Hotline 24/7
08983-08983

Giải pháp phục hồi cho bệnh nhân suy kiệt, thiếu dinh dưỡng sau đột quỵ?

Suy kiệt và suy dinh dưỡng là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân hậu đột quỵ. Vậy người nhà cần lưu ý gì trong chế dinh dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ? ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, bệnh viện Quân y 175 đã giải đáp.

1. Thực trạng suy kiệt và thiếu dinh dưỡng ở bệnh nhân đột quỵ

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Suy dinh dưỡng là tình trạng bệnh nhân thiếu chất dinh dưỡng khiến cơ thể không đủ năng lượng để duy trì hoạt động thể chất.

Sau đột quỵ, có rất nhiều yếu tố và triệu chứng ảnh hưởng khiến bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, chẳng hạn như: khó nuốt, thay đổi về mặt tri giác hoặc các vấn đề liên quan đến thăng bằng. Tất cả các yếu tố này khiến bệnh nhân dễ bị thiếu dinh dưỡng sau khi trải qua cơn đột quỵ.

Tỷ lệ mắc suy dinh dưỡng tùy thuộc vào giai đoạn, thường xảy ra ở tuần thứ 3 đến tuần thứ 6. Chẳng hạn như ở giai đoạn mãn tính, tỷ lệ bệnh nhân bị suy dinh dưỡng chiếm khoảng 30 - 49%. Chính vấn đề suy dinh dưỡng này đã gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của người bệnh.

2. Nguyên tắc dinh dưỡng đối với bệnh nhân đột quỵ mức độ nhẹ và nặng khác nhau như thế nào?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Dinh dưỡng là chìa khóa quan trọng giúp bệnh nhân hồi phục. Nguyên tắc đầu tiên là khẩu phần ăn phải phù hợp với bệnh nhân sau đột quỵ.

Về cơ bản, khẩu phần ăn của người bệnh đột quỵ tương đối giống với cách chúng ta ăn uống hằng ngày. Cụ thể, bệnh nhân cần được bổ sung đủ chất và không tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể bổ sung thêm các loại ngũ cốc cho bệnh nhân. Bệnh nhân cũng cần ăn đủ rau xanh và trái cây hằng ngày. Những thực phẩm này ngoài cung cấp vitamin còn giúp cho quá trình tiêu hóa thuận lợi hơn.

Ngoài ra, sữa cũng là thực phẩm hữu ích với bệnh nhân đột quỵ. Về dung nạp đạm, người nhà nên chọn đạm gia cầm, thịt ít béo và nhiều nạc hơn.

Nói tóm lại, bệnh nhân đột quỵ nên có chế độ ăn cân bằng, giảm thức ăn gây ra mãng vữa xơ như thực phẩm nhiều chất béo, đồng thời sử dụng thực phẩm nhiều chất xơ để đảm bảo vitamin và khoáng chất.

3. Người nhà nên có kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân đột quỵ như thế nào?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đối với bệnh nhân đột quỵ, người nhà cần khuyến khích bệnh nhân ăn uống dù họ không có cảm giác thèm ăn. Bởi sau đột quỵ, có nhiều yếu tố làm cho bệnh nhân không thèm ăn nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta chiều bệnh nhân ăn ít.

Bên cạnh đó, người chăm sóc nên đảm bảo thức ăn dễ nuốt bởi sau bệnh nhân đột quỵ thường bị ảnh hưởng đến chức năng nuốt. Do đó, khi chế biến món ăn, tốt nhất cần đảm bảo độ lỏng để bệnh nhân ăn dễ dàng hơn.

Người nhà cũng cần quan sát xem khẩu phần thức ăn nào làm cho bệnh nhân thấy ngon miệng. Khi đó, hãy tiếp tục chế biến những thực phẩm như vậy để bệnh nhân cảm thấy húng thú hơn khi ăn, từ đó kích thích ăn nhiều hơn.

