Hotline 24/7
08983-08983

Khám bệnh cho ruột non có những phương pháp nào?

Phương pháp xét nghiệm tầm soát các bệnh lý ở ruột non, mắt nhức và mờ sau mổ bong võng mạc bơm dầu, có đờm nhưng không ho đi khám ở đâu… là những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi đã được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Xét nghiệm tầm soát các bệnh lý ở ruột non có những phương pháp nào?

- Bình Đặng - binhphuo...@gmail.com

Kính chào các bác sĩ,

Em tên Bình, 27 tuổi. Cho em hỏi phương pháp xét nghiệm tầm soát các bệnh lý ở ruột non ạ? khi khám sức khỏe tổng quát mình cần khám những gì để tầm soát bệnh lý này ạ? Cám ơn chương trình.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Ruột non là phần ống tiêu hoá nối tiếp dạ dày và đại tràng, dài khoảng 7m, đường kính khoảng 3cm. Phần này gồm có: Tá tràng là đoạn cố định nằm sâu phía sau, bao quanh và dính vào đầu tụy, ống dẫn tụy và ống mật đổ vào đoạn II tá tràng. Tiếp nối là hỗng tràng và hồi tràng xếp thành nhiều quai ruột gần như song song với nhau. Trung bình có khoảng 14-16 quai; mỗi quai dài khoảng 22-22cm, tuy vậy 4 quai dài hơn một chút 30-40cm. Những quai đầu xếp ngang rồi chuyển đến những quai cuối lại xếp dọc.

Những phương pháp thăm dò, chẩn đoán các bệnh lý của ruột non thông dụng bao gồm: chụp CT-scan, chụp MRI, nội soi ruột non bóng đơn, nội soi viên nang, chụp xạ hình. Một số cơ sở lớn đã có nội soi ruột non bóng đôi (bóng kép).

Ruột non khó khảo sát hơn các đoạn ruột khác và vì thế xét nghiệm cũng mắc hơn rất nhiều.

Việc siêu âm bụng tổng quát ít có giá trị trong thăm dò bệnh lý ruột non, cho nên siêu âm bụng kết quả bình thường thì không đồng nghĩa là không có bệnh lý ruột non.

Em đăng ký khám tại chuyên khoa Tiêu hóa, ở những bệnh viện đa khoa lớn trong khu vực mới có thể triển khai các kỹ thuật thăm dò bệnh lý ruột non, em nhé!

alobacsi nội soi ruộtBS.CK1 Cao Thị Lan Hương - Bệnh viện Trưng Vương

Mắt nhức và mờ sau mổ bong võng mạc bơm dầu, khắc phục thế nào?

- Nguyễn Văn Đinh - nguyenva...@gmail.com

Em mổ bong võng mạc bơm dầu xong khoảng 2 tuần, có cảm giác nhức mắt và khi chuyển tư thế mắt bị mờ chút mới nhìn rõ hơn. Xin hỏi như vậy có sao không bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trường hợp phẫu thuật có bơm khí vào mắt thì người bệnh cần khoảng 4-6 tuần để khí tan hết, khi đó thị lực sẽ trở lại. Vì vậy em cần kiên nhẫn bởi thị lực sẽ cải thiện từ từ cho đến 6 tháng sau mổ.

Ngoài ra, em cần chú ý những điều sau:

  • Sử dụng đúng và đủ các thuốc sau mổ để chống phản ứng viêm và nhiễm trùng.
  • Ngủ nằm sấp để bóng khí nổi lên trên ép hết dịch ra ngoài đồng thời giúp áp võng mạc lại.
  • Thời gian theo dõi thường sẽ là 1 ngày sau mổ, 1 tuần sau mổ, 2 tuần sau mổ, 6 tuần sau mổ, sau đó 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Em cần đến đúng hẹn. Đôi khi chưa đến hẹn nhưng thấy có bất thường như mờ, đau nhức cần tái khám ngay.
  • Bong võng mạc trở lại thường xảy ra trong 1 tháng đầu, phát hiện sớm bong võng mạc sẽ được bác sĩ xử lý tiếp. 85% các trường hợp chỉ cần 1 phẫu thuật, 10% cần 2 phẫu thuật và 5 % cần 3 phẫu thuật.

