Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị khoa học “Tích tuổi học và Lão khoa”: Nơi thấm đẫm tấm lòng dành cho bệnh nhân lớn tuổi

Chỉ cần lướt qua hơn 100 báo cáo về các vấn đề “Tích tuổi học và Lão khoa”, sẽ thấy các khía cạnh bệnh lý, tâm lý của người cao tuổi được giới y khoa chú ý vô cùng.

Đầy ắp thông tin và sự nâng niu dành cho bệnh nhân lớn tuổi

Lâu nay, người ta đã quá ngán với các hội thảo, hội nghị vì sự nhàm chán, không thiết thực. Nhưng suốt 2,5 ngày ở Hội nghị lão khoa 2017 tổ chức tại Khách sạn Pullman Vũng Tàu, nhịp độ hoạt động được tính sát sao từng giây, không có giờ nghỉ trưa nhưng hầu như không thấy người dự khán… ngủ gật.


Lịch các chuyên đề dày đặc, phủ kín 4 hội trường của KS Pullman. Khoảng cách giữa các báo cáo được tính bằng giây.

Nhiều BS phải đánh dấu lịch từng chuyên đề để chạy từ hội trường này qua hội trường khác nghe cho kịp. Rất nhiều BS ao ước, giá có thể “phân thân” được để dự được càng nhiều hội thảo càng tốt. Có những BS “nhanh trí”, đã đưa điện thoại nhờ bạn bè ghi âm giùm để về nghe lại những hội thảo trùng giờ.

Các hội trường luôn chật kín bác sĩ dự khán

Tưởng rằng người già thì có gì hay đâu? Ấy vậy mà hay lắm, nhiều vấn đề lắm. Báo cáo nào cũng đầy ắp thông tin, đầy ắp sự nâng niu dành cho những bệnh nhân là người cao tuổi.

Hơn 100 báo cáo của hơn 50 GS, PGS, TS, BS là những chuyên gia đầu ngành đã mang lại cái nhìn toàn cảnh cho các vấn đề bệnh lý - tâm lý - thực trạng - giải pháp trong việc điều trị cho bệnh nhân lớn tuổi như: Chuyên đề Biến cố tim mạch đề cập đến các vấn đề: Dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân rất cao tuổi (BS.CK2 Nguyễn Thanh Hiền), Tiếp cận đa yếu tố nguy cơ để phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân cao tuổi (PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền), Cập nhật điều trị đột quỵ cấp (TS.BS Nguyễn Huy Thắng), Ảnh hưởng của các NSAIDs trên huyết áp (PGS.TS Nguyễn Văn Trí);

Chuyên đề Cơ xương khớp: Dùng NSAIDs cho người cao tuổi liệu có an toàn (BSCK1 Cao Thanh Ngọc), Loãng xương do thuốc ở người cao tuổi (TS.BS Nguyễn Đình Khoa), Một số điểm mới trong khuyến cáo điều trị thoái hóa khớp (GS.TS Nguyễn Đức Công);

Chuyên đề Lão khoa tổng quát: Tiếp cận toàn diện bệnh nhân cao tuổi (PGS.TS Nguyễn Văn Trí), Điều trị viêm khớp dạng thấp ở người cao tuổi (BSCK1 Cao Thanh Ngọc), Chăm sóc giảm nhẹ ở bệnh nhân suy tim cao tuổi (TS.BS Thân Hà Ngọc Thể), Viêm phổi cộng đồng ở người cao tuổi (PGS.TS Lê Tiến Dũng), Điều trị sa sút trí tuệ sau đột quỵ (TS.BS Trần Công Thắng);

Chuyên đề Suy tim: Suy tim ở người cao tuổi - các lưu ý và bằng chứng (BSCK2 Nguyễn Thanh Hiền), Một số cập nhật 2016 trong xử trí suy tim cấp (PGS.TS Hồ Thượng Dũng);

