Hotline 24/7
08983-08983

Dự báo tăng ca bệnh bạch hầu ở Đăk Nông

Tỉnh Đăk Nông ghi nhận 8 ổ dịch, với 28 ca bạch hầu, hai người tử vong. Trong đó, 14 ca ở huyện Đăk G'long; 11 ca ở huyện Krông Nô; 3 ca ở huyện Đăk R'lấp.

Lãnh đạo ở Y tế Đăk Nông dự báo thời gian tới tiếp tục ghi nhận các ca bạch hầu mới, do tỷ lệ tiêm chủng thấp toàn tỉnh chỉ đạt 65%.

Nguyên nhân là do đa phần những huyện có dịch bạch hầu đều là huyện vùng sâu, vùng xa nên nhận thức của người dân đối với bệnh dịch chưa cao. Trước đó, nhiều cha mẹ đã làm giấy cam kết không tiêm phòng vaccine cho con em mình với những lý do được đưa ra như "sợ con ốm", "không muốn tiêm"...

Đến khi dịch bạch hầu bùng phát, ngành y tế tỉnh này phải cắt cử cán bộ lặn lội đến tận nhà của từng người dân để vận động đưa gia đình, đặc biệt là con em đi tiêm vaccine phòng bệnh.

Chủng ngừa vaccine là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất

Để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, từ năm 2019, vaccine Td bổ sung cho trẻ 7 tuổi đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Những trẻ chưa được chủng ngửa, đã tiêm đủ 4 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu hoặc tiêm chưa đủ mũi sẽ được tiêm thêm một mũi vaccine bạch hầu miễn phí tại các trạm y tế xã, phường.

Những trẻ đã tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính... tạm hoãn tiêm.

Đến nay, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 65 bệnh nhân bạch hầu, trong đó Kon Tum có 23 ca, Gia Lai 16 ca (1 ca tử vong), Đăk Lăk 1 ca, Đăk Nông 25 ca (1 ca tử vong). Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lớn hỗ trợ tỉnh, lập các đội công tác chống dịch tại địa phương.

Hà Nội: Dịch bệnh tay chân miệng lây lan

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 201 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và khu chung cư.

Mới đây, Bệnh viện E tiếp nhận 4 ca bệnh, là các bé trai 13-17 tháng có chung các biểu hiện như sốt cao 39-40 độ, nổi phỏng nước trên da và giật mình. Trong đó, một bệnh nhi có tình trạng giật mình 10 phút/lần trong đêm.

Đến nay, sức khoẻ các bé đã ổn định, tỉnh táo, hạ sốt và hết hiện tượng giật mình.

Bệnh tay chân miệng có nhiều cấp độ. Phụ huynh nên theo dõi các biểu hiện của trẻ để có hướng xử trí kịp thời.

Trong 4 bệnh nhi, một trường hợp xác định được nguồn lây nhiễm là người anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần. Các trường hợp còn lại đều không rõ nguồn lây.

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình, trường học phải cách ly trẻ, không để bé tiếp xúc với các bạn khác, đồng thời cần đưa trẻ đi khám ngay khi có sốt hoặc phát ban.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Báo trung tâm phòng tránh bệnh tật tại địa phương nếu có trường hợp bệnh để khử khuẩn và phòng ngừa.

TPHCM: Kiến ba khoang đang vào mùa

Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng (chủ yếu là kiến ba khoang) tăng đột biến, với triệu chứng da xuất hiện những mảng, sẩn hồng ban với chùm mụn nước, mụn mủ tại một hoặc nhiều vị trí vùng da hở trên cơ thể như: mặt, cổ, tay, chân...

Không nên dùng tay đập kiến ba khoang bởi độc chất trong dịch thân kiến ba khoang gây ngứa rát, đỏ cộm, mụn nước

Nguyên nhân là do TPHCM đang vào mùa mưa - là thời điểm kiến ba khoang xuất hiện và "hoành hành" trong các khu dân cư, KTX... gần cánh đồng, bãi cỏ, vũng nước, công trình đang xây dựng.

Nếu bà con xuất hiện các triệu chứng bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Ngoài ra, người dân cần ngủ trong màn, đóng cửa thường xuyên sau khi ra - vào, phát quang bụi rậm, cây cỏ quanh nhà.

Bà con làm vườn, đồng ruộng cần mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X