Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ khi ngủ: Làm sao nhận biết và phòng ngừa?

Đừng chủ quan với đột quỵ khi ngủ. ThS.BS Bùi Diễm Khuê – Giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM, Phó chủ tịch Chi hội bệnh lý mất ngủ Việt Nam sẽ giúp bạn học cách phòng ngừa tình trạng đột quỵ khi tỉnh và cả khi ngủ.

1. Tại sao đột quỵ xảy ra khi đầu óc thư giãn?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Khi chúng ta ngủ, chúng ta hoàn toàn không thư giãn 100%, mà chỉ thư giãn tri thức. Trong giấc ngủ, dòng máu và suy nghĩ của chúng ta vẫn chuyển hóa trong não bộ. Nếu chúng ta có yếu tố nguy cơ trước đó như tăng huyết áp không kiểm soát, mỡ máu có thể làm vỡ mạch máu, tắc mạch. Đó là hai yếu tố chính của đột quỵ hay tai biến mạch máu não.

Khi ngủ không phải mọi thứ dừng lại, nó vẫn đang hoạt động nhưng chậm lại. Tuy nhiên, một số giai đoạn trong giấc ngủ hoạt động nhanh hơn hoặc lộn xộn hơn. Ví dụ như cử động mắt nhanh hay còn gọi là giấc ngủ REM. Cơ thể sẽ có những tăng giảm, biến thiên cao thấp khác nhau không hoàn toàn thư giãn. Vì vậy, vấn đề đột quỵ não bộ vẫn có thể xảy ra trong giấc ngủ.

2. Sự khác biệt giữa cơn đột quỵ khi tỉnh và khi ngủ?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Khi ngủ chúng ta sẽ không nhận biết được các dấu hiệu và dấu hiệu sẽ xảy ra âm thầm hơn. Thông thường chúng ta thấy tay chân bất thường, người khác quan sát cũng thấy vậy. Nhưng khi chúng ta ngủ và người bên cạnh cũng đang ngủ, các dấu hiệu này sẽ bị chậm hơn. Chính vì sự phát hiện chậm và khó nhận biết, đột quỵ khi ngủ sẽ gây ra nguy cơ tử vong cao hơn. Nếu cứu sống, di chứng đột quỵ khi ngủ sẽ nặng nề hơn đột quỵ khi tỉnh.

Thời gian vàng để điều trị, đặc biệt trong nhồi máu não khi có triệu chứng là 3 giờ đồng hồ. Hiện nay, một số thuốc mới có thể kéo dài thời gian hơn, nhưng 3 giờ sau khi phát hiện triệu chứng là thời gian tốt nhất để hồi phục não bị tổn thương.

Khi chúng ta ngủ sẽ không biết khi nào có triệu chứng, nên khi tỉnh dậy, nó có thể đã qua thời gian vàng.

3. Thói quen xấu dẫn đến tình trạng đột quỵ khi ngủ

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Những nguyên nhân ảnh hưởng đến mạch máu, não bộ của chúng ta đều là nguy cơ của đột quỵ khi ngủ. Thói quen xấu như uống rượu bia trước khi ngủ. Một số người nghĩ rằng uống rượu bia sẽ giúp mình ngủ ngon hơn, nhưng nó chỉ giúp mình ngủ dễ hơn, ngược lại sẽ khiến giấc ngủ không sâu. Nếu sử dụng rượu bia trong thời gian dài nó còn dẫn đến các bệnh lý về gan, mật. Người có thói quen ăn khuya, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ, chất ngọt là nguy cơ gây rối loạn mỡ máu.

Chúng ta có thể hình dung mỡ bên trong ống nước, sẽ thấy nó đọng lại bên trong ống nước. Trên mạch máu cũng vậy, khi lớp mỡ dày lên và việc điều trị mỡ máu không được ổn định sẽ gây tắc mạch máu. Đó là nguy cơ tắc mạch hay nhồi máu não.

