Hotline 24/7
08983-08983

Địa chỉ tiêm ngừa cúm và viêm phổi trên cả nước

Câu hỏi

Trong tình hình diễn tiến dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, nhiều bạn đọc gửi thắc mắc về việc tiêm ngừa cúm và viêm phổi về cho AloBacsi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về vắc xin ngừa cúm và vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu cùng chi phí, địa điểm tiêm ngừa.

Trả lời

Bạn đọc thân mến,

Trong tình hình diễn tiến dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, nhiều bạn đọc gửi thắc mắc về việc tiêm ngừa cúm và viêm phổi về cho AloBacsi.

Thực tế, các vắc xin cần ưu tiên đi chích ngừa hiện nay liên quan đến các bệnh lý do virus, vi khuẩn lây từ người qua người theo đường hô hấp, có nguy cơ diễn tiến nặng ở trẻ nhỏ và người già như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm màng não...

Đó là các loại vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu. Việc chích ngừa các vắc xin này mặc dù không thể phòng ngừa hoặc hạn hế mắc COVID-19 nhưng lại có tác dụng phòng các bệnh nguy hiểm kể trên, giúp dễ dàng loại trừ yếu tố nguy cơ gây bệnh nếu có các triệu chứng bệnh tương đồng với COVID-19.

Trong bài viết này, AloBacsi sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về vắc xin ngừa cúm và vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu cùng chi phí, địa điểm tiêm ngừa:

I. Vắc xin ngừa cúm

1. Vì sao cần tiêm ngừa cúm?

Tiêm ngừa cúm mang ý nghĩa quan trọng đối với tất cả mọi người ở các lứa tuổi. Đặc biệt ở nước ta, bệnh cúm thường gia tăng nhanh chóng trong tiết trời lạnh, có những trường hợp bệnh cảnh nặng nề. Việc tiêm ngừa cúm đã được các nghiên cứu chứng minh hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích, bao gồm làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, làm giảm tỷ lệ phải nhập viện và thậm chí làm giảm tỷ lệ tử vong liên quan tới cúm ở trẻ em.

Tiêm ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm. Ngoài ra, các loại virus gây bệnh cúm cũng thay đổi hằng năm và thành phần vắc xin chủng ngừa cúm cũng thường xuyên được điều chỉnh để phù hợp các các chủng virus xuất hiện theo từng thời điểm.

Các loại vắc xin ngừa cúm Vaxigrip

2. Ai cần tiêm ngừa cúm?

Những đối tượng nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa là: Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Phụ nữ mang thai. Người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Người mắc các bệnh lý mạn tính như: hen, viêm phổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch do điều trị hoặc do mắc HIV/AIDS, suy thận.

Những trường hợp không nên chủng ngừa cúm: Bé nhỏ hơn 6 tháng tuổi. Bé từng có phản ứng nghiêm trọng với vắc xin cúm trong quá khứ. Nếu con bị dị ứng với trứng hoặc bạn nghi ngờ về điều này, hãy báo cho bác sĩ bởi loại vắc xin này được nuôi trong trứng gà và có thể chứa đặc tính của protein trứng. Tuy nhiên, bé vẫn có thể chủng ngừa cúm nếu chỉ bị phát ban khi tiếp xúc với trứng. Nếu bé không khỏe hoặc bị sốt, bạn phải báo cho bác sĩ biết trước khi tiêm.

3. Lịch tiêm ngừa cúm

Trẻ từ 6 tháng - 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm: Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.

Trẻ trên 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi 0.5ml. Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

4. Nên tiêm ngừa cúm vào thời điểm nào?

Bạn nên được tiêm phòng vắc xin cúm trước khi virus cúm bắt đầu phát tán tại nơi bạn sinh sống, bởi vì nó mất khoảng hai tuần sau tiêm chủng để cho các kháng thể phát triển trong cơ thể và bảo vệ khỏi bệnh cúm. Trẻ em cần tiêm hai liều vắc xin để được bảo vệ, do đó nên bắt đầu tiêm phòng sớm hơn, bởi vì 2 liều phải được thực hiện cách nhau ít nhất 4 tuần.

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu dịch tễ học cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10 hàng năm, có xu hướng gia tăng trong mùa đông và mùa xuân. Nên tiêm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng. Mặc dù vậy, tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào trong mùa cúm đều vẫn có thể giúp phòng ngừa mắc bệnh.

5. Các loại vắc xin ngừa cúm

Hiện nay, có 4 loại vắc xin phòng cúm được sử dụng tại Việt Nam gồm: Vaxigrip (Pháp), Influvac (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam).