 

Có đờm nhưng không ho, nghẹt mũi khó thở ban đêm, nên khám khoa nào?

- Diễm Nguyễn - diemnguy...@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Em bị đờm nhưng không ho đã hơn 1 tháng rồi, em có sử dụng thuốc tây/đông y (dạng thuốc nước bổ phế, long đờm..) để uống, chỉ bớt chứ không dứt được ạ. Ngoài ra, ban đêm em dễ bị nghẹt mũi, khó thở, đặc biệt là ngồi trong phòng máy lạnh.

Bác sĩ cho em hỏi em bị bệnh gì và nên khám khoa nào thì được ạ? Em cám ơn bác sĩ nhiều ạ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Theo thông tin em cung cấp thì bác sĩ nhận thấy đàm đọng trong cổ của em nhiều khả năng là tự hệ mũi xoang hơn là từ trong phế quản - phổi.

Đàm từ hệ thống mũi xoang có thể chảy vào trong cổ họng theo đường lỗ mũi sau (người có 2 lỗ mũi, lỗ mũi trước nhìn thấy trong gương và lỗ mũi sau đổ vào thành sau họng).

Do đó, em nên khám tại chuyên khoa Tai mũi họng để kiểm tra về xoang, mũi, nhưng cũng nên chụp 1 phim Xquang ngực để loại trừ bệnh lý tại phổi, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ kê chỉ định này cho em, nên em khám chuyên khoa tai mũi họng trước, em nhé.

Song song đó, em cần chú ý, vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.

 

Nói chuyện miệng nhăn nhó, cổ với đầu nghênh một bên là bệnh gì?

- Lưu Mạnh Hà - 1luum...@gmail.com

Em chào bác sĩ, em muốn hỏi về bệnh của em. Lúc em nói chuyện miệng bị nhăn nhó và cổ với đầu bị nghênh bị 1 bên. Bác sĩ tư vấn cho em với ạ!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Với vấn đề em nêu, bác sĩ khuyên em nên khám ở chuyên khoa Nội thần kinh, để bác sĩ bên chuyên khoa nội thần kinh thăm khám và kiểm tra xem việc nói chuyện không tự nhiên của em là do yếu liệt của dây thần kinh, hay vận động cơ đầu mặt cổ bất thường, hay là do thói quen của em lúc nói chuyện (có liên quan đến yếu tố tâm lý), tùy nguyên nhân mà mới có hướng xử lý khác nhau, em nhé.

 

17 tuổi uống sâm alipas được không?

- Nguyễn V. A. - vanh...@gmail.com

17 tuổi có thể uống sâm alipas không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sâm alipas chủ yếu dùng để hỗ trợ sinh lý cho đối tượng nam giới từ 40 tuổi trở lên, vì lượng nội tiết tố nam (Testosterone) suy giảm theo tuổi từ 1-2% mỗi năm.

Theo thông tin của nhà sản xuất thì sản phẩm này có thể dùng được ở người từ 18 tuổi trở lên, nghĩa là em chưa đủ tuổi để dùng theo khuyến cáo của chính nhà sản xuất.

Tuy nhiên, 1 năm sau, khi em 18 tuổi thì nếu em có vấn đề về sinh lý, em nên khám ở chuyên khoa nam khoa để tìm ra nguyên nhân và điều trị thích hợp, hơn là tự uống sâm alipas, vì người trẻ hiếm khi thiếu testosterone lắm, đa phần là do các nguyên nhân khác gây yếu sinh lý mà thôi.

 

Xương bị cong do gãy tay không bó bột, có cách nào làm cho thẳng lại?

- Phúc - ptan8...@gmail.com

Tay em bị gãy, sau đó không bố bột lại làm chỗ cổ tay bị cong, tức xương kia đôn lại xương này gần 1 tháng rồi ạ. Bác sĩ có cách nào để ngay lại không ạ? Giá cả sao ạ?

Em đang trong tuổi mới lớn chắc khi chỉnh hình lại xương sẽ mau lành hơn ạ? Em sợ để tay cong sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của em và có khi xuất hiện nhiều biến chứng khác không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ!

