Hotline 24/7
08983-08983

Gần 3,3 triệu người đã mãi ra đi vì COVID-19

Thế giới đến nay ghi nhận 158.302.220 ca nhiễm nCoV và 3.295.974 ca tử vong, trong khi 136.579.825 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số 33.427.215 ca nhiễm và 595.047 ca tử vong do nCoV.

Khoảng 149,5 triệu người Mỹ, tương đương 45% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi gần 109 triệu, khoảng 33% dân số, đã hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Gần 252 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 324,6 triệu được phân phối tại quốc gia này.

Ấn Độ ghi nhận mức kỷ lục gần 4.200 người tử vong và hơn 400.000 ca nhiễm mới trong một ngày.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ngày 8/5 phát hiện 409.300 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 22.295.911, tổng người chết lên 238.270.

Giới chuyên gia cho rằng, thực tế đang diễn ra ở Ấn Độ cho thấy, nó nghiêm trọng hơn nhiều.

Hiện, Ấn Độ vẫn chưa áp lệnh phong tỏa toàn quốc do lo ngại hậu quả kinh tế và tâm lý của người dân.

Hàng nghìn lao động nhập cư Ấn Độ đã tháo chạy tới Nepal, biến quốc gia này thành "địa ngục trần gian" tiếp theo. Một số chuyên gia dự đoán tình hình COVID-19 ở Nepal có thể tồi tệ hơn Ấn Độ. Thủ đô Kathmandu bị phong tỏa nghiêm ngặt, trong khi thành phố biên giới Nepalgunj, nơi hàng nghìn lao động từ Ấn Độ trở về, nguy cơ đối mặt đợt tăng đột biến ca nhiễm nCoV.

Số ca mắc mới COVID-19 và tử vong tiếp tục tăng mạnh ở các nước

Pakistan ghi nhận 854.240 ca nhiễm và 18.797 ca tử vong, tăng lần lượt 4.109 và 120. Quốc gia láng giềng của Ấn Độ đóng cửa các điểm du lịch trong 9 ngày, bắt đầu từ hôm 8/5, đồng thời huy động quân đội giám sát việc tuân thủ các hạn chế để ngăn nCoV. Quyết định này nhằm ngăn đợt bùng phát dịp lễ Eid al-Fitr vào cuối tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.087.360 ca nhiễm và 419.393 ca tử vong, tăng lần lượt 78.337 và 2.217.

Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 10. Với hợp đồng mới, Brazil sẽ có 200 triệu liều vaccine Pfizer để giảm bớt tình trạng thiếu vaccine của nước này.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.709.762 ca nhiễm, tăng 6.130, trong đó 46.842 người chết, tăng 179.

Khoảng 18 triệu người, tương đương 7% dân số, vẫn lên kế hoạch tận hưởng kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ, theo một khảo sát của hãng thông tấn nhà nước Antara.

Indonesia ban hành lệnh cấm đi lại từ ngày 6/5 tới 17/5 để ngăn chặn lây lan dịch. Theo lệnh cấm, người dân phần lớn chỉ có thể đi lại trong thị trấn hoặc thành phố mình sinh sống.

Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.094.849 ca nhiễm và 18.099 ca tử vong, tăng lần lượt 6.979 và 170 ca.

Tổng thống Rodrigo Duterte yêu cầu thực thi ngay lập tức lệnh bắt người vi phạm quy định đeo khẩu trang bắt buộc, như đeo khẩu trang không đúng cách, theo thông báo của Bộ Tư pháp Philippines.

Campuchia ghi nhận thêm 538 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm lên 18.717, trong đó 114 ca tử vong.

Chính quyền Phnom Penh kết thúc ba tuần phong tỏa hôm 5/5, nhưng người dân vẫn phải tiếp tục tuân thủ quy định như thời gian phong tỏa, áp dụng theo mã màu của từng khu vực.

Lào báo cáo 28 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 của nước này lên 1.233, không có ca tử vong.

Chính phủ Lào quyết định gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày tới 20/5. Thủ tướng Phankham Viphavanh cho biết việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn hiện tại để ngăn chặn đợt bùng phát của dịch là điều cần thiết.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X