Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ ở nam giới có gì khác biệt?

Đột quỵ gặp nhiều ở đàn ông nhưng khả năng sống sót và phục hồi về sau lại cao hơn phụ nữ. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc thông tin về dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị đột quỵ ở nam giới.

I. Các triệu chứng đột quỵ thường gặp

Đối với nam giới và phụ nữ, đột quỵ được biểu hiện bằng việc méo mặt, chảy nước miếng một bên; yếu tay chân; nói đớ. Không có triệu chứng đột quỵ nào dành riêng cho nam giới.

6 triệu chứng phổ biến nhất của đột quỵ ảnh hưởng đến một số bộ phận của cơ thể:

  • Mắt: khó nhìn đột ngột ở một hoặc cả hai mắt;
  • Mặt, tay hoặc chân: đột ngột tê liệt, yếu ở một bên cơ thể;
  • Bụng: nôn nao hoặc cảm giác buồn nôn;
  • Đầu: đau đầu đột ngột và dữ dội không rõ nguyên nhân;
  • Chân: đi lại khó khăn, mất thăng bằng.
  • Toàn thân: mệt mỏi toàn thân hoặc khó thở;

Các triệu chứng chính xác khác nhau tùy thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Đột quỵ thường chỉ ảnh hưởng đến bên trái hoặc bên phải của não, trường hợp cả 2 bên cũng có nhưng rất hiếm.

Tình hình đột quỵ trên thế giới và Việt NamNam giới là đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới

II. Các yếu tố rủi ro gây đột quỵ ở nam giới

Cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ bị đột quỵ nếu họ có các nguy cơ không thể tác động:

  • Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người sau tuổi 55 có nguy cơ đột quỵ cao hơn;
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới;
  • Tiền sử gia đình: Người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ;
  • Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn các chủng tộc khác.

Các yếu tố nguy cơ có thể tác động được bao gồm:

  • Huyết áp cao;
  • Cholesterol cao;
  • Xơ vữa động mạch hoặc hẹp động mạch;
  • Hút thuốc lá;
  • Bệnh tim, đặc biệt là rung nhĩ;
  • Tiểu đường;
  • Đã từng bị thiếu máu não thoáng qua;
  • Uống nhiều rượu bia;
  • Sử dụng thuốc phiện và các dẫn chất của nó;
  • Béo phì;
  • Lười hoạt động thể chất.

Các yếu tố rủi ro gây đột quỵ ở nam giớiKhi gặp người có dấu hiệu đột quỵ, người bên cạnh cần bình tĩnh và gọi ngay cấp cứu

III. Làm gì trong trường hợp gặp bệnh nhân bị đột quỵ?

Nếu nghĩ rằng ai đó bị đột quỵ, nên đánh giá người bệnh bằng quy tắc F.A.S.T:

  • F (Face - Khuôn mặt). Yêu cầu người đó mỉm cười. Một bên mặt của họ có bị xệ xuống không?
  • A (Arm - Cánh tay). Yêu cầu người đó giơ cả hai cánh tay lên. Một cánh tay có thấp hơn hoặc cử động khó hơn cánh tay còn lại hay không?
  • S (Speech - Lời nói). Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Nghe kỹ họ có nói ngọng hay nói đớ không?
  • T (Time - Thời gian). Khi xuất hiện các triệu chứng trên một cách đột ngột, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Điều trị đột quỵ hiệu quả nhất trong vòng những giờ đầu tiên sau khi triệu chứng khởi phát. Càng để lâu nguy cơ tổn thương não hoặc tàn tật do đột quỵ càng cao.

IV. Các biện pháp điều trị đột quỵ

1. Đối với đột quỵ nhồi máu não

Trong tổng số các ca đột quỵ, khoảng 80% là đột quỵ nhồi máu não. Phương pháp điều trị là tiêm thuốc tiêu sợi huyết để làm tan hoặc phá vỡ cục máu đông. Để đạt hiệu quả cao, thuốc tiêu sợi huyết phải được dùng trong vòng 4.5 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Nếu thuốc tiêu sợi huyết không phải là một lựa chọn, bác sĩ sẽ loại bỏ cục máu đông thông qua can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.

Về lâu dài, người bệnh phải dùng thuốc chống đông máu để ngăn ngừa tập kết tiểu cầu và hình thành cục máu đông.

2. Đối với đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một động mạch trong não bị vỡ hoặc rò rỉ máu. Phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết não tùy thuộc vào nguyên nhân.

  • Huyết áp cao: Dùng thuốc để giảm huyết áp và áp lực trong não.
  • Túi phình: Phẫu thuật cắt túi phình hoặc can thiệp chặn dòng máu đến túi phình bằng phương pháp nút tắc bằng vòng xoắn kim loại (coils).
  • Dị dạng mạch máu não: Bác sĩ có thể đề nghị sửa chữa dị dạng động mạch để ngăn chảy máu bằng phẫu thuật cắt bỏ hoặc gây tắc nội mạch...

Nam giới có khả năng sống sót sau đột quỵ và hồi phục nhanh hơn, sức khỏe tốt hơn phụ nữ. Nam giới cũng ít gặp phải:

  • Khuyết tật liên quan đến đột quỵ;
  • Suy giảm các hoạt động sống hàng ngày;
  • Trầm cảm;
  • Mệt mỏi;
  • Chất lượng cuộc sống kém hơn sau đột quỵ.

Có thể mất rất nhiều công sức để phục hồi sau đột quỵ. Phục hồi chức năng sẽ không cải thiện tình trạng tổn thương não, nhưng có thể giúp người bệnh học lại các kỹ năng có thể đã mất, như ngôn ngữ hoặc vận động.

Thời gian phục hồi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ. Mặc dù một số người mất vài tháng để hồi phục, nhưng cũng có nhiều người cần điều trị trong nhiều năm. Những người bị liệt hoặc các vấn đề về kiểm soát vận động có thể cần được chăm sóc nội trú dài hạn.

Tuy nhiên, những người đã bị đột quỵ có thể sống lâu và hạnh phúc nếu tuân thủ các biện pháp phục hồi chức năng và tuân thủ lối sống lành mạnh, ngăn ngừa đột quỵ tái phát trong tương lai.

Các biện pháp điều trị đột quỵĐể phòng ngừa những cơn đột quỵ xảy ra trong tương lai, người bệnh cần uống thuốc dự phòng

V. Ngăn ngừa đột quỵ như thế nào?

Điều quan trọng là ngăn ngừa hoặc điều trị các yếu tố nguy cơ bị đột quỵ:

  • Kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường huyết;
  • Điều trị các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ;
  • Không hút thuốc lá;
  • Ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp; tăng cường rau củ, trái cây và cá;
  • Không ăn quá mặn;
  • Hạn chế uống rượu bia;
  • Duy trì cân nặng hợp lý;
  • Tập luyện thể dục thường xuyên.

Khi có các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ, người bệnh cần thăm khám định kỳ, theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế. Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần đến ngay cơ sở y tế có khả năng điều trị gần nhất, tránh lỡ mất thời gian vàng, để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X