Chuyên đề Rối loạn chuyển hóa Acid Uric: Rối loạn chuyển hóa purine, tăng Acid Uric máu và các bệnh liên quan ở người cao tuổi (PGS.TS Lê Anh Thư), Thách thức trong điều trị bệnh gout ở người cao tuổi (TS.BS Nguyễn Đình Khoa); Chuyên đề Thận - Tiết niệu: Dinh dưỡng trong bệnh thận mạn ở người cao tuổi (PGS.TS Phạm Văn Bùi); Chuyên đề Đái tháo đường: Đánh giá lão khoa toàn diện trên bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi (PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền);

Chuyên đề Tim mạch tổng quát: Rối loạn nhịp tim ở người cao tuổi - những điều cần lưu ý (TS.BS Tôn Thất Minh); Chuyên đề Tăng huyết áp: Kỷ nguyên mới trong điều trị tăng huyết áp (PGS.TS Trương Quang Bình); Chuyên đề Lão khoa tổng quát: Suy tụy ngoại tiết ở người cao tuổi (PGS.TS Bùi Hữu Hoàng), Đặc điểm nhiễm trùng huyết trên người cao tuổi (PGS.TS Lê Thị Kim Nhung); Chuyên đề Chuyển hóa: Chóng mặt ở người cao tuổi (TS.BS Lê Văn Tuấn);

Chuyên đề Thần kinh: Trầm cảm trên bệnh nhân cao tuổi (TS.BS Ngô Tích Linh), Rối loạn chú ý và trí nhớ: chẩn đoán và điều trị (TS.BS Trần Công Thắng)…v.v

TS.BS Ngô Tích Linh nhận định: Trầm cảm ở người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức

BS.CK1 Cao Thanh Ngọc - Tổng thư ký Hội Lão khoa TPHCM cho biết, để tổ chức hội nghị khoa học này, các thành viên của Hội đã tích cực chuẩn bị suốt cả năm.

Có lẽ chỉ cần đọc tên các chuyên đề, tên các bài báo cáo, người báo cáo đã có thể thấy sức làm việc đáng nể, sự chuyên nghiệp, bao quát và chắt lọc của Ban tổ chức. Rất nhiều BS khi đọc bài về hội nghị này trên AloBacsi đã cảm thấy tiếc vì không nắm được thông tin để tham dự.

Thúc giục từ trái tim bác sĩ

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM nhấn mạnh, sức chịu đựng của người cao tuổi suy giảm, do đó, khi khám và điều trị cho bệnh nhân cao niên, BS phải luôn nhớ 4 nguyên tắc cơ bản khi ra toa cho bệnh nhân lớn tuổi là: Chú ý các bệnh thường gặp của người cao tuổi ít có biển hiện nên hay bị chẩn đoán nhầm. Tránh điều trị quá tay. Khi ra toa cho bệnh nhân cao tuổi, nên kê liều thấp và tăng dần. Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mới, BS cần xem đó có phải là do tác dụng phụ của thuốc hay không.

PGS.TS Vũ Thị Thanh Huyền cũng tha thiết: Cơ thể người bệnh lớn tuổi mong manh lắm. Họ lại tiềm ẩn sẵn trong người nhiều bệnh. BS cần phải lựa chọn thuốc phù hợp để giảm tương tác thuốc và xung đột giữa bệnh và bệnh.

“Gần như 100% người cao tuổi đều có vài lần bỏ uống thuốc, trên 10% tự ý bỏ thuốc hàng tháng trời. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị. Do đó, BS phải quan tâm hỏi các cụ bị những tác dụng phụ nào của thuốc để thay đổi” - PGS Huyền lưu ý.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng: "Giảm thời gian cấp cứu là tăng cơ hội sống cho bệnh nhân"

Với TS.BS Nguyễn Huy Thắng, báo cáo của ông về cấp cứu đột quỵ thu hút các BS không chỉ ở thông tin khoa học, bổ ích mà còn ở sự thông minh trong dẫn dắt và sự thúc giục trước sứ mệnh giành lại sự sống cho bệnh nhân. Ông nói: Thời gian trong cấp cứu đột quỵ còn giá trị hơn vàng bạc. Thời gian là mạng sống, thời gian là não. Phải đơn giản hóa tất cả thủ tục, phải tạo thành 1 team đồng nhất, vững chắc để chỉ tập trung cho 1 việc: Cứu bệnh nhân.

