Hotline 24/7
08983-08983

Kế hoạch chăm sóc người bệnh sau đột quỵ tại nhà cần quan tâm vấn đề gì?

Những bệnh nhân đột quỵ cần một chế độ chăm sóc đặc biệt nhằm giúp họ có thể thực hiện độc lập các sinh hoạt thường ngày. Vậy lên kế hoạch chăm sóc người đột quỵ gồm những gì? ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội thần kinh, bệnh viện Quân y 175 đã giải đáp.

1. Để chăm sóc tốt bệnh nhân đột quỵ, thân nhân cần trang bị kiến thức gì?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Vấn đề chăm sóc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh đột quỵ nhanh chóng hồi phục và trở về cuộc sống bình thường.

Việc lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ đòi hỏi giải pháp tổng thể và theo từng vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải như: hạn chế vận động, tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm, các vấn đề liên quan đến vệ sinh đại tiểu tiện…

Đầu tiên, chúng ta cần xác định vấn đề ưu tiên của bệnh nhân, chẳng hạn như bệnh nhân đột quỵ bị yếu liệt nhiều, có rối loạn nuốt nặng hoặc liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Theo đó, tùy theo chức năng bị ảnh hưởng mà chúng ta sẽ ưu tiên nên tập luyện phục hồi chức năng nào.

Sau khi xác định được mức độ ưu tiên của việc chăm sóc, người nhà sẽ cần nâng cao những kiến thức và kỹ năng. Những kiến thức này có thể lấy từ bác sĩ, điều dưỡng, các kỹ thuật viên, bác sĩ vật lý trị liệu và chuyên gia dinh dưỡng.

Thân nhân có thể trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cụ thể về cách chăm sóc bệnh nhân hạn chế chức năng vận động, việc bệnh nhân ngủ nghỉ với bên liệt và bên không liệt như thế nào,…

Về dinh dưỡng, người nhà cần tìm hiểu thức ăn nào nên và không nên ưu tiên, cách chế biến thức ăn như thế nào phù hợp với bệnh nhân đột quỵ có bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu,…) hay cách chăm sóc người bệnh bị rối loạn nuốt… Từ đó, chúng ta sẽ xây dựng được kế hoạch chế biến thức ăn, cũng như phương tiện đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể cho bệnh nhân.

Ví dụ trường bệnh nhân bị rối loạn nuốt thì cần phải có sonde dạ dày đi kèm. Đồng thời, cần có kế hoạch rút sonde dạ dày để người bệnh có thể ăn bằng đường tự nhiên.

Một số bệnh nhân sau đột quỵ gặp vấn đề về trí nhớ, ngôn ngữ. Lúc này, người nhà cần tham vấn của chuyên viên và ngữ âm trị liệu về liệu trình phục hồi.

Trên đây là một số ví dụ tôi nêu ra để quý độc giả có thể hiểu được về những kiến thức mà người nhà cần biết trong quá trình chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Tuỳ theo từng triệu chứng của người bệnh mà chúng ta sẽ có kế hoạch chăm sóc điều trị cụ thể. Kế hoạch này sẽ ưu tiên theo những triệu chứng và vấn đề mà người bệnh cần phải phục hồi.

2. Kế hoạch tập luyện vận động cho bệnh nhân đột quỵ được diễn ra như thế nào?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Kế hoạch tập luyện vận động cho bệnh nhân đột quỵ được chia theo từng giai đoạn và sẽ có mức độ khác nhau.

Với những bệnh nhân bị đột quỵ cấp, những điều cần ưu tiên là ổn định dấu hiệu sinh tồn, các thông số về mạch, nhiệt độ và huyết áp. Tuy nhiên, chúng ta nên cố gắng cho bệnh nhân tập luyện càng sớm càng tốt.

Tại bệnh viện, bệnh nhân đột quỵ sẽ có sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên viên về vật lý trị liệu, ngữ âm trị liệu và hoạt động trị liệu.

Với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng nói chung, bệnh nhân và người nhà sẽ được hướng dẫn tập luyện liên quan đến phục hồi chức năng bên liệt thông qua những bài tập cụ thể. Đối với hoạt động trị liệu, các bác sĩ và chuyên gia về trị liệu sẽ tập trung vào việc giúp người bệnh trở về hoạt động sống hằng ngày, chẳng hạn như: cầm đũa, cài nút áo, các hoạt động chi tiết…

Bên cạnh đó, bệnh nhân có rối loạn nuốt, nói họ cần gặp bác sĩ ngữ âm trị liệu. Đó là chương trình vật lý trị liệu và phục hồi chức năng hoàn chỉnh.