Đặc biệt, người nhà cần đảm bảo bệnh nhân ăn uống đúng sáng, trưa và chiều tối. Đồng thời, cho bệnh nhân ăn chung với gia đình để họ không có cảm giác bị cách xa bữa ăn hằng ngày.

4. Sau đột quỵ, nên và không nên ăn gì?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Những thực phẩm tốt cho bệnh nhân đột quỵ là trái cây và rau củ. Tuy nhiên, người nhà nên xay nhuyễn thức ăn cho bệnh nhân bị rối loạn chức năng nuốt, điều này sẽ giúp  hỗ trợ cho quá trình nhai nuốt của bệnh nhân tốt hơn.

Bên cạnh đó, sữa chua cũng là một thực phẩm tốt cho bệnh nhân đột quỵ. Sữa chua có men hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa, nhất là đối với các bệnh nhân hạn chế vận động phải nằm lâu. Một loại thực phẩm khác bổ dưỡng mà bệnh nhân có thể dễ dàng ăn chính là trứng.

Ngày nay, các dạng thực phẩm thay thế dạng lỏng xuất hiện nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, thân nhân cần có sự tham vấn của bác sĩ và chuyên gia đột quỵ trước khi cho người bệnh sử dụng.

Người nhà cũng cần lưu ý tránh cho bệnh nhân ăn các thực phẩm dạng khô. Bởi những loại thực phẩm này sẽ khiến họ khó nuốt, khó tiêu.

Đối với bệnh nhân đột quỵ, người nhà có thể bổ sung thêm thực phẩm chứa Kali tốt cho não, giúp kiểm soát huyết áp.

5. Những sai lầm thường gặp trong chế biến thức ăn cho bệnh nhân đột quỵ là gì?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Người nhà cần cố gắng bổ sung đa dạng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày cho bệnh nhân. Đồng thời, khuyến khích bệnh nhân ăn trái cây và rau củ để cung cấp thêm nhiều khoáng chất.

Khi dự định cho bệnh nhân đột quỵ sử dụng thực phẩm thay thế, người nhà cần đọc nhãn thực phẩm thật kỹ. Theo đó, cần xem các chất béo hòa tan trong nhãn thực phẩm, thành phần dinh dưỡng nào không phù hợp và tổng lượng calories thay thế bằng chất lỏng đó cung cấp cho người bệnh như thế nào.

Thân nhân nên hạn chế chất béo bão hòa trong bữa ăn của người bệnh bởi nó có thể làm tăng cholesterol xấu. Thay vào đó, hãy sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật.

Bên cạnh đó, nên cắt giảm muối trong bữa ăn, đặc biệt là bệnh nhân có tiền căng tăng huyết áp. Ngoài kiểm soát yếu tố nguy cơ đột quỵ, huyết áp, chế độ ăn giảm muối sẽ giúp người bệnh phòng ngừa cơn đột quỵ tiếp theo.

Đồng thời, nên chọn thực phẩm giàu chất xơ và giảm lượng đường trong bữa ăn của bệnh nhân.

6. Nước xương hầm tốt cho bệnh nhân đột quỵ, đúng hay sai?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đây là thắc mắc của rất nhiều người có người thân bị đột quỵ.

Nước hầm xương là thực phẩm chứa nhiều axit amin giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, xương và các vấn đề về khớp. Đây cũng là thực phẩm bổ sung collagen giúp tốt cho sức khỏe của da. Người ta còn thấy rằng, nước hầm xương còn giúp cải thiện nhận thức.

Nếu chúng ta sử dụng đúng, thực phẩm này sẽ mang lại lợi ích. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, nước hầm xương sẽ không mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Bởi trong nước xương hầm có một loại acid amin là glucotarte. Một số bệnh nhân dễ bị dị ứng với acid amine này nên người nhà cần lưu tâm.