Yếu tố khác là tăng áp lực bên trong mạch máu khiến mạch máu bị vỡ ra, ví dụ như tăng huyết áp điều trị không ổn định hay uống thuốc thấy ổn và không uống nữa. Những bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, mỡ máu điều trị không ổn định hay tối ưu, không dùng thuốc điều đặn cũng dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Một số vấn đề về mặt tinh thần như căng thẳng, stress, lo âu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và khả năng chuyển hóa trong cơ thể. Mặc dù nó âm thầm nhưng lại gây ảnh hưởng cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

4. Các yếu tố dễ xảy ra khi ngủ cần cảnh giác

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Có hai vấn đề chính xảy ra khi ngủ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ là mất ngủ và ngáy, ngưng thở khi ngủ vì hai bệnh lý này sẽ khiến giấc ngủ chúng ta không sâu, bị gián đoạn nhiều lần và làm cho sức khỏe ban ngày không được tốt. Tỷ lệ đột tử trong đêm cũng thấp nhưng hệ quả sau đó tích lũy dần khiến giấc ngủ không tốt, sức khỏe không được ổn định.

5. Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ sắp xảy ra

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Nếu bệnh nhân ngủ, chúng ta khó phát hiện trừ khi có biểu hiện đột ngột như khó chịu trong người phải bật dậy, hay buồn nôn, đau đầu dữ dội. Nếu người ngủ cùng phát hiện ra các dấu hiệu nay, bệnh nhân sẽ được cứu chữa kịp thời.

Tuy nhiên, chính bản thân bệnh nhân có thể tự phát hiện ra những dấu hiệu đó ngay trước hoặc khi mình thức dậy. Hai chữ cơ bản đáng nhớ là tê và liệt. Tê là sờ vào tay chân và mặt, không có cảm giác. Một bên chúng ta sờ và thấy tay, da bị tê bì, nhéo không có cảm giác.

Thứ hai, đó là vấn đề vận động: tay chân không nhúc nhích được một bên hoặc cảm thấy bị yếu hẳn về một bên. Cơ mặt bên này không giống bên kia, méo miệng hoặc mắt nhắm không kín, nói không nên lời, phát âm không rõ ràng hoặc một người bỗng dưng bị nói ngọng. Đó là dấu hiệu cơ bản về cảm giác và liệt vận động.

Một số dấu hiệu khác như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội có thể kèm theo nôn ói, buồn nôn hoặc mắt mờ nhìn không rõ. Các hiện tượng này xảy ra từ từ và không cảnh báo trước.

6. Làm sao để nhận biết bệnh nhân bị va đập đầu khi ngủ do đột quỵ?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Nếu một người bị chấn thương đầu do va đập, té ngã vì tai nạn giao thông, điều cần làm là đi khám ngay lúc đó nếu mình cảm thấy chấn thương này mạnh hoặc có các triệu chứng như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt… Bệnh nhân cần tái khám sau một tháng, ba tháng để theo dõi vì có một số diễn biến muộn. Nếu khám và chụp CT, MRI có kết quả bình thường, điều này sẽ không đáng lo. Nguy cơ đột quỵ cũng không cao hơn đáng kể so với người không có chấn động não.

Ngoài ra, chúng ta vẫn phải nhớ các dấu hiệu của đột quỵ như tê, yếu liệt vận động, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, giảm thị lực. Đó là yếu tố cần được để ý ở người có chấn thương hay không chấn thương đầu.

7. Vì sao ngưng thở khi ngủ nguy hiểm?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Ngưng thở trong khi ngủ không phải là đột quỵ, nó chỉ là bệnh đường thở và khiến đường thở bị xẹp xuống. Đôi khi đường thở giảm khoảng 30 đến 50% gọi là giảm thở.

Giảm thở hoặc ngưng thở khi ngủ khiến khí không đi vào phổi đủ, cơ thể bị thiếu oxy trong đêm. Oxy thông thường là 98 đến 100%, khi ngủ hàm lượng oxy có thể dao động đến 95% nhưng nó không thấp hơn. Một số người bị ngưng thở khi ngủ, oxy chỉ còn 50 hoặc 60%, khiến cơ thể không đủ oxy hoạt động.

