Hotline 24/7
08983-08983

Hôi miệng do mọc răng khôn, phải làm sao?

Không chỉ đau nhức, khó chịu, mọc răng khôn còn gây hôi miệng, tạo tâm lý ngại giao tiếp. Vậy, mọc răng khôn bị hôi miệng do đâu và cách điều trị là gì? BS Nguyễn Thị Thảo Uyên - chuyên gia tư vấn của AloBacsi sẽ giải đáp giúp bạn thắc mắc này.

Dương Hà Giang - giang…@gmail.com

Cháu bị viêm nướu và mọc 1 chiếc răng khôn. Tuy không đau nhưng từ khi mọc răng miệng cháu hôi hơn (đặc biệt là vùng mọc răng khôn) và vệ sinh răng khó hơn. Xin bác sĩ trợ giúp cho sức khỏe răng miệng của cháu ạ. Cảm ơn bác!

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Chào bạn,

Khi mọc răng khôn, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ khám chụp phim kiểm tra vì thông thường răng có thể mọc lệch, kẹt hoặc che lấp nướu, do đó rất khó để vệ sinh dễ gây viêm nướu, sâu răng.

Nếu răng mọc kẹt hay nghiêng gần - xa thì tốt nhất nên nhổ loại bỏ răng khôn trước khi nó gây biến chứng. Còn đối với răng mọc thẳng nhưng chưa tách nướu thì có thể cắt lợi trùm để bộc lộ rõ thân răng, dễ vệ sinh.

Thân mến!

1. Nhổ răng khôn làm người dễ đổ mồ hôi hơn?

Lý Hán Văn - ly.hanvan…@gmail.com

Vừa rồi em có nhổ răng khôn số 38 và 48 để phục vụ kéo hàm dưới, gắn mắc cài, nhưng sau khi nhổ răng xong cảm thấy dễ ra mồ hôi (không kiểm soát được tuyến mồ hôi). Nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp phải làm thế nào? Em đang thực hiện việc niềng răng.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Bạn thân mến,

Quá trình nhổ răng khôn không làm ảnh hưởng đến việc điều tiết tuyến mồ hôi của cơ thể. Do vậy bạn nên đi khám chuyên khoa nội để biết chính xác hơn về tình trạng hiện tại của mình nhé!

2. Đau do chữa tủy bao lâu mới hết?

Trịnh Hoài Phong - thehientk…@gmail.com

Thưa BS, cách đây 1 tuần cháu có bị đau răng, sau khi thăm khám thì nha sĩ có đặt thuốc diệt tủy cho cháu. Ngày đầu tiên thì không sao nhưng qua ngày thứ 2 bắt đầu đau dữ dội và ngày thứ 3 sưng lên, chỉ sưng nhẹ chưa có mủ. Sau đó có đến lại nha sĩ kiểm tra, nha sĩ cho chụp - răng, tháo miếng trám nhét bông lại và uống kháng viêm 3 ngày thì tình trạng răng hết sưng và giảm đau đi nhiều, mặc dù đôi lúc ăn nó sẽ đau ở phần chân răng và lợi.

Hôm nay là lần thứ 3 cháu gặp nha sĩ lấy tủy, vẫn làm bình thường nhưng khi nha sĩ nhỏ và bơm dung dịch sát khuẩn ống tủy vào cháu bị đau dữ dội ở phần chân răng bên dưới tê buốt cả bên má. Sau đó nha sĩ có trám kín răng cháu lại bằng chất trắng trắng gì đó nói là trám chì, về nhà đau quá không chịu được thì đến lại nha sĩ. Cả ngày hôm nay chỗ đó lại đau âm ỉ rất khó chịu.

Vậy kính mong bác sĩ có thể giải đáp giúp cháu là răng cháu có vấn đề gì nguy hiểm không ạ? hay chỉ là bị viêm chóp răng và viêm tủy, sau khi điều trị tủy xong nó sẽ hết.

BS Nguyễn Thị Thảo Uyên trả lời:

Hoài Phong thân mến,

Trường hợp của bạn có thể là viêm tuỷ cấp, sau khi lấy tuỷ về có thể bị đau và phải uống thuốc kháng sinh, kháng viêm kèm giảm đau, nhưng tình trạng này sẽ giảm dần qua các lần điều trị kế tiếp. Cho đến khi hoàn tất điều trị tuỷ, răng bạn sẽ hết đau hoàn toàn, ăn nhai được bình thường. Nếu như điều trị xong mà vẫn đau âm ỉ thì bạn nên tái khám để bác sĩ xử trí.

Thân mến !

3. Nhổ răng trong cùng hàm trên, liệu có gây biến chứng?

Lê Thị Ngọc Hân - TPHCM

Chào bác sĩ, em định nhổ răng trong cùng của hàm trên. Hiện răng chỉ còn chân răng do bị sâu, xin hỏi nhổ răng này có nguy hiểm gì không? Chi phí cao không? Em cảm ơn.

Chào bạn Ngọc Hân,

Đối với răng sâu gãy còn chân thì để biết mức độ khó hay dễ, ngoài khám trực tiếp trên miệng, bạn còn phải chụp x-quang kiểm tra và từ đó bác sĩ mới ra chỉ định nhổ thông thường hay tiểu phẫu. Chi phí cho hai loại thủ thuật này cũng khác nhau giao động từ 300 đến 1 triệu đồng.

Mỗi loại thủ thuật đều có một mức độ nguy hiểm nhất định nhưng thông thường nhổ răng được xem là thủ thuật khá đơn giản, ít khi gây tai biến và ảnh hưởng thần kinh.

Thân mến!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X