Hotline 24/7
08983-08983

Da quanh móng tay của bé bong tróc, rướm máu... là dấu hiệu bệnh gì?

Câu hỏi

Chào BS Khải ạ, Em có một bé gái 4 tuổi, cao 102cm, nặng 14.5kg. Khoảng 4-5 tháng nay ở tay trái bé có một móng bị ăn khuyết vào trong, gây xước da, rướm máu. Em cho bé đi BVĐK khám, tại đây BS chẩn đoán bé bị nấm da, cho thuốc uống 1 tuần. Thuốc viên phải tán rất đắng, mỗi lần uống em rất xót con, sau 1 tuần uống vẫn không hết, mà nó lan sang ngón khác, và qua bàn tay khác. Sau đó em cho bé theo trị BS phòng khám tư bên ngoài. BS xem và nói con em thiếu chất, cho bé thuốc dạng viên tán. Em không rõ thuốc gì. Bây giờ bé không bớt, có 1 ngón tay sưng ở đầu móng, hỏi bé thì bé nói không đau. Em muốn lên tuyến trên thăm khám cho bé nhưng do sắp sinh nên em nhờ BS tư vấn giúp em. Biểu hiện của bé là móng tay càng dài thì ăn khuyết vào trong, xung quanh móng bị bong da, xước, có khi rướm máu đầu móng làm đầu móng to. Bé nhà em ăn uống sinh hoạt bình thường. Thêm nữa là 1 tuần gần đây bé hay đau chỗ khớp gối vào lúc đêm, 2-3 bữa là than đau. Em phải bóp chân bé mới ngủ. Như vậy là sao ạ?

Trả lời

BS Đoàn Mạnh Khải

BS Đoàn Mạnh Khải

Bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Từ Dũ

Da quanh móng bong tróc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Da quanh móng bong tróc. Ảnhdo bạn đọc cung cấp
Chào em,

Theo như trong hình thì sang thương ở vùng đầu móng có thể bị chàm, ở dường móng có hiện tượng tăng sừng nhẹ, bong vảy. Trường hợp này có liên quan trực tiếp đến dị ứng thức ăn và hóa chất mà bé tiếp xúc thường xuyên.

Để điều trị ngoài thuốc uống là kháng histamine đường uống thì còn phải thoa thuốc dưỡng ẩm thường xuyên ở đầu ngón. Em nên đưa bé đến khám trực tiếp tại các BV Da liễu tuyến tỉnh hoặc nếu có điều kiện thì đến BV Da Liễu TPHCM để được tư vấn và điều trị cụ thể.

Cũng cần lưu ý với em rằng các trường hợp chàm có thể tiến triển nhiều hơn nếu không điều trị kịp thời hoặc xuất hiện tình trạng nhiễm trùng nếu bệnh dai dẳng do tiếp xúc thường xuyên với các tác nhân gây dị ứng.

Bé nên tránh nước, hạn chế tiếp xúc với xà phòng.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Chàm là một thuật ngữ để chỉ một số loại viêm da khác nhau. Bệnh chàm còn được gọi là viêm da.

Loại chàm phổ biến nhất là viêm da dị ứng, một phản ứng dị ứng. Chàm thường rất ngứa và khi bạn gãi sẽ khiến da bị tấy đỏ và viêm. Chàm thường ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em, nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Viêm da dị ứng là một bệnh da mãn tính. Từ dị ứng mang ý nghĩa đây là một bệnh viêm da có xu hướng di truyền và hay kèm với hen suyễn và bệnh sốt mùa hè. “Viêm da” là tình trạng da bị tấy đỏ và ngứa.

Viêm da dị ứng và bệnh chàm bắt đầu bằng triệu chứng khô da, ngứa da. Triệu chứng phát ban này khiên da bị tấy đỏ, sưng và đau. Bạn càng gãi, bệnh sẽ càng trầm trọng hơn. Đôi khi có thể có một chất lỏng trong suốt rỉ ra từ chỗ phát ban. Cuối cùng, phát ban sẽ đóng vảy và bắt đầu lan rộng. Phát ban thường xuất hiện ở trong các nếp gấp khuỷu tay, phía sau đầu gối, trên má và trên mông.

Để biết làm gì khi mắc bệnh chàm, giúp giảm ngứa và làm dịu da bị viêm, bạn hãy thử các biện pháp tự chăm sóc sau:

- Uống thuốc dị ứng hoặc thuốc chống ngứa
- Thoa kem chống ngứa hoặc calamin lotion vào vùng da bị ảnh hưởng
- Dưỡng ẩm da ít nhất hai lần một ngày
- Tránh làm trầy xước da
- Đặt gạc mát lên da
- Tắm nước ấm. Rắc vào nước tắm loại soda làm bánh, bột yến mạch chưa nấu chín hoặc bột yến mạch keo – loại một bột yến mạch xay nhuyễn dùng để tắm. Ngâm mình trong 10 đến 15 phút, sau đó lau khô và bôi thuốc dạng kem, kem dưỡng ẩm hoặc cả hai
- Chọn sữa tắm dịu nhẹ không có thuốc nhuộm hay nước hoa và luôn tắm sạch xà phòng
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Không khí nóng, khô trong phòng có thể làm khô da nhạy cảm và làm ngứa, bong tróc trầm trọng thêm
- Mặc quần áo cotton mịn, mát mẻ
- Điều trị căng thẳng
- Chú ý đến chế độ ăn uống cho trẻ bị chàm.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X