Hotline 24/7
08983-08983

Hội chứng chân không yên: làm sao giảm cảm giác bồn chồn, khó chịu?

Đêm ngủ hay lúc nghỉ ngơi, bạn luôn có cảm giác bồn chồn, không thể cưỡng lại ý muốn di chuyển của chân? Đó có thể là hội chứng chân không yên. Để tìm hiểu thêm về tình trạng này, mời bạn theo dõi phần tư vấn của ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Ủy viên BCH Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM.

1. Triệu chứng điển hình nhất của hội chứng chân không yên là gì?

Thưa BS nhờ BS có thể mô tả hội chứng chân không yên là gì? Triệu chứng điển hình nhất của hội chứng chân không yên?

Thông thường, các hoạt động của chúng ta sẽ giảm đi khi ngủ, nghỉ ngơi. Với người bệnh hội chứng chân không yên gây ra cảm giác khó chịu hoặc không thoải mái, bồn chồn ở chân và không thể cưỡng lại ý muốn di chuyển khi đang ngồi hay nằm xuống. Khi đó, người nhà có thể thấy rằng, chân của bệnh nhân bị co giật hoặc khi rờ vào thấy rung cơ. Tình trạng này gây ra mệt mỏi vì người bệnh khó ngủ, thiếu ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

2. Những nguyên nhân nào gây ra hội chứng chân không yên?

Nguyên nhân gây bệnh và độ tuổi dễ mắc phải và những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không yên?

Hội chứng chân không yên là tình trạng sẽ xấu dần theo tuổi. Càng lớn tuổi thì tình trạng càng nặng hơn. Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên, một trong số đó thường gặp nhất là do thiếu máu, thiếu sắt. Ngoài ra, khi người bệnh có bệnh lý thần kinh, sử dụng một số loại thuốc (đặc biệt là thuốc liên quan đến thần kinh) cũng gây ra hội chứng chân không yên.

3. Hội chứng chân không yên có di truyền không?

Hội chứng chân không yên có di truyền hay yếu tố gia đình không ạ?

Nhìn chung, hội chứng chân không yên không có yếu tố di truyền rõ ràng, ngoại trừ trường hợp mắc bệnh dưới 40 tuổi thì dường như có tiền căn gia đình. Đối với hội chứng chân không yên ở người lớn tuổi thường liên quan đến bệnh lý thoái hóa thần kinh, chế độ dinh dưỡng gây thiếu sắt hơn là yếu tố gia đình.

4. Những phương tiện nào được sử dụng để chẩn đoán hội chứng chân không yên?

Bệnh được chẩn đoán thế nào khi bệnh nhân đến các cơ sở y tế, cụ thể là cần những máy móc, phương tiện gì ạ?

Để chẩn đoán tình trạng này, trước tiên người bệnh cần tự nhận biết được hội chứng chân không yên, có như vậy mới đi khám bệnh. Các dấu hiệu cảnh báo người bệnh bao gồm: cảm giác chân bị giật khi ngủ, luôn muốn di động chân. Khi có các triệu chứng này thì nên đi khám, bác sĩ sẽ thăm khám, hỏi bệnh sử, kiểm tra các yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc, thậm chí là khám thần kinh.

Trong trường hợp nghi ngờ một tình trạng đặc biệt, đó là phân biệt hội chứng chân không yên và rối loạn chuyển động chân chu kỳ thì cần đo đa ký giấc ngủ. Qua đó sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp.

5. Các phương pháp điều trị hội chứng chân không yên?

Hiện nay có những phương pháp nào giúp điều trị hội chứng chân không yên?

Hội chứng chân không yên được điều trị theo nguyên nhân. Chẳng hạn, nếu nguyên nhân là do thiếu sắt thì cần bổ sung sắt cho bệnh nhân. Nếu nguyên nhân liên quan đến các thuốc thần kinh thì có thể xem xét giảm liều hoặc thay đổi thuốc. Đã có những nghiên cứu cho thấy rằng, hội chứng chân không yên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tác động đến năng suất lao động.

6. Phòng ngừa hội chứng chân không yên bằng cách nào?

Chúng ta có những thói quen sinh hoạt nào giúp hạn chế diễn tiến của hội chứng chân không yên?

Hội chứng chân không yên gia tăng theo tuổi tác. Nhưng ngoài ra còn có một số thói quen không tốt làm tăng nặng tình trạng này, bao gồm rượu bia nhiều, sử dụng các chất kích thích. Vì vậy, chúng ta phải hạn chế các thói quen xấu này.

Mặc dù hội chứng chân không yên không quá nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại gây ra nhiều cản trở và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, việc phòng ngừa là vô cùng cần thiết. Xin BS chia sẻ liệu chúng ta có phòng ngừa được căn bệnh này?

Để phòng ngừa hội chứng chân không yên cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, ăn uống đầy đủ. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên, cường độ vừa phải, nhẹ nhàng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X