Như vậy, tim và phổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, nhưng trong trường hợp này nó vẫn phải hoạt động nhiều hơn để lấy lượng oxy ít ỏi. Cơ thể phải đánh thức để hít thở, lấy được oxy mong muốn để mở lại đường thở. Giấc ngủ không những bị giảm oxy mà còn bị gián đoạn.

Chúng ta có giấc ngủ không sâu kèm theo giảm oxy sẽ ảnh hưởng đến toàn cơ thể và khiến chúng ta bị buồn ngủ vào ban ngày. Hệ quả của tắc nghẽn đường thở khi ngủ gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, tăng nguy cơ đột tử hoặc đột quỵ, đặc biệt trong khi ngủ.

Nhiều người bị tăng huyết áp, điều trị không ổn có thể do tình trạng ngưng thở khi ngủ. Trong đêm cơ thể không ổn định huyết áp, ban ngày cũng không bình thường được nên dù dùng bao nhiêu thuốc, chúng ta vẫn không điều chỉnh được.

8. Các loại bệnh sẽ xảy ra do ngưng thở khi ngủ

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Người bị ngưng thở khi ngủ có kèm theo một số đặc tính như béo phì, có bệnh lý điều trị khó khăn tức là dùng nhiều thuốc nhưng không điều trị được như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, đột quỵ. Dường như nó là hệ quả của các bệnh lý trước, nhồi máu cơ tim cũng là hệ quả của ngưng thở khi ngủ.

9. Làm gì để ngăn ngừa đột quỵ khi ngủ?

ThS.BS Bùi Diễm Khuê:

Ngăn ngừa đột quỵ khi ngủ cũng như ngăn ngừa đột quỵ khi tỉnh. Cả hai bệnh đều giống nhau về mặt cơ chế và nguyên nhân, nhưng thời điểm khác nhau.

Đột quỵ khi ngủ đôi khi xuất hiện vào đầu giờ sáng khi mình chuẩn bị thức dậy hay sau khi thức dậy. Đột quỵ khi tỉnh xảy ra khi bệnh nhân tỉnh táo. Cả hai đều có yếu tố nguy cơ chung. Chúng ta cần tránh yếu tố nguy cơ bằng cách tạo thói quen có lối sống sinh hoạt lành mạnh. Ví dụ như uống rượu bia, người uống có thể nhâm nhi với bạn bè nhưng không dùng nó làm thuốc ngủ hay trước ngủ thường xuyên.

Thứ hai, đó là thói quen ăn khuya. Một số ngành nghề yêu cầu ăn khuya, người ăn cần chọn thực phẩm lành mạnh như ít dầu mỡ, ít ngọt. Các thực phẩm đó giúp sức khỏe ổn định.

Thứ ba là thiết bị điện tử trước khi ngủ. Nhìn chung, nó sẽ không tốt cho chất lượng giấc ngủ và vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ. Ánh sáng xanh sẽ kích thích giấc ngủ và khiến giấc ngủ không sâu.

Ngoài ra, chúng ta có thể tập luyện thể thao từ 25 đến 30 phút một ngày. Việc tập thể thao đều đặn sẽ tốt hơn dồn vào cuối tuần chơi 1 hay 2 giờ hoặc đợi có dịp mới chơi thật nhiều.

Chúng ta cũng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây bởi vì nó sẽ có chất chống oxy hóa cho cơ thể và giảm đi tình trạng tăng cân. Đây là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh.

Đặc biệt, người có bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch hoặc rối loạn mỡ máu cần theo toa thuốc của bác sĩ và tái khám đều đặn thường là 3 tháng hoặc 6 tháng. Không nên sử dụng thuốc liên tục từ ngày này sang tháng nọ hay sử dụng thuốc của người này cho người kia là điều tuyệt đối không nên, vì cơ địa mỗi người khác nhau.

Ở mỗi thời điểm, chúng ta cần liều thuốc khác nhau nên cần có sự tư vấn của bác sĩ về việc dùng thuốc. Đó là cách ngăn chặn và phòng ngừa đột quỵ nói chung hoặc nguy cơ đột quỵ khi ngủ nói riêng.

Theo Trọng Dy - Benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X