Đây điều là cảm xúc bối rối lo sợ của em khi gặp tình trạng này nên những lời văn rất khó hiểu mong bác sĩ thông cảm!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Sau khi gãy xương cổ tay, nếu không được xử lý đúng cách có thể gây ra khớp giả, khớp xấu làm biến dạng và hạn chế cử động ở cổ tay. Việc xử lý không đúng cách có thể từ việc bó lá, bó thuốc, có khi là bó bột nhưng tự ý tháo bột sớm, hay tháo bột đúng hẹn nhưng thấy khớp xấu không sửa sớm...

Các trường hợp khớp giả khớp xấu lẽ ra xử trí càng sớm càng tốt, để càng lâu như hiện nay là khó điều chỉnh hơn nhiều vì can xương ở chỗ khớp giả khớp xấu đã mọc chắc rồi. Nếu như không làm gì hết cứ để vậy thì em sẽ mang tật ở cổ tay này suốt đời, mất thẩm mỹ và hạn chế vận động cổ tay.

Hiện giờ để điều chỉnh lại thì bác sĩ sẽ chụp phim Xquang đánh giá xương cổ tay của em, sau đó thường là sẽ cần đến phẫu thuật chỉnh hình xương mới điều chỉnh được, chi phí phải sau khám và lên kế hoạch mổ mới dự đoán được, nhưng cũng tầm vài triệu. Em đến khám tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để kiểm tra về vấn đề này nhé.

 

Thường xuyên đau bụng lâm râm và buồn đi cầu, có phải do lo âu trầm cảm?

- Hòa Văn Lạc - johnh...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Em là nam 28 tuổi, em hay bị triệu chứng đau râm ran vùng bụng không cố định, đặc biệt hay bị quặn bụng phải chạy ngay vô toilet vào buổi sáng mới bớt.

Cách đây gần nửa tháng em có khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh, bác sĩ tại đó cho em siêu âm tổng quát bụng (kết quả bình thường). Sau đó em được nội soi đại trực tràng (kết quả bình thường không viêm hay loét).

Bác sĩ nói em bị đau đại tràng và ruột kích thích, em uống thuốc 2 ngày thì hết, em không uống nữa. Tuần nay em ăn uống tùm lum và có uống chút bia nên cảm giác đau bụng lâm râm, hay buồn đi cầu... AloBacsi cho em lời khuyên ạ, xin cảm ơn!

Thông tin thêm: Đang dùng thuốc lo âu trầm cảm.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến đường ruột, tâm lý căng thẳng sẽ làm rối loạn nhu động ruột, cho nên, người rối loạn lo âu hay có kèm bệnh hội chứng ruột kích thích.

Do đó, theo thông tin em cung cấp, bác sĩ nghĩ nhiều khả năng em có kèm hội chứng ruột kích thích (còn gọi là đại tràng co thắt), vì em đã siêu âm bụng bình thường, đã nội soi đại trực tràng cũng bình thường, và quan trọng nhất là em uống thuốc theo toa bác sĩ với chẩn đoán ruột kích thích thì chỉ 2 ngày là ổn rồi, việc đáp ứng điều trị cũng là 1 cách để củng cố thêm chẩn đoán.

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn thường gặp, thường gây ra rối loạn tiêu hóa, hay gặp nhất là đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và táo bón có liên quan đến thức ăn và tâm lý. Tuy vậy, bệnh không gây ra tổn thương thực thể ở ruột già.

Em vốn có bệnh stress, lo âu là 1 nguyên nhân chính làm cho đường ruột của em không được ổn, mà đường ruột của em không ổn thì lại càng stress, lo âu, tạo thành vòng xoáy bệnh lý. Vì thế, em cần điều trị song song cả bệnh hội chứng ruột kích thích lẫn bệnh rối loạn lo âu thì cơ thể sẽ ổn định.

Em nên uống thuốc điều trị rối loạn lo âu - trầm cảm theo hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo ngủ đủ, nên tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh và hoa quả, nên tập luyện các môn giúp thư giãn như dưỡng sinh, yoga… và cần ăn chín uống sôi, tránh bia rượu, không cafe, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ nhiều gia vị, cay nóng.

Việc bổ sung men vi sinh sẽ rất có lợi trong trường hợp của em. Có thể uống lại toa thuốc bên chuyên khoa tiêu hóa đã kê lần trước, em nhé.

