Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị suy giãn tĩnh mạch như thế nào?

Câu hỏi

Thưa BS, Chân tôi bị đau, nổi gân xanh, đi khám BS chẩn đoán ban đầu là suy giãn tĩnh mạch. BS cho tôi hỏi bệnh này có nguy hiểm gì không và điều trị như thế nào? Mong được BS chia sẻ!

Trả lời
TS.BS Nghiêm Phương Thảo
TS.BS Nghiêm Phương Thảo

Chào bạn,

Những dấu hiệu trên cùng với chẩn đoán cho thấy bạn bị suy giãn tĩnh mạch. Đây là căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, tuy không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nặng. Phương pháp để điều trị là can thiệp với laser nội tĩnh mạch. Đây là phương pháp ít xâm lấn điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả nhất hiện nay. Tính ưu việt của phương pháp này là có khả năng loại bỏ hầu hết các triệu chứng bệnh giãn tĩnh mạch như đau nhức, nặng nề, nổi gân xanh chỉ với thủ thuật đơn giản. Bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau đớn, xuống sức sau ca mổ bởi trước đây, khi điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bệnh nhân phải phẫu thuật rất phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn, nhưng nguy cơ tái phát rất cao. Còn can thiệp nội mạch sẽ rất nhẹ nhàng, có thể xuất viện sau 1 ngày, không gây biến chứng và gần như không tái phát. Đây là kỹ thuật hiện đại được ứng dụng tại Trung tâm Can thiệp mạch máu BV Quốc tế City trong những năm gần đây.

Thông tin về bệnh suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính, thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa các cơ quan theo tuổi tác. Nhưng hiện nay nó cũng đang xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới.

Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả , gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Hậu quả là làm gia tăng áp lực bên trong hệ tĩnh mạch chân và gây ra các biểu hiện lâm sàng. Các biểu hiện này từ mức độ nhẹ như giãn các tĩnh mạch trong da, giãn các tĩnh mạch nông cho đến mức độ nặng như: phù chân, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút, các biến đổi da, loét do nguồn gốc tĩnh mạch.  Những người có nguy cơ cao mắc là: phụ nữ trong độ tuổi 35 -50, làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều.

Các phương pháp điều trị kết hợp

Sử dụng vớ y khoa trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là một phần quan trọngbên cạnh việc sử dụng các loại thuốc tăng sức bền thành mạch, chống viêm và chống thoát dịch v.v…Vớ y khoa có tác dụng tăng sức ép của cơ, ép vào thành tĩnh mạch tránh tĩnh mạch bị dãn ra nhiều và gây ứ trệ dòng máu trở về tim gây phù, đau chân và chuột rút. Trong hai loại, băng ép và vớ y khoa thì vớ y khoa tốt hơn băng ép vì dễ sử dụng và lực ép lên trên thành tĩnh mạch được phân bố đồng đều. Vớ y khoa nên đi vào ban ngày, lúc làm việc và đi lại nhiều. Còn buổi tối, nghỉ ngơi người bệnh có thể bỏ vớ ra được.

Chích xơ tĩnh mạch: Chất chích xơ khi vào lòng mạch sẽ tạo thành một phản ứng viêm, tác động vào thành mạch giống như một chất keo dán dính, làm phá hủy tĩnh mạch, có tác dụng tại chỗ. Chất gây xơ không đi đến vị trí khác mà chỉ khu trú ở vị trí muốn điều trị, không đi về tim làm nghẽn mạch máu ở tim. Điều trị bằng gây xơ tĩnh mạch an toàn, không có biến chứng lâu dài. Biến chứng tại chỗ là đau, viêm tĩnh mạch, viêm mô dưới da.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>> Suy tĩnh mạch nông và sâu hai chi dưới, có được xông hơi thuốc?

>> Đứng lâu dẫn đến suy tĩnh mạch chi dưới

Giãn tĩnh mạch (hay còn gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính) là các tĩnh mạch phình ra nổi lên gần bề mặt da. Tĩnh mạch mang máu từ các mô và tế bào trở lại tim và phổi, nơi mà máu có thể trao đổi oxy.

Các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:

- Chân đau nhức hoặc cảm thấy nặng nề, đặc biệt sau khi đứng hoặc ngồi lâu;
- Tĩnh mạch xanh và phình ra dọc theo đùi, mắt cá hoặc đầu gối;
- Da khô và ngứa. Tình trạng thay đổi màu da, da mỏng hơn, lở loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần mắt cá chân.

Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch là do các van tĩnh mạch bị yếu đi và không thể hỗ trợ đưa máu trở ngược về tim, làm máu bị ứ đọng. Bệnh không lây nhiễm nhưng có thể di truyền trong gia đình.

Những việc bạn nên làm để có thể hạn chế diễn tiến của suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính bao gồm:

- Tập thể dục (đi bộ) đều đặn và giảm cân;
- Nâng chân lên cao khi ngồi và tránh đứng một chỗ trong thời gian dài;
- Mang vớ y tế mỗi ngày;
- Gọi cho bác sĩ nếu giãn tĩnh mạch gây đau đớn, da lở loét hoặc bị chảy máu từ tĩnh mạch bị giãn;
- Đi khám bác sĩ nếu gần tĩnh mạch bị giãn có chỗ sưng nóng và đau khi chạm, đó có thể là một huyết khối nguy hiểm (viêm tĩnh mạch).


Giãn tĩnh mạch thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh là những tình huống phải đứng yên một chỗ hoặc ngồi thõng chân lâu. Bạn có thể phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng cách cải thiện các hoạt động hàng ngày. Bạn nên đi lại thường xuyên nếu có thể. Ngoài ra, tập thể dục như chạy bộ hoặc đi bộ nhanh cũng có thể góp phần hỗ trợ hồi lưu tĩnh mạch.

Khi bệnh mới xảy ra, bạn có thể ngăn bệnh tiến triển nặng hơn bằng cách mang vớ y khoa thường xuyên. Khi bệnh tiến triển nặng, tĩnh mạch phồng to lan đến bắp chân hoặc gối, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để được tư vấn các biện pháp can thiệp thích hợp.


TS.BS Nghiêm Phương Thảo
Khoa Can thiệp mạch máu, BV Quốc tế City


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X