Hotline 24/7
08983-08983

Huyết áp tăng, run tay chân là biểu hiện của bệnh lý nào?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, Mẹ của em 45 tuổi, gần đây có dấu hiệu đến buổi tối từ chập tối, đến 12g khuya là tay chân run, huyết áp có lúc tăng cao đến 18-19. Khi đến bệnh viện thì bác sĩ ở bệnh viện chỉ cho uống thuốc hạ huyết áp, tuy nhiên huyết áp tăng giảm liên tục trong đêm kèm theo run tay chân. Tình trạng này cũng đã kéo dài 1 tuần nay rồi ạ. Xin hỏi bác sĩ, đây là triệu chứng của bệnh gì và cách điều trị ra sao ạ? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Triệu chứng run tay chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Triệu chứng run tay chân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Các triệu chứng hồi hộp, tim đập nhanh, tay chân run, huyết áp tăng cao là dấu hiệu tăng hoạt của hệ giao cảm (còn gọi là cường giao cảm). Tình trạng này có thể gặp trong một số bệnh lý liên quan đến hệ nội tiết như cường giáp, u tuỷ thượng thận, bệnh của hệ thần kinh thực vật…

Trong một số trường hợp, hiện tượng tăng hoạt giao cảm chỉ xảy ra khi gặp phải những chuyện gây lo lắng, sợ hãi - vấn đề này liên quan nhiều đến chuyên khoa Tâm thần kinh hơn.

Do đó, bạn cần đưa mẹ đến khám ở bệnh viện chuyên khoa Tim mạch và Nội tiết để tầm soát nguyên nhân và điều trị bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Cường giao cảm là một chứng bệnh lành tính không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Người mặc chứng bệnh cường giao cảm thường rơi vào tình trạng hồi hộp, lo lắng quá mức đứng trước một sự việc bất ngờ hay một sự việc đã được báo trước, khi đứng trước đám đông, khi thay đổi cảm xúc (vui, buồn, hờn, giận dữ, sợ hãi..).

Người bệnh cảm thấy tim đập nhanh, trống ngực, khó thở, vã mồ hôi, chân tay run lẩy bẩy, đôi khi bệnh nhân đau tim do co thắt mạch vành. Các triệu chứng kèm theo: mất ngủ, rụng tóc, da khô, hư móng, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tình dục.

Cơn cường giao cảm xuất hiện và kết thúc không theo quy luật và không liên quan gắng sức. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bật dạy trong đêm thở hổn hển, hoảng hốt, sợ hãi; họ còn cho rằng đất xấu, nhà có ma,….

Tình trạng tim đập nhanh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như suy tim, tăng huyết áp. Co thắt mạch vành làm bệnh nhân đau ngực (như nhồi máu cơ tim cấp).

Những người cường giao khi gặp stress quá mức, sốc tâm lý cũng có nguy cơ  mắc  “Hội chứng trái tim tan vỡ” cao hơn người bình thường. Mất ngủ kéo dài làm gia tăng biến cố tim mạch, tiểu đường, giảm hiệu suất lao động, trầm cảm và lo âu.

Nhiều người cảm thấy triệu chứng xảy ra bất thường quá giống như giả đò nên có thái độ trầm cảm và nghĩ rằng mình bị rối loạn tâm thần nên đến chuyên khoa tâm thần. Hơn nữa, việc lo lắng hồi hộp quá sức làm người bệnh ngại tiếp xúc đám đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập và làm việc, từ đó dẫn đến căng thẳng, stress, trầm uất, là tiền thân cho nhiều bệnh lý khác ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng biểu hiện của bệnh chỉ gây ra khó chịu cho người bệnh và kéo dài làm thay đổi tâm lý. Do tính chất không nguy hiểm nên người bệnh thường không được quan tâm đúng mức, bị từ chối điều trị và càng làm cho bệnh nhân lo lắng. Vì vậy để điều trị chứng cường giao cảm phải phối hợp tốt giữa bệnh nhân và y bác sĩ.

Về phía y bác sĩ phải thông cảm và sẻ chia với người bệnh, làm cho người bệnh hiểu đây chỉ là một căn bệnh lành tính có thể điều trị khỏi hoàn toàn, quan tâm chữa trị như những bệnh nhân khác, để bệnh nhân an tâm, thoải mái, giải tỏa lo lắng giúp bệnh tình thuyên giảm nhanh hơn.

Về phía bệnh nhân, cần lưu ý những điều sau:

- Bệnh có thể tự mất đi mà không cần điều trị gì

- Tránh xúc động hay căng thẳng quá mức. Không nên xem phim hành động hay đọc tiểu thuyết lâm li bi đát.

- Không thức khuya

- Không sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, hút thuốc lá,... Không ăn uống thái quá, ăn nhiều rau quả tươi

- Tập thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày, đi bộ là môn thể thao đơn giản và hữu hiệu với sức khỏe.

- Bổ sung vitamin nhóm B và C

- Giữ tinh thần thoải mái lạc quan, rèn luyện sự kiên nhẫn và bình tĩnh trong mọi tình huống

- Khi bạn xúc động quá mạnh, quá khó chịu, tâm đập dồn dập, mất ngủ; bạn nên đến bác sĩ để thăm khám và sử dụng thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc không theo y lệnh của bác sĩ.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X