Hotline 24/7
08983-08983

Hậu COVID bị đau mỏi cơ, khó ngủ, chừng nào khỏe hẳn?

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch nhận được nhiều câu hỏi về các triệu chứng hậu COVID như đau mỏi cơ, đau đầu, mất ngủ... sau khi âm tính khá lâu.

1. Đau mỏi cơ dai dẳng sau khi khỏi bệnh COVID-19, chừng nào khỏe hẳn?

Anh Truyền Ng.: Bác sĩ cho hỏi: Tôi năm nay 56 tuổi, đang uống thuốc điều trị cao huyết áp hằng ngày. Tôi bị F0 từ ngày 12/9 đã kết thúc cách ly, điều trị tại nhà từ ngày 26/9. Tuy nhiên hiện nay tôi vẫn còn hay bị đau mỏi cơ nhất là vùng cổ và sau lưng (mỏi nhiều ở 2 bên bả vai). Vậy đó là triệu chứng gì, có nguy hiểm không ạ, đo SpO2 hằng ngày vẫn bình thường.

Tổ tư vấn AloBacsi: Trường hợp đau cơ của anh có thể nằm trong nhóm triệu chứng ít gặp giai đoạn hậu COVID, thường sẽ khỏi trong vài tuần cho tới vài tháng. Anh có thể tập thể dục nhẹ nhàng giúp mau cải thiện nhé. Ngoài ra, anh có thể đến gặp BS cơ xương khớp để được thăm khám kỹ hơn.

2. Âm tính với COVID-19 hơn 1 tháng rồi vẫn khó ngủ, nhạt miệng, phải làm sao?

Ph. Tuấn: Chào bác sĩ, em bị nhiễm COVID và đã âm tính 1 tháng rưỡi rồi mà cơ thể em lúc khỏe lúc mệt mà mệt thì mệt rất khó chịu. Kèm theo bị đau đầu, khó ngủ và ngủ không sâu giấc, miệng thì hay bị nhạt nhưng ăn uống thì bình thường. Cho em hỏi là có nguy hiểm gì không và lúc nào thì mới hết mấy triệu chứng đó ạ bác sĩ? Em cảm ơn ạ!

Tổ tư vấn AloBacsi:

Theo BS.CK1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3, để giúp cải thiện triệu chứng do "hội chứng hậu COVID-19" gây ra, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Tập thể dục nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh giúp giải tỏa căng thẳng.
  • Làm việc nhẹ tăng dần cường độ, hạn chế làm việc nặng.
  • Người bệnh nên vui vẻ, cởi mở chia sẻ với mọi người xung quanh. Không nên sống một mình hoặc tự cô lập.
  • Ăn nhiều rau quả, trái cây, nước mát và uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày.
  • Thay đổi món ăn thường xuyên và bài trí hấp dẫn để kích thích vị giác.
  • Chia nhỏ bữa ăn để không cảm thấy ngán.
  • Tránh thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ và không ăn tối sau 19h.
  • Hạn chế dùng trà, cà phê về đêm.

Thông thường các triệu chứng này sẽ hết sau vài tuần cho tới 3 tháng. Nếu thấy các triệu chứng “hậu COVID-19” kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.

AloBacsi gửi bạn tham khảo thêm bảng này để tự theo dõi sức khỏe của mình nhé:

3. Mới khỏi bệnh thủy đậu có chích ngừa COVID-19 được không?

Lan Sinh N.: Alo bác sĩ cho em hỏi, em bị bệnh thủy đậu mà hết bệnh nay được 3 ngày rồi. Hiện em còn 2-3 cái sẹo ở lưng. Bác sĩ cho em hỏi em có tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2 của AZ được không vậy?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, bệnh thủy đậu đã khỏi rồi thì bạn chích ngừa bình thường nhé.

4. Người F1 có cần chích ngừa COVID-19 không?

Rong Vang: F1 có cần chích ngừa COVID-19 không bác sĩ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Câu hỏi bạn không nêu rõ là đã hoàn thành cách ly hay chưa? Nếu đã cách ly xong và không bị dương tính lần nào (không trở thành F0) thì bạn chích ngừa bình thường nhé.

5. TPHCM, đang ở quận này đi qua quận khác test nhanh COVID-19 được không?

Kh. Vĩ Lương: Dạ bác sĩ cho em hỏi chút ạ? Công ty của em yêu cầu phải có giấy test nhanh covid . Vậy em có thể đến những chỗ nào để test ạ? Có thể đến quận huyện khác test được không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Hiện tại (đầu tháng 10/2021) việc đi lại giữa các quận huyện đã được nới lỏng, bạn có thể qua quận khác để test. Có rấyt nhiều cơ sở y tế làm xét nghiệm này, mời bạn tham khảo: Địa chỉ xét nghiệm RT-PCR và test nhanh COVID-19 ở TPHCM?

6. Phụ nữ cho con bú bị viêm tắc sữa, có cách nào chữa tại nhà?

Tr. Ngọc Thành: Vợ em có em bé được 11 tháng tuổi, trước đó bình thường cách đây 1 ngày vú bên tay phải có cục cứng bên trong đau, gây sốt, sữa bị tắc ra ít. Nghi ngờ bị viêm và tắc tuyến sữa, em đã chườm khăn nóng để cho cục cứng bớt sưng và mềm ra nhưng không hiệu quả. Xin bác sĩ tư vấn giúp vợ em bị vấn đề gì và có cách nào xử lý?

Vợ em ở Đồng Nai đang trong khu vực đỏ nên không ra ngoài được ạ, em chưa đưa vợ em đi khám được. Em cám ơn BS!

ThS.BS Trần Anh Tuấn: Chào bạn,

Vợ bạn bị viêm tắc sữa. Bạn thử chườm lạnh để giảm hiện tượng sưng giúp giảm tắc đường dẫn sữa và cho bé bú hay vắt sữa tránh để ứ đọng. Có thể cân nhắc sử dụng kháng sinh và giảm viêm nếu có nhiễm trùng (vú có đau, đỏ), vẫn có thuốc dùng được cho mẹ đang cho bú, không cần ngưng cho bú. Nếu không giảm thì vợ bạn phải đi khám chuyên khoa sản nhé.

7. Sau mổ xương bàn tay bao lâu thì được rút đinh?

Tuấn N.: Em mổ xương bàn tay được 3 tuần, cố định bằng đinh bên trong, với cố định bên ngoài. Bác sĩ cho em hỏi bao lâu thì rút được đinh cố định bên ngoài, và chi phí lấy đinh với ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn: Chào em,

Trường hợp không gãy xương và chỉ cố định khớp và giữ lành gân và mô mềm thì thường khoảng 3 -5 tuần có thể rút đinh được.

Còn nếu có gãy xương kèm theo thì phải tái khám chụp hình Xquang rồi dựa vào sự lành xương mới quyết định rút hay không em nhé.

Về chi phí rút thì tùy bệnh viện. Nhiều khi bác sĩ chỉ rút giúp không lấy tiền nhưng cũng tùy bệnh viện và phòng khám nhé. Còn trường hợp cần nhập viện để rút thì tùy có bảo hiểm hay không. Nếu có BHYT có khi không tốn phí.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X