Hotline 24/7
08983-08983

Hà thủ ô - Vị thuốc bồi bổ sức khỏe

Hà thủ ô đã được xem là loại thuốc “thần tiên” từ thời xa xưa vì mang lại những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Đây là một loại dược liệu quý giúp làm đen tóc đỏ da và được dùng để chữa rất nhiều bệnh.

1. Cây hà thủ ô


Cây hà thủ ô có tên khoa học là Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson = Polygonum multiflorum Thunb.), thuộc họ Rau răm (Polygonaceae).

Hà thủ ô là loại dây leo nhỏ, sống khá lâu và thường được gọi bằng nhiều cái tên khác như dạ hợp, giao đằng.

Hà thủ ô có khá nhiều tác dụng và được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia châu Á, đặt biệt là Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài việc giúp tóc đen, ít bạc, hà thủ ô còn giúp nhuận tràng, bổ máu, an thần, dưỡng can...

Có câu “Muốn cho xanh tóc đỏ da - Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”. Từ lâu, tác dụng của hà thủ ô đã được sử dụng trong nhiều bài thuốc bổ, giúp tăng cường sức khỏe và sự trẻ trung của cơ thể.

2. Có mấy loại hà thủ ô?


Củ hà thủ ô đỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Ở nước ta, hà thủ ô được chia làm hai loại là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng.

Hà thủ ô đỏ

Thường được dùng để làm thuốc trong Đông y, hà thủ ô đỏ loại cây có vị chát, ngọt, đắng, tính hơi ấm, có tác dụng rất tốt trong việc giúp dưỡng can, an thần, chữa sốt rét, nhuận tràng và một số bệnh khác.

- Tên khoa học là Fallopia multiflora Thunb, Họ Rau răm Polygonaceae.

- Cây hà thủ ô đỏ thuộc loại dây leo bằng thân quấn, sống lâu năm. Thân mềm, nhẵn, mọc xoắn vào nhau. Củ hà thủ ô đỏ, giống củ khoai lang, màu nâu đỏ. Lá mọc theo kiểu so le, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, lá có dạng hình mũi tên với gốc hình tim và đầu thuôn nhọn.

- Chiều dài của mỗi lá vào khoảng 5 - 8cm, rộng 3 - 4cm, gân 3 - 5 cái, xuất phát từ gốc lá; cuống lá khoảng 2 cm, phủ lông tơ; bẹ chìa mỏng, ngắn, trên bẹ chìa có lông dài.

- Cụm hoa dài hơn lá, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, mọc thành chuỳ phân nhánh; lá bắc ngắn; hoa nhỏ nhiều, màu trắng; nhị 8, thường dính vào gốc của bao hoa.

- Quả bóng, nhẵn, hình 3 cạnh, nằm trong bao hoa. 3 mảnh ngoài của bao hoa phát triển thành những cánh rộng.

- Mùa hoa từ tháng 9 đến tháng 11, mùa quả từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau.

Hà thủ ô đỏ trong Đông y được coi là vị hà thủ ô đúng, chính thức. Nhiều phương thuốc điều trị chỉ ghi hà thủ ô, khi đó ta cần hiểu dược liệu được nhắc đến là hà thủ ô đỏ.

Hà thủ ô trắng

Hà thủ ô trắng là vị thuốc phát hiện muộn hơn và các thành phần trong dược liệu không hoàn toàn đồng nhất với hà thủ ô đỏ vì được khai thác từ một số chi khác nhau thuộc họ Thiên Lý.

- Tên khoa học là Sreptocaulon juventas Merr, thuộc họ Thiên Lý Asclepiadaceae.

- Hà thủ ô trắng là cây dây leo, dài từ 2 - 5m.


- Thân màu đỏ sẫm hoặc nâu nhạt, có nhiều lông, dày hơn ở ngọn non, ít phân nhánh. Vì cây nhiều lông như vậy nên có nơi còn gọi là dây mốc.

- Lá mọc đối, hình trứng ngược, gốc tròn hoặc hơi hình nón cụt, đầu nhọn, dài 8 - 14cm, rộng 4 - 9 cm, mặt trên xanh sẫm, ít lông, mặt dưới trắng nhạt phủ lông rất mịn, cuống lá ngắn, có nhiều long.

- Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim phân đôi; hoa nhỏ màu vàng nâu; đài có 5 răng thuôn, có lông; tràng hình chuông gồm 5 cánh hình mác dài gấp 3 lần lá đài; nhị dính liền thành khối.

- Quả 2 đại, tỏa ra như sừng bò, mỗi đại dài 7 - 9 cm, rộng 5 -6 cm, thuôn nhọn ở đầu, khi chín màu vàng nâu, có nhiều long; hạt nhỏ, dẹt, có chùm long trắng mịn.

- Toàn cây có nhựa mủ trắng. Bấm thân, lá, quả non của cây sẽ thấy chảy ra nhựa trắng như sữa non, nên cây còn gọi là sữa bò.

- Mùa hoa: tháng 7 - 9, mùa quả: tháng 10 - 12.

- Tính vị, công năng, chủ trị: Vị ngọt đắng, chát, tính mát;  có công năng bổ máu, bổ gan và thận; chủ trị: huyết hư thiếu máu, da xanh gầy, tóc bạc sớm, yếu sinh lý, kinh nguyệt không đều, đau nhức gân xương.

Hà thủ ô trắng phân bố ở các vùng có khí hậu nhiệt đới châu Á, tập trung chủ yếu ở 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Lào, Campuchia và một số vùng phía nam Trung Quốc. Do vậy, cây còn được gọi là nam hà thủ ô để phân biệt với hà thủ ô đỏ.

