Hotline 24/7
08983-08983

Hôi miệng có phải là dấu hiệu của ký sinh trùng trong cơ thể?

Sốt 39 độ có cần đi bệnh viện, hôi miệng có phải triệu chứng của ký sinh trùng, kết quả sinh thiết “loạn sản” nghĩa là gì... là câu hỏi của bạn đọc AloBacsi được BS Lan Hương tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Nguyễn Thị Thanh Tâm - Hà Nội

Sáng dậy cháu thấy đau họng và cặp nhiệt độ thì sốt 39 độ. Cháu có uống thuốc thuốc và trưa thấy nhiệt độ ở mức bình thường 37 độ. Chiều cháu lại thấy đầu nóng và khó chịu. Cặp nhiệt độ lại 39 độ.

BS cho cháu hỏi là cháu sốt như vậy co cần đi BV không? Và là sốt gì?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thanh Tâm,

Sốt 39 độ là sốt cao, sau khi em uống thuốc và nhiệt độ về bình thường là vì em uống thuốc hạ sốt, do đó khi thuốc hết tác dụng thì em lại sốt cao trở lại.

Sốt cao là biểu hiện thường gặp của viêm nhiễm, có thể do nhiễm siêu vi (như nhiễm cúm, sốt xuất huyết, sốt phát ban...), cũng có thể do nhiễm khuẩn...

Do đó, tốt hơn hết là em nên đến BV để khám và làm xét nghiệm kiểm tra, đồng thời được cho thuốc thích hợp, vì nếu sốt do nhiễm khuẩn thì phải có kháng sinh, nếu không nhiễm khuẩn mà sử dụng kháng sinh thì sẽ có hại.

Song song đó, em nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất, uống đủ nước, tăng cường rau xanh và hoa quả, hạn chế thức ăn chua cay nhiều dầu mỡ và sinh nhiệt, tránh thức khuya, tránh các chất kích thích như cafe, trà đặc, bia rượu, không hút thuốc lá.


- Nguyễn Thị Lệ Thúy - TPHCM

Thưa BS,

Mấy ngày nay em bị đau bụng. Đau âm ỉ. Có cảm giác muốn đi ngoài nhưng khi đi thì không đi được. Không biết có phải em ăn trúng gì? Hay là em bị bệnh gì? Cảm ơn BS

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thúy,

Tôi không rõ em đau bụng cụ thể mấy ngày rồi, đau liên tục âm ỉ hay có những cơn quặn, vị trí đau ở đâu, có lan không, có sốt hay ớn lạnh không, có xì hơi được không, có buồn nôn không, em đã khám và điều trị gì chưa... Do đó tôi chưa thể định hướng được bệnh của em.

Triệu chứng của em có thể gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, như táo bón, viêm dạ dày ruột, nhiễm ký sinh trùng đường ruột... Em cần đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, khai thác kỹ hơn bệnh sử, tiền căn, có thể làm xét nghiệm khi cần (như siêu âm bụng, xét nghiệm máu...), từ đó BS sẽ chẩn đoán xác định bệnh và điều trị thích hợp tương ứng, em nhé.

Trong thời gian này em nên nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu, ăn chín uống sạch, tăng cường ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, hoa quả (chuối, đu đủ...), hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, phải uống đủ nước, tối thiểu là 2 lít nước/ngày.


- Bùi Thế Tài - thetai…@gmail.com

Mẹ em 59 tuổi, cao tầm 1.55m, nặng 65kg. Tuy có tập thể dục mỗi ngày (đi bộ công viên mỗi sáng 45 phút) và rảnh thì đi bộ trong nhà nữa, đồng thời cũng hạn chế ăn tinh bột nhưng vẫn càng ngày càng mập quá.

Em muốn hỏi xem mình có cách nào hiệu quả hơn để giảm lượng mỡ không vì nó đang ảnh hưởng tinh thần của mẹ em với cách điều trị hiện tại mà vẫn càng ngày càng mập.

Nếu có thể thì phẫu thuật hút mỡ có được không với điều kiện thể trạng hiện tại? (Hiện thấy phần bụng mỡ rất to). Hay có cách nào khác tốt hơn để giảm nhiều lượng mỡ không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Giảm cân và duy trì cân nặng ở người từ độ tuổi trung niên trở đi sẽ khó khăn hơn nhiều so với người trẻ tuổi.