Các loại vắc xin ngừa cúm Influvac Ảnh: Trung tâm tiêm chủng vắc xin Đồng Nai

Vắc xin Influvac

Có nguồn gốc từ Abbott (Hà Lan) là vắc xin virus cúm bất hoạt, được dùng tiêm bắp hoặc tiêm sâu dưới da. Vắc xin Influvac phòng cúm cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.

Vắc xin Influvac có thể được sử dụng và không gây nguy hiểm cho thai nhi, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú.

Người lớn và trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên tiêm 1 liều 0,5ml.

Trẻ em từ 6 tháng đến 35 tháng tuổi tiêm 1 mũi nửa liều 0,25ml hoặc cả liều 0,5ml. Với trẻ trước đó mà chưa mắc bệnh cúm thì phải tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần.

Giá vắc xin khoảng trên 300.000 đồng.

Vắc xin Vaxigrip

Vắc xin Vaxigrip với liều lượng 0,25ml và Vaxigrip 0,5ml, có nguồn gốc từ Sanofi Pasteur (Pháp) được chỉ định tiêm ngừa cúm cho các đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên.

Có thể tiêm vắc xin Vaxigrip vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ và bà mẹ đang cho con bú. Tuy nhiên, phải tham khảo ý kiến và có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi tiêm 1 liều 0,25ml hoặc 0,5ml. Người lớn và trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên tiêm 1 liều 0,5 ml.

Trẻ em dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì nên tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần.

Vắc xin Vaxigrip hàm lượng 0,25ml giá khoảng 290.000 - 305.000 đồng. Hàm lượng 0,5ml giá khoảng 350.000 đồng.

Vắc xin GC Flu

Có xuất xứ Hàn Quốc được chỉ định cho người lớn và trẻ em trên 3 tuổi, dùng 1 liều 0,5ml - tiêm bắp. Vắc xin GC Flu có thể dùng ở phụ nữ đang cho con bú nhưng chỉ được dùng trong thai kỳ khi có ý kiến của bác sĩ.

Đối với trẻ em dưới 9 tuổi chưa bị nhiễm virus cúm hay chưa từng tiêm vắc xin cúm trước đó, nên tiêm thêm liều thứ 2 cách liều thứ nhất 4 tuần.

Giá vắc xin khoảng trên 200.000 đồng.

Vắc xin Ivacflu-S

Có xuất xứ Việt Nam, được sử dụng qua đường tiêm bắp, dùng cho người ở độ tuổi từ 18 đến 60.

Người lớn từ 18 tuổi đến 60 tuổi tiêm 1 liều  0,5 ml.

Giá vắc xin Ivacflu-S khoảng 190.000 đồng.


II. Vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu là gì, có bao nhiêu loại?

1. Vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu là gì?

Bệnh phế cầu là thuật ngữ dùng để mô tả một số bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Nếu ở trẻ nhỏ loại vi khuẩn phế cầu này thường gây ra bệnh viêm tai giữa, nhiễm trùng tai, viêm phổi hoặc viêm màng não thì ở người lớn tuổi, phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm phổi.

Thực tế số ca người lớn tử vong vì viêm phổi do khuẩn phế cầu gây ra khá lớn. Hầu hết chúng ta chỉ chú ý đến tiêm vắc xin phòng phế cầu cho trẻ em mà không tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi từ 65 trở lên.

Vì vậy, tiêm vắc xin phế cầu là một hoạt động vô cùng cần thiết để phòng ngừa các bệnh liên quan đến phế cầu ở cả trẻ em và người lớn tuổi.

2. Ai nên tiêm vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu?

a. Trẻ em

Dù không bắt buộc nhưng các bác sĩ khuyến nghị cha mẹ nên tiêm vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ, thời điểm thích hợp nhất là khi trẻ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Việc tiêm phòng vắc xin phế cầu sẽ tạo ra sự miễn dịch chủ động cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh còn non yếu rất dễ bị nhiễm phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ tử vong.

b. Người lớn

Vắc xin phế cầu khuẩn thường được khuyến cáo nên tiêm ngừa ở người trên 60 tuổi. Vì càng lớn tuổi thì hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động không tốt như trước đây nên người trên 60 tuổi có nhiều khả năng gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng gây viêm phổi.

Ngoài người lớn tuổi, các chuyên gia cũng khuyến cáo một số trường hợp thuộc các nhóm nguy cơ cao nên tiêm phòng phế cầu như: Người có hệ miễn dịch suy yếu; Người mắc bệnh tim, tiểu đường, khí phế thũng, hen suyễn hoặc COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh thận, bệnh gan; Người bệnh được điều trị hóa trị liệu, người được cấy ghép nội tạng và người nhiễm HIV hoặc AIDS; Người hút thuốc lá; Người nghiện rượu nặng; Người bệnh phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng.

