Hotline 24/7
08983-08983

Hướng dẫn cách pha và cách cho trẻ uống thuốc bù nước, điện giải

Cách pha thuốc bù nước, điện giải khi trẻ bị tiêu chảy, cũng như cách sử dụng và lưu ý cần nhớ đã được chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ chi tiết trong bài viết dưới đây. Các bậc phụ huynh cùng tham khảo để áp dụng cho bé khi cần nhé!

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em, gây ra tình trạng cơ thể mất muối, mất nước. Sự cân bằng muối và nước rất quan trọng để cơ thể hoạt động khỏe mạnh.

Theo ThS.DS Nguyễn Nguyệt Minh - Khoa Dược, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong một số trường hợp, mất nước sẽ gây nguy hiểm, đặc biệt trên trẻ nhỏ do khó nhận biết được các dấu hiệu mất nước.

“Thuốc uống bù nước và điện giải không điều trị tiêu chảy nhưng giúp thay thế muối và nước đã mất, do đó giảm tác động của tình trạng cơ thể mất nước. Phụ huynh nên cho trẻ dùng thuốc bù nước và điện giải sau mỗi lần trẻ tiêu chảy. Bác sĩ sẽ quyết định lượng thuốc (liều dùng) phù hợp cho trẻ. Trong trường hợp phụ huynh mua từ nhà thuốc, trên nhãn gói thuốc sẽ có liều dùng, vì vậy khuyến khích cho trẻ uống đủ liều được khuyến cáo” - ThS.DS Nguyễn Nguyệt Minh cho biết.

Về cách sử dụng thuốc, chuyên gia hướng dẫn, đối với dạng bột pha uống, các bậc phụ huynh nên đổ lượng bột chứa trong gói thuốc vào 200ml nước đun sôi để nguộ, sau đó khuấy đều để bột thuốc tan hết trong nước. Phụ huynh lưu ý, cần đảm bảo rằng trẻ uống đủ liều,

“Nếu trẻ không thể uống hết trong 1 lần, cho trẻ uống tiếp sau 30 phút. Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ bằng thìa hoặc dùng ống hút nếu cần thiết. Thuốc bù nước và điện giải sẽ có hiệu quả nhanh chóng và tình trạng mất nước sẽ được cải thiện trong vòng 3 đến 4 giờ” - chuyên gia khuyến nghị.

Trẻ bị nôn, có nên cho uống lại?

ThS.DS Nguyễn Nguyệt Minh nói thêm, thông thường, trẻ có thể buồn nôn đi kèm với tiêu chảy do viêm dạ dày ruột. Nếu trẻ buồn nôn kèm tiêu chảy, việc đưa một lượng lớn dịch vào cơ thể dễ khiến trẻ bị nôn.

Vì vậy, đảm bảo bù đủ nước và điện giải cho trẻ bằng cách chia thành nhiều lần uống, mỗi lần uống một lượng nhỏ (10-20 ml mỗi 5-10 phút). Nếu trẻ bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cho trẻ uống lại. Nếu trẻ nôn sau 30 phút uống thuốc, không cần cho trẻ uống lại cho đến khi trẻ đi ngoài lần tiếp theo.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc uống bù nước và điện giải

Chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, đối với thuốc uống bù nước và điện giải nếu để ở nhiệt độ phòng, dung dịch đã pha sau 1 giờ cần loại bỏ. Nếu bảo quản dung dịch đã pha trong tủ lạnh, có thể dùng trong vòng 24 giờ.

Ngoài ra, trong trường hợp trẻ không uống được thuốc bù nước và điện giải, cho trẻ uống nước (nước đun sôi để nguội với trẻ từ 1 tuổi trở xuống) hoặc nước hoa quả. Liên hệ với bác sĩ nếu trẻ không uống bất kì loại nước nào.

Trong 24 giờ đầu tiên với trẻ nhỏ bị tiêu chảy, tốt nhất cho trẻ bú sữa mẹ. Với trẻ lớn hơn, hạn chế đồ ăn rắn hoặc sữa trong vòng 24 giờ vì có thể khiến trẻ bị tiêu chảy nặng hơn. Nếu tình trạng trẻ cải thiện hơn, có thể cho trẻ uống nước và nước hoa quả như bình thường, tiếp tục dùng thuốc bù nước và điện giải sau mỗi lần đi ngoài.

Sau 24 giờ, nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ được cải thiện, việc ăn uống có thể như bình thường. Trẻ có thể vẫn bị tiêu chảy nhẹ kéo dài đến 1 tháng sau khi mắc viêm dạ dày, ruột.

“Chỉ nên dùng nước để pha thuốc uống bù nước và điện giải, không dùng sữa hay nước hoa quả và không bao giờ thêm đường hay muối vì thuốc uống bù nước và điện giải chứa một lượng chính xác muối và nước phù hợp nhất với cơ thể” - ThS.DS Nguyễn Nguyệt Minh lưu ý các bậc phụ huynh.

[DAP]Dấu hiệu trẻ ở trạng thái mất nước

- Trẻ nhỏ dùng ít bỉm hơn, bỉm nhẹ hơn bình thường hoặc trẻ lớn tiểu ít hơn bình thường (tiểu ít hơn so với bình thường 2-3 lần mỗi ngày)

- Trẻ ít vận động hơn bình thường, uể oải, buồn ngủ

- Khô miệng

- Khóc không có nước mắt

- Vết lõm mềm trên đỉnh đầu trẻ[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X