Hotline 24/7
08983-08983

Dừng thuốc corticoide bao lâu mới được tiêm vắc xin?

Đây là thắc mắc của bạn đọc gửi đến AloBacsi đã được BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp. Ngoài ra, bác sĩ còn trả lời nhiều vấn đề khác trong bài viết dưới đây như: Nôn mửa liên tục sau khi uống thuốc điều trị Hp; Bôi thuốc Ticalox có hết sẹo rỗ; Tiêm chất nhờn vào khớp điều trị thoái hóa khớp; Bị viêm gan B cần chuẩn bị gì trước khi mang thai... Mời bạn đọc đón xem.

Bạn đọc tên Minh - lmh...@gmail.com

Em bị chắp mắt bác sĩ có kê đơn thuốc, có 3 viên Medrol 16mg uống 3 ngày. Em có tiêm phòng dại với mũi cuối ngày 14/6/2020, em có hỏi và bảo uống được nhưng em xem sổ tiêm chủng thấy không được dùng corticoid trong 6 tháng sau tiêm, không biết em có uống được không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Medrol là corticoide có tác dụng kháng viêm mạnh, tuy nhiên thuốc cũng gây ức chế hệ miễn dịch. Trong tiêm ngừa vắc xin, đối với loại vắc xin là vi khuẩn hay virus giảm độc lực (như vắc xin ngừa dại) thì phải ngưng corticoid ít nhất 2 tuần mới được tiêm vắc xin đó, sau tiêm vắc xin cũng nên tránh sử dụng corticoid ít nhất 2 tuần sau đó, trừ những trường hợp đặc biệt phải sử dụng corticoid thì phải có chỉ định và giám sát theo dõi của bác sĩ.

Trường hợp của em đã tiêm xong mũi dại cuối vào ngày 14/6/2020, nay đã là tháng 9-10/2020, em có thể uống được medrol theo toa của bác sĩ mắt đã kê, em nhé!

1. Nôn mửa liên tục sau khi uống thuốc điều trị Hp, vì sao?

Thái Thị Huyền - Thaihuy...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Lúc trước cháu có đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông và có nội soi dạ dày thì kết luận là bị nhiễm vi khuẩn HP. Sau đó bác sĩ tại bệnh viện có kê đơn thuốc cho cháu uống. Tuy nhiên cháu uống đúng duy nhất chỉ có 1 liều là bị nôn mửa liên tục 2 tuần ạ. Bác sĩ có thể tư vấn cho cháu là tại sao được không ạ? Cháu có nên đổi thuốc không thưa BS?

Đơn thuốc bác sĩ tại bệnh viên kê cho cháu là: Clabact 250 Amoxicilin 500mg Incepdazol 250 tablet Pariet 20mg.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn Huyền thân mến,

Helicobacter pylori là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày. Trị Hp thì bác sĩ sẽ phải dùng kháng sinh, vì đây là vi khuẩn, và phải dùng 2-3 loại kháng sinh phối hợp với thuốc ức chế tiết dạ dày từ 1-2 tuần, vì chúng trú ẩn sâu trong thành của dạ dày. Có nhiều loại kháng sinh có thể dùng để điều trị Hp, mỗi loại có tác dụng phụ riêng. Nhưng nhìn chung, tác dụng phụ thường gặp của kháng sinh điều trị Hp là đắng miệng, thay đổi vị giác, buồn nôn, mệt mỏi, nhức đầu, khó ngủ, chóng mặt, tiêu chảy.

Phác đồ em điều trị hiện tại là phác đồ đầu tay để trị Hp rồi đó, em uống vào bị buồn nôn - nôn là do tác dụng phụ của kháng sinh, vì cơ địa em quá nhạy cảm. Em nên đổi sang phác đồ khác, nhưng mà phác đồ nào uống cũng có cái khó chịu của riêng nó, ráng uống cho đủ ngày để tiệt trừ Hp thành công.

Em tái khám lại tại chuyên khoa Tiêu hóa để được điều chỉnh thuốc cho phù hợp, em nhé!

ThS.BS.CK1 Cao Thị Lan Hương là một trong những chuyên gia tư vấn vì sức khỏe cộng đồng được bạn đọc hết sức yêu quý. Ca trực của chị luôn "đầy ắp" bạn đọc gọi đến nhờ tư vấn.

