Hotline 24/7
08983-08983

Đừng để nỗi sợ COVID-19 lấn át việc tái khám, vì bạn có thể bị nhồi máu cơ tim giữa đường

Mới đây, một bệnh nhân đã may mắn được Bệnh viện Gia An 115 cứu sống kịp thời khi lên cơn nhồi máu cơ tim cấp lúc đang chạy xe. Đây là hồi chuông cảnh báo việc kiểm tra, tầm soát, điều trị bệnh lý nền không chỉ quan trọng trong mùa dịch COVID-19 mà còn giúp người bệnh tránh được các nguy cơ có thể đe dọa tính mạng.

Chiều 6/8, trạm Cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện Gia An 115 nhận được cuộc gọi thông báo về tình trạng nam bệnh nhân bị ngất, ngã xe, đập đầu xuống đường. Xe cứu thương xuất phát ngay lập tức đến đón bệnh nhân.

Sau các bước sơ cứu ban đầu, nam bệnh nhân V.A.T (69 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đã tỉnh và cho biết khi đang chạy xe trên đường thì đột nhiên cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm rồi ngất xỉu. Qua khai thác tiền sử, ghi nhận bệnh nhân có tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ, sỏi túi mật, thận ứ nước, mỡ máu cao.

Đừng để nỗi sợ COVID-19 lấn áp việc tái khám, vì bạn có thể bị nhồi máu cơ tim giữa đườngTrạm cấp cứu vệ tinh Bệnh viện Gia An 115 nhanh chóng được điều động đến hiện trường tai nạn để sơ cứu cho người bệnh

Bằng kinh nghiệm của mình, chuyên gia tim mạch - BS.CK2 Dương Duy Trang, Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp (Bệnh viện Gia An 115) nhận định bệnh nhân có khả năng cao bị nhồi máu cơ tim cấp và nhanh chóng chỉ định các cận lâm sàng cần thiết.

Kết quả khẳng định, nam bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do động mạch vành phải bị hẹp 70%, có huyết khối. Ngay lập tức, BS Dương Duy Trang đã tiến hành can thiệp chụp, nong và đặt stent động mạch vành để tái thông động mạch cứu bệnh nhân. 30 phút sau, ca mổ thành công.

Hiện, bệnh nhân đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Gia An 115 để điều trị chấn thương đầu và các bệnh lý nền.

Cần sớm kiểm soát bệnh lý nền trong mùa dịch COVID-19

Theo BS.CK2 Dương Duy Trang, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. “Thời gian vàng” để cấp cứu người nhồi máu cơ tim chỉ tính trong 1-2 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng, do đó việc chạy đua với thời gian là yếu tố sống còn để quyết định tính mạng của người bệnh.

Vì vậy, BS Duy Trang khuyến cáo, nếu có các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp như đau ngực trái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn… thì cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời. Việc thực hiện sớm các phương pháp can thiệp tim mạch giúp tái thông động mạch vành sẽ mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân. Càng xử trí chậm trễ, nguy cơ tử vong của bệnh nhân càng cao.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, việc khám sức khỏe tổng quát nói chung, khám tim mạch nói riêng có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp. Khi có nguy cơ cao mà bệnh nhân chủ quan, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng vì thực tế, không phải ai cũng may mắn được can thiệp y tế kịp thời.

Nhất là khi dịch bệnh COVID-19 diễn tiến phức tạp khiến nhiều người e ngại với việc tái khám, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, mỡ máu cao (rối loạn lipid máu)… có thể vô tình gây ra hậu quả khó lường.

iểm soát bệnh lý nền trong mùa dịch COVID-19BS.CK2 Dương Duy Trang can thiệp cho người bệnh, thời gian thực hiện thủ thuật chưa đầy 30 phút

Ông V.A.T không phải là trường hợp hy hữu đầu tiên. Trước đó vào cuối tháng 2 vừa qua, Bệnh viện Gia An 115 cũng cấp cứu kịp thời cho một nữ bệnh nhân bị nhồi cơ tim từ biến chứng bệnh tim mạch trước đó.

Nguyên nhân được xác định là do khi hết thuốc, bệnh nhân vì sợ lây nhiễm COVID-19 khi đến nơi đông người như bệnh viện nên từ chối tái khám. Đồng thời, tự ý mua thuốc về uống, trong khi bản thân mắc một số bệnh lý đi kèm khác cần được bác sĩ điều chỉnh thuốc, dẫn đến nguy kịch. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tái thông động mạch vành bằng cách bơm bóng, lấy huyết khối và đặt stent giúp dòng máu được tái lưu thông, nhờ vậy qua bệnh nhân cơn nguy kịch.

Vì thế, đồng tình với BS Duy Trang, các chuyên gia cũng khẳng định mỗi người nên cẩn trọng nhưng không hoang mang quá mức, sáng suốt trong việc chọn - đọc thông tin. Không tự ý mua thuốc uống mà chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếp. Sai lầm này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng, sức khỏe của người bệnh.

Đồng thời, với những người có yếu tố nguy cơ cao làm tăng khả năng xảy ra tình huống khẩn cấp như đang uống thuốc chống nhồi máu cơ tim loạn nhịp tim, huyết áp, tiểu đường… nên tuân thủ lịch hẹn tái khám với bác sĩ. Nhất là những bệnh nhân có ho, sốt, viêm phổi, triệu chứng đau họng… thì lại càng nên đi khám, điều trị càng sớm, càng tốt, tránh tình trạng bệnh nặng hơn, không chỉ là nhiễm virus mà đó có thể là viêm phổi, bội nhiễm phổi, lên cơn hen ác tính…

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều đã tăng cường công tác sàng lọc nhằm rà soát, phát hiện sớm và cách ly những ca nghi nhiễm COVID-19, chủ động thực hiện nhiều biện pháp như đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho bất kỳ ai ra vào bệnh viện.

Đây là hoạt động giúp kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, đảm bảo sự an toàn cho người bệnh, người nhà, người nuôi, người thăm và nhân viên y tế tại bệnh viện. Do đó, hãy đến ngay bệnh viện khi có nhu cầu, tuân thủ nguyên tắc, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của nhân viên y tế để yên tâm khám bệnh. Cẩn thận hơn nữa, có thể đeo thêm màng che trước mặt bằng nhựa trong, sẽ giúp ngăn cản được giọt bắn. Và nên đi khám bệnh bằng xe riêng, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng.

Mặt khác, trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, việc điều trị, kiểm soát tốt các bệnh lý nền càng có ý nghĩa quan trọng. Thực tế trên thế giới và những ca tử vong đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến bệnh COVID-19 cho thấy, những người đang có nhiều bệnh lý nền khi mắc thêm COVID-19 thì có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong cao hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X