Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu ngộ độc Botulinum và cách phòng ngừa?

Câu hỏi

Thân chào AloBacsi! Tôi là nữ, 36 tuổi, ở TPHCM. Tôi và gia đình hay ăn pate, những dạo này thấy nhiều người ngộ độc Botulinum có trong pate Minh Chay nên thấy lo sợ. 

Vậy xin hỏi AloBacsi, làm sao để biết mình bị ngộ độc mà điều trị kịp thời? Bên cạnh đó, có cách nào để phòng ngừa không ạ? Kính mong AloBacsi chia sẻ, tôi chân thành cảm ơn.

Trả lời

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương

Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Giảng viên đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Khi bị ngộ độc người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa

Chào bạn,

Đối với trường hợp ngộ độc Botulinum cấp tính:

Về triệu chứng, tùy vào lượng ngộ độc nhiều hay ít, sau 12-36 giờ đồng hồ, bệnh nhân luôn luôn xuất hiện dấu hiệu đường tiêu hóa trên như đau bụng, nôn ói, có thể tiêu chảy. Tất cả dấu hiệu ngộ độc đều tương tự như nhau, có người bị sốt, có người vọp bẻ. Nhưng đặc biệt, ngộ độc Botulinum thì mọi người thường có khuynh hướng mỏi, tê rần chi; yếu liệt chi; giơ tay, chân, mở mắt không nổi; nói chuyện không ra hơi. Kèm theo đó là những triệu chứng sốt, môi, lưỡi khô hoặc chướng bụng…

Cách xử trí ngộ độc tốt nhất: Đầu tiên là không uống thuốc cầm tiêu chảy, không uống thuốc cầm nôn ói. Thứ hai uống bù nước, nếu trong nhà có sẵn Oresol thì pha uống để bù chất muối nước sẽ bị mất rõ rệt khi bị ngộ độc bất kỳ thực phẩm nào hoặc nếu không có thể uống nước muối đường. Thứ ba, chú ý những dấu hiệu cần đưa ngay đến cơ sở y tế, đó là tiêu chảy, đau bụng, sốt từ 38,5 - 39 độ C trở lên, kèm chướng bụng, đi cầu ra máu, nôn ói nhiều lần không cầm được, vọp bẻ, yếu liệt tay chân, hoặc nói sảng, lơ mơ, không tiếp xúc được; còn em bé là bỏ bú, bứt rứt, thở nhanh.

Về vấn đề phòng ngừa ngộ độc. Chúng ta luôn luôn nhớ câu thần chú: Ăn chín - Uống sôi - Rửa sạch. Nghĩa là từ khâu đi chợ phải chú ý thực phẩm an toàn, rửa sạch dưới vòi nước, nấu chín tất cả thức ăn và rửa tay sạch trước khi ăn, nước thì phải đun sôi. Điều này luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh và trong mọi thời đại.

Đặc biệt, riêng câu chuyện phòng ngừa ngộ độc Botulinum, nếu nói đồ hộp, đồ bảo quản dùng để ăn liền mà lấy ra nấu lại thì chắc hiếm ai làm. Vì thế những sản phẩm này sau khi mua về, việc đầu tiên là bảo quản trong tủ lạnh (cho dù chưa khui) thì sẽ hạn chế sự xuất hiện của vi khuẩn này, vì nhiệt độ trong tủ lạnh dưới 15 độ chắc chắn sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn này.

Ngoài ra, những sản phẩm đã mở nắp, nếu để bên ngoài không khí thì ít ngộ độc Botulinum nhưng bù lại sẽ bị ngộ độc khác như tả, lỵ thương hàn, viêm dạ dày - ruột cấp như tôi đã nói ở trên, bởi những loại nấm mốc, vi trùng thông thường sẽ phát triển.

Điều gì cũng có hai mặt, vì thế tốt nhất là nên chọn thực phẩm tươi sống, rửa sạch, ăn chín uống sôi, bạn nhé.

Thân mến.

(Trích từ GLTT Ngộ độc Botulinum, nhận biết và phòng ngừa bằng cách nào?)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X