Người thừa cân - béo phì trong nhiều năm trời sẽ khỏe mạnh bình thường, nhưng càng về sau sẽ tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch dẫn đến nhiều hệ lụy như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Trước hết mẹ em cần khám tổng quát, xem có bệnh lý gì không, như rối loạn mỡ máu, thoái hóa khớp, bệnh tim mạch... để có hướng điều trị và kế hoạch tập luyện cho phù hợp.

Sau đó, mẹ em cần lên kế hoạch tập thể dục và chế độ ăn giảm calo (tăng rau xanh, hoa quả, giảm đạm, đường và dầu mỡ) tích cực hơn nữa. Tập thể dục thì nên có huấn luyện viên hướng dẫn sẽ an toàn và đạt hiệu quả cao hơn, có thể đến các trung tâm thể dục thể thao, thể dục thẩm mỹ, một số nơi có các thiết bị đánh giá chi tiết các chỉ số từng vùng trên cơ thể (chu vi, tỷ lệ cơ, mỡ...), ở đó có huấn luyện viên có thể hướng dẫn cách tập cho phù hợp.

Dinh dưỡng cũng vậy, nếu không thể tự tiết chế ăn uống bản thân thì nên khám chuyên khoa dinh dưỡng.

Hút mỡ bụng không giải quyết được mỡ nằm trong nội tạng, lại cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ của phẫu thuật, và sau hút mỡ bụng mà không có chế độ tập luyện + kiêng cữ ăn uống thì sẽ tạo mỡ trở lại.

Ngoài ra, các thuốc giảm cân luôn có tác dụng phụ đi kèm mà hãng ít đề cập đến, trong đó có tác dụng phụ lên gan, tim mạch, thận; và đặc biệt là khi ngừng dùng thuốc thì cân nặng tăng lên lại rất nhanh và còn nhiều hơn trước, do vậy đừng nên lạm dụng.


- Bạn đọc Hoàng - khonggia…@gmail.com

Chào BS,

Cháu tên là Hoàng, cháu đang là sinh viên và cháu muốn hỏi BS một vấn đề về sức khỏe: cháu thường xuyên bị hoa mắt và ngất xỉu. Dù chế độ ăn uống cháu vẫn bình thường.

Cháu bị vậy rất thường xuyên cách đây 2 tháng cháu bị té từ trên cao xuống đất (độ cao 4, 5m) do cháu bị ngất từ trên nên đã té tự do xuống đất, may là không bị gãy tay chân và cổ…

Mới hồi tháng 7 cháu lại bị ngất trong tư thế ngồi xuống đứng lên dù có bám trụ ở vật nơi đó nhưng khi tỉnh thì thấy mình đang nằm dưới đất. Rồi hôm nay cháu lại bị như vậy, cứ mỗi lần như vậy tay chân và da mặt của cháu bị trầy và rách da. Lâu lâu bị sặc khi uống nước. Hơi thở thì ngắn.

Sau lần bị té từ trên cao BS khuyên cháu tránh hoạt động mạnh như chạy bộ, nhảy hay tập gym. Cháu thường xuyên hay quên và lúng túng trong khoảng thời gian ngắn.

Gần đây nhất là cháu đi chơi về và cháu quên mất đường về nhà trong khoảng thời gian ngắn - cháu đã bị lúng túng và sợ hãi.

Cháu đã đi khám tổng quát thì không có bệnh gì hết. BS kêu bình thường. Không biết là cháu có gặp vấn đề và nguy hiểm gì không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hoàng thân mến,

Theo thông tin em cung cấp thì em có những cơn mất ý thức thoáng qua xuất hiện đột ngột không báo trước. Tình trạng này thuộc về lĩnh vực chuyên khoa thần kinh và tim mạch, do đó khám tổng quát thông thường sẽ khó phát hiện ra bệnh.