2. Tim đập nhanh, run chân tay kèm hồi hộp: Dấu hiệu cường giáp tái phát?

Lâm Thị Bé Nhỏ - Lilyl...@gmail.com

Tôi đang điều trị cường giáp tại Đại Học Y Dược với Bác Sĩ Trần Quang Nam, dạo gần đây tôi lại bị tái những triệu chứng tim đập nhanh, tay chân run và hồi hộp kéo dài, tôi muốn hỏi đây là bình thường hay cần xét nghiệm lại hay không. Cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Những triệu chứng bạn kể trên cho thấy hormone giáp đang tăng cao trở lại, nói cách khác là bệnh đang có xu hướng bùng trở lại. Điều này thường gặp nhất là do điều chỉnh thuốc của bác sĩ, hoặc do chế độ ăn bổ sung nhiều iod làm mất cân bằng hormone giáp.

Trong quá trình điều trị cường giáp, khi đã qua giai đoạn điều trị tấn công của bệnh, đến giai đoạn điều trị duy trì, bác sĩ sẽ canh giảm liều thuốc dần đến liều thấp nhất mà vẫn khống chế được bệnh. Tuy nhiên, có trường hợp người bệnh khi giảm liều thuốc xuống thì bệnh lại có xu hướng bùng lên lại. Khi đó, bác sĩ sẽ tăng liều lên cho bạn.

Bạn cần tái khám lại tại chuyên khoa Nội tiết và cần làm lại xét nghiệm chức năng tuyến giáp để kiểm tra, việc này có thể thực hiện tại bệnh viện địa phương gần nhà được, bạn nhé.

3. Bôi thuốc Ticalox có hết sẹo rỗ?

Hai Van Tam - tamth...@gmail.com

Thưa BS, em bị sẹo rỗ do mụn để lại, vậy dùng thuốc ticalox có hết không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Thuốc trị sẹo Ticalox có đặc tính chính là bào mòn bề mặt sẹo cho bằng với bề mặt da xung quanh, nên sẹo rỗ ít thì dùng 1 thời gian cũng có cải thiện, còn sẹo rỗ nhiều thì hiệu quả thấp. Đối với trường hợp sẹo rỗ nhiều thường phải can thiệp mạnh hơn như cà sẹo, bổ sung collagen... Em có thể đến Bệnh viện Da liễu hay Phòng khám Da liễu thẩm mỹ để được tư vấn hướng điều trị thích hợp, em nhé.

4. Có dùng bao sao su khi "yêu", tỷ lệ nhiễm HIV bao nhiêu %?

ZL Tuấn Đ

Cháu có 1 vài lần quan hệ với cô gái “làng chơi”. Cháu cẩn thận dùng bao cao su an toàn, nhưng liệu cháu có bị lây nhiễm HIV không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Khi em quan hệ có sử dụng bao cao su thì khả năng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác rất thấp. Bác sĩ không dám kết luận là không có khả năng lây nhiễm vì vẫn có trường hợp rách bao cao su, quan hệ qua đường miệng trước khi quan hệ qua đường âm đạo, hôn môi sâu mà cả 2 có vết thương ở miệng...

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính, nguy cơ lây nhiễm cho một lần tiếp xúc với nguồn HIV do kim đâm xuyên da vào khoảng 0,3%, dây máu vào vết thương hở hay niêm mạc dao động từ 0,1 đến 0,3%, qua quan hệ tình dục dao động từ 0,1 đến 0,5%, nghĩa là nguy cơ rất thấp.

Để an toàn nhất cho bản thân mình và người khác, như trước khi quan hệ với người "lành", trước khi lập gia đình, tham gia hiến máu... em nên xét nghiệm tầm soát HIV, bằng test nhanh là được, kết quả rất đáng tin cậy sau 6 tháng từ lần cuối quan hệ với cô gái mà em nói nhé!

