ngủ, cơ thể bạn có thể có những biến đổi như nhịp thở nhanh lên, hoạt động của vỏ não tăng, cơ mắt cử động nhanh, giãn cơ... Khi cơ thể mệt mỏi, thần kinh căng thẳng... vỏ não không bị ức chế hoàn toàn, giấc mơ mới xuất hiện, có người khi mơ nói ra thành tiếng, gọi là mơ nói. Mơ nói, còn là một rối loạn giấc ngủ. Một người có thể nói chuyện khi đang ngủ nhưng lại không nhận thức được mình đang nói chuyện... điều này tùy thuộc vào sự thay đổi sinh lý và tâm lý.

Có nhiều nguyên nhân có thể khiến một người nói mơ khi ngủ, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

- Các yếu tố môi trường: Căng thẳng, trầm cảm, sốt, thiếu ngủ đều có thể dẫn đến nói mơ khi ngủ. Nếu bạn có các vấn đề liên quan đến rối loạn stress sau sang chấn thì bạn sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ cũng như nói mơ khi ngủ nhiều hơn.

- Di truyền: Nếu bố mẹ có hiện tượng nói mơ khi ngủ thì con của họ cũng sẽ có nguy cơ nói mơ khi ngủ cao hơn.

- Rối loạn giấc ngủ: Nếu bạn đang có các vấn đề về rối loạn giấc ngủ khác như: ngưng thở khi ngủ, ngủ không sâu, rối loạn hành vi khi ngủ hoặc hay gặp ác mộng thì bạn cũng có thể sẽ nói mơ khi ngủ.

- Rối loạn giấc ngủ dẫn đến nói mơ.

- Bệnh tâm thần: Ở người trên 25 tuổi bị nói mơ khi ngủ có thể có liên quan đến bệnh tâm thần hoặc một số bệnh về thần kinh. Tuy nhiên, điều này không phổ biến.

- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ khiến bạn nói mơ khi ngủ. Ví dụ như thuốc montelukast (Singulair) dùng trong điều trị bệnh hen suyễn có thể dẫn đến sự phát triển của chứng rối loạn giấc ngủ gây nói mơ khi ngủ hoặc mộng du.

Hiện tại chưa có tài liệu nào có thể khẳng định nói mơ là một dạng bệnh lý tâm thần. Tuy nhiên, nói mơ khi ngủ có thể gây nên những bất tiện, như làm mất giấc ngủ của người khác hoặc nói điều gì đó gây hiểu lầm không hay.

Nói mơ thường xuyên còn có thể là triệu chứng của bệnh rối loạn giấc ngủ. Nó thường xảy ra khi chúng ta bị áp lực. Ngoài ra, nói mơ liên tục còn có thể là triệu chứng của bệnh về tim mạch. Khi mắc bệnh về tim mạch, tuần hoàn máu không tốt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra tình trạng nói mơ.

Để khắc phục, những người có tật nói mơ khi ngủ cần:

- Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế làm việc căng thẳng, mệt mỏi.

- Bảo đảm ngủ đủ giấc.

- Chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm nâng cao sức khỏe.

- Duy trì một lối sống lành mạnh, dành thời gian thư giãn, hạn chế suy nghĩ nhiều để tránh các áp lực tâm lý.
- Thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể, thể thao lành mạnh để có được một tinh thần thoải mái.

- Trước khi ngủ nên hạn chế xem các phim kinh dị, tâm lý nặng nề gây ám ảnh.

Khi các biện pháp này không hiệu quả, hãy gặp bác sỹ tâm lý để có lời khuyên và biện pháp chữa trị hiệu quả.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X