Hotline 24/7
08983-08983

Giúp trẻ phát triển cao lớn, mốc thời gian nào cần quan tâm?

Bổ sung dinh dưỡng và tập luyện thế nào để trẻ đạt được chiều cao, cân nặng tốt là điều được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1, sẽ hướng dẫn cụ thể quá trình phát triển của trẻ qua các mốc thời gian.

1. Trẻ tăng trưởng thế nào qua các mốc thời gian?

Suốt quá trình phát triển của trẻ thì sẽ có những mốc thời gian tăng trưởng nào? Trẻ sẽ phát triển chiều cao, cân nặng thế nào ở các mốc thời gian này?

BS Trương Hữu Khanh:

Việc phát triển của em bé gồm thể chất và tinh thần. Thể chất gồm cân nặng và chiều cao. Phụ huynh cần tìm hiểu để biết được cân nặng và chiều cao của bé có cần can thiệp không, có cần kích thích giúp bé phát triển về thể chất và tinh thần.

Thông thường có các mốc tăng trưởng như 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 tuổi, 1 tuổi rưỡi, 2 tuổi, 3 tuổi, 5 tuổi, tiền dậy thì (8-10 tuổi), dậy thì.

Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của trẻ, tập cho trẻ những vận động về thể chất và tinh thần.

2. Trẻ không đạt được chỉ số chiều cao, cân nặng theo chuẩn có phải là suy dinh dưỡng?

Nếu trẻ không đạt được chỉ số chiều cao, cân nặng chuẩn ở các mốc thời gian thì liệu có trẻ đang bị suy dinh dưỡng?

BS Trương Hữu Khanh:

Quan niệm rằng một em bé nhìn phải bụ bẫm thì không đúng. Hiện nay, có rất nhiều công cụ để xác định bé có bị suy dinh dưỡng hay không. Không phải nhìn bên ngoài thấy bé ốm và nhận định bé suy dinh dưỡng là không chính xác.

Đa số người lớn nhìn bên ngoài sẽ thấy trẻ bình thường nhưng thực ra bé đang bị dư cân. Hiện nay, dư cân là một gánh nặng, có thể tạo cho trẻ những bệnh như gan nhiễm mỡ, tăng mỡ máu, cao huyết áp.

Vì vậy không nên chỉ nhìn bên ngoài và so sánh con mình với con người ta. Chúng ta nên sử dụng những công cụ trên mạng hoặc trong sách để xác định cân nặng, chiều cao phù hợp.

Chúng ta cũng nên chấm trên hình theo dõi chiều cao, cân nặng của bé đang phát triển là đi lên hay đi ngang để biết và can thiệp.

3. Bổ sung dinh dưỡng thế nào cho em bé thấp còi?

Dù con ốm hơn bạn bè cùng trang lứa nhưng vẫn khoẻ mạnh và không bị các bệnh vặt thì không cần bổ sung quá nhiều thực phẩm, sữa... quan niệm này có đúng không?

BS Trương Hữu Khanh:

Quan niệm bé nhẹ cân, thấp còi nhưng không mắc bệnh sẽ khỏe mạnh là không đúng. Chúng ta cần biết cân nặng và chiều cao của bé trong vòng 1 - 3 tuổi là rất quan trọng để tạo chiều cao cho trẻ trong tương lai.

Nếu chúng ta không có sự can thiệp sẽ ảnh hưởng đến vóc dáng của bé giai đoạn dậy thì. Vì vậy, không nên nhìn bên ngoài mà phải dùng công cụ để theo dõi xem chiều cao, cân nặng của bé như vậy là phù hợp chưa.

Nếu bé nhẹ cân, thấp còi, các bậc phụ huynh cần bổ sung, điều chỉnh chế độ ăn. Chế độ ăn rất quan trọng, tùy từng giai đoạn chúng ta cần bổ sung cho bé lượng dinh dưỡng phù hợp.

4. Khi nào nên cho trẻ thăm khám chuyên khoa dinh dưỡng?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng ở cấp độ 2, cần đưa trẻ đến gặp chuyến gia dinh dưỡng để các bác sĩ đánh giá và giúp bé có thể phát triển bình thường, chứ chúng ta không nên tự ý can thiệp.

Trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng, các bậc phụ huynh cần xem xét lại chế độ ăn. Nếu việc suy dinh dưỡng ảnh hưởng tới vóc dáng, các bậc phụ huynh nên tìm các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn và có cách can thiệp phù hợp.

5. Suy dinh dưỡng kéo dài ảnh hưởng thế nào đến trẻ?

Việc trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi kéo dài sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của trẻ? Nếu tình trạng này được phát hiện trễ thì có phương pháp nào cải thiện chiều cao, cân nặng cho trẻ không?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều quan trọng nhất trong suy dinh dưỡng là không để bé còi cọc. Chúng ta cần theo dõi sát cân nặng của trẻ. Nếu cân nặng phát triển ngang hoặc đi xuống, chúng ta cần can thiệp ngay.

