Hotline 24/7
08983-08983

Giúp bạn gỡ rối khi chọn thuốc giảm đau, hạ sốt do nhiều nguyên nhân

Thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt khiến người mua lúng túng. Muốn nhanh hạ sốt, nên chọn thế nào? Thuốc giảm đau hạ sốt kết hợp từ các thành phần: Paracetamol với Ibuprofen hay Dextromethorphan, Loratadin, Cafein dùng khi nào? Những thắc mắc này đã được PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giải đáp.

1. Thuốc giảm đau - hạ sốt cơ bản có mấy loại?

Xin BS cho biết: thuốc giảm đau - hạ sốt cơ bản có mấy loại, loại nào thông dụng trên thị trường mà người mua không cần kê toa?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Hiện nay, có 2 nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt chính, bao gồm:

- Nhóm thuốc Acetaminofen, chẳng hạn như paracetamol.

- Nhóm thuốc kháng viêm Nonsteroid, chẳng hạn như ibuprofen hoặc aspirin.

Đây đều là những loại thuốc OTC - thuốc bán không cần kê đơn. Do những loại thuốc này khá an toàn nên chúng ta có thể mua được ở nhà thuốc không cần đến toa của bác sĩ.

2. Dựa vào thông tin nào để phân biệt loại thuốc giảm đau, hạ sốt?

Làm sao để người mua nhận biết nhiều nhãn hiệu thuốc nhưng thật ra là cùng một loại ạ?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Trên thị trường có rất nhiều thuốc giảm đau, hạ sốt với các nhãn hiệu khác nhau. Song, điều quan trọng nhất để có thể phân biệt được chính là dựa vào tên hoạt chất (thành phần chính trong thuốc). Một số hoạt chất chính có tác dụng giảm đau trên thị trường hiện nay bao gồm: paracetamol, ibuprofen hay aspirin.

3. Vì sao đau nhiều nơi trên cơ thể có thể dùng chung 1 loại thuốc giảm đau?

Nhiều người thắc mắc rằng: vì sao mà đau đầu, đau răng, đau cơ xương khớp… đều có thể dùng chung 1 loại thuốc giảm đau, nhờ BS giải đáp?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Đau là một phản ứng của quá trình viêm diễn ra trong cơ thể. Cụ thể, quá trình viêm sẽ gây phù nề, kích thích thụ cảm đau nên chúng ta sẽ có cảm giác đau.

Do đó, bất kỳ nguyên nhân đau là gì (nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn, chấn thương…) thì chúng ta đều có thể dùng cùng thuốc giảm đau.

4. Hàng tá loại sốt khác nhau nhưng lại có thể dùng chung 1 loại thuốc, vì sao?

Sốt sau tiêm ngừa, sốt do siêu vi, sốt do vi trùng, sốt do mọc răng… vì sao có thể dùng chung 1 loại thuốc hạ sốt, thưa BS?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau đều có cùng một cơ chế tác dụng. Theo đó, thuốc hạ sốt sẽ tác dụng lên vùng hạ đồi, trung tâm điều nhiệt của cơ thể nên nó sẽ có tác dụng hạ sốt. Còn thuốc giảm đau có tác dụng lên hoạt chất kháng viêm nên sẽ ức chế các phản ứng gây ra đau.

Vì vậy, dù bạn bị sốt do siêu vi, sốt do vi trùng hay sốt do mọc răng… thì bạn đều có thể dùng các hoạt chất này với cùng một mục đích là hạ sốt và giảm đau.

5. Sốt ở bệnh lý nào là nguy hiểm?

Ngoài các nguyên nhân gây sốt phổ biến nêu trên, còn có những nguyên nhân nào gây sốt ít gặp hơn, và có nguy hiểm không ạ?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra sốt là nhiễm siêu vi. Nguyên nhân phổ biến thứ hai là nhiễm vi khuẩn hoặc các phản ứng viêm.

Nhiều người nghe đến sốt do siêu vi thì nghĩ rằng căn bệnh này khá đơn giản nhưng thực tế cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm siêu vi rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Đôi khi, biểu hiện sốt cũng có thể là một dấu chứng của một bệnh nghiêm trọng. Ví dụ như bệnh nhân bị sốt do sốt xuất huyết hay do bệnh tay chân miệng,…là những loại sốt biểu hiện của những bệnh nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể sốt do tình trạng nhiễm khuẩn nặng; hay biểu hiện của bệnh cảnh nhiễm trùng huyết, viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc. Lúc này, sốt là những dấu chứng trong một bệnh cảnh nhiễm trùng nặng.

Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể, nó có vai trò hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Do đó, nếu chúng ta thấy sợ hãi khi có biểu hiện sốt và vội vàng ngăn chặn thì sẽ không tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem thường biểu hiện sốt thì cũng không nên vì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý nghiêm trọng.

Chẳng hạn như trong mùa sốt xuất huyết hay bệnh tay chân miệng, nếu chúng ta không phòng ngừa bệnh, đến khi xuất hiện biểu hiện sốt nhưng lại để cho bệnh phát triển sang giai đoạn nặng thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

6. Sốt cao khó hạ là gì? Xử lý ra sao?

Nhờ BS chỉ rõ: thế nào là sốt cao khó hạ? Với trường hợp sốt cao khó hạ thì có cần phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt không, thưa BS?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Trên thực tế, việc bạn có dễ hạ sốt hay không sẽ không phải do cơ địa mà phụ thuộc nguyên nhân gây bệnh.