Em cần đến BV đa khoa khám chuyên khoa về nội thần kinh, đo điện não xem có bị động kinh cơn vắng ý thức hay không, khám chuyên khoa tim mạch làm trắc nghiệm bàn nghiêng xem có nguyên nhân ngất là gì, cùng 1 số xét nghiệm chuyên khoa sâu có thể BS sẽ đề nghị thêm khi cần.


- Vân Tăng - tangvan…@gmail.com

Cách đây 3 năm cháu bị tai nạn nên bị lệch vách ngăn mũi. Từ sau khi bị tai nạn thì từ đó đến nay đêm nào cháu cũng mơ, có khi mơ thấy ác mộng và cháu luôn cảm thấy lo sợ không dám làm gì cả.

Trong năm nay gia đình cháu có nhiều việc không may xảy ra làm cháu thấy ám ảnh lắm. Thậm chí hôm qua cháu mơ thấy mình bị rụng răng, làm cháu bần thần suốt, cháu sợ tới mức rung cả người. Từ đó đến nay cháu không giám lái xe đi ra đường một mình, 20 tuổi rồi mà đi đâu mẹ cháu cũng chở.

Tâm lí cháu giờ như thế, giờ cháu phải làm sao đây, BS giúp cháu với. Cháu cảm ơn ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Vân,

Sau tai nạn, một số người có thể còn bị chấn động tâm lý. Tuy nhiên, đã 3 năm từ lúc bị tai nạn đến nay mà tâm lý em vẫn còn bất ổn và có biểu hiện rối loạn lo âu quá mức. Với tình trạng này, em nên trị liệu tâm lý một thời gian để ổn định lại cuộc sống.

Em có thể đến khám tại BS tâm lý hoặc BS chuyên khoa tâm thần. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói bạn bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ... sẽ giúp được cho em.


- Bùi Văn Ngọc - ngoc159…@gmail.com

Em bị viêm tuyến nước bọt mang tai ca 3 năm nay rồi không biết còn trị dứt điểm được nữa không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Ngọc thân mến,

Viêm tuyến nước bọt mang tai kéo dài hay tái đi tái lại nhiều lần trong 3 năm chứng tỏ là viêm tuyến nước bọt mang tai mạn tính.

Cho đến nay, viêm mạn tuyến mang tai mạn tính vẫn là một thách thức lớn với ngành y. bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm khuẩn ngược dòng, Sỏi tuyến mang tai, thâm nhiễm nguyên thủy tuyến mang tai trong hội chứng Sjogren...

Có 2 phương pháp điều trị chính là: điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật. Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng khi các phương pháp điều trị bảo tồn thất bại. tốt nhất, em nên theo dõi và điều trị bệnh tại chuyên khoa răng hàm mặt là phù hợp nhất, em nhé.

Trong thời gian này, em chú ý không rượu bia, không thuốc lá, vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn nhiều rau xanh hoa quả, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.


- V. T. Luyến - Hưng Yên

Xin chào BS,

Em trai cháu năm nay 22 tuổi, có biểu hiện bất thường như: mặt lúc nào cũng đờ đẫn, mệt mỏi; không thích nói chuyện với ai; tính tình hay cáu gắt, giận giữ; coi thường bố mẹ gia đình; ngại tiếp xúc đám đông.

Gia đình cháu muốn đưa đi chữa trị, nhưng em nhất quyết không đi. Như vậy có phải là bệnh tự kỉ và đang ở giai đoạn nặng không ạ. Cách điều trị như thế nào ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Luyến thân mến,

Em trai của em đang trong độ tuổi phát triển tâm sinh lý. Việc nam thanh niên có những hành vi trên, có thể là do kềm nén cảm xúc của mình quá lâu trong khuôn khổ của gia đình và bùng phát ra ngoài, có thể do những chuyện buồn bực tích lũy trong học tập, bạn bè, gia đình; có thể do sử dụng chất kích thích (như rượu bia, ma túy...), nghiện game sống ảo, và cũng có thể cháu thật sự có rối loạn hành vi/ cảm xúc thuộc nhóm bệnh lý tâm thần.

Rối loạn tâm thần có rất nhiều sắc thái khác nhau như rối loạn cảm xúc, trầm cảm, hưng cảm... người dân không rành thì gọi là “khùng”, “điên”... dẫn đến nhiều cách chữa sai lầm, trong khi, nếu thật sự người bệnh bị rối loạn tâm thần thì hoàn toàn có thuốc điều trị được.

