Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân đột quỵ có nên tái khám trong mùa dịch COVID-19?

Câu hỏi

Đối với bệnh đột quỵ, việc đi khám bệnh hoặc tái khám những bệnh lý mạn tính như: cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… trong mùa dịch COVID-19 thì có thể đưa đến những nguy cơ gì, thưa BS?

Trả lời

TS.BS Trần Chí Cường

TS.BS Trần Chí Cường

Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ SIS

Bệnh nhân đột quỵ khi có triệu chứng cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay

Chào bạn,

Về góc độ ngành Y, tôi hoàn toàn ủng hộ những chỉ thị của Chính phủ trong việc cách ly, giãn cách xã hội cũng như trong việc hạn chế tiếp xúc, tụ tập nơi đông người, tránh ra ngoài khi không có việc cần thiết.

Tuy nhiên, riêng với đột quỵ hoặc bệnh nhân có yếu tố nguy cơ của đột quỵ hoặc mang sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, đang điều trị trong phác đồ theo dõi đặc biệt cần phải dùng thuốc theo liệu trình nghiêm ngặt thì vẫn nên đi tái khám định kỳ. Vì kể cả trong ngành Y tế hay quy định của Nhà nước cũng không hạn chế ra ngoài trong những trường hợp khẩn cấp.

Đặc biệt, nếu có những dấu hiệu sớm của đột quỵ thì phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất hoặc đến các Trung tâm cấp cứu đột quỵ, như ở miền Tây thì có Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Không chần chừ vì với đột quỵ chỉ trong thời gian ngắn bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê sâu, thậm chí nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể ngưng tim, suy hô hấp, tử vong. Lúc đó, thời gian vàng không phải 4 giờ hay 6 giờ mà vỏn vẹn chỉ có 4 phút. Điều này có nghĩa là, bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng hô hấp mà không được xoa bóp tim, không được cấp cứu kịp thời thì chỉ trong vòng 4 phút não đã tổn thương hoàn toàn.

Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng tăng cường công tác truyền thông trên tivi, radio, báo đài… để thông tin về bệnh đột quỵ tiếp cận được với người dân. Nhưng trên thực tế, vẫn có bệnh nhân đến trễ và số lượng bệnh nhân đột quỵ vẫn gia tăng. Có nhiều trường hợp rất đau lòng, bệnh nhân bị tăng huyết áp không điều trị, theo dõi sát sao, sau đó tự ngưng thuốc huyết áp, dẫn đến huyết áp tăng đột biến rồi xuất huyết não, cuối cùng là tử vong.

Chúng ta phải hiểu rõ về giãn cách xã hội nghĩa là không tiệc tùng bên ngoài, không mua sắm, shopping nhưng phải quan tâm đến sức khỏe của mình. Đặc biệt, những ai có dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ như tê yếu tay chân, nói khó, mặt méo 1 bên… thì hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đến cơ sở y tế gần nhất.

Đột quỵ không loại trừ bất kỳ ai, bất kỳ ngành nghề nào. Nếu chúng ta có yếu tố nguy cơ, đã từng được cảnh báo có nguy cơ đột quỵ hoặc có tiền sử đột quỵ thì cần phải quan tâm, tầm soát sớm, bất kể thời gian nào, kể cả trong đêm có dấu hiệu đột quỵ cũng phải đi cấp cứu, chứ không phải chờ sáng mai, chờ qua COVID-19 thì rất muộn.

Thân mến.

(Trích từ livestream TS.BS Trần Chí Cường tư vấn cách phòng ngừa đột quỵ trong dịch bệnh COVID-19)

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X