Hotline 24/7
08983-08983

Hút thai có phải nguyên nhân nhiễm HPV hay không?

HPV hay Human Papollima Virus là tác nhân gây bệnh sùi mào gà (mụn cóc sinh dục). Tuy nhiên dấu hiệu bệnh lại thường khiến bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các hiện tượng da liễu bình thường. Do đó, xét nghiệm HPV được xem là phương pháp duy nhất để chẩn đoán đúng bệnh.

Virut HPV - Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Em xin hỏi, em gái em 23 tuổi, mới kết hôn 1/1/2019 sau 1 tháng có em bé được 6 tuần. Nhưng sang tuần thứ 7-8 tim thai yếu mà dần không có tim thai vào tuần thứ 8 nên làm thủ tục nạo hút thai. Sau 2 tuần em bị rong kinh đau bụng ra máu đi khám lại em bị sót nhau và được làm thủ thuật nạo nhau còn sót. Nhưng về nhà em ấy bị rong kinh sau 1 tháng chưa được ổn định, biểu hiện em thấy có u nhú ở vùng kín nên em đã khám. Bác sĩ cho làm xét nghiệm sinh thiết tế bào, kết quả là em bị nhiễm virut HPV số 18 và 1 virut nữa mà em không nhớ số bao nhiêu. Sau khi làm thủ thuật sinh thiết em về nhà 2 tuần sau vẫn bị rong kinh. Hôm qua em bị ra nhiều máu giống như kinh nguyệt. Em gái em nên đi khám lại ngay không ạ? Em xin hỏi về trường hợp em ấy nhiễm virút HPV 18 có nguy hiểm không, có bị lây sang chồng không ạ? Điều trị bao lâu khỏi hẳn được ạ, có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản của em ấy không ạ? Cho em hỏi có phải nạo hút thai là nguyên nhân nhiễm HPV 18 phải không ạ? Rất mong bác sĩ tư vẫn giúp ạ, em cảm ơn nhiều nha.

Trả lời:

Chào em!

Em gái em sau khi hút thai lưu thì có tình trạng rong huyết do sót nhau thai và được làm thủ thuật nạo nhau thai sót, tuy nhiên nạo xong vẫn bị rong huyết tiếp, cho đến ngày hôm qua thì bị ra máu nhiều như kinh nguyệt. Tình trạng này nếu là kinh nguyệt bình thường thì sẽ kéo dài trong khoảng 3-5 ngày rồi hết, tuy nhiên nếu kéo dài trên 7 ngày sẽ là rong kinh. Em gái em nếu có điều kiện có thể đi khám ngay, tuy nhiên không có điều kiện để đi khám ngay cũng có thể theo dõi thêm, vì tình trạng ra máu nếu giống kinh nguyệt bình thường thì không có gì nguy hiểm, còn nếu ra máu nhiều hơn hẳn kinh nguyệt bình thường thì mới lo lắng tình trạng băng kinh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Còn về việc nhiễm HPV thường không phải do nạo hút thai mà gây ra đâu em ạ, bởi vì việc nạo hút thai nếu em gái của em làm thủ thuật tại các bệnh viện uy tín thì dụng cụ được đảm bảo quy trình vô khuẩn rất tốt, rất hiếm gặp những trường hợp lây nhiễm virus này, trừ phi nạo hút thai ở những cơ sở chui, không uy tín. Bệnh này hay còn gọi là sùi mào gà, lây chủ yếu qua đường tình dục không an toàn. Bởi vì là em hỏi hộ em gái của em nên không nắm rõ được việc quan hệ tình dục của bạn ấy, do đó em nên trao đổi thêm với em gái mình. Hiện nay chưa có thuốc điều trị dứt điểm được sùi mào gà. Chỉ có thể theo dõi, nếu thấy có u nhú thì mình đi đốt hoặc chấm thuốc, áp lạnh,...Bệnh có khả năng lây cho chồng của bạn ấy, nên cần có sự phòng tránh bằng bao cao suv khi chồng bạn ấy chưa có biểu hiện bệnh. Type 18 là type có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung cao, nên cần đi tầm soát nguy cơ ung thư cổ tử cung thường xuyên để xử lý sớm.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>> Không nhiễm HPV thì có bị sùi mào gà?

>> Nhiễm HPV khi mang thai nên điều trị thế nào, BS ơi?

HPV được xem là nguyên nhân hàng đầu trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infection – STI). Có rất nhiều loại virus HPV khác nhau. Không phải tất cả trong số đó đều gây bệnh nghiêm trọng. Một số chủng virus chỉ gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Một số chủng nguy hiểm có thể xâm nhập và gây bệnh ở bên trong cơ quan sinh dục và trở thành nguyên nhân gây nên các loại ung thư ở cổ tử cung, hậu môn và các bộ phận sinh dục khác.

HPV lây truyền qua đường tình dục. Có thể bị nhiễm HPV từ người bị nhiễm qua quan hệ bằng miệng, hậu môn và âm đạo. Bệnh hoàn toàn có thể lây sang người lành ngay cả khi người bệnh không có bất cứ biểu hiện hay triệu chứng nào của bệnh.

HPV không phụ thuộc vào số lượng người tình. Người bệnh vẫn có thể bị nhiễm HPV ngay cả khi chỉ quan hệ với một người. Nguy cơ nhiễm sẽ cao hơn không chỉ HPV mà còn các bệnh qua đường tình dục khác nếu bạn quan hệ với nhiều bạn tình.

Các triệu chứng của bệnh có thể không xuất hiện ngay lập tức. Có thể chỉ có biểu hiện sau nhiều năm quan hệ với người bị nhiễm. Vì vậy, không thể xác định chính xác bị nhiễm bệnh vào thời điểm nào.

HPV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.

Làm thế nào để không bị HPV?

Vacxin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Vacxin được tiêm cho người từ độ tuổi 11 đến 26 tuổi.

- Đối với phụ nữ: Vacxin được tiêm cho bé gái từ 11-12 tuổi nhưng cũng có thể sử dụng cho phụ nữ 26 tuổi mà chưa tiêm vacxin lần nào hoặc chưa tiêm đủ liều vacxin khi còn nhỏ.

- Đối với đàn ông: Vacxin được tiêm cho bé trai từ 11-12 tuổi đồng thời cũng có thể sử dụng cho đàn ông 21 tuổi nếu chưa tiêm vacxin lần nào hoặc chưa tiêm đủ liều vacxin khi còn nhỏ. Vacxin cũng được đề nghị với nam giới 26 tuổi nếu có quan hệ đồng giới hoặc hệ miễn dịch kém.

Quan hệ tình dục an toàn cũng là một cách để phòng bệnh. Dùng bao cao su đúng cách có thể giảm nguy cơ bị nhiễm HPV. Tuy nhiên, HPV cũng có thể đi vào cơ quan sinh dục ở những vùng bao cao su không thể che được. Việc làm này có thể giảm nguy cơ bị bệnh nhưng không thể triệt để.

Duy trì mối quan hệ một vợ-một chồng. Mối quan hệ lành mạnh và hạn chế tối đa bạn tình là cách phòng tránh HPV tốt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X