Trăn trở của các thầy cô về bệnh nhân cao tuổi: Bài học quý về y đức cho các BS trẻ

Buổi chiều thứ 2 của hội nghị (15/4), 4 hội trường khởi động ngay từ 13 giờ 5 phút.

Với chuyên đề “Kiểm soát đường huyết và huyết áp trên bệnh nhân cao tuổi: Thách thức và giải pháp”, báo cáo của TS.BS Tôn Thất Minh (BV Tim Tâm Đức) cho thấy nguy cơ người cao tuổi bị đái tháo đường mắc các biến cố tim mạch cao gấp 2 lần người bình thường. Những thách thức các BS thường gặp trong điều trị cho nhóm bệnh nhân này là: Dễ xuất hiện biến cố bất lợi (hạ đường huyết), Suy giảm chức năng cơ quan, Tăng nguy cơ biến chứng (tim mạch, mạch máu), Khó kiểm soát đường huyết hiệu quả, Ít dữ liệu lâm sàng…

TS.BS Tôn Thất Minh cho rằng, cần cá thể hóa trong lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường giúp kiểm soát hiệu quả đường huyết mà không làm tăng nguy cơ tác dụng phụ

Trong đó, TS.BS Tôn Thất Minh đặc biệt cảnh báo việc kiểm soát đường huyết tích cực làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ở bệnh nhân lớn tuổi. Ông cho biết, người bệnh trên 1 lần hạ đường huyết nặng sẽ tăng tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân càng lớn tuổi, nguy cơ hạ đường huyết càng cao. Và việc hạ đường huyết sẽ khiến bệnh nhân tử vong do tim mạch hoặc đột quỵ.

Ông cho rằng, cần cá thể hóa trong lựa chọn thuốc điều trị đái tháo đường giúp kiểm soát hiệu quả đường huyết mà không làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi, lâu năm có nhiều nguy cơ biến chứng làm gia tăng gánh nặng kinh tế và tác dụng phụ nghiêm trọng như hạ đường huyết trong quá trình điều trị. Vì thế BS nên chọn các thuốc ít tương tác, an toàn trên nhóm bệnh nhân này giúp kiếm soát đường huyết tốt hơn.

Ở góc độ khác, TS.BS Hồ Huỳnh Quang Trí (Viện Tim TPHCM) đề cập đến vấn đề Kiểm soát chặt chẽ huyết áp ở bệnh nhân nguy cơ cao: Bài học từ nghiên cứu SPRINT. Ông phân tích các điểm chính của nghiên cứu SPRINT, những ý kiến chỉ trích và nghi ngờ kết quả của nghiên cứu này và đưa ra những bài học giúp các BS áp dụng kết quả SPRINT vào thực hành.

PGS.TS Nguyễn Thy Khuê đưa ra những lưu ý rất thực tế cho các BS trẻ từ kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi của bà

Chủ tọa của phiên báo cáo này là PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, bậc thầy trong ngành Nội tiết - Tiểu đường. Bà chủ động đưa ra những câu hỏi từ chính thực tế khám bệnh của mình cho 2 báo cáo viên khi các BS trẻ còn ngại ngần không hỏi. Bên cạnh đó, bà còn lưu ý các BS khi điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, là nên trò chuyện nhiều hơn, xem xét bớt thuốc nếu đường huyết và huyết áp của bệnh nhân ổn định. Với các bệnh nhân trên 80 tuổi, xơ vữa động mạch rất nhiều, thận xuống cấp vì thế nên thận trọng khi cho thuốc. Bà còn khuyên các BS trẻ khi ra toa: “nên để ý đến túi tiền của bệnh nhân, không nên làm khó họ”.

