Hotline 24/7
08983-08983

Em bị ung thư tuyến giáp, liệu có thể kết hôn không BS?

Câu hỏi

Chào BS, Em năm nay 26 tuổi, phát hiện bệnh ung thư K giáp và đã mổ năm 2013. Hiện nay đang điều trị thuốc I131, mỗi năm uống thuốc 1 lần, và thuốc Levothyrocine. Năm nay em dự tính kết hôn, BS cho em hỏi, bệnh này có thể điều trị khỏi hoàn toàn được không? Thời gian sống của bệnh này là bao lâu? Em chân thành cảm ơn BS.

Trả lời
Ung thư tuyến giáp có được kết hôn? Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ung thư tuyến giáp có được kết hôn? Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Ung thư tuyến giáp có hai loại:

- Ung thư dạng nhú: Có thể chữa khỏi hoàn toàn sau 5-10 năm (thường gặp).

- Ung thư dạng tủy: Mức độ ác tính cao hơn, tiên lượng xấu hơn.

Trường hợp của em, nhiều khả năng là ung thư dạng nhú nên điều trị thường kết hợp mổ, xạ trị và uống Levothyroxin. Thông thường xạ chỉ cần vài đợt và sau đó là uống Levothyroxin.

Em có thể kết hôn bình thường nhưng nếu muốn có con thì không chỉ định xạ hoặc em chờ sau khi xạ từ 6-12 tháng. Ngoài ra, cần nhớ là phải duy trì Levothyrox liên tục kể cả khi có thai. Em cần đến BS chuyên khoa Nội tiết để tư vấn trước khi mang thai

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp. Tuyến giáp nằm ở cổ, có vai trò tạo ra hormone kiểm soát sự trao đổi chất. Tế bào ở tuyến giáp được gọi là tế bào nang và tế bào cận nang.

Ung thư bắt nguồn từ tế bào nang gọi là ung thư thể nhú, ung thư nang và ung thư không biệt hóa. Ung thư thể nhú là loại thường gặp nhất, xuất hiện ở những người trẻ. Ung thư nang thường xuất hiện ở người già. Ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị.

Nếu ung thư bắt đầu từ tế bào cận nang thì gọi là ung thư mô tủy. Ung thư tủy thường xuất hiện dưới dạng ung thư độc lập hoặc trong gia đình, theo dạng di truyền.

Thông thường, ung thư tuyến giáp khi mới khởi phát sẽ không có dấu hiệu và triệu chứng nào. Nếu có, dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khối u tuyến giáp. Khi ung thư phát triển, bệnh thường lây lan đến các bộ phận gần đó và khiến bệnh nhân bị khàn tiếng, khó nuốt, sưng tuyến bạch huyết và đau cổ.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Ung thư tuyến giáp gây ra bởi những thay đổi trong các tế bào trong tuyến giáp. Hiện nay chưa rõ lý do chính xác tại sao điều này xảy ra. Tất cả các loại ung thư bắt đầu với một sự thay đổi trong ADN của tế bào. Sự thay đổi trong ADN làm cho sự tái tạo các tế bào không kiểm soát được, tạo ra một sự tăng trưởng của mô gọi là bướu (khối u).

Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với chất phóng xạ cũng là nguy cơ rủi ro dẫn đến bệnh ung thư này, đặc biệt là ở trẻ em được điều trị bằng liệu pháp xạ trị ở đầu, cổ hay ngực trong suốt khoảng thời gian còn là trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ. Bệnh ung thư tuyến giáp không truyền nhiễm.

Phương pháp chữa trị phụ thuộc vào sự phát triển của ung thư, bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Phẫu thuật bao gồm cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp. Nếu toàn bộ tuyến giáp được cắt bỏ, bạn sẽ cần uống thuốc thay thế tuyến giáp suốt đời. Nếu chỉ cắt bỏ một phần, bạn cần uống hormone để ngăn chặn sự phát triển ung thư của mô giáp còn lại.

Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể yêu cầu dùng i-ốt phóng xạ để điều trị sự lây lan của ung thư. Tuy nhiên, chất này có thể tiêu diệt các tế bào bình thường lẫn tế bào ung thư. Biến chứng của việc phẫu thuật bao gồm tổn thương ở dây thanh quản.

Bác sĩ có thể sẽ áp dụng phương pháp hóa trị nếu các phương pháp khác không hiệu quả.

Bạn nên nhớ rằng càng sớm phát hiện ung thư, càng có nhiều cơ hội chữa lành. Nếu bạn đã được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, cần hạn chế sự lan rộng của khối ung thư để việc chữa trị dễ dàng hơn. Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến giáp:

- Liên hệ với bác sĩ nếu bạn cảm thấy có bướu ở cổ hay khàn giọng
- Tìm một bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm trong việc phẫu thuật tuyến giáp
- Uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ.

Trong trường hợp thuốc quá mạnh hoặc quá yếu đối với cơ thể, các triệu chứng sau có thể xảy ra:

- Liều thuốc quá mạnh: run tay, tiêu chảy, đổ mồ hôi hay hồi hộp
- Liều thuốc quá yếu: xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh, bị khàn giọng hoặc bị táo bón

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.


ThS.BS Võ Tuấn Khoa
Khoa Nội tiết - BV Nhân dân 115


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X