Hotline 24/7
08983-08983

Đừng biến con mình thành người vô ơn, vô tâm

Nói vui theo một bài hát, nếu như con người có 60 năm cuộc đời thì chúng ta đã dành hết 1/3 để đi học, tức là hai mươi năm đầu đời chúng ta ở trường nhiều hơn ở nhà và người mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày - nhiều hơn cả cha mẹ - chính là thầy cô giáo.

Trẻ con thường vẫn có ước mơ sau này sẽ là cô giáo

Thầy cô giáo từ hình mẫu của tuổi thơ…

Trong muôn vàn mơ ước thời “con nít”, ít nhất đã có một lần con trẻ từng ước lớn lên sẽ được làm thầy cô giáo. Cũng dễ hiểu, vì khi vừa dứt sữa mẹ, nhận biết được mọi việc xung quanh thì chúng đã được gửi vào nhà trẻ. Cô giáo chính là hình ảnh đầu tiên in đậm vào trong tâm trí của trẻ. Đó là người thương yêu, an ủi, vỗ về chăm lo cho chúng bữa ăn giấc ngủ hằng ngày, giải quyết cho chúng mọi “ khó khăn, trở ngại trong cuộc sống”- tỷ như chuyện bị con bạn kế bên cắn một phát hay tự dưng bỗng thấy trong lòng bực bội vô cớ cốc lên đầu thằng ngồi cùng bàn một cái rõ đau làm nó hét toáng lên khiến cho lớp học “vỡ trận”. “Huynh đệ tương tàn”, “dầu sôi lửa bỏng” vậy mà chỉ cần cô giáo “xuất chiêu” hay quá lắm cùng với bảo mẫu “song kiếm hợp bích” là chỉ một phút ba mươi giây “sóng yên gió lặn”. Thế mới nói, cô giáo như mẹ hiền, cô giáo là cô tiên…

Lớn thêm một xíu, con gái thường bắc chước cô từ cái lắc hông khi đi, từ cái cong môi khi kể chuyện. Con trai học theo thầy từ điệu bộ, nói năng, thậm chí cái cách thầy xách cặp hay đeo ba lô…

Đó là về hình thức bên ngoài còn “nội dung bên trong” thì khỏi phải nói, “thầy/cô luôn luôn đúng”. Có khi cùng một nội dung, một vấn đề nhưng ba mẹ giải thích mỏi cả miệng vẫn không “xi nhê”, chỉ cần thầy cô nói một cái là “thông suốt” ngay.

… đến thần tượng của tuổi mới lớn

Lớn thêm một chút nữa, cái nhìn của trẻ cũng theo đó mà lớn lên. Lúc nầy, hình ảnh thầy cô giáo từ hình mẫu trở thành thần tượng. Thần tượng về lối sống nho nhã, về trình độ hiểu biết uyên thâm - nhất là thầy cô nào có một chút tài lẻ về văn nghệ, thể dục thể thao nữa thì thôi rồi…

Mới hay, bất cứ ở đâu, thời đại nào, thầy cô giáo cũng đóng vai trò quyết định trong việc phát triển trí tuệ, tài năng, hình thành nhân cách cho học sinh mà không hề có bất cứ một động cơ vụ lợi nào. Đồng nghĩa với việc trong trái tim của mỗi học sinh, thầy cô giáo có một chỗ đứng rất trang trọng. Ngoài lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ ra thì tình thầy trò còn là thứ tình yêu thật khó định nghĩa, nó vừa giống tình thương của con cái với cha mẹ, của đứa em đối với anh chị, của bạn bè với nhau, thậm chí có nhiều trường hợp vô tình hay cố ý còn bị “nhầm lẫn” thành tình yêu nam nữ.

Vậy mà gần đây trong thực tế đã xảy ra không ít thực trạng đau lòng liên quan tới phẩm chất “tôn sư” của học sinh. Đó là nỗi đau, là một vết dao cứa vào cái giềng mối thiêng liêng đã trở thành truyền thống của dân tộc.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều phía, tác động bởi nhiều yếu tố xã hội - cá nhân, khách quan - chủ quan… Có nguyên nhân lộ rõ, chúng ta nhìn thấy tức thì. Có nguyên nhân sâu xa, phải được phân tích bởi chuyên gia thì chúng ta mới thấu đáo. Có nguyên nhân dễ dàng khắc phục, cũng có nguyên nhân phải định hình lại cả một nền tảng.

Trong khuôn khổ bài này, người viết chỉ đề cập đến vai trò của phụ huynh trong việc giáo dục con em giữ gìn truyền thống “tôn sư trọng đạo” - một phẩm chất rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.

Ai cũng biết trong gia đình cha mẹ là tấm gương của các con. Con trẻ soi vào đó bắt chước cách nghĩ, cách ứng xử và từ đó hình thành cách sống.

Trong thực tế, đã xảy ra rất nhiều trường hợp, trước mặt con em mình, phụ huynh có lời lẽ, thái độ không tôn trọng thầy cô giáo, thậm chí còn tỏ ra ủng hộ trẻ chống đối lại thầy cô.

Rơi vào hầu hết phụ huynh có con em đi nhà trẻ, mẫu giáo là cứ hễ phát hiện con em mình có vết trầy xước trên người là hét tướng ầm ĩ lên trong lớp học, trước mặt các bé.

Hoặc khi được con gái “méc” chuyện muốn đổi chỗ ngồi mà cô giáo không cho, một vị chủ tịch Hội PHHS phán ngay: “Để tao, mai tao vô nói, bả mà không cho, tao “xử đẹp” bả cho mày coi”.

Còn rất nhiều trường hợp tương tự mà đỉnh điểm là vụ việc “phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối” xảy ra mới đây ở Long An làm dậy sóng dư luận trong một thời gian dài.

“Tấm gương” mà “đối đãi” với thầy cô như vậy thì “phản chiếu” vào con trẻ làm sao?

Biết rằng, hệ lụy là đến từ nhiều phía nhưng trên con đường đi tìm kiếm, khôi phục lại giá trị thiêng liêng của sự “tôn sư trọng đạo”, góp phần hoàn thiện nhân cách cho trẻ thì vai trò, trách nhiệm của phụ huynh là hết sức quan trọng. Đừng đẩy con mình vào con đường sai trái, đừng biến chúng trở thành người vô ơn, vô tâm. Đừng đặt chúng ta vào tình thế quá muộn màng để hối tiếc.

Theo Cát Tường - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X