Hotline 24/7
08983-08983

Giải mã nguyên nhân suy dinh dưỡng trong công nhân cao khủng khiếp

(AloBacsi) – 30% công nhân tại TPHCM suy dinh dưỡng. Đây là một con số khủng khiếp! Nguyên nhân do đâu và làm thế nào để cải thiện tình trạng này?

Chế độ ăn chưa hợp lý

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM thì trung tâm từng khảo sát trên 1.000 công nhân thì có đến 29,6% bị suy dinh dưỡng. Trong đó, phổ biến nhất là thiếu vitamin nhóm B, 20% công nhân bị thiếu máu và hơn 70% bị thiếu iốt. Còn theo Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TPHCM có gần 30% người lao động có sức khỏe kém và rất kém.

Một cuộc khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cũng cho thấy trong số 1.000 công nhân nghề may được thăm dò thì 93% bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 17% nặng đầu, nhức đầu; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai.

BS-CK1 Nguyễn Minh Thu, cố vấn trang Thông tin Sức khoẻ & Khám bệnh trực tuyến AloBacsi.vn cho biết: “Dinh dưỡng là quá trình cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng từ thức ăn để duy trì sự sống và làm việc của con người. Nhu cầu dinh dưỡng không hợp lý hay không được quan tâm đúng mực không những sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ”.

Theo BS Nguyễn Minh Thu thì ngoài lý do kinh tế, thu nhập thấp nên bữa ăn eo hẹp, thiếu chất ra thì việc số lượng lớn công nhân suy dinh dưỡng còn là do họ chưa có chế độ ăn hợp lý. BS Nguyễn Minh Thu cho rằng: “Việc tái tạo sức lao động phụ thuộc vào việc tiêu hao năng lượng của NLĐ trong quá trình lao động. Tuỳ theo cường độ, thời gian lao động mà năng lượng cần được “bù đắp” cũng thay đổi theo”.

Cụ thể: Lao động nhẹ: 120 - 240 calo/giờ; Lao động trung bình: 240 - 360 calo/giờ; Lao động nặng: 360 - 600 calo/giờ. Như vậy, với thời gian lao động trung bình 8 giờ, năng lượng mà người lao động nặng (làm các ngành nghề dùng sức cơ bắp nhiều như thợ xây dựng, thợ mộc, khuân vác,…) sẽ cần cung cấp vào khoảng 2800 - 4800 calo/ngày, các nghề khác tính toán tương tự.

Trong khi đó, do yêu cầu công viêc, đa số NLĐ không tự nấu nướng mà thường ăn uống rất qua loa: Sáng “lót dạ” gói xôi hay ổ bánh mì, “cao cấp và thịnh soạn” hơn là dĩa cơm sườn; trưa và chiều thì thực đơn có “phong phú” hơn, cơm được khoảng 2-4 chén và 3 món ăn gồm: món mặn (thịt kho trứng, cá kho, tàu hũ nhồi thịt…), món xào là rau đơn thuần và món canh chủ yếu là nước.

Chưa kể các loại thực phẩm trên có chất lượng hay đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, chỉ tính về giá trị dinh dưỡng thì không đạt yêu cầu. Với cường độ làm việc của công nhân thì thực đơn như trên cao nhất cũng chỉ đáp ứng 2/3 số năng lượng cần thiết! do đó, nhiều công nhân suy dinh dưỡng là điều không lạ.

Bs Nguyễn Minh Thu cho rằng: “Với tính chất kinh doanh mang tính thương mại thì chất lượng bữa ăn và việc đảm bảo dinh dưỡng cho các phần ăn thụ thuộc hoàn toàn vào sự biến động của  thời giá ở thị trường. Và điều chắc chắn là với các bữa ăn gọi là “bữa chính” của hầu hết NLĐ với giá tiền dao động từ 13.000 – 15.000 đồng thì không thể bảo đảm cho việc “tái sản xuất sức lao động”.

