Hotline 24/7
08983-08983

Hay cáu gắt, khó chịu với người yêu, em nên làm sao thưa BS?

Câu hỏi

Chào BS, Em đang là sinh viên. Khoảng 1 năm nay em thường xuyên cảm thấy cáu gắt, thường là với người yêu. Hễ bạn đó nói gì em cũng thấy khó chịu, kiểu giỡn với em hơi quá 1 chút, em hay cáu lên và dùng những từ nặng lời, đánh bạn ấy, hoặc cắn, lấy bút đâm vào tay bạn, đập đồ đạc. Bạn ấy có xin lỗi thì vẫn cảm thấy khó chịu. Nếu bạn ấy cãi lại em thì em lại càng khó chịu hơn nữa. Những hành vi này trước giờ không hề có với em, và lúc sự việc xảy ra dù em có cố gắng kiềm chế cảm xúc nhưng không thể, cảm giác rất khó chịu. Có lúc kiềm chế được thì em cũng tự tủi thân, bực tức rồi nằm khóc.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Em hay cáu gắt, khó chịu với người yêu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Em hay cáu gắt, khó chịu với người yêu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Em thân mến,

Trạng thái tinh thần dễ cáu gắt, bực bội có thể không phải là bệnh (như do áp lực trong cuộc sống dồn nén gây nên), cũng có thể là bệnh (do bệnh lý như bệnh gan, thận, nội tiết, rối loạn tâm thần...). Nếu em chỉ có cáu gắt với mỗi người yêu của em thì đó không phải là bệnh mà vấn đề nằm ở tình cảm của em dành cho người yêu em, bạn em càng thương em, nhường em hay “nhu nhược quá”, hay “đeo bám quá” thì sẽ càng làm em khó chịu. Trường hợp em cáu gắt với tất cả mọi người, mọi chuyện xung quanh thì vấn đề nằm ở chính cơ thể em.

Trước hết em nên áp dụng thử các phương pháp giúp trầm tính lại, như đi chùa/nhà thờ, tập thể dục thể thao, không cafe bia rượu, điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt - làm việc - nghỉ ngơi cho hợp lý, không ăn đồ cay nóng nữa, uống nhiều nước, đặc biệt là nước mát.

Nếu sự việc không cải thiện thì em cần đến BV để kiểm tra sức khỏe toàn diện, nên khám ở chuyên khoa Nội thần kinh hoặc chuyên khoa Nội tiết, nếu BS loại trừ được bệnh lý thực thể thì sẽ chuyển sang chuyên khoa Tâm thần để điều trị.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, bao gồm tâm lý trị liệu và thuốc khi cần, em nhé.

Thân ái.

Mời tham khảo thêm:



Sức khỏe tinh thần bao gồm sự khỏe mạnh về cảm xúc, tâm lý, khả năng nhận thức và giao tiếp xã hội. Cũng như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của bạn có thể bị tổn thương do các bệnh tâm lý – thần kinh. Đây là một bệnh ảnh hưởng đến não bộ của bạn bằng cách gây ra một sự mất cân bằng hóa học. Chúng có thể gây rối loạn nhẹ đến nghiêm trọng trong cách bạn suy nghĩ, cảm nhận, hành động và cách bạn cảm nhận được con người và sự kiện trong cuộc sống của bạn. Bệnh tâm lý – thần kinh có thể là một tình trạng mãn tính, nhưng có thể được kiểm soát với sự giúp đỡ của bác sĩ.

Một số trong những rối loạn thường gặp là: trầm cảm lâm sàng (hay thường gọi là trầm cảm), rối loạn lưỡng cực, lo âu, stress sau chấn thương (PTSD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), và loạn thần. Một số bệnh tâm lý – thần kinh tập trung vào vài nhóm bệnh nhân nhất định, chẳng hạn như trầm cảm sau sinh chỉ xảy ra ở các bà mẹ mới sinh con.

Sức khỏe tinh thần của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trong cuộc sống để lại một tác động lớn đến tính cách và hành vi của bạn. Những sự kiện như bạo hành gia đình hoặc lạm dụng trẻ em, hoặc căng thẳng nặng nề kéo dài. Bệnh này làm thay đổi cách chúng ta đương đầu với căng thẳng, quan hệ với những người khác, và đưa ra những lựa chọn. Nó có thể dẫn đến những suy nghĩ bạo lực và tự hại. Vì lý do này, sức khỏe tâm thần của bạn đóng vai trò vô cùng quan trọng ở mọi giai đoạn của cuộc sống, từ thời thơ ấu và niên thiếu qua tuổi trưởng thành.

Việc kiểm soát bệnh tâm lý - thần kinh bao gồm bốn khía cạnh:

- Bạn nên tìm hiểu những thông tin về cách duy trì sức khỏe tinh thần của bạn và đưa ra những lựa chọn lành mạnh hỗ trợ sức khoẻ thể chất và tinh thần;
- Bạn cần phải trao đổi với gia đình, bạn bè và đội ngũ y tế để hỗ trợ bạn xây dựng môi trường sinh hoạt ổn định và an toàn;
- Bạn nên tham gia vào các hoạt động hàng ngày, hoặc tình nguyện, chăm sóc cho gia đình của bạn, hoặc tham gia các hoạt động sáng tạo. Đừng quên tiếp tục với công việc của bạn để có thể hỗ trợ về tài chính;
- Bạn có thể tham gia các nhóm để xây dựng các mối quan hệ bạn bè và là một phần của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, bạn có thể đạt được bốn mục tiêu trên bằng cách:

- Nhờ sự giúp đỡ chuyên gia nếu bạn cảm thấy cần được hỗ trợ tư vấn;
- Kết nối với những người khác;
- Duy trì sự lạc quan;
- Tham gia các hoạt động thể chất;
- Giúp đỡ người khác;
- Ngủ đủ giấc;
- Tăng cường các kỹ năng đối phó với căng thẳng, áp lực.

Khi mắc bệnh, bạn có thể cảm thấy vô vọng và không xứng đáng. Nhưng những khó khăn, áp lực có thể làm cho con người mạnh mẽ hơn. Bước đầu tiên để cải thiện tình trạng của bạn là thừa nhận bạn cần đến sự hỗ trợ y tế. Bạn có thể không cảm thấy sự cải thiện tâm trạng ngay lập tức nhưng bạn sẽ thấy có niềm tin, có hy vọng mình sẽ khỏe mạnh hơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X