Hotline 24/7
08983-08983

Động kinh sau đột quỵ: khi nào bệnh nhân được ngưng thuốc?

Động kinh sau đột quỵ nếu điều trị từ giai đoạn sớm sẽ hạn chế được những tổn thương não bộ và giúp người bệnh mau chóng hồi phục. TS.BS Đinh Vinh Quang - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM sẽ hướng dẫn quý bạn đọc cách chăm sóc bệnh nhân đúng cách.

1. Cơn co giật sau đột quỵ có phải động kinh không?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Sau khi đột quỵ xảy ra, người bệnh sẽ bị 2 loại co giật. Thứ nhất là cơn co giật xảy ra sớm trong 7 ngày đầu tiên sau đột quỵ. Thứ 2, cơn co giật xảy ra trễ sau 7 ngày bị đột quỵ.

Khi bị đột quỵ, các tế bào não sẽ bị thiếu máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy ở các tế bào và gây ra rối loạn chuyển hóa tế bào, rối loạn chức năng tế bào… Từ đó, tế bào sẽ được chuyển hóa theo hướng khác, và ngộ độc tế bào do các chất khi chuyển hóa không có oxy như glutarmade.

Những điều này sẽ dẫn đến tình trạng dòng tháp viêm, làm quá trình chuyển hóa hóa chất dẫn truyền thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác bị rối loạn, thậm chí cắt đứt. Từ đó, chức năng tế bào bị làm việc sai lệch. Tình trạng này sẽ kích thích lên các tế bào và gây ra cơn co giật.

Ngoài tình trạng các tế bào não bị ảnh hưởng, những cơn co giật xảy ra sớm có thể do rối loạn chuyển hóa, đường huyết tăng, rối loạn điện giải. Những cơn co giật sau 7 ngày đột quỵ được gọi là động kinh, vì không còn thấy yếu tố thúc đẩy giống giai đoạn đầu sau khi đột quỵ.

2. Vì sao người bệnh bị động kinh sau đột quỵ?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Một khi bệnh nhân bị đột quỵ, họ sẽ bị thiếu máu não. Từ việc thiếu oxy cung cấp cho các tế bào não sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa trong tế bào, làm thay đổi chuyển hóa các kênh ion trao đổi chất giữa tế bào và bên ngoài. Đồng thời nó sẽ gây ảnh hưởng đến các màng của tế bào và hàng rào máu não.

Chính vì thế, quy trình chuyển hóa của tế bào bị rối loạn và rối loạn này làm tăng tính kích thích của tế bào và gây ra sóng điện. Các sóng điện dẫn đến cơn động kinh trên lâm sàng.

3. Động kinh do xuất huyết não và nhồi máu não có khác nhau?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Cơn co giật có thể xảy ra do xuất huyết não hoặc nhồi máu não. Bản thân co giật không khác nhau, nhưng người bị nhồi máu não thì tỷ lệ co giật trong 7 ngày đầu thấp hơn người bị xuất huyết não.

Một số nghiên cứu cho thấy trong 7 ngày đầu tiên, cơn co giật ở người nhồi máu não chỉ chiếm khoảng 3 đến 4%. Nhưng người bị xuất huyết não, cơn co giật có thể chiếm từ 12 đến 16%.

4. Phương pháp điều trị động kinh sau đột quỵ

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Động kinh xảy ra ở bệnh nhân đột quỵ do quá trình rối loạn chuyển hóa của các chất trong tế bào làm tổn thương tế bào và tăng tính viêm. Việc điều trị động kinh đối với người bị đột quỵ giống tình trạng động kinh ở bệnh lý khác.

Chúng ta sẽ sử dụng thuốc chống động kinh và phòng ngừa việc phóng xung điện để ngăn cơn động kinh. Thứ hai, cải thiện lối sống của bệnh nhân nhằm giúp ức chế cơn động kinh xảy ra.

5. Bệnh nhân đột quỵ phải sử dụng thuốc chống động kinh bao lâu?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Khi bệnh nhân bị động kinh trên nền đột quỵ, tình trạng tổn thương tế bào não của họ sẽ nặng hơn. