Hotline 24/7
08983-08983

Hít thở cũng sợ lây virus, bệnh dại có đáng sợ đến thế?

Không ít trường hợp bạn đọc gọi về tổng đài AloBacsi nhờ giải đáp những vấn đề liên quan đến bệnh dại. Điều đáng chú ý là rất nhiều người lo sợ thái quá khi tiếp xúc với chó, mèo, thậm chí còn sợ lây bệnh dại chỉ qua hít thở.

Nếu tham khảo một group facebook mang tên “Hội những người mắc hội chứng ám ảnh cưỡng chế về bệnh dại” chúng ta thấy có rất nhiều người sợ đến nỗi ám ảnh rằng mình có thể mắc bệnh dại bất cứ lúc nào. Nhìn lại, đó cũng là tâm trạng của một số bạn đọc khi họ liên hệ tổng đài 08983 08983 nhờ tư vấn dù chỉ đứng gần, đi lướt qua hoặc bị chó, mèo liếm phải.

AloBacsi từng chia sẻ về vấn đề này qua 2 bài viết: Nhật ký AloBacsi: Sợ chó ly kỳ truyệnNhật ký AloBacsi tuần 5 tháng 10: Tiếp nối các câu hỏi muôn hình vạn trạng về bệnh dại

Mới đây, một chị ở Hà Nội chia sẻ với tổng đài AloBacsi rằng tháng nào cũng đi chích ngừa dại, kể cả đã kiểm tra kháng thể vẫn lo lắng muốn chích thêm nữa. Rà lại kho câu hỏi, tổ tư vấn nhận thấy chị đã hỏi rất nhiều lần ở các tháng trước. Hóa ra, dù đã được các bác sĩ tư vấn, trấn an nhưng nỗi sợ bệnh dại của chị vẫn chưa vơi đi chút nào, chị cần gặp trực tiếp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ tốt hơn.

Tương tự, một bạn đọc nam đã tiêm 5 mũi vắc xin phòng dại trước đó nhưng mỗi lần bị chó liếm lại cuống cuồng muốn đi tiêm thêm nữa. Anh kể, khi anh đến trung tâm y tế huyện để tiêm thì đã bị nhân viên từ chối với lý do không có vắc xin phòng dại (?!). Vì vậy, anh đã tìm đến trung tâm tiêm chủng tư nhân và đã được tiêm như ý muốn. Có thể suy đoán, trung tâm y tế huyện nhận thấy anh đã tiêm đủ mũi rồi nên từ chối tiêm thêm cho anh vì không cần thiết. Mặt khác, trung tâm tư nhân sẵn sàng tiêm cho anh vì chẳng dại gì mà từ chối khách hàng "tiềm năng" như vậy.

Hay một bạn đọc khác lo lắng không yên khi gặp tình huống như sau: “Lúc em đang chế biến thịt chó có nghi là bị dại và hơi khí khi đang xào bốc hơi lên mũi mình hít vào có bị sao không ạ”. Có lẽ vì sợ quá mà bạn đọc không nhớ rằng, bệnh dại lây truyền từ nước bọt của chó vào vết thương trên người thông qua hành động cắn, liếm lên vết thương và virus dại không thể nào lây qua hít thở được.

Bạn đọc Thu Uyên thì tóm tắt cả quá trình lo sợ bệnh dại của mình để nhờ BS tư vấn bằng “sớ văn” như sau:

“Bác sĩ ơi,

Cho em hỏi, khoảng giữa tháng 2 em giỡn với con chó con thì bị nó cắn xước nhẹ ở tay. Em có rửa tay kỹ với nước và muối.

Sau hơn 14 ngày, chó vẫn còn sống và mừng chủ nên em không tiêm phòng cũng không theo dõi tiếp.

Ngày 19/4, em có giỡn với một con mèo trong trường và bị nó cắn 2 vết nhỏ có rướm máu ở ngón tay trái. Em đã rửa ngay với nước sau khi về nhà (khoảng 2 tiếng) rửa lại với xà phòng.

Vì là mèo hoang và không theo dõi được nên 20/4 (chưa đầy 24 tiếng) em đi tiêm phòng và được xếp vào loại 2. Em đã tiêm đủ 5 mũi vắc xin, kết thúc vào ngày 18/5.

Ngày 2/6 do không để ý nên em bị chó con (vẫn còn bú, khoảng 1 tháng tuổi) liếm vô vết xước ở tay. Đến 10/6 thì chó mẹ và chó con vẫn khoẻ mạnh bình thường.