3. Các loại vắc xin ngừa phế cầu

Hiện, Việt Nam đang sử dụng 2 loại vắc xin phế cầu cho trẻ em và người lớn là: vắc xin Synflorix và vắc xin Prevenar 13.

Vắc xin Synflorix

Vắc xin Synflorix của Bỉ ngừa các bệnh gây ra bởi phế cầu loại huyết thanh 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F (như hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa cấp tính) và ngừa viêm tai giữa cấp tính gây ra bởi Haemophilus influenza không định tuýp.

Synflorix được sử dụng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi - 5 tuổi. Phác đồ tiêm phụ thuộc vào độ tuổi trẻ bắt đầu tiêm mũi Synflorix đầu tiên.

Giá vắc xin khoảng 950.000 - 1.045.000 đồng.

Vắc xin Prevenar 13

Vắc xin Prevenar 13 được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Pfizer (Mỹ), chứa các polysacarit từ 13 loại S. pneumoniae khác nhau (huyết thanh 1, 3, 4, 5, 6A, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F). Prevenar 13 giúp phòng các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn gây nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu)… do phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae gây ra.

Prevenar 13 được sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn; đặc biệt là đối tượng trẻ lớn quá tuổi tiêm vắc xin Synflorix, người lớn có nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh, và người có bệnh mạn tính như tiểu đường, tắc nghẽn phổi mạn tính COPD, người bị suy giảm hệ miễn dịch…

Trong trường hợp bất khả kháng, có thể chuyển đổi vắc xin Synflorix và Prevenar 13 vào bất cứ thời điểm nào trong lịch trình tiêm chủng.

Trẻ em đến 5 tuổi (trước sinh nhật 6 tuổi) đã hoàn tất đầy đủ phác đồ tiêm Synflorix trước đó: có thể được khuyến cáo tiêm 1 liều Prevenar 13 để kích thích sinh miễn dịch với 6 type huyết thanh bổ sung. Mũi tiêm Prevenar 13 bổ sung được tiêm cách mũi Synflorix cuối cùng 8 tuần.

Lưu ý, tránh dùng vắc xin Prevenar 13 trong thai kỳ hoặc với người quá mẫn cảm với thành phần trong vắc xin hoặc với độc tố bạch hầu.

Không tiêm vắc xin Prevenar 13 ở bệnh nhân giảm tiểu cầu hoặc bất kỳ rối loạn đông máu nào. Ngoài ra, không dùng thuốc hạ sốt (Paracetamol) đồng thời hoặc trong cùng ngày tiêm vắc xin Prevenar 13.

Giá vắc xin Prevenar 13 khoảng trên 1,2 triệu đồng.

Ai nên tiêm vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu

4. Lịch tiêm ngừa vắc xin phế cầu

a. Phác đồ tiêm vắc xin Synflorix

Liệu trình cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi

Liệu trình 3 + 1 (được khuyến cáo sử dụng để đem lại hiệu quả tối ưu): liều 1 có thể dùng bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi (nhưng thường sử dụng khi 2 tháng tuổi). Liều thứ 2 cách liều thứ 1 tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 3 cách liều thứ 2 tối thiểu cũng 1 tháng. Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ 3 tối thiểu 6 tháng.

Liệu trình 2 + 1: (được sử dụng để thay thế phác đồ 3 +1): Liều đầu tiên có thể dùng khi trẻ được 6 tuần tuổi. Liều thứ 2 cách liều đầu tiên tối thiểu 2 tháng. Liều nhắc lại cách liều thứ 2 tối thiểu 6 tháng.

Phác đồ tiêm vắc xin Synflorix

Liệu trình cho trẻ lớn từ 1 - 5 tuổi chưa tiêm trước đó

Lịch trình tiêm 2 liều. Liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 2 tháng.

Không cần phải tiêm nhắc lại.

b. Phác đồ tiêm vắc xin Prevenar 13

Trẻ em từ 2 - 6 tháng tuổi

Lịch tiêm cơ bản: Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.

Lịch tiêm nhắc: Mũi 4 tiêm khi trẻ 11 - 15 tháng tuổi và phải cách mũi 3 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 7 - 11 tháng tuổi

Lịch tiêm cơ bản: Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng

Lịch tiêm nhắc: Mũi 3 tiêm khi trẻ trên 1 tuổi và phải cách mũi 2 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 12 - 23 tháng tuổi

Mũi 1 là lần tiêm đầu tiên, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.