5. Khớp khô chất nhờn, có cách nào cải thiện mà không uống thuốc?

Nguyễn Minh Phượng - phuongc...@gmail.com

Khi bị khô chất nhờn ở các ổ khớp, các khớp xương nghe như đi trên sỏi thì làm cách nào để không uống thuốc. Vì tôi bị bao tử do trước đây có sử dụng thuốc giảm đau trị khớp. Xin BS cho một số ý kiến ạ, chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Những trường hợp thoái hóa khớp gối nặng, khô chất nhờn, không muốn uống thuốc kéo dài hay ít đáp ứng với thuốc uống nữa rồi thì còn 1 phương pháp cứu vãn, đó là tiêm thẳng chất nhờn vào khớp. Nhưng mà, không phải ổ khớp nào cũng tiêm được chất nhờn, phương pháp tiêm chất nhờn vào khớp chủ yếu thực hiện với khớp gối.

Mặt khác, giá thành của 1 mũi tiêm cho một khớp khá cao, từ 1 triệu trở lên tùy vào loại chế phẩm, tiêm 3-5 mũi một lần tiêm, cách nhau mỗi 1 tuần, 2 tuần hay 1 tháng tùy chế phẩm. Bạn có thể đến khám tại chuyên khoa Cơ xương khớp để được kiểm tra và tư vấn lựa chọn liệu trình điều trị thích hợp với bản thân. Hiện BHYT có hỗ trợ chi trả cho một số loại thuốc này rồi, bạn nhé.

6. Đang uống thuốc Tenofovir điều trị viêm gan B, có nên mang thai?

Nguyễn Sang - Sangn3...@gmail.com

Chào bác sĩ, em đi xét nghiệm định lượng virus viêm gan B, bác sĩ chỉ định cho em dùng thuốc savi tenofovir 300. Vợ chồng em đang muốn ý định có con. Vậy xin hỏi, em dùng thuốc này có vấn đề gì không ạ? Hay là em cứ tiếp tục dùng đến khi có thai thì dừng ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Nguyễn Sang thân mến,

Với người đang dùng Tenofovir thì có thể mang thai được, vì cho đến nay tại Việt Nam thì đây là thuốc có tính an toàn khá cao đối với thai phụ và thai nhi. Nhưng mà, phụ nữ mang thai thì chỉ dùng thuốc khi nào bất khả kháng thôi, vì nghiên cứu trên thai phụ rất là ít, không thể khẳng định 100% hay đoán biết hết được là có an toàn tuyệt đối cho thai hay không.

Vì thế, nếu như em dự định có thai có thể cân nhắc đến việc đánh mạnh, tiệt trừ virus bằng thuốc chích nếu mới khởi động điều trị viêm gan B gần đây; nhưng thuốc này có giá thành cao và cần 1 số điều kiện về sức khỏe, do vậy cần được bác sĩ chuyên khoa Gan mật xem xét kỹ và bàn bạc cụ thể hơn với người bệnh. Nếu thành công, có nghĩa là khỏi bệnh hoàn toàn thì em không cần phải uống thuốc khi mang thai và sau này nữa.

Trường hợp em đã uống Tenofovir nhiều tháng rồi thì có thể bàn bạc với bác sĩ chuyên khoa Gan mật làm lại các xét nghiệm về viêm gan B, xem em có chỉ định ngưng thuốc được chưa.

Tóm lại, em cần bàn bạc với bác sĩ chuyên khoa Gan mật vào lần tái khám gần nhất để có hướng chuẩn bị cho thai kỳ thiệt tốt em nhé.

Dù bận rộn với những ca cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương, ThS.BS.CK1 Cao Thị Lan Hương vẫn dành thời gian đều đặn giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi

7. Ăn gà, xôi khiến tai sưng mủ sau xỏ khuyên?

Mai Thị Hồng Trâm - Maithihon...@gmail.com

Dạ em mới bấm khuyên ở thùy tai được 2 ngày nhưng lỡ ăn gà và xôi khiến cho vị trí xỏ bị sưng và có mủ em nên làm thế nào ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Hồng Trâm thân mến,

Lỗ xỏ khuyên của em đang bị nhiễm trùng rồi, em phải tháo khuyên tai ra, vệ sinh vành tai mỗi ngày thì mới lành được. Nếu cứ để vậy, có thể sẽ phát sinh nhiễm trùng nặng hơn, tụ mủ, tạo áp xe hay chàm da tiếp xúc mạn tính.