Trường hợp chúng ta không có thời gian can thiệp hoặc không tìm hiểu được, các bậc phụ huynh bắt buộc phải đưa trẻ đi khám.

Ở mốc phát triển 6 tháng đầu chúng ta cần cung cấp đủ sữa cho trẻ, từ 6-12 tháng cần cung cấp năng lượng, đạm cho trẻ sao cho phù hợp. Các mốc từ 3-5 tuổi, 7-8 tuổi, dậy thì là những mốc thời gian bé phát triển chiều cao.

Nếu giai đoạn trước đó bé bị còi cọc thì vào những giai đoạn sau mình cần bổ sung để bù đắp cho trẻ có được vóc dáng tốt nhất.

6. Sử dụng hormone tăng trưởng vào thời điểm nào?

Việc sử dụng hóc môn tăng trưởng khi nào là cần thiết? Và khi nào là chống chỉ định?

BS Trương Hữu Khanh:

Hormone tăng trưởng chắc chắn sẽ có tác dụng phụ, nên chỉ khi trẻ bị thiếu mới được bổ sung. Những trẻ có chiều cao thấp hoặc dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ can thiệp bằng các yếu tố hooc môn để trẻ cao hơn.

Nếu vì lý do dinh dưỡng mà bổ sung hormone tăng trưởng cho trẻ thì không nên. Chúng ta cần dùng chế độ dinh dưỡng để bổ sung cho trẻ.

Trường hợp trẻ không bị bệnh mà chỉ còi cọc, suy dinh dưỡng thì phải điều trị bằng dinh dưỡng.

7. Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng, tập luyện cho trẻ

Chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi cho trẻ bị thấp còi cần lưu ý những gì để trẻ cải thiện tốt?

BS Trương Hữu Khanh:

Đa số các bậc phụ huynnh đều mong muốn con có chiều cao tốt. Để làm được điều đó các bậc phụ huynh cần có sự chuẩn bị ngay khi trẻ sinh ra. Sữa và giấc ngủ là điều đặc biệt quan trọng để trẻ phát triển chiều cao.

Hormone phát triển tăng trưởng thường tiết ra vào ban đêm khoảng từ 21 giờ đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Vì vậy các bậc phụ huynh cần cho trẻ ngủ sớm và thêm giấc ngủ vào buổi trưa.

Nếu để trẻ thức khuya hormone tăng trưởng sẽ không được tiết ra và không kích thích bé tăng trưởng về chiều cao.

Chế độ dinh dưỡng gồm bộ khung của canxi từ sữa và chất đạm. Tùy thuộc vào lứa tuổi, chúng ta cung cấp dinh dưỡng cho phù hợp. Ngoài ra, cha mẹ phải cho trẻ ăn dặm đúng.

Đặc biệt là sự vận động, khi trẻ vận động chạy nhảy sẽ kích thích khung xương, cơ phát triển. Trẻ chạy nhảy sẽ tiêu hao năng lượng và sẽ nạp năng lượng để bù lại.

Nếu trẻ thụ động như ngồi xem tivi thì khó có thể tăng trưởng. Các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý lựa chọn những môn thể thao an toàn, phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

8. Gen di truyền có ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng không?

Nhiều cha mẹ nói rằng, con của họ ăn uống rất tốt nhưng chiều cao và cân nặng không được cải thiện? Liệu có phải do gen di truyền?

BS Trương Hữu Khanh:

Gen di truyền ảnh hưởng đến dáng vóc của trẻ chỉ chiếm tỷ lệ dưới 30%. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, gen của họ không thay đổi nhưng nhờ chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt mà họ phát triển chiều cao rất tốt.

Tại Việt Nam cũng có nhiều trường hợp ba mẹ không cao nhưng trẻ lại có chiều cao rất tốt.

Vì vậy các bậc phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ đầy đủ các yếu tố bên ngoài về dinh dưỡng, tập luyện để trẻ phát triển chiều cao.

9. Những lưu ý để trẻ phát triển chiều cao tốt

BS Trương Hữu Khanh:

Tất cả các bậc phụ huynh đều mong muốn trẻ có sức khỏe tốt và chiều cao nhất định.

Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ, giai đoạn mang thai, người mẹ cần bổ sung đầy đủ sắt và canxi.

Sau khi sinh cần đảm bảo cho trẻ những mốc phát triển trong 3 năm đầu đời. Trong các giai đoạn từ 3-5 tuổi, tiền dậy thì, đặc biệt là giai đoạn dậy thì trẻ sẽ phát triển chiều cao. Vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, cần cung cấp cho trẻ đủ lượng sữa, tập luyện và ngủ đúng giờ để có vóc dáng tốt.

Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X