Trẻ em từ 24 tháng tuổi - người lớn: Tiêm 1 mũi duy nhất

III. Địa chỉ tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh do phế cầu

1. 4 địa chỉ tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh do phế cầu tại TPHCM

a. Trung tâm tiêm chủng VNVC

VNVC còn các vắc xin ngừa cúm ở cả người lớn, trẻ em và còn vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu (cả Synflorix và Prevenar 13)

VNVC Hoàng Văn Thụ: 198 Hoàng Văn Thụ, Quận Phú Nhuận

VNVC CANTAVIL An Phú: Lầu 1 TTTM Cantavil An Phú, Số 1 đường song hành, xa lộ Hà Nội, P. An Phú, Quận 2

VNVC Lê Đại Hành: Tầng 2 TTTM, Cao ốc Bảo Gia, 184 Lê Đại Hành, P. 15, Quận 11

Hotline: 1800 6595

b. Viện Pasteur TPHCM

Viện Pasteur TPHCM còn các vắc xin ngừa cúm ở cả người lớn, trẻ em và còn vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu (cả Synflorix và Prevenar 13).

167 Pasteur, P.8, Quận 3, TPHCM

ĐT: 028 3823 0352 - kiểm tra tình trạng vắc xin trước khi đến qua tổng đài 028 1080
Email: pasteur@pasteur-hcm.org.vn
Website: www.pasteurhcm.gov.vn
Đi tiêm ngừa thì đi cổng sau tại số 252 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Quận 3, TPHCM.

c. Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM

Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM hiện còn vắc xin cúm tiêm cho trẻ dưới 3 tuổi, vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu chỉ còn loại cho trẻ dưới 5 tuổi.

699 Trần Hưng Đạo, P.1, Quận 5, TPHCM

ĐT: 028 39231645
Email: webytdp@gmail.com

d. Bệnh viện Nhi đồng 2

Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện còn vắc xin phế cầu loại Synflorix của Bỉ, tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.

14 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Quận 1, TPHCM

ĐT: 028 3829 5723
Email: benhviennhi@benhviennhi.org.vn
Website: benhviennhi.org.vn

2. 3 địa chỉ tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh do phế cầu tại Hà Nội

a. Trung tâm Tiêm chủng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Tại cơ sở y tế này còn các vắc xin ngừa cúm ở cả người lớn, trẻ em và còn vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu (cả Synflorix và Prevenar 13).

Số 131 phố Lò Đúc, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

ĐT: Phòng tiêm chủng: (024) 39717694/39723173 máy lẻ 0
Thời gian làm việc:
Thứ 2 - chủ nhật (kể cả ngày lễ): Sáng 8g - 11g30, chiều 13g30 - 17g

b. Phòng tiêm chủng SAFPO

Tại phòng tiêm chủng SAFPO còn các vắc xin ngừa cúm ở cả người lớn, trẻ em và còn vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu.

135 Lò Đúc, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

ĐT: (024) 3972 7071 - Hotline: 0988 7777 00
Thời gian làm việc: Thứ 2 - chủ nhật, sáng từ 7g 30 - 11g30, chiều từ 13g30 - 17g

c. Phòng tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh - Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội

Tại cơ sở y tế này, tạm hết vắc xin cúm loại 0,25ml, còn vắc xin cúm loại 0,5ml. Vắc xin phế cầu còn cả 2 loại cho trẻ em và người lớn (Synflorix và Prevenar 13)

82 Lương Thế Vinh, Hà Nội

ĐT: 1900 6256

3. 12 địa chỉ tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh do phế cầu tại Miền Tây

a. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An

Hiện, Trung tâm tạm hết vắc xin ngừa cúm và các bệnh do phế cầu. Dự kiến sẽ về lại trong thười gian gần đây nhất. Bạn đọc có nhu cầu có thể liên hệ lại trung tâm vào đầu tháng 4.

Số 102, quốc lộ 62, P.2, TP Tân An, tỉnh Long An

ĐT: 0272 3824 723

b. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang

Hiện, Trung tâm này chỉ có vắc xin ngừa phế cầu cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi và vắc xin ngừa cúm cho trẻ từ 3 tuổi và người lớn. Vắc xin ngừa cúm cho độ tuổi nhỏ hơn tạm hết.

158/3 Trần Hưng Đạo, P.5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

ĐT: 0273 397 9126

c. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long

Hiện, Trung tâm này chỉ có vắc xin ngừa phế cầu cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, không có loại cho người lớn. Vắc xin cúm còn cho cả người lớn và trẻ em.