Ví dụ, nếu bệnh nhân chỉ bị cảm siêu vi thông thường thì đôi khi chỉ cần uống một vài viên thuốc trong vòng 1-2 ngày thì đã cảm thấy khoẻ và hết bệnh.

Tuy nhiên, nếu biểu hiện sốt là của một bệnh lý nặng thì cho dù bệnh nhân dùng thuốc trong 2-3 ngày cũng có thể không thấy các triệu chứng thuyên giảm. Những trường hợp này được gọi là sốt cao khó hạ.

Chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan với tình trạng sốt cao khó hạ, không nên nghĩ đây là một loại sốt thông thường, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Trong trường hợp trẻ bị sốt 2 ngày trở lên, phụ huynh đã cho dùng thuốc nhưng trẻ không hạ sốt thì nên đề phòng nguy cơ trẻ bị sốt xuất huyết, nhất là trong mùa dịch sốt xuất huyết.

Nếu phụ huynh cứ để trẻ ở nhà trong khi trẻ đã sốt 5-7 ngày sẽ rất nguy hiểm, điều này có thể khiến trẻ đi vào giai đoạn sốc, hoặc sốt do bệnh tay chân miệng, viêm màng não.

Vì vậy, nếu gặp phải tình trạng sốt cao khó hạ, tốt nhất bạn nên đi khám bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân tự mua thuốc điều trị sốt tại nhà, nếu biểu hiện sốt không giảm trong 2-3 ngày thì người bệnh bắt buộc gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân thực chất gây sốt.

7. Thuốc hạ sốt dạng viên nén, viên sủi, siro, viên đặt hậu môn… liệu tác dụng có khác?

Thuốc giảm đau hạ sốt được bào chế ở nhiều dạng khác nhau: viên nén, viên sủi, siro, viên đặt hậu môn… thì có khác biệt về tác dụng của thuốc không?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Các công ty dược thường sẽ sản xuất thuốc đáp ứng nhu cầu của từng người bệnh. Bởi với cùng một mục đích trị bệnh nhưng nhu cầu sử dụng thuốc của mỗi đối tượng sẽ khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ 1-2 tuổi, trẻ 3-4 tuổi cho đến trẻ lớn hoặc người lớn.

Mỗi lứa tuổi sẽ có nhu cầu sử dụng thuốc khác nhau. Chẳng hạn như đối với trẻ nhỏ, chúng ta không thể sử dụng thuốc dạng viên nén. Thay vào đó, dạng thuốc phù hợp nhất là dạng siro.

Mặc dù cũng là hoạt chất paracetamol nhưng việc bào chế thuốc dưới dạng siro sẽ giúp cho trẻ dễ uống hơn bởi nó có mùi thơm, vị ngọt, đồng thời có dụng cụ đo lường thể tích giúp phụ huynh định lượng chính xác hàm lượng thuốc đưa vào cơ thể.

Thông thường, đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo nên sử dụng thuốc dạng siro.

Với đối tượng trẻ lớn hoặc người lớn, chúng ta có thể cho người bệnh sử dụng thuốc dạng viên nén hoặc viên sủi.

Thuốc đặt hậu môn cũng là dạng thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen. Theo đó, khi đặt vào hậu môn, thuốc sẽ tan ra dễ hơn và ngấm vào máu, giúp đảm bảo thuốc được hấp thu vào trong máu. Dạng thuốc này thường được sử dụng cho trẻ nhỏ bị sốt kèm nôn ói. Nếu trẻ uống thuốc rồi nôn ói, sẽ không biết chính xác lượng thuốc đã vào cơ thể là bao nhiêu, do đó viên đặt hậu môn sẽ phù hợp hơn.

8. Chuẩn bị thuốc hạ sốt cho gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống như thế nào?

Nhờ BS hướng dẫn cách chuẩn bị thuốc giảm đau hạ sốt cho tủ thuốc gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống?

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân trả lời: Hàm lượng thuốc sử dụng cho một người sẽ được tính dựa vào độ tuổi và cân nặng của họ. Chẳng hạn như, trẻ sơ sinh sẽ có cân nặng khoảng vài ký, trẻ từ 3-4 tuổi có cân nặng khoảng hơn 10 kg, trẻ trên 6 tuổi khoảng 15kg và người lớn khoảng 40-60kg.

Chính vì thế, các nhà sản xuất thuốc cũng bào chế thuốc dựa theo cân nặng. Ví dụ liều thuốc thấp nhất là 80mg với dạng viên nén, viên đặt hậu môn, siro, gói, viên sủi.

Thuốc có rất nhiều hàm lượng, ví dụ paracetamol có hàm lượng 80mg (dùng cho trẻ nhỏ < 1 tuổi), 150mg (dùng cho trẻ 2-4 tuổi), 250mg (dùng cho trẻ từ 4-6 tuổi hoặc có cân nặng từ 15-25kg).

Thông thường, liều của paracetamol là từ 10-15mg/kg cho một lần sử dụng. Do đó, chúng ta có thể dựa vào cân nặng của trẻ rồi nhân với hàm lượng thuốc thì sẽ ra được liều thuốc phù hợp.

Việc tính liều thuốc dựa theo cân nặng rất quan trọng đối với trẻ em bị béo phì, bởi các em này có cân nặng gần như người lớn, mà dùng liều thuốc thông thường cho trẻ nhỏ thì sẽ không đủ.

Đối với người lớn, hàm lượng thuốc thường được dùng nhất là 500mg hoặc 650mg.

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Travicol - Công ty Cổ phần Dược Phẩm TV.PHARM, Top 10 Công ty Dược uy tín Việt Nam năm 2021 đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X