Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nhận biết tình trạng tắc mạch chi?

Câu hỏi

Thường thì người cao tuổi khi bị tê tê cánh tay, tê chân họ nghĩ là bệnh già, và trong mùa COVID lại càng ngại đến bệnh viện.

Nhờ BS đưa ra những dấu hiệu nhận biết tình trạng tắc mạch chi để tránh những trường hợp đến bệnh viện quá muộn? Nên đi khám bệnh ở chuyên khoa nào, chúng ta có những phương tiện để tìm ra tắc mạch chi, thưa BS?

Trả lời

TS.BS Trần Chí Cường

TS.BS Trần Chí Cường

Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ SIS

tê yếu chi

Tê yếu chi là 1 trong những dấu hiệu có thể liên quan đến đột quỵ

Chào bạn,

Liên quan đến vấn đề tê tay chân, chúng ta cần phân biệt được các nhóm nguyên nhân sau đây:

- Nhóm nguyên nhân thứ nhất, không phải bệnh, mà do tì đè, ngồi lâu, khiến thần kinh không hoạt động tốt, hệ thống cấp máu không tốt. Ví dụ, khi ngồi chồm hổm hoặc quỳ gối lâu, khi đứng dậy sẽ bị tê. Hoặc do ngủ quá say hoặc quá lâu, ngày hôm sau thức dậy sẽ bị tê. Hoặc cũng do khi ngủ có người nằm trên cánh tay thì ngày hôm sau sẽ bị tê, thậm chí bị liệt luôn cánh tay, đây được gọi là Hội chứng sáng thứ 7.

- Nhóm nguyên nhân thứ hai, có những trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu cũng gây tê nhưng nguyên nhân không phải như nhóm thứ nhất, có thể là tự nhiên sáng thức dậy thấy tay lạnh. Dấu hiệu quan trọng nhất là mạch máu ở đoạn sau của ngọn chi đó sẽ bị mất. Thí dụ một tay tự nhiên lạnh (so sánh cả hai tay), là bởi do tay này bị tắc nghẽn mạch máu, kèm theo triệu chứng tê và mất mạch.

Thêm một dấu hiệu rất dễ nữa mà ai cũng làm được, đó là xem xét hồi lưu mạch máu. Có nghĩa là, bàn tay bình thường sẽ hồng hào, nhưng bàn tay của người tắc mạch máu sẽ trắng đi, khi ấn vào và buông ra sẽ không hồng lại (sau khoảng 5 giây), đó là do máu nuôi đang bị tắc nghẽn. Nếu bắt mạch ngọn xa của chi, trường hợp mạch quay hoặc mạch ở bàn chân không đập có thể chẩn đoán ngay là mất mạch, nghĩa là do máu không lưu thông được hoặc do tắc nghẽn mạch máu đoạn gốc.

- Nhóm nguyên nhân thứ ba là do thần kinh, nghĩa là do đột quỵ. Tê do đột quỵ không xảy ra đơn thuần mà kèm theo yếu, mất cảm giác. Đối với nhóm nguyên nhân tê do tắc nghẽn mạch máu, bệnh nhân tê là chính, kèm theo lạnh tay, mất mạch, nhưng trong trường hợp đột quỵ, mạch vẫn đập bình thường, hồi lưu mạch máu vẫn tốt (hai tay sờ vẫn ấm, ấn vào tay rồi buông ra vẫn hồng hào), nhưng khi kêu người bệnh đưa tay lên thì không đưa được, bởi vì do vừa tê vừa yếu. Lúc này nên nghĩ ngay đến là do đột quỵ chứ không phải do nguyên nhân mạch máu. Nguyên nhân mạch máu đến giai đoạn muộn mới gây yếu, giai đoạn đầu tê + lạnh là chính.

Nếu một người sáng ngủ dậy cảm giác tê tứ chi, cử động một lúc sẽ hết, đó là do tư thế hoặc máu không lưu thông tốt. Nhưng nếu tắc nghẽn thực sự thì cần bắt mạch máu xa, so sánh hai tay xem bên nào lạnh, quan sát hồi lưu mạch thì hoàn toàn có thể đánh giá được.

Nhấn mạnh riêng về đột quỵ, triệu chứng tê luôn luôn kèm theo mất cảm giác, sờ vào không biết ngón nào, và yếu (kêu người bệnh nắm tay nhưng không nắm được). Thêm nữa, cần quan sát nửa người, nếu tê yếu tay kèm yếu chân cùng bên thì đó là do đột quỵ chứ không phải do nguyên nhân nào khác. Vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác.

Mới cách đây khoảng chưa đầy 1 tháng, chúng tôi đã cấp cứu kịp thời một số trường hợp có thể gọi là may mắn. Một bệnh nhân có tiền căn tiểu đường và hút thuốc lá nhiều năm, sau đó một ngón chân bị hoại tử. Trên người bệnh tiểu đường mãn tính, đi một đoạn nghỉ một lúc, xoa bóp chân mới đi lại được, đó là tê do nguyên nhân mạch máu, gọi là đi cách hồi, chúng ta quan sát chi lạnh hay không, tím hay không, ngón chân có vết thương chậm lành hay không (do vấn đề tưới máu nuôi không tốt). Còn riêng về tê yếu do đột quỵ chúng ta nên luôn luôn nhớ rằng có 3 dấu hiệu chính: tê yếu nửa người, ảnh hưởng giọng nói (nói đớ, không tròn câu, ú ớ), khuôn mặt bị méo (méo một bên). Nếu một người chỉ bị tê thì không đủ giá trị chẩn đoán.

Thân mến.

(Trích từ livestream TS.BS Trần Chí Cường tư vấn cách phòng ngừa đột quỵ trong dịch bệnh COVID-19)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X