Giãn cách xã hội vì COVID-19, người bệnh viêm gan B dùng toa thuốc cũ cần lưu ý gì?
Người bệnh viêm gan B có thể sử dụng toa thuốc cũ vì dịch COVID-19 đến khi nào? Hết loại bác sĩ kê toa điều trị viêm gan B, mua tên thuốc khác được không? Người bệnh viêm gan B có thể ngưng thuốc trong bao lâu?... Tất cả những thắc mắc này đã được PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường - Phó Trưởng khoa Y - Trưởng Bộ môn Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch giải đáp trong bài viết sau.
1. Viêm gan B gồm những giai đoạn nào, hậu quả khi không điều trị?
Đầu tiên xin nhờ BS khái quát bệnh viêm gan B đưa đến những hậu quả gì?
PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời: Viêm gan B là tổn thương gan do virus viêm gan B gây ra. Virus viêm gan B có thể gây ra viêm gan cấp, mạn, xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan B cấp gồm 3 giai đoạn: giai đoạn tiền vàng da (có triệu chứng như cảm cúm), giai đoạn vàng da và giai đoạn hồi phục. Đa số người bệnh sẽ đi khám bệnh và ở giai đoạn vàng da.
Khoảng 95% người lớn bị viêm gan B cấp sẽ hồi phục hoàn toàn, chỉ khoảng 5% chuyển qua viêm gan B mạn. Trong khi trẻ em bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ khoảng 90% chuyển qua viêm gan mạn.
Viêm gan B mạn khi virus viêm gan B chính xác là kháng nguyên bề mặt của virus (HBsAg) tồn tại trong cơ thể từ 6 tháng trở lên. Viêm gan B mạn thường không có triệu chứng.
Không phải tất cả người bị viêm gan B mạn phải điều trị thuốc đặc hiệu tức thuốc kháng virus. Tùy theo mức độ viêm gan, lượng virus trong cơ thể, mức độ xơ hoá của gan (sẹo trong gan)… mà BS sẽ chỉ định điều trị đặc hiệu khi cần thiết.
Viêm gan B mạn không được theo dõi và điều trị khi có chỉ định sẽ diễn tiến từ từ đến xơ gan và ung thư gan. Bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng của xơ gan hay ung thư gan.
2. Điều trị viêm gan B cấp, viêm gan B mạn, xơ gan và ung thư gan thế nào?
Ở mỗi giai đoạn việc điều trị khác nhau như thế nào, thưa BS?
PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời:
Viêm gan B cấp: chủ yếu điều trị nâng đỡ, hỗ trợ, đa số không cần dùng thuốc kháng virus, chỉ trừ một số trường hợp nặng.
Viêm gan B mạn: như đã trình bày ở trên, khi có chỉ định bác sĩ sẽ cho bệnh nhân uống thuốc kháng virus. Thời gian uống thuốc kháng virus kéo dài nhiều năm, thậm chí có khi suốt đời. Thời gian uống thuốc tùy thuộc vào một số yếu tố như có xơ gan hay chưa, nhiễm virus loại hoang dại hay đột biến?.
Bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày, không tự ý ngưng thuốc vì ngưng thuốc sẽ khiến virus nhân lên trở lại gây đợt bùng phát viêm gan có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Xơ gan là hậu quả của viêm gan mạn: đối với các bệnh nhân bị xơ gan do virus viêm gan B, bệnh nhân phải sử dụng thuốc kháng virus suốt đời. Ngoài ra, bệnh nhân phải được theo dõi tầm soát các biến chứng do xơ gan, đặc biệt là ung thư gan mỗi 3 tháng vì có nguy cơ ung thư gan rất cao.
Ngoài các thuốc kháng virus, tùy bệnh nhân có các biến chứng nào thì bác sĩ sẽ cho thuốc để điều trị và phòng ngừa các biến chứng đó. Ví dụ các biến chứng xơ gan thường gặp là chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch ở thực quản, bệnh não gan, nhiễm trùng dịch trong ổ bụng.