Đối với vận động, chúng ta cần giúp bệnh nhân có thể ngồi, đứng hoặc đi nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện như gậy, thanh chắn. Theo đó, kế hoạch tập luyện vận động sẽ khác nhau theo từng giai đoạn.

Ví dụ, ở giai đoạn đầu, các bác sĩ sẽ ưu tiên cho bệnh nhân tập các bài tập thụ động. Đến giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân sẽ chuyển sang tập các bài tập chủ động bằng máy và tập dưới hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên phục hồi chức năng.

Khi bệnh nhân xuất viện, sự hỗ trợ của gia đình là hết sức quan trọng. Thân nhân nên được trang bị kiến thức về phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân đột quỵ. Quý vị có thể tìm các bài tập này trên Kênh Truyền thông - Tư vấn Sức khoẻ AloBacsi hay Kênh Benhdotquy.net.

Sau đó, bệnh nhân sẽ cần kết hợp vừa tập luyện tại nhà, vừa đến bệnh viện. Hiện tại, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận việc tập phục hồi chức năng ngoại trú bởi các bệnh viện lớn đều có chuyên khoa này.

3. Nên xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ thế nào?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ là một chế độ dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh đột quỵ.

Người bệnh đột quỵ hoặc sau đột quỵ cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, đảm bảo đủ protein, mỡ, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, chúng ta cần ưu tiên sử dụng protein từ cá, thịt gà. Đồng thời, cần hạn chế thực phẩm nhiều chất béo. Tốt nhất, thân nhân nên cho người bệnh dùng chất béo có nguồn gốc từ thực vật, nó sẽ giúp ích cho quá trình điều trị.

Kali là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe hệ tim mạch, chúng ta có thể tìm kiếm trong thực phẩm như chuối. Sử dụng thực phẩm thay thế, thực phẩm chế biến sẵn cũng là giải pháp cho gia đình bận rộn. Tuy nhiên, chúng ta cần đọc nhãn để biết được thành phần dinh dưỡng phù hợp với người bệnh hay không.

Bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường nên kiểm soát hàm lượng muối và đường đưa vào cơ thể. Điều này vừa giúp kiểm soát tốt bệnh đồng mắc, vừa giúp ngăn ngừa cơn đột quỵ tái phát.

Việc chế biến thức ăn cũng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân bị rối loạn nuốt. Theo đó, người nhà cần lưu ý đến độ đặc vì bệnh nhân có thể bị nghẹn.

Bên cạnh đó, người thân cần động viên bệnh nhân sau khi ăn uống dù họ có cảm giác không thèm ăn. Người nhà cũng cần quan sát xem bệnh nhân thích ăn những gì, thực phẩm đó có phù hợp hay không. Khi bệnh nhân thèm ăn thực phẩm đó, nó sẽ kích thích sự thèm ăn và giúp người bệnh ăn tốt hơn.

Hơn hết, chúng ta cũng cần tạo ra bầu không khí ăn uống. Lúc này, bệnh nhân sau đột quỵ nên ngồi ăn cùng cả nhà để họ có thể cảm nhận mình là thành viên trong gia đình, không bị mặc cảm khiếm khuyết bản thân sau đột quỵ.

4. Cần lưu ý gì trong vấn đề tắm rửa, tiểu tiện và đại tiện cho bệnh nhân đột quỵ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đối với vấn đề tắm rửa cho bệnh nhân sau đột quỵ, chúng ta cần lưu ý sự an toàn. Đôi khi, người nhà cần phải thay đổi thiết kế cho nhà vệ sinh bằng cách thêm các thanh chắn và bổ sung thêm ghế dài. Bởi bệnh nhân sau đột quỵ sẽ khó đứng, lúc này việc trang bị thêm chiếc ghế dài sẽ giúp bệnh nhân ngồi và tắm rửa tốt hơn. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải chú ý đến sàn chống trượt để phòng ngừa té ngã cho người bệnh.

Không phải bệnh nhân nào cũng bị đột quỵ nhẹ và có thể tự thực hiện các vấn đề sinh hoạt cá nhân. Thậm chí, ngay cả khi bệnh nhân bị đột quỵ nhẹ, ít bị biến chứng sau đột quỵ, họ vẫn cần sự hỗ trợ của gia đình trong giai đoạn đầu. Vì vậy, người thân cần vui vẻ hỗ trợ bệnh nhân trong giai đoạn này.

Ngoài vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo đó, người nhà cần giúp bệnh nhân giữ khoang miệng sạch sẽ để hỗ trợ cho quá trình phục hồi chức năng nuốt và nói.

Việc vệ sinh thân thể không chỉ giúp bệnh nhân giữ được thân thể khỏe mạnh, sạch sẽ, mà còn giúp chống loét tì đè. Vệ sinh thân thể tốt, đặc biệt là vùng xương sát da cũng giúp cho việc chống loét tì đè.

