Hotline 24/7
08983-08983

Hái lá chanh giữa trưa nắng, em bé mắc bệnh hiếm

Sau khi hái lá chanh vào buổi trưa, hai bé 10 tuổi bất ngờ nổi các nốt đỏ, mụn nước trên da tay, cổ kèm theo cảm giác nóng, rát. Vài ngày sau, các nốt thâm lại, đen. Đi khám được chẩn đoán mắc bệnh rất hiếm gặp ở Việt Nam: viêm da do ánh nắng và thực vật.

Vừa qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi mắc phải bệnh da liễu hiếm gặp, y văn gọi là viêm da do ánh nắng và thực vật (Phytophotodermatitis).

Chia sẻ trên VnExpress, GS.TS Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam - Nguyên giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương nhận định, đây là bệnh xuất hiện cực ít ở Việt Nam, là một dạng viêm da nhiễm độc ánh sáng, gây ra do tiếp xúc với hai yếu tố là hóa chất của thực vật, đóng vai trò như chất nhạy cảm ánh nắng và ánh nắng mặt trời.

Theo đó, hai bé 10 tuổi sau khi ra vườn hái chanh vào buổi trưa thì bất ngờ xuất hiện các nốt đỏ, mụn nước trên da tay, cổ kèm theo cảm giác nóng rát. Vài ngày sau, các nốt thâm lại, đen.

Sở dĩ bệnh nhi gặp phải tình trạng này là do khi ở ngoài trời nếu tiếp xúc với các loại cây có chứa một chất đặc biệt à furocoumarins, tia cực tím bước sóng dài UVA (320-400 nm) có trong ánh nắng mặt trời sẽ kích hoạt chất này và gây phản ứng mạnh, viêm da. Đồng thời, các tế bào sắc tố ở da cũng bị kích thích, làm tăng sản xuất sắc tố melanin, khiến da ở vùng tiếp xúc bị thẫm màu, đen xạm.

Triệu chứng nhận biết viêm da do ánh nắng và thực vật

Vùng da của bệnh nhi thâm đen. Ảnh: VnExpress

Việc điều trị viêm da tiếp xúc do ánh nắng và thực vật không quá khó. Các trường hợp nhẹ có thể tự khỏi, vết nám giảm dần và mất trong vòng 1-2 tháng mà không cần điều trị. Các trường hợp viêm nặng sẽ cần dùng các loại thuốc bôi chống viêm và các loại thuốc kháng histamine chống ngứa. Nếu bị viêm nhiễm trùng thì cần dùng thêm kháng sinh.

Trường hợp bị đau rát nặng nề có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như acetaminophen và ibuprofen, có thể giúp giảm đau và sưng tấy.

Đồng thời, người bệnh cần tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh (tránh xa loại cây gây bệnh và tránh phơi nhiễm ánh sáng). Tránh các chất kích thích da khác (trong khi bị bệnh thì nên hạn chế dùng nước hoa). Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt, đặc biệt là khi tia UV ở mức cao nhất (từ 10-15 giờ hàng ngày), có thể giúp ngăn ngừa sự tăng sắc tố trở nên tối hơn.

Nên thường xuyên sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời. Nên mặc quần áo bằng vải nhiều cotton và tránh sử dụng các chất tẩy rửa, xà phòng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân có thể gây ra các triệu chứng tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, vì đây là bệnh hiếm gặp nên với những người chưa có kinh nghiệm, thường chẩn đoán nhầm với viêm da dị ứng, bỏng hóa học, viêm tế bào, nhiễm nấm da, các dạng viêm da tiếp xúc khác, cháy nắng… khiến điều trị sai, khiến bệnh tiến triển nặng. Thậm chí có thể dẫn đến biến chứng như nhiễm khuẩn và nấm da, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, sự tái phát của các triệu chứng khi phơi nhiễm tiếp theo...

Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc trực tiếp với thực vật hoặc hóa chất (chạm, hái bẻ cây, lá, hóa chất…). Sau khoảng 1 ngày, nhiều nhất trong khoảng 2-3 ngày, sẽ xuất hiện các triệu chứng có thể nhẹ (da đỏ ngứa) hoặc nặng (da phồng rộp, nổi mụn nước, cảm giác rát bỏng...) ở các vùng da hở tiếp xúc trực tiếp với cây, hóa chất.

Thường gặp nhất ở các vị trí mặt, tam giác hở cổ áo, mu tay, cánh tay, mu chân sau khi tiếp xúc với cây lá, hóa chất lại tiếp xúc ánh sáng. Đôi khi các triệu chứng rất nhẹ khiến người bệnh không nhận biết được cho đến khi bị sạm, tăng sắc tố da mới phát hiện ra.

Vùng bị tổn thương sau khoảng 1-2 tuần sẽ bị sạm đen do bị tăng sắc tố. Các vết thâm này sẽ làm người bệnh lo lắng và thường đến khám vào giai đoạn này.

Ai có khả năng mắc viêm da do ánh nắng và thực vật?

Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi người. Những người thường xuyên tiếp xúc với một số loại cây như rau mùi, mùi tây, cà rốt, cần tây, sung, các loại quả có dầu như cam, quýt, chanh hoặc sử dụng nước hoa, mỹ phẩm… và có tiếp xúc với ánh sáng có nguy cơ bị bệnh này nhiều hơn thông thường.

Để phòng bệnh viêm da tiếp xúc do ánh nắng và thực vật, không nên ra ngoài trời nắng trong thời gian từ 10g - 15g khi không cần thiết, vì đây là giai đoạn cường độ các tia cực tím mạnh nhất. Nếu không tránh được việc ra ngoài phải đội mũ nón rộng vành, bôi kem chống nắng, mặc quần dài và áo dài tay.

Bảo vệ da với quần áo phù hợp khi ở ngoài trời và trong khu vực nhiều cây cối. Mang găng tay khi làm vườn, chế biến thực vật… Mặt khác, cần rửa tay và vùng da hở bằng xà bông, nước lạnh nếu bạn làm việc ngoài trời và có tiếp xúc với các loại rau, cây cối, đặc biệt là các họ cây có chứa chất Furocoumarins như đã đề cập ở trên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X