 

Cổ to có phải dấu hiệu bệnh bướu cổ?

- Phạm Thanh Nhàn - Mr.nha...@gmail.com

Em thấy cổ em to hơn bình thường so với người khác, bác sĩ cho em hỏi có phải em bị bướu cổ không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

“Cảm giác” cổ to hơn bình thường có thể gặp trong nhóm bệnh lý tuyến giáp, hạch cổ, bướu mỡ, nọng cằm... Để biết mình có phải bị bướu cổ (tuyến giáp phình to ra) hay không thì em cần siêu âm tuyến giáp, em nhé. Em có thể đăng ký khám tại phòng khám Nội tổng quát hay chuyên khoa Nội tiết đều được.

 

Có phải vắc xin ảnh hưởng đến hệ thần kinh và não của trẻ nhỏ?

- Lam Chau Duyên - ninc...@gmail.Com

Con em 4 tuổi, bé bị chó cắn em chích ngừa cho bé vắc xin của ấn độ Indirad. Chích được 2 mũi rồi còn 3 mũi nữa. Em nghe nói vắc xin ảnh hưởng đến hệ thần kinh và não của trẻ nhỏ nên lo quá. Nếu tiêm 3 mũi mà con chó theo dõi bình thường có thể ngưng tiêm được không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Thông tin mà em “nghe nói vắc xin ảnh hưởng đến hệ thần kinh va não của trẻ nhỏ” là thông tin sai lệch, phản khoa học và xuyên tạc nhằm cổ động phong trào anti vắc xin.

Nếu bé xui rủi gặp phải chó đã nhiễm dại cắn phải, việc không tiêm vắc xin ngừa dại sẽ là việc làm hối hận cả đời của cha mẹ, vì biết cách cứu bé mà lại không làm. Cho nên, em đã cho con tiêm ngừa dại sau khi bị chó cắn là điều sáng suốt và nên làm, vì con.

Đối với vắc xin ngừa dại, nếu sau 10 ngày con chó đã cắn con em vẫn còn sống thì chứng tỏ tại thời điểm trước lúc nó cắn con em, nó không nhiễm dại và con em cũng không có nguy cơ nhiễm dại, bé có thể ngừng tiêm ngừa các mũi vắc xin ngừa dại (lúc này tiêm được 3 mũi rồi). nhưng nếu em muốn kéo dài hiệu quả vắc xin bảo vệ chó mèo cắn lên đến 1 năm luôn thì em cho bé tiêm đủ 5 mũi vắc xin ngừa dại.

 

Sau khi gãy xương chày bao lâu có thể đá bóng được?

- Phan Anh Quân - phanqu...@gmail.com

Cháu mới bị gãy xương chày do tai nạn (gãy 1/3 xương chày). Bác cho cháu hỏi là sau khi lành có thể đá bóng được không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Thời gian liền xương trung bình là khoảng 1-2 tháng, tuy nhiên để xương trở lại cấu trúc ban đầu (chắc, khỏe) thì phải mất nhiều tháng, quá trình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố; tuổi càng trẻ thì khả năng liền xương càng tốt, người hút thuốc lá thì xương lành chậm hơn...

Như vậy sau khi em được tháo bột thì chân mới tạm lành thôi, đi lại bình thường thì được nhưng xương chưa đủ chắc để chơi đá bóng, nếu muốn chơi lại thể thao thì em cần tập luyện thêm.

Tập đi bộ nhanh rồi tập chạy bộ tăng dần từ chậm đến nhanh, từ ít đến nhiều, tập bật nhảy cao; tập các thụ thể thần kinh cảm nhận không gian trong động tác di chuyển đổi hướng, bật nhảy... tốt nhất em nên đến các phòng tập gym hoặc trung tâm thể dục thể thao để tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp.

Khi em không còn đau chỗ gãy khi tập thể thao, tầm vận động khớp bình thường, sức bật và di chuyển đa hướng tốt, chạy nhảy bình thường thì có thể quay lại chơi thể thao và đá bóng an toàn.

Trường hợp em gãy xương mà có bắt nẹp vít thì tốt nhất nên tháo vít rồi hãy tập chơi thể thao, em nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X