Với chuyên đề chuyển hóa, chủ tọa - GS.TS Nguyễn Hải Thủy bắt đầu bài báo cáo bằng con số 308% tăng trưởng bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam và những trăn trở về những vấn đề người lớn tuổi phải gánh chịu khi mắc căn bệnh này. Ông đưa ra loạt hình ảnh bệnh nhân đái tháo đường bị tổn thương bàn chân, vai trò của người thân trong việc chăm sóc vết thương cho người cao tuổi bị đái tháo đường, vấn đề kiểm soát đường ở người bệnh sa sút trí tuệ, việc hỗ trợ chích insulin cho bệnh nhân trên 90 tuổi…


GS.TS Nguyễn Hải Thủy (ngoài cùng bên phải) và TS.BS Lê Văn Tuấn

Dẫn đề bằng tấm lòng của một thầy thuốc, GS Thủy khiến cả hội trường lớn với hàng trăm BS như lắng lại. BS Lê Thiên Trang bày tỏ: “Các bác sĩ trẻ thường “hùng hổ” trong việc cho thuốc, nhưng các bậc thầy như GS Nguyễn Hải Thủy, PGS Nguyễn Thy Khuê đã giúp chúng tôi cân bằng lại. Dự hội nghị khoa học lần này, chúng tôi không chỉ được cập nhật những kiến thức mới, những dòng thuốc mới mà còn được tiếp dẫn tinh thần tận tậm, tấm lòng yêu thương bệnh nhân của các bậc tiền bối”.

Không chỉ cung cấp các kiến thức quý báu, GS Nguyễn Hải Thủy còn hướng dẫn các hậu bối những chi tiết nhỏ như, tiêm insulin nên vào buổi tối, ban ngày thì dùng thuốc viên. Ông cũng đưa ra khuyến cáo cho các BS trẻ: “Hạ đường huyết có thể làm mất thị lực của bệnh nhân. Và với bệnh nhân có đường huyết trên 300, không nên cho tập thể dục, mà nên để bệnh nhân nghỉ ngơi và ổn định đường bằng thuốc”. Ông chia sẻ, làm sao để việc chỉ định dùng insulin có thể từ các BS nội tổng quát chứ không cần đến BS chuyên khoa nội tiết, bởi không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện để tiếp cận BS chuyên khoa.

Hết phiên báo cáo, các BS tranh thủ học hỏi những kinh nghiệm trong điều trị nội tiết - tiểu đường với PGS.TS Nguyễn Thy Khuê

Lần đầu tiên có chương trình báo cáo nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh

Khởi động hội nghị khoa học thường niên Hội Lão khoa TPHCM lần thứ 5 là 6 báo cáo bằng tiếng Anh của các BS trẻ. Đây là một nỗ lực của Hội trong việc động viên, khích lệ các BS đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và trau dồi ngoại ngữ để có phương tiện tốt hơn trong việc nghiên cứu, tiếp nhận các kiến thức mới cũng như trui rèn để có thể tự tin tham dự các hội nghị y khoa thế giới.

GS.TS Võ Thành Nhân - Phó Chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM trao bằng khen cho BS trẻ Nguyễn Thế Quyền

BS Nguyễn Thế Quyền - ĐH Y Dược TPHCM - với báo cáo “Prevalence of othostatic hypotension in the community-dwelling elderly in Vietnam” đã giành được giải thưởng 10 triệu đồng từ BTC. BS Lê Đại Dương - ĐH Y Dược TPHCM - giành giải nhì với báo cáo “Symptom prevalence and burden in elderly cancer patients from two cancer centers in Vietnam”. Các BS Phạm Ngọc Thùy Trang, Nguyễn Khánh Dương, Phạm Ngọc Đan, Nguyễn Ngọc Tâm giành giải khuyến khích.

Các BS trẻ nhận bằng khen và phần thưởng cho các báo cáo khoa học bằng tiếng Anh

Nhìn các thầy cô như GS.TS Nguyễn Văn Trí, GS.TS Võ Thành Nhân, GS.TS Nguyễn Hải Thủy, PGS.TS Nguyễn Thy Khuê, PGS.TS Phạm Văn Bùi, PGS.TS Lê Tiến Dũng, PGS.TS Bùi Hữu Hoàng… chăm chút dõi theo, chia sẻ với các báo cáo viên trẻ, đủ thấy sự tin yêu của các bậc tiền bối dành cho các “blouse trắng” hậu bối.

Thái Dung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X