Hotline 24/7
08983-08983

Hàng loạt triệu chứng hậu COVID-19: Mệt mỏi, xơ phổi, đột quỵ, mất ngủ và tổn thương thận cấp

Đây là một trong những thông tin nổi bật trên bản tin tối AloBacsi ngày 30/3/2022.

Ghi nhận thêm 8.143 ca mắc COVID-19 mới, dịch COVID-19 ở Hà Nội hạ nhiệt

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 24h qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 8.143 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.186 ca cộng đồng và 5.957 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 378 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.275); Sóc Sơn (882); Hai Bà Trưng (762); Hoàng Mai (696); Nam Từ Liêm (404). Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.467.254 ca.

Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu như đầu tháng 3-2022, số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận số mắc kỷ lục (hơn 32.600 ca trong ngày 8/3) thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng gần 9.000 ca/ngày. Cùng với đó, người bệnh được sử dụng thuốc kháng virus sớm, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19.

Quảng Ninh: Hai trẻ nhỏ mắc hội chứng hiếm gặp hậu COVID-19

Ngày 30/3, Bệnh viện Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh, thông tin đơn vị tiếp nhận bé gái 10 tuổi và bé trai 11 nhập viện trong tình trạng sốt cao 39-40 độ.

Theo gia đình, trẻ mới khỏi COVID-19 được 2-3 tuần thì xuất hiện tình trạng sốt, dùng hạ sốt thông thường rất khó hạ, cơ thể luôn mệt mỏi, kém ăn cùng các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nổi ban đỏ rải rác toàn thân…

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm chỉ định, bác sĩ nhận thấy kết quả bệnh nhi có xu hướng giảm bạch cầu và tiểu cầu. Đặc biệt, bạch cầu lympho giảm rất nhiều so với bình thường. Bác sĩ kết luận hai bệnh nhi bị mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19.

Rất may, các bệnh nhi được chẩn đoán sớm và điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, đây là bệnh đòi hỏi phải có các loại thuốc đặc trị nên các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã tư vấn cho gia đình chuyển tuyến điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ, hội chứng MIS-C là tình trạng viêm đa cơ quan sau mắc COVID-19, thường xảy ra sau mắc COVID-19 khoảng 2 - 3 tuần với các triệu điển hình như: sốt cao khó hạ, đau bụng, nôn, tiêu chảy, đỏ mắt (xung huyết giác mạc), phát ban, phù nề bàn tay, bàn chân…

BS.CK2 Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Khoa Nhi cho biết: Tỷ lệ trẻ mắc hội chứng MIS-C hiếm gặp, nhưng thường diễn tiến nặng, có thể gây tử vong sau khi mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ. Trường hợp của hai bệnh nhi trên là lần đầu tiên Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận mắc hội chứng này trong 1 tuần nay.

Theo bác sĩ Huyền, hậu COVID-19 hiện đang rất được quan tâm, khi mà các trường hợp mắc bệnh và khỏi bệnh trở nên phổ biến. Hậu COVID-19 không chỉ xuất hiện ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ. Một trong những vấn đề được các bậc cha mẹ có con trẻ mắc COVID-19 đặc biệt quan tâm là hội chứng MIS-C.

Bác sĩ Huyền khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc COVID-19, các gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ âm tính 2 - 6 tuần nếu có biểu hiện như sốt cao trở lại, phát ban, rối loạn tiêu hóa… cần cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời không nên nghĩ đó chỉ là bệnh tiêu chảy hay sốt phát ban, dị ứng thông thường.

Bà bầu, phụ nữ cho con bú mắc COVID-19, được uống thuốc gì?

Theo Hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo, không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... cho bà mẹ mang thai, cho con bú khi chưa có chỉ định, kê đơn.

Với thuốc hạ sốt, bệnh nhân chỉ sử dụng khi thân nhiệt trên 38,5°C hoặc đau đầu nhiều và chỉ dùng thuốc hạ sốt loại có chứa Paracetamol đơn thuần (liều lượng như hướng dẫn cho người lớn tại Mục 5.2 của "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19").

Khi xuất hiện các triệu chứng này, bệnh nhân lưu ý dùng thuốc điều trị như sau:

- Ho: Dùng các phương pháp dân gian như chanh, mật ong, súc miệng bằng dung dịch Natriclorua 0,9%. Các thuốc có thể dùng như thuốc ho chứa hoạt chất Dextromethorphan, Guaifenesin... hoặc thuốc ho nguồn gốc thảo dược. Người bệnh Không dùng các loại thuốc chống chỉ định đối với phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con bú.

- Ngạt mũi, chảy mũi: Xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch Natri Clorua 0,9%.

- Tiêu chảy: Bổ sung Oresol, kẽm (10-20 mg/ngày).