Ung thư gan: Bên cạnh thuốc kháng virus phải uống suốt đời, tuỳ tình trạng của bệnh mà bác sĩ sẽ chọn các phương pháp điều trị khối u như:
- Phẫu thuật: nhằm loại bỏ phần gan bị ung thư;
- Phá huỷ u gan tại chỗ: tiêu diệt tế bào ung thư bằng xạ trị nhiệt, laser hoặc tiêm thuốc trực tiếp vào khối ung thư;
- Nút mạch gan: nhằm ngăn động mạch cung cấp máu, khiến cho khối ung thư không được nuôi dưỡng;
- Ghép gan: thay thế gan bị bệnh với một gan khỏe mạnh từ người;
- Hóa trị: dùng thuốc để diệt tế bào ung thư hoặc ngăn ung thư tiếp tục phát triển.
3. Người bệnh viêm gan B cần làm những xét nghiệm gì, bao lâu một lần?
Với người bệnh viêm gan B, họ cần quan tâm đến những chỉ số nào, bao lâu xét nghiệm lại một lần ạ?
PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời:
Các xét nghiệm cơ bản cần theo dõi đối với người viêm gan B mạn:
- Nhóm xét nghiệm sinh hoá gan: men gan (ALT, AST) mỗi 3-6 tháng.
- Nhóm xét nghiệm tầm soát ung thư gan: AFP, siêu âm bụng 3-6 tháng.
- Nhóm xét nghiệm theo dõi tác dụng phụ thuốc (đối với TDF): chức năng thận mỗi 6 tháng.
- Nhóm xét nghiệm đánh giá số lượng virus: HBV DNA mỗi 6 tháng.
- Xét nghiệm theo dõi tình trạng xơ hoá gan: Đo độ đàn hồi gan như FibroScan mỗi 6 tháng.
- Ngoài ra còn 1 số xét nghiệm khác như HBeAg, HBsAg định lượng tuỳ từng trường hợp cụ thể các bác sĩ sẽ cho chỉ định thêm.
4. Người bệnh viêm gan C có thể sử dụng toa thuốc cũ vì dịch COVID-19 đến khi nào?
Trong đại dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi đến thành phố lớn tái khám. Nếu cứ dùng toa cũ mua thuốc uống tiếp thì có được không, và có thể áp dụng cách này trong mấy tháng ạ?
PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời:
Tốt nhất là nên liên hệ bác sĩ điều trị để có hướng dẫn cụ thể. Nếu không có sự điều chỉnh của bác sĩ điều trị, người có bệnh gan vẫn phải tiếp tục uống thuốc theo toa, không nên ngừng hoặc tự ý thay đổi thuốc.
Đối với các bệnh gan mạn như viêm gan B mạn đang điều trị thuốc kháng virus, bệnh nhân có thể mua theo toa cũ vì ngưng thuốc kháng virus có thể gây đợt bùng phát viêm gan do virus nhân lên trở lại rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Có thể tiếp tục mua uống 3-6 tháng cho đến khi có điều kiện đi tái khám lại, càng sớm càng tốt.
Đối với viêm gan C mạn đang điều trị kháng virus, thời gian điều trị thuốc đặc trị hiện nay đa số là 3 tháng, một số trường hợp xơ gan mất bù có thể 6 tháng là kết thúc. Bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ trong tình huống này để biết cần mua thêm thuốc đặc trị uống thêm trong bao lâu.
Sau đó, những bệnh nhân bị xơ hoá nặng và xơ gan cần tiếp tục theo dõi điều trị mỗi 3-6 tháng để tầm soát ung thư gan, có thể không cần uống thêm thuốc hay một số thuốc hỗ trợ tuỳ chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp khác không bị xơ hoá nặng hay xơ gan thì chỉ cần theo dõi như người bình thường (khám sức khoẻ mỗi năm).
Đối với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường hay kèm đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… có thể mua theo toa cũ uống tiếp tục, các thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, tuyệt đối không được ngưng thuốc. Thời gian mua toa cũ cũng 3-6 tháng cho đến khi có điều kiện đi tái khám lại càng sớm càng tốt.