Ngoài ra, người nhà cũng có thể sử dụng một số sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho người bệnh đột quỵ như: dụng cụ tắm rửa, gội đầu và xà phòng…

Ví dụ, trong trường hợp bệnh nhân bị liệt phải thực hiện vệ sinh ngay trên giường, người nhà cần sử dụng chế phẩm an toàn, phù hợp với cho cả người bệnh và người chăm sóc, chẳng hạn như sử dụng dầu gội khô mà không cần phải dùng nước.

5. Bố trí phòng và giường ngủ cho bệnh nhân đột quỵ sao cho phù hợp?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Sau đột quỵ, bệnh nhân thường gặp các vấn đề về giấc ngủ. Họ sẽ khó ngủ hoặc bệnh nhân đã có vấn đề rối loạn giấc ngủ trước khi đột quỵ.

Theo đó, việc đầu tiên là chúng ta cần xem xét các rối loạn về giấc ngủ này liên quan đến đột quỵ hay do nguyên nhân khác, hoặc bệnh nhân đã bị rối loạn giấc ngủ trước khi bị đột quỵ.

Nếu bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ do nguyên nhân khác hoặc đã xuất hiện trước khi bị đột quỵ, chúng ta cần có sự tham vấn của các bác sĩ chuyên khoa. Riêng đối với bệnh nhân sau đột quỵ có rối loạn giấc ngủ thì việc tạo không gian ngủ phù hợp được xem là phương pháp giúp bệnh nhân chìm vào giấc ngủ dễ hơn.

Người nhà nên lưu ý việc thiết kế phòng ngủ, giường, vị trí gối, mền, nệm đỡ ở bên liệt cần được đảm bảo. Nên sử dụng đèn ngủ (màu đỏ, hồng, cam) vì người bệnh đột quỵ có thể dậy đi vệ sinh vào lúc nửa đêm, việc trang bị đèn ngủ sẽ giúp người bệnh tìm đến nhà vệ sinh dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh nên tạo thói quen ngủ đúng giờ. Đồng thời, nên tránh ngủ ngày quá nhiều bởi điều này sẽ làm cho bệnh nhân khó ngủ vào ban đêm hơn.

Nên tạo giấc ngủ sinh lý vì giấc ngủ này sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Bệnh nhân không nên thức nhiều vào ban đêm và ngủ bù ban ngày bởi nó sẽ gây đảo lộn nhịp sinh học.

Một giấc ngủ chất lượng tốt là ngủ đủ từ 6 - 8 giờ và sau khi thức dậy bệnh nhân sẽ có cảm giác sảng khoái. Ngủ nhiều hơn so với số giờ thông thường không đồng nghĩa với giấc ngủ tốt. Giấc ngủ tốt sẽ giúp bệnh nhân bớt trầm cảm và tuân thủ quá trình tập luyện được tốt hơn.

6. Người nhà cần theo dõi việc uống thuốc cho bệnh nhân đột quỵ ra sao?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Uống thuốc là điều bác sĩ sẽ dặn dò người bệnh và người thân rất kỹ.

Với đột quỵ nhồi máu não hay thiếu máu não, sử dụng thuốc kháng đông, kiểm soát mỡ máu và tiểu đường sẽ giúp người bệnh tránh được cơn đột quỵ tái phát.

Người bệnh và người nhà phải lưu tâm về số lượng thuốc cũng như thời gian uống thuốc. Cụ thể, bệnh nhân phải uống thuốc đúng giờ, đặc biệt là thuốc tiểu đường và huyết áp. Thân nhân cần biết thuốc nào cần uống trước bữa ăn, những thuốc nào cần kèm với bữa ăn và thuốc nào uống sau ăn.

Ngoài việc tuân thủ tốt vấn đề uống thuốc, bệnh cần tuân thủ tái khám với bác sĩ chuyên khoa để đưa thuốc vào cơ thể đủ hàm lượng và đúng số lượng.

7. Làm sao để bệnh nhân có thể lạc quan hơn sau đột quỵ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Rối loạn lo âu sau đột quỵ đang là vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Tại các trung tâm đột quỵ lớn, các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ trầm cảm hoặc rối loạn lo âu ở người bệnh đột quỵ.

Nếu người bệnh đột quỵ có vấn đề lo âu, trầm cảm, các chuyên gia đột quỵ, thần kinh sẽ khám và đánh giá. Các chuyên gia sẽ sử dụng thang điểm, thăm khám lâm sàng đánh giá nguy cơ lâm sàng để xem người bệnh có cần dùng thuốc những thuốc phòng ngừa trầm cảm, kiểm soát rối loạn lo âu hay chưa.