Bộ Y tế cũng lưu ý, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú cần tiếp tục sử dụng thuốc theo đơn ngoại trú nếu có bệnh nền hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Hàng loạt triệu chứng hậu COVID-19: Mệt mỏi, xơ phổi, đột quỵ, mất ngủ và tổn thương thận cấp

Tại Hội nghị khoa học điều trị chứng hậu COVID-19 bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại ngày 30/3, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hậu COVID-19 tác động lên tất cả các cơ quan hô hấp, huyết học, tim mạch, thần kinh, nội tiết, tiêu hoá, da liễu (rụng tóc), hội chứng viêm đa hệ thống.

Trong số 203 di chứng do COVID-19 để lại thì tình trạng mệt mỏi chiếm hơn 80%, tiếp đến là xơ phổi 61%, hơn 50% số trường hợp gặp vấn đề về trí nhớ, 51% bị đột quỵ, 45% mất ngủ và 33% tổn thương thận cấp.

GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ thêm, tình trạng hậu COVID-19 thường xuất hiện sau 3 tháng kể từ ngày khởi phát triệu chứng và tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác. Triệu chứng gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một vài triệu chứng khác ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã hồi phục hoặc tồn tại từ giai đoạn ban đầu. Đáng chú ý, các triệu chứng sẽ nặng hơn sau khi các hoạt động thể lực.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định tuy tỉ lệ người mắc COVID-19 do biến thể Omicron giảm mức độ nghiêm trọng đối với sức khỏe nhưng số lượng người mắc cao, trong đó nhiều người gặp tình trạng sau khi khỏi COVID-19 sức khỏe chậm phục hồi, có nhiều biểu hiện khác thường làm cho người bệnh gặp khó khăn để trở lại cuộc sống bình thường.

Các nhóm triệu chứng bất thường theo chuyên khoa cần được thăm khám và đánh giá về mức độ, đồng thời, cần loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác trước khi kết luận thuộc hội chứng hậu COVID-19. Trong đó, biểu hiện về hô hấp là phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy, ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và thường gặp, với tỷ lệ 42-66% trong vòng 3 tháng sau mắc bệnh.

Ngoài ra, sau giai đoạn COVID-19 cấp tính, 25% bệnh nhân giảm hoạt động thể lực; 50-60% bệnh nhân sau mắc COVID-19 triệu chứng hô hấp kéo dài, đến khám được chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực thấy có tổn thương. Các tổn thương hay gặp nhất là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi, dày các vách liên tiểu thùy… Những bất thường này có thể bị bỏ sót trên phim X-quang ngực thẳng thông thường.

Bên cạnh các triệu chứng hô hấp như ho khán kéo dài, ho khạc đờm, đau họng, hụt hơi, khó thở, đau tức ngực thì người bệnh có thể xuất hiện biểu hiện về tiêu hóa gồm buồn nôn, nôn, đau thượng vị, rối loạn tiêu hóa; sức khỏe tâm thần mệt mỏi kéo dài, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, lo lắng, giảm tập trung, rối loạn cảm xúc; biểu hiện về thần kinh gồm đau đầu, chóng mặt, mất vị giác, mất khứu giác, giảm trí nhớ…

Một số người có biểu hiện tắc mạch, phải đến bệnh viện khám bệnh trong tình trạng tắc mạch chi. Những triệu chứng này kéo dài và chưa có hướng dẫn hỗ trợ điều trị chứng hậu COVID-19.

Các chuyên gia cho rằng, người bệnh sau khi bị COVID-19, nếu có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe thường tự đến các cơ sở y tế để thăm khám, hỗ trợ tư vấn, nhằm sớm điều trị hiệu quả bằng các phương pháp của y học cổ truyền và y học hiện đại, cũng như kết hợp 2 phương pháp y học cổ truyền và y học hiện đại để điều trị.

TPHCM: Trẻ mồ côi vì COVID-19 tiếp tục tăng lên

Trong báo cáo kết quả công tác chăm lo, hỗ trợ trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn của UBND TPHCM cập nhật dến tháng 2/2022, thành phố có hơn 2.200 trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong đó 39 em mất cả cha mẹ, 78 em mất người trực tiếp nuôi dưỡng và trên 2.000 em mất cha hoặc mẹ.

Trước đó, thống kê vào tháng 9/2021 của Sở GD-ĐT, trên địa bàn toàn thành phố có trên 1.500 trẻ mồ côi vì COVID-19. Như vậy, số trẻ mồ côi do đại dịch tại TPHCM vẫn gia tăng.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, năm 2021, bên cạnh việc thực hiện chính sách chăm lo của Trung ương, TPHCM đã tích cực chăm lo cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19.

Cụ thể, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa chăm lo cho nhóm trẻ này và trẻ em sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, các quận, huyện đông lao động nhập cư là hơn 17,3 tỷ đồng. Như vậy, mỗi em nhận hỗ trợ bình quân từ 5-6 triệu đồng, riêng các em mồ côi cả cha mẹ nhận hỗ trợ 8-9 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ là tiền mặt, các em còn nhận quà là cặp sách, tập viết, đồ dùng học tập, gói an sinh gồm gạo, mì, dầu ăn…

Nhiều tổ chức, cá nhân còn cam kết đỡ đầu cho các em đến năm 18 tuổi. Các tổ chức, đoàn thể TPHCM và cấp quận cũng chủ động bố trí ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để thăm hỏi, động viên, trao quà, chăm lo cho các em.