Dinh dưỡng hợp lý cho NLĐ

Việc đấu tranh cho bữa ăn của NLĐ được nâng cao hơn còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quan chức năng. Trong khi đó, NLĐ cũng phải thay đổi tư duy dè sẻn của mình và chú ý hơn đến dinh dưỡng cho cơ thể. BS Nguyễn Minh Thu cho rằng: “Việc dinh dưỡng không đầy đủ kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Từ đó, năng suất lao động sẽ giảm sút, tiền lương kiếm được càng thấp hơn. Do vậy, dè sẻn trong ăn uống là chưa hợp lý”.

Ban cố vấn của trang Thông tin Sức khoẻ & Khám bệnh trực tuyến AloBacsi.vn cũng xin mách những giải pháp sau vừa giúp tăng năng lượng cho cơ thể nhưng vẫn đảm bảo có sự cân đối các chất đạm và béo nhưng lại ít tốn tiền, khéo léo chữa cháy cho phần năng lượng và các chất dinh dưỡng thiếu do chế độ ăn của NLĐ mang lại. Các biện pháp này NLĐ nặng cũng có thể áp dụng. Cụ thể như sau:

1. Để tăng đạm động vật có thể ăn một số loại cá rẻ tiền nhưng giàu đạm và giàu calci như: cá cơm, cá nục, cá phèn; còn bổ sung chất đạm thực vật thì nên ăn thêm các loại đậu như: đậu phụ (tàu hũ, muốn tăng thêm cả chất béo thì ăn loại đậu đã chiên), đậu phộng (rang, nấu), các loại chè đậu (xanh, đen, mè đen), sữa đậu nành…

2. Để tăng lượng chất béo, nên “dặm” thêm  vào bữa cơm 1- 2 muỗng muối mè hoặc muối đậu phộng (làm thật “lạt”, nhiều mè, nhiều đậu phộng và thật ít muối).

3. Để có đủ vitamin thì cần ăn thêm trái cây (nên ăn sau bữa ăn chính để giúp hấp thu tốt chất sắt có trong bữa ăn) theo kiểu “mùa nào thức ấy”, ngon và rẻ tiền như chuối, đu đủ, sơ-ri, ổi, mận…

4. Nên ăn thêm thức ăn có chất sắt (là chất cần thiết để tạo máu) có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá, đậu đỗ và rau xanh. Bạn có thể làm món huyết xào giá hẹ; huyết, gan kho hay nấu cháo… để thay đổi khẩu vị.

5. Ngoài 3 bữa ăn chính, giữa giờ làm việc nên “ăn vặt”  thêm những món ăn đơn giản, ngon miệng và giúp có thêm năng lượng như: bắp, đậu phộng luộc, khoai lang, khoai mì, các loại chè đậu…

Một lời khuyên của BS Nguyễn Minh Thu dành cho các bạn: “Chế độ dinh dưỡng hợp lý, là chế độ ăn đáp ứng nhu cầu năng lượng và đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và cân đối giữa các chất Glucid, Lipid, Protid. Nếu chế độ ăn thiếu năng lượng thì cơ thể mệt mỏi, năng suất lao động thấp, nếu kéo dài thì dẫn đến suy dinh dưỡng và kiệt sức, không có sức đề kháng với bệnh tật. Chế độ ăn quá dư thừa năng lượng kéo dài sẽ dẫn tới thừa cân, béo phì, dễ có nguy cơ cao mắc các bệnh chuyển hóa, tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch”.

Do vậy, theo dõi cân nặng là điều cần thiết để biết xem chế độ dinh dưỡng có đáp ứng nhu cầu năng lượng hay không. Đối với người bình thường, cân nặng giảm là biểu hiện của chế đô ăn thiếu năng lượng, cân nặng tăng là biểu hiện của chế độ ăn vượt quá nhu cầu năng lượng.

Thanh Phong

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X