Hotline 24/7
08983-08983

Đột quỵ im lặng: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Đột quỵ im lặng xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một khu vực nhỏ trong não bị gián đoạn, làm tổn thương các tế bào não. Đột quỵ im lặng khó nhận ra nhưng có tác động xấu đến sức khỏe của não và thể chất cũng như tinh thần người bệnh.

I. Đột quỵ im lặng là gì?

Khi nói đến đột quỵ, chúng ta thường nghĩ đến các triệu chứng như nói lắp, tê hoặc yếu liệt một nửa hoặc toàn bộ cơ thể. Nhưng đột quỵ im lặng không biểu hiện các triệu chứng như vậy.

Giống như đột quỵ nhồi máu não, đột quỵ im lặng xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần não đột ngột bị gián đoạn, làm giảm oxy đến não, dẫn đến tổn thương hoặc chết các tế bào não.

Nhưng đột quỵ im lặng, về bản chất, rất khó nhận ra. Một cơn đột quỵ im lặng làm gián đoạn cung cấp máu cho phần não không kiểm soát các chức năng nói hoặc vận động, vì vậy bản thân người bệnh không hay biết mình vừa trải qua một cơn đột quỵ.

Cách để phát hiện đột quỵ im lặng là khi chụp CT hoặc MRI. Các bác sĩ sẽ thấy các vùng não đã bị tổn thương.

Đột quỵ im lặng là gìHầu hết mọi người chỉ vô tình phát hiện bị đột quỵ im lặng khi chụp CT não hoặc MRI.

II. Đột quỵ im lặng gây biến chứng gì?

Các cơn đột quỵ im lặng thường chỉ ảnh hưởng đến một vùng nhỏ của não, nhưng tổn thương sẽ tích lũy từ từ. Nếu một người đã trải qua vài cơn đột quỵ im lặng, họ có thể bắt đầu nhận thấy các triệu chứng thần kinh. Ví dụ, có thể gặp khó khăn khi ghi nhớ một số vấn đề, hoặc khó tập trung.

Đột quỵ im lặng cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ có triệu chứng trong tương lai. Một người đã trải qua nhiều cơn đột quỵ im lặng có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ của nhồi máu nhiểu ổ. Các triệu chứng bao gồm:

- Có vấn đề về trí nhớ;

- Rối loạn cảm xúc;

- Thay đổi dáng đi;

- Bị lạc đường ở những nơi quen thuộc;

- Khó đưa ra quyết định;

- Mất kiểm soát đại tiện, tiểu tiện.

Đột quỵ im lặng gây biến chứng gìTriệu chứng và dấu hiệu của sa sút trí tuệ của nhồi máu nhiểu ổ cũng tương tự như các triệu chứng của các hội chứng sa sút trí tuệ khác.

III. Làm thế nào để nhận biết một cơn đột quỵ im lặng?

Nếu chụp CT não hoặc chụp MRI, phim chụp sẽ hiển thị các đốm trắng hoặc tổn thương nơi các tế bào não đã ngừng hoạt động. Đó là cách các bác sĩ biết bệnh nhân bị đột quỵ thầm lặng.

Các dấu hiệu khác rất khó chẩn đoán nên thường bị nhầm với các dấu hiệu lão hóa, như:

- Mất thăng bằng;

- Bị té ngã thường xuyên;

- Tiểu không tự chủ;

- Thay đổi tâm trạng.

Khối máu tụ được xem là "sẹo cũ" sau một lần đột quỵ im lặng của bệnh nhân nữ, 54 tuổi tại Cần Thơ

IV. Điều trị đột quỵ im lặng như thế nào?

Không có cách nào để khôi phục tổn thương các tế bào não do thiếu oxy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các vùng não không bị tổn thương có thể đảm nhận các chức năng của các vùng đã bị tổn thương. Nhưng nếu tiếp tục xảy ra các cơn đột quỵ im lặng, khả năng này sẽ giảm.

Liệu pháp phục hồi chức năng có thể giúp bệnh nhân đã mất một số khả năng do đột quỵ:

- Vật lý trị liệu giúp phục hồi và cải thiện khả năng vận động, giữ thăng bằng;

- Liệu pháp vận động có thể cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày;

- Liệu pháp ngôn ngữ cải thiện khả năng nói cũng như giao tiếp hằng ngày;

- Liệu pháp tâm lý giúp người bệnh vượt qua những rối loạn cảm xúc do đột quỵ gây ra;

- Một số bác sĩ kê đơn thuốc chữa bệnh Alzheimer cho những người bị sa sút trí tuệ của nhồi máu nhiểu ổ, nhưng hiệu quả vẫn chưa thuyết phục.

Có rất nhiều việc nhỏ, thiết thực có thể giúp hồi phục trí nhớ nếu những cơn đột quỵ im lặng làm suy giảm khả năng nhận thức:

- Thực hiện các thói quen để hoàn thành công việc vào những thời điểm cố định trong ngày;

- Tạo thói quen để những vật dụng như chìa khóa, điện thoại ở cùng một vị trí;

- Lập danh sách việc cần làm và danh sách hướng dẫn để giúp ghi nhớ các bước thực hiện;

- Sử dụng hộp đựng thuốc theo loại và ghi nhớ công dụng mỗi loại;

- Chơi các trò chơi để rèn luyện kỹ năng trí nhớ.

Điều trị đột quỵ im lặng như thế nàoCờ vua là một trong những trò chơi rèn luyện trí não, phòng ngừa suy giảm trí nhớ.

V. Phòng ngừa đột quỵ im lặng bằng cách nào?

Mặc dù rất khó để phát hiện một cơn đột quỵ im lặng và thậm chí khó phục hồi các vùng não bị tổn thương, nhưng việc phòng ngừa một cơn đột quỵ xảy ra là điều tương đối dễ dàng.

Dưới đây là một số cách phòng ngừa có thể bắt đầu ngay hôm nay:

- Kiểm soát huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ bị đột quỵ thầm lặng;

- Kiểm soát bệnh tiểu đường.

- Giảm ăn muối;

- Kiểm soát cân nặng của cơ thể;

- Giảm cholesterol;

- Không hút thuốc lá; giảm rượu bia

- Hạn chế sử dụng đồ uống có đường nhân tạo;

- Ăn nhiều rau củ, trái cây;

- Tập thể dục. 30 phút tập thể dục vừa phải trong 5 ngày/tuần có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ im lặng lên đến 40%. Người hoạt động thể chất sẽ có ít biến chứng đột quỵ hơn và kết quả tốt hơn so với người ít vận động;

- Tầm soát đột quỵ

Nếu không có các triệu chứng đột quỵ nhưng lại có nguy cơ bị đột quỵ im lặng, các bác sĩ sẽ lên kế hoạch giúp bạn kiểm soát các yếu tố nguy cơ và ngăn ngừa đột quỵ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X