Theo quy định hiện nay, mức trợ cấp với trẻ mồ côi cả bố và mẹ vì COVID-19 dưới 4 tuổi là 900.000 đồng/tháng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng/tháng. Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác ở trường, thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội được duy trì đến 22 tuổi, khi các em học văn hóa, học nghề, cao đẳng, đại học.

Mỹ phê duyệt liều vắc xin COVID-19 thứ 4

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 29/3 phê duyệt tiêm liều vắc xin thứ 4 (liều tăng cường thứ hai) cho người từ 50 tuổi trở lên.

Với quyết định này, hàng chục nghìn người Mỹ sắp tới sẽ đủ điều kiện tiêm nhắc lại lần thứ hai. Nhóm ưu tiên là người từ 50 tuổi trở lên hoặc người bị suy giảm miễn dịch (ít nhất 18 tuổi với vắc xin Moderna và ít nhất 12 tuổi với vắc xin Pfizer).

Liều thứ 4 được tiêm sau liều thứ ba ít nhất 4 tháng nhằm tăng cường mức kháng thể chống nhập viện và tử vong.

Dù vậy, giới chức y tế thừa nhận tác dụng của liều thứ 4 chỉ là tạm thời, theo đó công dân nước này có thể sẽ cần tiêm thêm liều vắc xin khác vào mùa thu năm nay để chuẩn bị cho đợt bùng phát vào mùa đông. Họ hy vọng các nhà khoa học sẽ điều chỉnh lại vắc xin để gia tăng hiệu quả, kéo dài miễn dịch khi tiếp xúc với các biến chủng mới.

98% ca nhiễm mới ở Trung Quốc không triệu chứng

Gần 98% ca nhiễm mới ở Trung Quốc không triệu chứng do chiến lược xét nghiệm đại trà giúp xác định F0 từ khi chưa khởi phát bệnh, tỷ lệ tiêm chủng cao và đặc tính của Omicron.

Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới vẫn thực hiện chiến lược xét nghiệm đại trà nhằm phát hiện nhiều ca nhiễm cả không và có triệu chứng. Ngày 28/3, Thượng Hải thực hiện hơn 8 triệu xét nghiệm tại hơn 60.000 điểm lấy mẫu trong thời gian phong tỏa.

Do không chắc chắn về mức miễn dịch cộng đồng sau hai năm COVID-19 lây lan, giới chức Trung Quốc vẫn kiên định với chiến lược "Không COVID-19". Tuần trước, tiến sĩ Zhang Wenhong, chuyên gia về COVID-19 tại Thượng Hải, nhận định Omicron ít nguy hiểm hơn các biến chủng trước đây.

WHO: Số ca nhiễm trên toàn cầu giảm, Omicron là biến thể trội chiếm 99,7% số ca mắc mới trên thế giới

Ngày 29/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật tình hình dịch COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy số ca nhiễm mới có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tuần từ 21-27/3, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 10.805.132 ca, giảm 14% so với tuần trước đó. Lây nhiễm suy giảm trên cả sáu khu vực địa lý theo phân loại của WHO, giảm nhiều nhất là Đông Địa Trung Hải (giảm 32%), châu Phi (giảm 29%), Tây Thái Bình Dương (giảm 24%).

Xét trên phạm vi quốc gia và vùng lãnh thổ, Hàn Quốc đứng đầu thế giới về số ca mắc trong tuần, với 2.442.195 ca (giảm 13%), Đức (1.576.261 ca, tăng 2%), Pháp (845.119 ca, tăng 45%), Italy (503.932 ca, tăng 6%).

Số ca tử vong trong tuần là 45.711 ca, tăng 43% so với tuần trước đó, chủ yếu là do thay đổi tiêu chí trong xác định trường hợp tử vong do COVID-19 ở một số nước châu Mỹ như Chile, Mỹ hay bổ sung cập nhật số liệu ở Ấn Độ. Những nước đứng đầu về số ca tử vong là Chile, với 11.858 ca tăng (1.710%), Mỹ (5.367 ca, tăng 83%), Ấn Độ (4.525 ca, tăng 619%), Nga (2.859 ca, giảm 22%) và Hàn Quốc (2.471 ca, tăng 22%).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng biến thể Omicron đang là biến thể trội toàn cầu. Trong tổng số 382.789 mẫu được thu thập trong 30 ngày gần nhất và được giải trình tự gien, đăng tải trên hệ thống GISAID, có đến 381.824 trường hợp là do Omicron gây ra (chiếm 99,7%), kế đến là chủng Delta, với 175 trường hợp (chiếm dưới 0,1%).

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X