Những rối loạn lo âu, rối loạn về cảm xúc có thể không phải là do tổn thương ở não bệnh nhân đột quỵ. Những cảm giác này xuất hiện có thể do tự ti vì bệnh nhân thấy mình không có ích, nhất là ở người bị yếu liệt, cần được hỗ trợ nhiều từ người thân sau đột quỵ.

Vì vậy, vai trò của người nhà rất quan trọng chúng ta cần động viên và giúp người bệnh cảm thấy mình có ích. Hãy gắn kết người bệnh với hoạt động thường ngày của gia đình như không gian ăn uống, không gian sinh hoạt hoặc tổ chức cắm trại vào cuối tuần.

Chính những cảm giác đó sẽ giúp người bệnh bất tự ti và thấy mình rất có ích cho xã hội. Đồng thời, với việc kiên trì luyện tập ngôn ngữ trị liệu, vận động, cùng sự hỗ trợ về  dinh dưỡng, vệ sinh của người nhà sẽ giúp người bệnh tái hòa nhập với xã hội.

Song song với việc hỗ trợ thuốc, người bệnh sẽ vượt qua được trầm cảm sau đột quỵ. Biểu hiện trầm cảm và lo âu, đôi lúc biểu hiện rất kín đáo nên cần được theo dõi và phát hiện kịp thời.

8. Người nhà nên lưu ý gì trong quá trình chăm sóc giúp ngăn chặn đột quỵ tái phát?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đối với các bệnh nhân đã trải qua cơn đột quỵ đầu tiên, việc phòng ngừa đột quỵ tái phát rất quan trọng. Việc phòng ngừa điều trị đột quỵ tái phát là giải pháp tổng thể đối với các phương pháp khác nhau.

Đầu tiên, bệnh nhân phải uống thuốc đầy đủ và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thứ hai, người bệnh cần tập phục hồi chức năng sau đột quỵ càng sớm càng tốt bằng các bài tập vận động thụ động và vận động chủ động. Ngoài việc giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động cơ thể, việc luyện tập cũng góp phần phòng ngừa vấn đề thuyên tắc, loét tì đè.

Thứ ba, người nhà cần lưu ý đến vấn đề về dinh dưỡng. Theo đó, người nhà cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân đột quỵ để giúp người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe. Đồng thời, cần hạn chế tối đa các thức ăn không tốt cho sức khỏe như thực phẩm có nhiều chất béo động vật.

Thứ tư, cần lưu ý đến vấn đề tâm lý và trí nhớ cho bệnh nhân. Đây cũng là yếu tố giúp bệnh nhân phòng ngừa cơn đột quỵ tái phát. Những vấn đề rối loạn lo âu, trầm cảm liên quan đến giấc ngủ nếu không được kiểm soát tốt cũng gián tiếp làm cho huyết áp các bệnh nhân không được kiểm soát tốt.

Bên cạnh đó, nên tạo ra sự kết nối của người bệnh sau đột quỵ đối với người thân, xã hội. Nếu thực hiện tốt các vấn đề trên, chúng ta sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa đột quỵ tái phát.

Nhiều gia đình, thân nhân chỉ nhớ cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ nhưng họ quên việc tái khám. Một số người cho rằng khi bác sĩ cho toa thuốc uống thì họ không cần phải uống thêm toa thuốc nào nữa. Đây là quan điểm sai mà chúng ta cần tránh bởi những người bệnh đột quỵ cần kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ gây tái phát đột quỵ. Vì vậy, việc duy trì thuốc là việc quan trọng.

Một số người cho rằng ăn nhiều là khỏe. Tuy nhiên, nêu bệnh nhân ăn phải các thực phẩm không tốt cho đột quỵ hoặc sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn nhưng không chú ý đến nhãn (ví dụ như hàm lượng muối) thì nó sẽ không tốt cho nếu họ bị tăng huyết áp.

Nhiều người cho rằng bệnh nhân sau đột quỵ sẽ buồn, bị rối loạn về mặt cảm xúc và sẽ hồi phục nhưng quan điểm chưa chính xác hoàn toàn. Bởi nếu không can thiệp kịp thời, những điều này sẽ làm cho vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu và giấc ngủ của người bệnh nặng hơn.

Hơn hết, người nhà nên tạo bầu không khí tích cực cho bệnh nhân đột quỵ. Nếu để cho người bệnh đột quỵ ăn riêng, sinh hoạt và ngủ riêng sẽ khiến họ tự ti vì không được kết nối với người thân trong gia đình. Nói tóm lại, ngăn ngừa đột quỵ tái phát là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Trọng Dy (ghi) - Benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X