Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ tiểu não: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đột quỵ tiểu não là một tình trạng hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng và vận động. Vì loại đột quỵ này biểu hiện với các triệu chứng không đặc hiệu, việc điều trị có thể bị chậm trễ và gây nguy hiểm tính mạng.

I. Đột quỵ tiểu não là gì?

Đột quỵ tiểu não, còn được gọi là hội chứng đột quỵ tiểu não, là một trong những loại đột quỵ ít phổ biến hơn, xảy ra khi một mạch máu bị tắc hoặc vỡ, gây gián đoạn lưu lượng máu đến tiểu não.

Tiểu não là phần não điều khiển chuyển động và duy trì sự cân bằng. Tiểu não nằm ở phía sau bộ não, ở dưới cùng, có sự đối xứng bên trái và bên phải. Mỗi bên điều khiển sự phối hợp và chuyển động cho bên tương ứng của cơ thể.

Có một số mạch máu nuôi tiểu não. Cục máu đông trong bất kỳ các mạch máu sau đây có thể gây ra một cơn đột quỵ:

- Động mạch tiểu não trước dưới;

- Động mạch tiểu não dưới sau;

- Động mạch tiểu não trên.

Đột quỵ tiểu não là một tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, đột quỵ tiểu não có thể đe dọa tính mạng.

Đột quỵ tiểu não thường do cục máu đông gây ra.

II. Các triệu chứng của đột quỵ tiểu não

Các triệu chứng do đột quỵ tiểu não xảy ra đột ngột và có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng khác. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng này bị bỏ qua.

Các triệu chứng phổ biến của đột quỵ tiểu não bao gồm:

- Chóng mặt;

- Đau đầu;

- Buồn nôn, nôn;

- Nhìn đôi.

Các triệu chứng rõ ràng hơn của đột quỵ tiểu não có thể bao gồm:

- Chóng mặt;

- Khả năng phối hợp các chi kém;

- Phản xạ bất thường;

- Khó nuốt;

- Khó nói hoặc nói lắp;

- Mắt di chuyển nhanh chóng và khó kiểm soát chuyển động mắt;

- Mất ý thức.

Nếu không được điều trị, đột quỵ tiểu não có thể khiến não bị phù hoặc chảy máu não. Những biến chứng này có thể dẫn đến tổn thương nặng hơn cho tiểu não và các khu vực khác của não. Nếu đột quỵ tiểu não ảnh hưởng đến thân não, nhịp thở, nhịp tim và huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng.

III. Nguyên nhân nào gây ra đột quỵ tiểu não?

Đột quỵ nhồi máu não thường do cục máu đông làm hẹp tắc dòng máu đến tiểu não. Các cục máu đông có thể hình thành trong các mạch máu hoặc di chuyển từ các bộ phận khác của cơ thể - chẳng hạn như tim hoặc cổ - đến khi mắc kẹt trong các mạch máu dẫn đến tiểu não.

Đột quỵ tiểu não cũng có thể là kết quả của chấn thương đầu hoặc xuất huyết khiến máu ngưng trệ trong một phần não.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ tiểu não bao gồm:

- Hút thuốc lá;

- Cholesterol cao;

- Béo phì;

- Lười hoạt động thể chất;

- Bệnh tiểu đường;

- Huyết áp cao;

- Xơ vữa động mạch hoặc hẹp động mạch;

- Bệnh tim.

Cục máu đông được hình thành trong mạch máu sẽ làm tắc lưu thông dòng máu, khiến não bị thiếu máu cục bộ

IV. Chẩn đoán đột quỵ tiểu não như thế nào?

Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng tiền sử bệnh và kiểm tra các triệu chứng của người bệnh. Chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh là rất quan trọng để giúp loại trừ các tình trạng hoặc các vấn đề não khác có thể dẫn đến đột quỵ tái phát.

Bác sĩ sẽ sử dụng các chẩn đoán hình ảnh để xem có chảy máu não hoặc chấn thương hay không, bao gồm chụp CT và MRI.

Chụp MRI là quy trình được khuyến nghị đầu tiên, bởi phương pháp này có thể hiển thị tiểu não chính xác hơn chụp CT do tiểu não được bao quanh bởi xương và nằm ở phía sau não.

Các cận lâm sàng khác mà bác sĩ khuyến cáo chẩn đoán tình trạng đột quỵ tiểu não bao gồm:

- Chụp cộng hưởng từ mạch máu não (MRA);

- Chụp CT mạch máu não (CTA);

- Siêu âm.

V. Các phương pháp điều trị đột quỵ tiểu não

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và các triệu chứng người bệnh gặp phải. Nếu có xuất huyết não, bác sĩ sẽ kiểm soát chảy máu và kiểm soát áp lực nội sọ.

Nếu phát hiện cục máu đông, bác sĩ sẽ dùng thuốc làm tan máu đông hoặc loại bỏ cục máu đông bằng biện pháp cơ học. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ dùng thêm một số thuốc để:

- Kiểm soát huyết áp;

- Ngăn ngừa co giật;

- Làm loãng máu;

- Chống phù não.

Nếu đột quỵ tiểu não ảnh hưởng đến khả năng vận động, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

- Vật lý trị liệu có thể cải thiện khả năng vận động, giữ thăng bằng và sức cơ.

- Liệu pháp vận động có thể cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

- Liệu pháp ngôn ngữ có thể cải thiện khả năng nuốt và nói.

Nếu được điều trị sớm, cơ hội hồi phục sau đột quỵ tiểu não là cao. Tuy nhiên, việc phục hồi hoàn toàn có thể mất nhiều thời gian.

Bệnh nhân sau đột quỵ cần tập vật lý trị liệu từ 3 - 6 tháng.

VI. Làm gì để ngăn ngừa đột quỵ tiểu não?

- Duy trì cân nặng hợp lý;

- Tập thể dục thường xuyên;

- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc;

- Hạn chế ăn muối và chất béo;

- Không uống bia rượu;

- Bỏ hút thuốc;

- Kiểm soát huyết áp cao, cholesterol cao và bệnh tiểu đường.

- Tầm soát đột quỵ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X