Trước mắt, phải chẩn đoán được em trai em có sử dụng chất kích thích hay không, có thật sự bị rối loạn tâm thần hay không hay chỉ rối loạn tâm sinh lý thôi, điều này cần đến BS chuyên khoa tâm thần chứ không thể tự chẩn đoán và điều trị được, nếu cháu thực sự có bệnh, càng để lâu thì bệnh càng khó chữa.

Đây là vấn đề khá nhạy cảm, về phía gia đình cũng như bản thân cháu trai, bởi vì người dân mình chưa quen thuộc với vấn đề này và khuyên được người bệnh chịu đi khám là cả 1 vấn đề khó khăn. Do vậy, gia đình nên có thể mời BS chuyên khoa tâm thần khám tại nhà để dễ tiếp cận bệnh nhân hơn.


- Đào Lê Sơn Tùng - daole…@gmail.com

Chào BS,

Cho hỏi tự nhiên bị đau vùng sau cổ xuống vai trái tê xuống gần nửa tay rất đau. Khám uống thuốc thì cũng không thấy đỡ mà ngày càng đau hơn. Xin BS giúp với ạ? Thank nhiều.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Tùng,

Đây là biểu hiện của hội chứng đau vai gáy, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, thường gặp nhất là bệnh lý của cột sống cổ (thoát vị đĩa đệm vùng cột sống cổ, hẹp lỗ liên hợp đốt sống cổ, dãn dây chằng...), hay đau do căng mỏi cơ vì sai tư thế, hoạt động nhiều, thiếu vi khoáng chất...

Triệu chứng đau của em có dấu hiệu của chèn ép/ kích thích thần kinh cột sống cổ. Do đó, em cần khám chuyên khoa cơ xương khớp để được xác định bệnh và nguyên nhân (qua thăm khám, chụp Xquang cột sống cổ...), nhằm điều trị thích hợp.

Trong thời gian chờ đi khám, việc điều trị chung giảm triệu chứng đau cho mọi nguyên nhân bao gồm nghỉ ngơi, đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, panadol, mát xa, ấn huyệt, châm cứu, chườm ấm chườm lạnh đều có tác dụng; đồng thời em chú ý tư thế đi đứng ngồi nằm, nệm phải chắc, gối nằm phải vừa tầm, nằm thẳng.


- Hồng Hạnh - honghanh@k...com

Dạ chào BS,

Bác cho em hỏi em đi khám ở ung bưới BS kết quả:

- Thùy phải: 2/3 trên có 1 nhân đồng chủ mô với mô giáp, giới hạn rõ kích thước 39*18mm, không vôi hóa, không tăng sinh mạch máu,

- Tuyến mang tai tuyến hàm dưới 2 bên bình thường, hạch cổ 2 bên không thấy hạch bệnh lý bó mạch cảnh 2 bên. Khảo sát động & tĩnh mạch động mạch cảnh không phình, không giãn, không màng xơ vữa, tĩnh mạch cảnh không giãn, không huyết khối, không thuyên tắc, phân bố mạch máu phổ tĩnh mạch.

- Kết luận: phình giáp hạt thùy phải (T Rad 3)

BS cho em hỏi đây u lành hay sao ạ, có cần làm sinh thiết xét nghiệm không ạ? Ngoài phẫu thuật mình có phương án điều trị bệnh này không ạ? BS nói em có thể lựa chọn mổ thì sẽ khỏi hẳn, còn nếu không muốn mổ thì cứ để vậy về kiêng su hào bắp cải, đậu hũ, đậu tương..

BS cho em xin lời khuyên ạ. Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hồng Hạnh,

Kết quả siêu âm của em hướng đến nhân giáp lành tính nhiều hơn. khi phát hiện có nhân giáp, người bệnh cần phải được xét nghiệm chức năng tuyến giáp xem nhân giáp đó có gây rối loạn chức năng tuyến giáp hay không?

Nếu chức năng tuyến giáp bình thường, thì lời khuyên của BS là phù hợp, nghĩa là chưa cần sinh thiết, theo dõi định kỳ và kiêng ăn các thực phẩm trên. Bởi vì đối với dạng nhân giáp này, điều trị thuốc ít có hiệu quả, phẫu thuật sẽ nhanh gọn hơn nếu bệnh nhân có yêu cầu (thường là thẩm mỹ).

Hoặc nếu không muốn mổ thì em có thể tham khảo phương pháp điều trị sóng cao tần để điều trị nhân giáp lành tính.


- Ng Lan - lanhtn…@gmail.com

Chào BS,

Tôi khám sức khỏe làm việc, khi siêu âm tuyến giáp kết quả: nhân giáp thuỳ phải tổn thương khu trú 1/3 giữa có nhân phản âm kém không đồng nhất, dạng tổ ong, giới hạn rõ d# 8mm Hạch cổ không có, eo giáp dày 2mm. Mô mềm vùng cổ bình thường.

Xin BS vui lòng cho tôi biết trường hợp của tôi cần phải điều trị theo hướng thế nào hay chỉ cần theo dõi sự phát triển, nên đi khám ở đâu?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Lan thân mến,

Với những nhân giáp có hình ảnh tổ ong trên siêu âm thì người bệnh cần đến gặp BS chuyên khoa về tuyến giáp (bao gồm BS nội tiết, BS ung bướu) để kiểm tra kỹ hơn về vấn đề này, loại trừ bệnh lý ác tính và kiểm tra chức năng tuyến giáp cho bạn.

Bạn có thể đến khám tại BV Ung Bướu, BV đa khoa có chuyên khoa Nội tiết, ưu tiên khám tại nơi đăng ký BHYT và gần khu vực sinh sống.


- Hải Hòa - nguyenhai…@gmail.com

Thưa BS, cho em hỏi,

Mẹ em sau khi cắt polyp trực tràng và sinh tiết tế bào kết luận là loạn sản độ cao. BS tư vấn giúp em ạ. Em xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Hòa,

Loạn sản và nghịch sản đều có nguồn gốc từ chữ “Dysplasia” nhằm mô tả sự bất thường trong phát triển tế bào và cấu trúc mô học.

Hiện tượng loạn sản có thể coi như là dấu hiện tiền ung thư. Loạn sản thường được chia thành 3 mức độ nhẹ, vừa và nặng trong đó nhóm nặng có nguy cơ cao nhất. Loạn sản mức độ cao (nặng) thì chưa chuyển sang ung thư nhưng sẽ chuyển thành ung thư trong thời gian ngắn.

Do đó, bước tiếp theo là mẹ em cần tái khám lại BS chuyên khoa ngoại tổng quát hay chuyên khoa ung bướu để BS dựa vào kết quả mổ lần trước (polyp to hay nhỏ, có cuống hay không...) để quyết định hướng xử trí và theo dõi tiếp theo.


- Hien Vu - vuthuhien...@gmail.com

Cho em hỏi,

Đau đầu, mệt mỏi, hôi miệng có phải triệu chứng có ký sinh trùng trong người không? Mà có thì phải điều trị như thế nào ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Các triệu chứng trên không phải là triệu chứng chỉ điểm cho nhiễm ký sinh trùng.

Nước ta là vùng dịch tễ của nhiễm giun sán. Giun sán có thể bị nhiễm qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch, chưa chín kỹ (rau sống, thịt tái, sushi...), uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, qua bàn tay bẩn, qua nguồn nước không vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm. triệu chứng của nhiễm giun sán có thể lẫn trong các bệnh lý khác, bao gồm rối loạn tiêu hóa, xanh xao, đau bụng, dị ứng da...

Mặt khác, có nhiều lý do khiến miệng hôi hoặc hơi thở khó chịu: sót thức ăn giữa các kẽ răng, viêm nướu, sâu răng, mảng bám vôi dày, viêm amidan mạn tính, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh gan, bệnh thận...

Như vậy để loại trừ nỗi lo về bệnh nhiễm ký sinh trùng, cũng như tầm soát các nguyên nhân gây hôi miệng, tốt hơn hết em nên khám thêm chuyên khoa Tai mũi họng và Răng hàm mặt, em nhé.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X