Choáng có thể là dấu hiệu chung của nhiều bệnh cần được thăm khám để BS chẩn đoán kịp thời
Chào bạn,
Choáng, xây xẩm, chóng mặt khi thay đổi tư thế khá thường gặp, thường liên quan tới sự giảm tưới máu não đột ngột, thoáng qua.
Về nguyên nhân có thể do thiếu máu, bệnh lý của tim, thần kinh hoặc mạch máu.
Nếu không phát hiện các bệnh lý kể trên qua thăm khám có thể nghi ngờ hạ huyết áp tư thế.
Bình thường, để đảm bảo lượng máu nuôi não ổn định thì cơ thể phải có cơ chế điều hoà huyết áp và áp lực máu nuôi não, đặc biệt khi thay đổi tư thế.
Do đó, nếu nằm hoặc ngồi trong một khoảng thời gian kéo dài, sau đó đứng lên đột ngột có thể dẫn đến mờ mắt, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn thậm chí là ngất xỉu. Hiện tượng này được gọi là hạ huyết áp tư thế.
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ huyết áp tư thế cấp bao gồm giảm thể tích máu do thiếu nước, thiếu máu, do thuốc, bất động trên giường kéo dài, suy thượng thận...
Nếu các triệu chứng này chỉ xảy ra thoáng qua, không thường xuyên là dấu hiệu nhẹ, có thể bị kích hoạt do thiếu nước, đói hoặc thời tiết quá nóng, chỉ cần loại bỏ các yếu tố này thì sẽ không gây khó chịu.
Bạn nên bổ sung đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh suy nghĩ, lo lắng quá nhiều, tăng cường tập thể dục thể thao và chế độ dinh dưỡng cân bằng để hạn chế xảy ra tình trạng tụt huyết áp tư thế.
Tuy nhiên nếu choáng, chóng mặt xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở người lớn tuổi thì nên khám chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân khác bạn nhé!