Hotline 24/7
08983-08983

Có nên áp dụng mẹo dân gian để điều trị khò khè cho trẻ?

Câu hỏi

Một số trường hợp cha mẹ thường tự ý mua thuốc tây cho trẻ uống, hoặc áp dụng các mẹo dân gian. BS có ý kiến gì về việc này ạ? Xin cảm ơn các BS của AloBacsi!

Trả lời

BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên

BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên

Trưởng khoa Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Có nên áp dụng mẹo dân gian để điều trị khò khè cho trẻ?Khò khè nhiều khiến em bé khó chịu mệt mỏi gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ

Chào bạn,

Không thể trách phụ huynh khi họ có suy nghĩ và những cách xử lý bộc phát vì họ không được tập huấn như những nhân viên y tế khác. Nhưng không phải mọi thứ chúng ta đưa vào cơ thể trẻ nhỏ là bình thường.

Có trường hợp em bé bị khò khè do hóc hạt chôm chôm thì người bố đã thò tay vào trong để lấy hạt chôm chôm ra ngoài. Vô tình đã khiến hạt chôm chôm đi sâu vào trong. Do đó, có những kỹ thuật nếu chúng ta không biết thì không nên thực hiện và đưa trẻ đến người có chuyên môn để được hướng dẫn chi tiết, rõ ràng. Điều đầu tiên là không làm hại con mình, để con được an toàn.

Khi trẻ bị khò khè thì luôn để trẻ tư thế ngồi hoặc nằm nghiêng, vì đàm hay những chất ứ đọng, khò khè nhiều trẻ sẽ có khuynh hướng ói. Sau khi vừa ăn vừa uống sữa xong thì lượng thức ăn trong dạ dày sẽ trào lên qua việc ho khò khè, có nguy cơ đột ngột tràn vào phổi gây nguy hiểm cho trẻ. Chúng ta phải quan sát con, nếu trẻ mệt hơn, khó thở hơn thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Tắc nghẽn ở trên trái khế là tắc nghẽn nghiêm trọng nhất vì đó là đường thở trung tâm, nên phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu tắc nghẽn ở phế quản thì có nhiều thời gian hơn vì phế quản có nhiều ống, nên tắc một vài ống thì đứa nhỏ có thể cầm cự được nhưng cũng phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Khi ở nhà, điều đầu tiên là cho trẻ ngồi. Có một số bà mẹ khi trẻ bị ói thức ăn hay sữa thì sẽ ngửa trẻ ra phía sau, đó là động tác vô cùng nguy hiểm. Do vậy, khi trẻ bị khò khè hoặc có đàm thì phải để trẻ ngồi hơi ngả về trước hoặc nằm nghiêng để bảo vệ phổi không bị sặc vì những chất dịch này. Thứ hai, chúng ta có thể dùng dung dịch nước muối để nhỏ vào mũi, làm thông mũi. Đây là việc đơn giản, mọi người trong gia đình đều có thể làm được.

Về phế quản thì sẽ được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh gì và hướng dẫn phụ huynh có sẵn phương tiện nhỏ tại nhà như máy xông khí dung, bình xịt qua buồng đệm. Những phương tiện này luôn đi kèm với phương tiện chẩn đoán rõ ràng và được hướng dẫn là khi nào được phép sử dụng. Không nên tự ý sử dụng khi có máy xông khí dung tại nhà.

Vì xông khí dung được các bác sĩ hướng dẫn thuốc giãn phế quản mà hôm đó trẻ khò khè do nghẹt mũi thì việc sử dụng máy xông khí dung là không cần thiết và ảnh hưởng đến phế quản.

Như vậy, phải cần có chỉ định của bác sĩ và bác sĩ sẽ hướng dẫn khi nào cần sử dụng. Nghĩa là khi khò khè mà lồng ngực lên xuống, khó thở, cánh mũi phập phồng thì các bác sĩ cho phép sử dụng máy xông khí dung.

Một số trẻ bị hen thường xuyên thì các bác sĩ sẵn sàng cho các bà mẹ tự xông khí dung tại nhà, sau đó gọi điện hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chăm sóc kỹ càng, chính xác hơn. Nhưng điều đầu tiên để cứu trẻ ra khỏi cơn khò khè thì các bác sĩ đã hướng dẫn chi tiết, cha mẹ không được tự ý điều trị.

Ngoài ra, chúng ta có những biện pháp dân gian. Không phải tất cả biện pháp dân gian đều dở, có những điều rất hay như thuốc ho từ lá hẹ, nước giá, chưng mật ong. Đó là những biện pháp dân gian rất tuyệt vời. Nhưng cần lưu ý, ví dụ như mật ong thì không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi vì gây ngộ độc tiêu hóa và ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Nếu hiểu được điều này thì chúng ta sẽ làm cho con của mình an toàn.

Có câu chuyện về ông bố nghe người khác mách rằng phải sử dụng ổ trùn (giun) để trị khò khè. Khi ông bố nướng xong thì bắt con mình (3 tuổi) ăn hết số giun đó!

Chúng ta phải hiểu rằng, con mình là 1 đứa nhỏ nên những gì đưa vào miệng trẻ, đưa lên da trẻ phải có ý kiến của chuyên gia để em nhỏ được an toàn. Điều đó sẽ là kim chỉ nam cho quý phụ huynh hành động một cách an toàn cho trẻ nhỏ.

Trích từ GLTT của AloBacsi: Trẻ thở “khò khè” theo mô tả của phụ huynh và của bác sĩ chưa hẳn giống nhau

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X