Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng Raynaud là gì, triệu chứng thế nào và điều trị ra sao?

Câu hỏi

Em chào bác sĩ,

Bác sĩ có thể cho em hỏi tình trạng bị như hình đính kèm là nguyên nhân do đâu ạ: Biểu hiện như sau:

+ Do mang giày đi làm cả ngày và đứng nhiều, nên tối về nhà tháo giày ra nó sẽ bị trắng như trong hình đính kèm.

+ Sau khi thức dậy buổi sáng, vết màu trắng sẽ chuyển sang màu đỏ sậm.

+ Rát và đau khi di chuyển.

Mong nhận được phản hồi từ bác sĩ.

(Lan Phạm - ptkl...@gmail.com)

Trả lời

Khi gặp lạnh hoặc căng thẳng, ngón tay, ngón chân của người mắc hội chứng Raynaud thường chuyển sang màu trắng, sau chuyển sang màu xanh, đỏ tím và sưng lên (Ảnh minh họa)

Xin chào bạn,

Theo như hình ảnh bạn gửi, bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán 70% đó là sự co thắt mạch máu khu trú vùng chân, (hội chứng Raynaud) nhưng đây là hình ảnh không điển hình.

Hội chứng Raynaud là tình trạng bệnh lý co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc các tình huống căng thẳng, giảm lưu lượng máu đến cung cấp cho các mô và tế bào. Ngón tay, ngón chân, tai, núm vú và chóp mũi là những vùng bị ảnh hưởng phổ biến nhất trong bệnh Raynaud với các biểu hiện lâm sàng như: thay đổi màu sắc da từ hồng hào sang trắng hoặc tím xanh, dị cảm, tê rần da, thay đổi cảm giác,… biến chứng hoại tử có thể xuất hiện nếu tình trạng co thắt mạch diễn ra trong thời gian dài.

Maurice Raynaud (1834 - 1881) là tên của một bác sĩ người pháp mô tả bệnh lần đầu tiên vào năm 1862 nên tên của ông được đặt cho tên của bệnh. Hội chứng Raynaud xảy ra trong khoảng 4% dân số, phổ biến hơn ở nữ giới. Độ tuổi thường khởi phát bệnh rơi vào khoảng 15 đến 30 tuổi. Bệnh thường gặp ở những khu vực có khí hậu lạnh.

Hội chứng Raynaud được phân loại thành hai nhóm:

- Raynaud nguyên phát: gọi được gọi là bệnh Raynaud. Đây là nhóm thường gặp và ít nghiêm trọng hơn.

- Raynaud thứ phát: dạng này tuy không phổ biến như Raynaud nguyên phát nhưng có các biểu hiện nặng nề hơn và thường xảy ra ở nhóm người lớn tuổi.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra dạng Raynaud nguyên phát vẫn chưa được biết rõ. Ngược lại, đối với nhóm Raynaud thứ phát, bất kỳ bất thường nào liên quan đến mạch máu và các dây thần kinh chi phối mạch máu đều có thể dẫn tới hội chứng Raynaud. Nhiều bệnh lý nền đã được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh như:

- Xơ cứng bì: đây là một bệnh lý liên quan đến mô liên kết, trong đó xuất hiện các tổn thương xơ cứng và sẹo trên da, cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng.

- Lupus: là một bệnh lý tự miễn, ảnh hưởng đến toàn thân, bao gồm cả da và các mạch máu.

- Các bệnh lý rối loạn về máu như cryoglobulinemia và đa hồng cầu;

- Hội chứng Sjogren: thường đi kèm với xơ cứng bì hay lupus.

- Bệnh Buerger: bệnh lý tự miễn liên quan đến tình trạng viêm các mạch máu vừa và nhỏ ở các vùng chi.

- Bệnh lý tuyến giáp

- Các hành động lặp đi lặp lại làm tổn thương động mạch ở tay và chân như đánh máy, chơi piano.

- Chấn thương ở tay, chân cũng có thể dẫn đến hội chứng Raynaud.

- Chất hóa học: Phơi nhiễm với một số chất hóa học như vanyl cloric có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng Raynaud.

- Hút thuốc lá: chất nicotine trong thuốc lá có thể gây ra hội chứng Raynaud.

- Thuốc: các thuốc giảm đau đầu hay nhóm thuốc điều trị ung thư, dị ứng, ăn kiêng, thuốc tránh thai và thuốc chẹn beta có thể gây ra hội chứng Raynaud.

Hội chứng Raynaud có các biểu hiện lâm sàng không giống nhau giữa các người bệnh, thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ, tần suất và khoảng thời gian xảy ra các đợt co thắt mạch.

Triệu chứng của bệnh bao gồm:

- Thay đổi màu sắc da ở vị trí bị ảnh hưởng: khi gặp lạnh hoặc căng thẳng, mạch máu co thắt làm giảm lượng máu lưu thông nên da ngón tay, ngón chân thường chuyển sang màu trắng, sau chuyển sang màu xanh, đỏ tím và sưng lên. Tai, chóp mũi hay núm vú là những khu vực khác có thể bị ảnh hưởng cùng với tay và chân. Biến đổi màu sắc da không nhất thiết phải trải qua theo thứ tự hay đầy đủ cả ba màu kể trên. Những người bệnh khác nhau sẽ có các thay đổi màu sắc da khác nhau. Về sau khi tuần hoàn lưu thông trở lại các ngón sẽ khôi phục lại màu sắc như bình thường kèm theo cảm giác nóng rát.

- Rối loạn cảm giác: những khu vực bị ảnh hưởng sẽ có cảm giác tê, dị cảm hay đau nhức, xảy ra song song với sự thay đổi màu sắc da.

- Loét và hoại tử: nếu quá trình co thắt mạch máu lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến việc thiếu máu nuôi dưỡng các khu vực bị ảnh hưởng, cuối cùng sinh ra các vết loét da và hoại tử. Lúc này việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Dấu hiệu này hiếm khi xảy ra.

Những bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud thứ phát còn phải đối diện với các triệu chứng lâm sàng khác của bệnh lý nền gây ra nó.

Các biện pháp có khả năng dự phòng và kiểm soát các đợt cấp xuất hiện như:

- Giữ ấm cơ thể, nhất là các khu vực ngoại vi phải tiếp xúc nhiều với môi trường ngoài như tay, chân, vùng mặt. Vào mùa lạnh cần mang găng tay, tất ấm và đội mũ khi đi ra ngoài, không để cơ thể bị lạnh vì không khí lạnh là yếu tố khởi phát các đợt co thắt mạch máu gây ra các biểu hiện lâm sàng.

- Hạn chế tắm nước lạnh

- Khi chế biến các thực phẩm đông lạnh nên mang găng tay, tránh dùng tay tiếp xúc trực tiếp.

- Di chuyển đến những vùng có khí hậu ấm: người mắc hội chứng Raynaud nặng nên cân nhắc đến việc chuyển đến sinh sống ở nơi nóng ấm hơn.

- Không hút thuốc lá

- Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian dùng thuốc nếu có các dấu hiệu bất thường xuất hiện cần báo lại ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

Tóm lại, hãy đến chuyên khoa tim mạch kiểm tra 1 lần và có hướng theo dõi nhé bạn.

Thân ái chào bạn.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X