Xơ gan đa số do 1 trong 3 nguyên nhân kể trên hay do nguyên nhân khác vẫn có thể tiếp tục mua theo toa cũ 3-6 tháng, tiếp tục theo dõi và tầm soát ung thư gan theo đúng lịch trình nếu hoàn cảnh cho phép. Cụ thể tầm soát ung thư gan mỗi 3-6 tháng, tốt nhất là mỗi 3 tháng, nên nếu không có điều kiện đến thành phố lớn thì vẫn có thể siêu âm bụng tại địa phương.
5. Hết loại bác sĩ kê toa điều trị viêm gan B, mua tên thuốc khác được không?
Rất nhiều bạn đọc hỏi AloBacsi rằng “ở quê đi mua không có thuốc, nhà thuốc giới thiệu thuốc tên khác có mua được không?”, nhờ BS hướng dẫn trường hợp này người bệnh nên làm thế nào?
PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời:
1 thuốc có 2 tên gồm tên hoạt chất và tên do hãng thuốc đặt. Ví dụ Panadol là tên thuốc, hoạt chất là paracetamol. Trong trường hợp không thể mua đúng tên thuốc bác sĩ kê toa trước đây, có thể mua thuốc do nhà thuốc giới thiệu nhưng phải cùng hoạt chất.
Tuyệt đối không tự ý thay đổi hoạt chất cho dù có cùng 1 công dụng, ví dụ như amlordipin, losartan là 2 hoạt chất khác nhau nhưng cùng 1 công dụng là hạ huyết áp. Tuy nhiên không thể thay thế cho nhau nếu không hỏi ý kiến bác sĩ.
6. Người bệnh viêm gan B có thể ngưng thuốc trong bao lâu?
Trường hợp không mua được thuốc thay thế, người bệnh nhờ mua thuốc từ TPHCM gửi về và phải ngưng uống thuốc vài ngày, thậm chí vài tuần. Việc này đưa đến nguy hiểm gì ạ?
PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời:
Việc ngưng thuốc vài ngày hay vài tuần có nguy hiểm hay không tùy thuộc vào loại thuốc. Trên nguyên tắc là các thuốc đặc trị không nên ngưng và nếu phải ngưng do không còn cách nào khác thì chỉ nên vài ngày, các thuốc hỗ trợ có thể ngưng vài ngày thậm chí vài tuần. Tốt nhất vẫn là nên liên hệ bác sĩ để có lời khuyên trong các tình huống này.
Những thuốc tuyệt đối không nên ngưng như thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ…
Đối với các thuốc đặc trị viêm gan B, C mạn có thể ngưng vài ngày nếu không thể tìm mua tại địa phương thuốc khác cùng hoạt chất, nhưng không nên ngưng vài tuần.
Đối với các thuốc hỗ trợ gan như silymarin, ursodeoxycholic acid… có thể ngưng vài ngày thậm chí vài tuần.
Các thuốc đặc trị đặc biệt đối với viêm gan B mạn sẽ gây bùng phát viêm gan hay đợt mất bù của gan có thể nguy hiểm đến tính mạng.
7. Người bệnh viêm gan B dùng thuốc bổ gan, giải độc gan cần lưu ý gì?
Cùng với việc bệnh nhân ngại đến bệnh viện, họ chọn cách đặt mua các sản phẩm được giới thiệu là bổ gan, giải độc để uống “tạm” chờ cho dịch COVID-19 lắng xuống sẽ đi tái khám. BS có ý kiến thế nào về việc này?
PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường trả lời:
Đối với người có bệnh gan đặc biệt là xơ gan, không nên tự ý mua các thuốc được giới thiệu là bổ gan, giải độc gan để uống. Hầu hết các thuốc đều được chuyển hoá qua gan, vì vậy hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết, không có chỉ định bác sĩ khi có bệnh gan để tránh quá tải cho gan.
Hơn nữa, người có bệnh gan có nguy cơ tổn thương gan do thuốc cao hơn so với người bình thường kể cả những thuốc được xem là thảo dược, bổ gan, giải độc gan. Thực tế, nhiều bệnh nhân bị xơ gan hay viêm gan mạn tự ý mua thêm các loại thuốc này uống dẫn đến tổn thương gan do thuốc làm nặng thêm bệnh gan hiện có rất nguy hiểm.
Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS.CK2 Trần Thị Khánh Tường đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình