Hotline 24/7
08983-08983

Đồng Nai: Nam thanh niên ngừng hô hấp tuần hoàn sau khi tiêm thuốc tê để nhổ răng

Ngày 17/8/2024, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, đơn vị đang điều trị tích cực cho một trường hợp ngưng hô hấp tuần hoàn ngoại viện nghi do phản vệ thuốc tê. 

Trước đó, ngày 11/8, bệnh nhân N.H.T.K. (22 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng hô hấp tuần hoàn. 

Người nhà bệnh nhân cho biết, chiều 11/8, anh N.H.T.K đi nhổ răng tại một phòng khám và được gây tê bằng một loại thuốc. Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 15 phút, bệnh nhân khó thở kiểu nuốt nghẹn, mệt, tái mặt dần và được xử trí bằng 3 - 4 ống adrenalin tiêm bắp. 

Sau đó, anh K. được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp. Các y, bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ép tim, dùng thuốc, đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Khi nhập viện, bệnh nhân được cấp cứu khẩn cấp với các biện pháp ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng qua nội khí quản và dùng thuốc.

Sau khi hồi sinh tim phổi thành công, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Tim mạch can thiệp để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực.

Hiện bệnh nhân tiếp tục được hỗ trợ thở máy, truyền dịch, dùng kháng sinh và các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn toàn viện để đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo.

Đến ngày 16/8, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, sốt cao từng cơn, mạch dao động từ 120 - 140 lần/phút… tiếp tục được điều trị tích cực, lọc máu liên tục. 

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chẩn đoán, bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn đã hồi sinh, phù não lan tỏa, block tim hoàn toàn độ 3 đã được đặt máy tạo nhịp, phản vệ độ 4 nghi do thuốc tê, viêm phổi, suy đa cơ quan.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân trước khi nhổ răng phải thông báo đầy đủ tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng; trước khi gây tê cần kiểm tra tiền căn dị ứng xem có dị ứng với thành phần nào của thuốc hay không. Người dân phải lựa chọn các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy để thực hiện và có những biện pháp xử trí kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân ngộ độc thuốc tê:

Hội Gây tê vùng và Giảm đau Hoa Kỳ khuyến cáo, những thay đổi về thần kinh hoặc tim mạch của bệnh nhân khi đang sử dụng thuốc tê, dù liều nhỏ, gây tê theo phương pháp gì, cần nghĩ tới ngộ độc thuốc tê trước và xử trí theo phác đồ.

Hệ thần kinh trung ương

- Kích thích (bồn chồn, lo lắng, kêu la, giật cơ, co giật)

- Ức chế (ngủ gà, hôn mê hoặc ngừng thở)

- Không đặc hiệu (miệng có vị kim loại, tê quanh miệng, nhìn đôi, ù tai, chóng mặt)

Hệ tim mạch

- Giai đoạn đầu có thể có: Tăng huyết áp, mạch nhanh, loạn nhịp thất…

- Giai đoạn sau:

+ Tụt huyết áp tiến triển

+ Block dẫn truyền, nhịp tim chậm, vô tâm thu

+ Loạn nhịp thất (nhanh thất, rung thất, xoắn đỉnh, vô tâm thu)

Theo dõi bệnh nhân trong quá trình tiêm và sau khi tiêm. Các triệu chứng ngộ độc trên lâm sàng có thể xuất hiện chậm sau 30 phút hoặc muộn hơn. Cần giao tiếp thường xuyên với bệnh nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc.

Người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng ngộ độc thuốc tê để khi xảy ra có thể đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời.

Các cơ sở y tế cần phải có sẵn Bộ cấp cứu Ngộ độc thuốc tê cũng giống như Bộ cấp cứu Phản vệ. Nhũ tương lipid là thuốc đầu tay ngay khi có biểu hiện đầu tiên và rõ ràng của ngộ độc thuốc tê do bất kỳ loại thuốc tê nào.

Liều adrenaline ≤ 1mcg/kg hiệu quả hơn trong hồi sinh tim phổi nâng cao ở bệnh nhân ngừng tim hoặc tụt huyết áp do ngộ độc thuốc tê.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X