Số 24 đường Hùng Vương, P.1, TP Vĩnh Long,  tỉnh Vĩnh Long

ĐT: 0270 3822 431

d. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre

Tại Trung tâm này hiện tạm hết vắc xin ngừa cúm cho trẻ em và người lớn. Vắc xin phế cầu còn loại dành cho trẻ em từ 6 đến 5 tuổi.

230 Nguyễn Văn Tư, P.7, TP Bến Tre, Bến Tre

ĐT: 0275 3827110

e. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp

Tại Trung tâm này còn vắc xin ngừa cúm cho cả người lớn, trẻ em do Việt Nam sản xuất và còn vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu.

394 Lê Đại Hành, P.Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp

ĐT: 0277 3851 229

f. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh

Tại Trung tâm này hiện tạm hết vắc xin ngừa cúm cho trẻ em và người lớn. Vắc xin phế cầu còn loại dành cho trẻ em từ 6 đến 5 tuổi.

36 Tô Thị Huỳnh, P.4, Trà Vinh

ĐT: 02946 508 508

g. Trung tâm Y tế dự phòng An Giang

Tại Trung tâm này hiện tạm hết vắc xin ngừa cúm và vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu. Dự kiến sẽ về trong tuần sau.

12B Lê Lợi, Phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang

ĐT: 0296.3852305 - Tư vấn tiêm chủng : 0296.3666166

h. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cần Thơ

Tại Trung tâm này còn vắc xin ngừa cúm cho cả người lớn, trẻ em và còn vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi.

1 Ngô Đức Kế, Tân An, Quận Ninh Kiều, Cần Thơ

ĐT: 0292 3811779

g. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang

Tại Trung tâm này còn vắc xin ngừa cúm cho cả người lớn, trẻ em. Tạm hết vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu. Nếu bạn đọc có nhu cầu nên đến sớm, vì số lượng vắc xin cúm còn rất hạn chế.

Số 613, đường Trần Hưng Đạo, khu vực 3, P.3, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

ĐT: 02933 870795

i. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu

Tại Trung tâm này tạm hết vắc xin ngừa cúm và vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu.

Số 01 Đường Đồng Khởi, Khóm 1, P.5, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

ĐT: 02913 789979

l. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang

Tại Trung tâm này tạm hết vắc xin ngừa cúm và vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu.

D11 đường Phạm Hùng, Tuệ Tĩnh, P.Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

ĐT: 02973 876 791

m. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau

Tại Trung tâm này hiện tạm hết vắc xin cúm. Vắc xin phế cầu còn loại dành cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Nếu bạn đọc có nhu cầu tiêm vắc xin Prevenar 13 có thể gọi lại vào thứ 5 (19/3) để kiểm tra tình trạng vắc xin.

91 Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau

ĐT: 0290 3826 520 - 0290 3561 868

4. 6 địa chỉ khác tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh do phế cầu

Nếu bạn ở các tỉnh thành khác có thể liên hệ đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/ thành phố nơi mình sinh sống để kiểm tra tình trạng vắc xin cúm và vắc xin phế cầu. Ngoài ra, Trung tâm tiêm chủng VNVC đã có mặt tại một số địa điểm khác ngoài TPHCM và Hà Nội cũng cung cấp các loại vắc xin ngừa cúm, vắc xin ngừa phế cầu ở trẻ em và người lớn như:

VNVC Đồng Nai: Số 22, đường Đoàn Văn Cự, KP9, P.Tam Hiệp, TP Biên Hòa.

VNVC Bình Dương: 567 đại lộ Bình Dương, P. Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một.

VNVC Vinh: 17B Mai Hắc Đế, P. Quán Bàu, TP Vinh

VNVC Đà Nẵng: Khu biệt thự Đảo Xanh, phía tây chân cầu Trần Thị Lý (Lô 02-A4.3, Lô 03-A4.3 khu đất Công viên Bắc Tượng đài, P.Hòa Cường Bắc, Quận Hải Châu)

VNVC Hạ Long: Khu Thương mại và dịch vụ tầng 1, tòa nhà Chung cư Lideco Hạ Long, đường Trần Hưng Đạo, P.Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

VNVC Thanh Hóa: Tầng 1 tòa nhà Số 8A Bùi Khắc Nhất, khu dân cư An Phú Hưng, P. Đông Hương, TP Thanh Hóa (phía sau tòa nhà Viettel)

Lưu ý: Tình trạng vắc xin AloBacsi cập nhật đến chiều ngày 16/3. Bạn đọc trước khi đến tiêm ngừa nên liên hệ trước qua điện thoại để kiểm tra tình trạng vắc xin tại thời điểm đến. Chi phí tiêm vắc xin thay đổi tùy thuộc vào cơ sở y tế.

AloBacsi.com

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X