Hotline 24/7
08983-08983

Đừng chủ quan, nhầm lẫn sốt xuất huyết ở trẻ em với bệnh thông thường

Mùa mưa năm nay tại TPHCM và các tỉnh lân cận đến sớm, do đó dịch sốt xuất huyết có nguy cơ sớm lan rộng. Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết đều có thể điều trị khỏi.

Tuy vậy trẻ có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không cha mẹ không phát hiện sớm hay chủ quan, nhầm lẫn với một số bệnh thông thường khác mà tự điều trị có trẻ tại nhà.

Mời quý độc giả cùng theo dõi bài viết sau đây của BS.CK1 Lê Ngọc Lâm - Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Nhân dân Gia Định để có thêm thông tin hữu ích để phát hiện sớm cũng như tránh những nhầm lẫn về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em.

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết (hay sốt Dengue) là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt. Muỗi vằn hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.

Theo số liệu thống kê trong buổi giao ban về "Phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue khu vực phía Nam" của Viện Pasteur TPHCM chiều ngày 27/4/2022, tình hình Sốt xuất huyết Dengue tại khu vực phía Nam tính đến tuần 16/2022 giảm 23% số ca mắc/100.000 dân so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Một số tỉnh/ thành phố nằm trong danh sách tăng nhanh tỉ lệ Sốt xuất huyết Dengue nặng gồm: Khu vực Đông Nam Bộ (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương), Tây Nam Bộ (Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tiền Giang). Theo ước tính trong các tháng sắp tới dịch Sốt xuất huyết Dengue có nguy cơ tăng cao tại TPHCM.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến tử vong nhưng đến nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt (ngày 1-3), giai đoạn nguy hiểm (ngày 4-6), giai đoạn hồi phục (ngày 7-10).

Các dấu hiệu nguy hiểm

Khi có các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

- Trẻ vật vã, lừ đừ

- Tay chân lạnh, vã mồ hôi nhất là khi hết sốt

- Đau bụng, nôn ói nhiều

- Tiểu ít

- Chảy máu răng - mũi…

Các dấu hiệu nguy hiểm trong bệnh sốt xuất huyết

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

Việc phát hiện sớm những vấn đề trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

Phần lớn các trường hợp được điều trị tại nhà, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm để xử trí kịp thời.

Điều trị triệu chứng:

+ Giảm đau, hạ sốt: Paracetamol 10-15 mg/kg x 3-4 lần trong ngày

+ Bù dịch sớm bằng đường uống: khuyết khích trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội, nước trái cây: nước dừa, cam, chanh, Oresol ... )

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

Trẻ mắc sốt xuất huyết tái khám mỗi ngày cho đến hết 7 ngày của bệnh hoặc ít nhất 48 giờ sau khi hết sốt.

Phòng ngừa

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em và hiện tại chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết, nên việc phòng bệnh là hết sức quan trọng.

- Vắc xin phòng bệnh: hiện tại chưa có vắc xin.

- Tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, muỗi trưởng thành

- Loại bỏ khu vực chứa nước đọng: lọ hoa, chân chạn, vật dụng đựng nước xung quang nhà, bụi rậm.

Những quan niệm sai lầm

Những quan niệm sai lầm: sau đây về sốt xuất huyết khiến bệnh dễ trở nặng:

+ Hết sốt là khỏi bệnh

+ Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ao tù nước đọng

+ Vừa mắc sốt xuất huyết sẽ không mắc lại

+ Sốt xuất huyết không được uống nước dừa

+ Mẹ bị sốt xuất huyết cách ly bé và không cho con bú

+ Trẻ mắc sốt xuất huyết phải cạo gió, cắt lể để lấy bớt máu độc.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X