Em vệ sinh vành tai mỗi ngày bằng nước sạch, nặn mủ ra, lau khô rồi bôi thuốc mỡ tetracyclin 1% hay dầu mù u vào lỗ bấm 2-3 lần/ngày đến khi lỗ bấm lành hẳn. Sau khi lỗ xỏ khô dịch, không còn đỏ nữa, không còn ngứa nữa thì mới thử đeo lại khuyên tai hay để giữ lỗ khuyên không bị bít thì dùng sợi chiếu, chỉ, tăm. Có trường hợp lỗ khuyên bị bít thì cũng đành chịu thôi.

Song song đó em phải vào bệnh viện để tiêm ngừa uốn ván nếu bấm lỗ tai ngoài bệnh viện. Trường hợp đã xử lý tại nhà 2 ngày mà lỗ xỏ còn mủ nhiều, hay sưng nóng đỏ đau nhiều hơn thì em phải đến bệnh viện để được xử lý mạnh hơn, làm sạch vết thương và uống thêm thuốc, em nhé.

8. Có nên uống thuốc kháng virus để phòng ngừa viêm gan B?

Bạn đọc giấu tên

Em là nam giới 35 tuổi, không thuốc lá nhưng rượu bia chắc chắn em sẽ phải ngừng từ giờ. Trước đó em cũng uống ít rượu. Em lo bác sĩ à, trong khi mẹ em đã bị xơ gan rồi, nếu không uống thuốc kháng virus thì em lo không có gì phòng hộ cho bệnh của mình. Em có thể uống một tách cà phê mỗi ngày không? Em nghe nói uống cà phê có thể giảm được nguy cơ ung thư gan phải không thưa BS? Em cảm ơn BS.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Trong cơ thể em mặc dù đang có virus viêm gan B, nhưng virus và cơ thể em chưa nhận ra nhau, chúng vẫn sống âm thầm lặng lẽ trong cơ thể em mà không gây tác hại nào. Vì thế em có uống thuốc kháng virus đi nữa thì thuốc cũng không kiếm đến chúng mà diệt, chỉ có tăng gánh cho thận mà thôi, chưa kể các tác dụng phụ của thuốc nữa, đó là lý do chưa có chỉ định điều trị thuốc tiệt trừ virus trong thời điểm dung nạp miễn dịch.

Cách duy nhất phòng hộ cho bệnh của mình là xét nghiệm kiểm tra định kỳ mỗi 6 tháng, bao gồm men gan, đo độ xơ hóa gan, AFP và siêu âm gan. Vì đặc điểm con virus này là nó có thể phát sinh ung thư gan bất kỳ lúc nào mà không cần đi qua giai đoạn viêm gan - xơ gan. Khi nào cơ thể và con virus viêm gan B đánh nhau, biểu hiện qua tăng men gan, thì khi đó mới điều trị. Đó là khuyến cáo hiện tại của Hội Gan mật, không biết sau này có thay đổi hay không, khi nào có thay đổi thì bác sĩ chuyên khoa Gan mật sẽ tư vấn cho em khi em tái khám

Uống cafe sạch và liều lượng vừa phải ngày 1-2 ly được chứng minh là giảm tỉ lệ ung thư nói chung, em nhé!

9. Dằm thủy tinh có đi vào máu?

Anh Dao - nghiemt...@gmail.com

Cách đây 5 ngày em có bị dẫm trúng miếng thủy tinh nhỏ. Sau đó, em có gắp ra nhưng miếng thủy tinh bị gãy. Em có ngâm nước nóng và nặn miếng thủy tinh còn dính trong da ra nhưng không được. Hiện tại vết thương đã khô và cũng không đau. Vậy không biết có nguy hiểm không ạ? Không biết miếng dằm có đi vào máu không? Mong nhận được phản hồi từ bác sĩ. Em xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Miếng dằm thủy tinh còn sót lại đáng ngại nhất là gây đau thốn khi đi lại dù mắt thường không nhìn thấy. Trường hợp của em miếng dằm thủy tinh "hiền hơn", không gây đau gì hết thì không sao cả. Nó không đi vào máu được đâu, và nó sẽ nằm im trong lớp da dày của chân và không gây nguy hiểm gì cả em nhé!