Khoảng gần đây em bị đau nhức bắp tay đến mu bàn tay, vai, cổ, đầu bên trái và ho nhẹ, vướng họng. Em khá lo lắng không biết mình có bệnh dại không?

Bác sĩ cho em hỏi em có khả năng bị bệnh dại không ạ? Do bệnh dại ủ bệnh khá lâu có thể 3 tháng đến 1 năm và vi rút vào hệ thần kinh trung ương chưa? Em xin cảm ơn ạ.”

Bác sĩ cho biết, trong cả ba tình huống bạn đọc đều xử trí rất đúng quy trình nên nguy cơ nhiễm dại là cực kỳ thấp. Tại thời điểm tháng 2, chú chó sau khi cắn bạn đọc vẫn sống sau 14 ngày thì chứng tỏ chó không bị nhiễm dại và bạn đọc cũng không có nguy cơ nhiễm dại.

Tại thời điểm tháng 4, bạn đọc có nguy cơ nhiễm dại nhưng vì đã tiêm ngừa rất sớm, cộng với tỉ lệ nhiễm dại do mèo cắn ở nước ta là cực kỳ thấp nên bạn đọc hoàn toàn có yên tâm.

Ở thời điểm tháng 6, nguy cơ nhiễm dại cũng rất thấp vì bạn đọc đã có kháng thể bảo vệ và chó con cũng sống nhiều ngày sau đó.

Bác sĩ cũng thông tin thêm rằng, có rất nhiều bệnh có thể gây đau nhức mỏi người, thường gặp là do nhiễm siêu vi, căng cơ căng thẳng, chứ không phải chỉ gặp trong bệnh dại. Vì vậy, có thể bạn đọc chỉ đang quá ám ảnh với bệnh dại mà thôi.

Bởi nếu thật sự bị nhiễm dại thì triệu chứng sẽ không "nhẹ nhàng" như vậy. Một khi bệnh khởi phát thì triệu chứng thường rất nặng nề và diễn tiến nhanh, liệt mềm hướng dần lên cao và rối loạn cả việc tiêu tiểu. Do đó, tốt hơn hết bạn đọc nên đến bệnh viện để khám kiểm tra về vấn đề đau cơ của mình cho an tâm và có hướng điều trị thích hợp khi đã xác định nguyên nhân.

Và vẫn còn rất nhiều những câu hỏi tương tự như những trường hợp trên mà hằng ngày tư vấn viên tiếp nhận như: Chó con 2 tháng cào xước da không chảy máu thì có chích ngừa không? hay Chó hàng xóm liếm có sao không? (dù da của bạn đọc vẫn còn lành lặn, không có vết thương và chó đã chích ngừa)…, Chạm vào nước dãi của chó trên nền nhà có lây bệnh không?”, thậm chí: Em đi chích ngừa COVID, lúc sắp hàng đứng chờ thì có con chó ngồi cạnh em, em thấy nó hắt xì, liệu em có bị lây bệnh dại không

Ngược lại, cũng có một bạn nữ làm nghề chăm sóc thú cưng, đã bị cào vào tay chảy máu mà chần chừ chưa đi chích ngừa. Tư vấn viên phải thuyết phục rằng công việc của bạn có nguy cơ rất cao, cần phải tiêm ngừa bệnh dại đủ mũi.

Trước những tình huống này, bạn đọc nên giữ bình tĩnh và tìm đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám nếu nghi ngờ mình có nguy cơ bệnh dại. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng nên tìm hiểu các kiến thức liên quan đến căn bệnh này để không phải hoang mang, lo sợ, và có thể kịp thời xử lý đúng khi gặp tình huống tương tự. Theo đó, bạn đọc có thể tham khảo thêm trong podcast sau Cách sơ cứu đúng cách khi bị chó cắn.

Chó, mèo là những thú cưng đã gắn bó và thân thiết với con người trong thời gian rất lâu. Chúng cũng không hề nguy hiểm như trong suy nghĩ thái quá của nhiều người. Vì vậy, đừng quá lo sợ chỉ vì tiếp xúc gần với thú cưng nhé!

Anh Thi - Hồng Nhung

[DAP]Quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khoẻ tại kênh youtube: AloBacsi - video.

Nếu có thắc mắc về sức khoẻ, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Group: AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch

Email: tuvan@alobacsi.vn

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Trân trọng![/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X