Ở Trung Quốc, vị thuốc hà thủ ô trắng được khai thác từ rễ củ của cây ngưu bì tiên Cymanchum wilfordii Hemsl, hoặc rễ của cây bạch tiền Cymanchum bungei Decne cùng thuộc họ Thiên Lý.

Cách phân biệt hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ

 

Đặc điểm

Hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô trắng

Hình ảnh

 





Hình dạng lá

Lá có dạng hình mũi tên với gốc hình tim và đầu thuôn nhọn.

Lá hình trứng ngược, gốc tròn hoặc hơi hình nón cụt, đầu nhọn.

Hoa

Cụm hoa dài hơn lá, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, mọc thành chuỳ phân nhánh; hoa nhỏ nhiều, màu trắng

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim phân đôi; hoa nhỏ màu vàng nâu.

Quả

Quả bóng, nhẵn, hình 3 cạnh.

Quả 2 đại, tỏa ra như sừng bò.

Rễ củ

Có dạng gần giống củ khoai lang. Mặt ngoài củ màu nâu đỏ, có nhiều chỗ lồi lõm, cứng chắc, rất khó bẻ, lớp vỏ bần màu nâu sậm, lớp bên trong màu hồng chứa nhiều tinh bột, ở giữa thường có lõi gỗ cứng. Bột hà thủ ô đỏ có màu nâu hồng, không mùi, vị đắng chát.

Rễ giống củ sắn, mặt ngoài màu trắng ngà. Ruột bên trong màu trắng, không có lõi.

Thân

Thân nhẵn, không có lông.

Thân nhiều lông. Thân cũng như lá, quả đều chứa nhiều nhựa trắng, dùng tay bấm thấy chảy ra như sữa.

Mùa hoa - mùa quả

Mùa hoa: tháng 9 - 11, nùa quả: tháng 12 - 2

Mùa hoa: tháng 7 - 9, mùa quả: tháng 10 - 12


3.    Cách dùng hà thủ ô trắng để chữa bệnh


Đông y đã chứng minh, các dưỡng chất trong hà thủ ô có tác dụng bổ máu, thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu; tăng sinh tân dịch; bổ gan và bổ thận... Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Thời xưa, người dân thường sử dụng nước sắc từ cây hà thủ ô, chế biến thành viên (cao), ngâm rượu. Hiện nay, hà thủ ô được dùng phổ biến dưới dạng viên nang, bột, trà tan…

Uống nước hà thủ ô:

Có thể nấu nước hà thủ ô uống hàng ngày hoặc tán bột pha với nước ấm. Mỗi ngày dùng từ 10 - 20gr để mang lại hiệu quả. Ngoài ra, có thể kết hợp hà thủ ô với một số vị thuốc khác như: Ngưu tất, thục địa, kỷ tử. Theo Đông y, hà thủ ô có vị đắng ngọt, tính bình, hơi chát, có tác dụng:

- Bổ can thận;
- Chữa râu, tóc bạc sớm, tóc rụng nhiều;
- Mạnh tinh huyết.

Bên cạnh đó, có thể kết hợp hà thủ ô sấy khô với vừng đen rang chín tán nhỏ, trộn đều. Khi dùng có thể cho thêm đường nhai, mật ong sẽ dễ uống hơn. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần uống lấy khoảng 2 - 3 thìa cafe hỗn hợp trên.

Kết hợp hà thủ ô với đậu đen:

Đây là một trong những cách dùng hà thủ ô khá phổ biến, mang lại hiệu quả chữa bệnh cao.

Cách thực hiện như sau:

- Ngâm hà thủ ô và đậu đen (ruột xanh) qua đêm
- Cho tất cả vào nồi nấu sôi khoảng 2 tiếng
- Sau đó đem để ráo và phơi nắng

Thực hiện bài thuốc “cửu chưng cứu sái” trong Đông y, tiếp tục làm như vậy 9 lần. Cuối cùng đem sao vàng hạ thổ. Có nghĩa là sau khi rang, đổ ra nền đất, lấy chảo úp lên (kết hợp hỏa khí của lửa và âm khí của đất giúp vị thuốc tốt hơn rất nhiều).

Sau đó đem sắc uống thay nước hàng ngày 2 - 3 lần. Uống thường xuyên trong 1 tháng sẽ rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trị rụng tóc, râu, tóc bạc sớm.

Cách cách dùng đơn giản khác của hà thủ ô:

- Gà hầm hà thủ ô, gà làm thịt sạch, mổ bụng, cho 30g hà thủ ô buộc chặt vào túi vải. Đem hâm nhừ, nêm nếm gia vị ăn rất ngon miệng và bổ dưỡng.
- Đem sắc 60g hà thủ ô, lấy nước bỏ bã sau đó đập vào 3 quả trứng gà ăn trong ngày.
- Thái vụn hà thủ ô và sơn tra mỗi thứ 20g, đem hãm với nước khoảng 20 phút, uống hàng ngày.
- Ngâm 120g hà thủ ô, sinh địa 80g, đương quy 60g, rượu trắng 2,5 lít. Ngâm trong 36 ngày là dùng được, mỗi lần dùng 1 chén nhỏ khoảng 15 - 20ml.

Như vậy, có thể nói cách dùng hà thủ ô rất đơn giản mà mang lại công dụng chữa bệnh cao. Tuy nhiên, tùy theo từng đối tượng mà liều lượng sử dụng sao cho hợp lý.

M. T (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X