10. Chích ngừa dại 10 năm trước, bây giờ bị mèo cào có cần tiêm lại?

Phan Tấn Hoàng - tanhoa...@gmail.com

Dạ chào bác sĩ, tôi đã từng chích ngừa bệnh dại chó cắn và cách đây hơn 10 năm rồi. Tôi bị mèo cắn trầy da không chảy máu nhưng không chích ngừa. Lần chích ngừa sau cùng cách thời gian mèo cắn khoản trên 10 năm. Vậy tôi có khả năng phơi nhiễm bệnh dại không bác sĩ? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi cám ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Em thân mến,

Thứ nhất, mũi vắc xin ngừa bệnh dại chó cắn cách đây hơn 10 năm là giờ đã hết hiệu lực bảo vệ lâu rồi em.

Thứ hai, phần lớn trường hợp bị mèo cào cắn nếu được sát trùng đúng phương pháp và vết thương không quá sâu hoặc nằm ở những vị trí nguy hiểm thì sẽ mau lành. Nguy cơ nhiễm dại từ vết mèo cào cắn là có, đặc biệt là mèo hoang, nhưng với mèo nuôi ở nhà kỹ thì nguy cơ này thấp thôi.

Do đó, em có thể lựa chọn cách trì hoãn chích ngừa vắc xin và theo dõi con mèo này, nếu con mèo đã cắn em sau 10 ngày mà vẫn khỏe mạnh bình thường và còn sống, thì không cần tiêm phòng dại, điều này an toàn vì con vật kia chắc chắn không bị dại và không lây bệnh cho em tại thời điểm xảy ra vết thương.

Nếu em không theo dõi được hoặc mèo chết trong thời gian theo dõi, thì em cần phải tiêm ngừa dại. Việc trầy da không chảy máu vẫn có nguy cơ nhiễm dại, và khi vết thương lành rồi không đồng nghĩa là không nhiễm dại.

11. Khớp hàm phát ra tiếng lụp cụp khi nhai, có bất thường?

Quyên Tú - tuquyen...@gmail.com

Bác sĩ ơi, khi cháu nhai sẽ kêu cụp cụp khớp hàm, không đau, xoay cổ nghe tiếng tách trong đầu như tiếng cọng dây kêu, nuốt nước bọt nghe tiếng tách luôn ạ. Đôi khi cháu đau đầu ở một bên thái dương, đau theo hồi ạ. Bác sĩ trả lời giúp cháu với, cháu sợ lắm.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương trả lời:

Bạn thân mến,

Xoay cổ nghe tiếng lách tách trong đầu xuất phát từ hệ thống dây chằng, gân cơ ở khớp đốt sống cổ, vấn đề này thường gặp ở người ít vận động, ít tập thể dục, người lớn tuổi bị thoái hóa đốt sống.

Nuốt nước bọt nghe tiếng tách là âm thanh từ vòi nhĩ. Cơ thể người bình thường có một ống nối thông thương tai giữa và thành sau họng gọi là vòi nhĩ hay tai vòi. Tai vòi mở ra khi nuốt giúp cho sự lưu thông không khí từ vòm mũi họng lên tai, làm cho áp lực không khí mặt trong và ngoài của màng nhĩ cân bằng. Bình thường không nghe tiếng kêu trong tai, vì niêm mạc tai vòi trơn láng, mềm mại. Khi bị viêm do nhiễm trùng, hay tổn thương do những nguyên nhân khác làm cho niêm mạc vùng này mất sự mềm mại trơn, láng, hay do có vướng đờm nhớt, do đó khi nuốt có tiếng bụp bụp, lách tách trong tai.

Nhai mà nghe lụp cụp khớp hàm là đáng ngại nhất, là biểu hiện của sai khớp cắn.

Em cũng hay đau đầu ở bên thái dương nữa, cho nên, tốt nhất em nên đến bệnh viện để kiểm tra, đăng ký khám tại chuyên khoa Răng hàm mặt (không phải nha khoa), và chuyên khoa Tai mũi họng để bác sĩ kiểm tra toàn diện cho em và có hướng điều trị thích hợp, em nhé.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X