Nước hầm xương cũng có chứa chất không tốt cho hệ tiêu hóa, có thể gây sưng khớp tay, chân, nhất là ở bệnh nhân bị đột quỵ có cơ địa dễ mắc bệnh khác.

Một số người khi dùng nước hầm xương có triệu chứng nhức đầu hoặc nhịp tim đập nhanh. Một vài trường hợp bệnh nhân sau khi dùng nước hầm xương có triệu chứng đau nhức khớp hoặc tăng tiết mồ hôi. Tuy nhiên, các triệu chứng này được ghi nhận ở một số nhóm đối tượng nhất định.

Như vậy, dù nước hầm xương có tác dụng khác nhau nhưng chúng ta chỉ nên cho bệnh nhân sử dụng vừa đủ và cân nhắc nếu người bệnh dễ bị dị ứng.

7. Liệu có loại thuốc nào giúp bệnh nhân phục hồi não sau đột quỵ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Không có loại thuốc nào giúp phục hồi não sau đột quỵ. Do vậy, các nhà dinh dưỡng học nhấn mạnh bệnh nhân cần phải tuân thủ chế độ ăn phù hợp để đảm bảo dinh dưỡng bởi thực tế không có loại thực phẩm thần kỳ như vậy.

Tốt nhất, người bệnh nên tập trung bổ sung thêm trái cây, rau, các loại ngũ cốc nguyên hạt.

8. Người kiệt sức sau đột quỵ liệu có thể áp dụng chế độ dinh dưỡng Địa Trung Hải và chế độ ăn Dash?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Chế độ ăn Địa Trung Hải là thuật ngữ dùng để nói lên thói quen ăn uống của các quốc gia sống ở vùng biển Địa Trung Hải. Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng này chú trọng vào sử dụng cá, rau củ quả và ngũ cốc.

Chế độ ăn Dash là chế độ ăn giàu carbohydrates, nhấn mạnh tầm quan trọng của rau củ, trái cây và thực phẩm từ sữa ít chất béo. Chế độ Dash chỉ dành cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm nhiều trái cây, rau củ, bánh mì, khoai tây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Người dân Địa Trung Hải sử dụng dầu ô liu như nguồn chất béo chính. Sữa, trứng, cá và thịt gia cầm được sử dụng nhiều trong chế độ Địa Trung Hải.

Chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn Dash đã được tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ chứng minh là tốt cho bệnh nhân đột quỵ.

Tuy nhiên, nếu áp dụng chế độ dinh dưỡng ở nước ta thì sẽ có một số điểm khác biệt. Dầu ô liu được xem là chất béo chính trong chế độ dinh dưỡng Đại Trung Hải, nhưng ở Việt Nam thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện sử dụng dầu ô liu. Vì vậy, chúng ta có thể biến đổi một chút sau cho phù hợp.

9. Làm sao để bệnh nhân không bị uể oải sau đột quỵ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Dinh dưỡng là chìa khóa quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi sau đột quỵ. Do đó, người nhà nên khuyến khích bệnh nhân ăn. Trong khẩu phần ăn, cần đảm bảo bữa ăn đa dạng thức ăn, hạn chế thực phẩm nhiều chất béo và ưu tiên sử dụng thực phẩm ít béo hay không chất béo để kiểm soát tốt cholesterol.

Người nhà cũng nên tạo không gian ăn uống giúp người bệnh có thể hòa nhập vào không gian ăn uống của gia đình. Đồng thời, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi quyết định bổ sung thêm hoặc thay đổi một loại thức ăn nào trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh.

Không có thực phẩm nào có thể giúp hồi phục một cách nhanh chóng sau đột quỵ. Một chế độ ăn cân bằng, đa dạng và đầy đủ đúng theo chế độ của người bị đột quỵ và bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, tiểu đường sẽ giúp ích cho người bệnh sớm phục hồi và trở về cuộc sống bình thường.

Theo Trọng Dy (ghi) - benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X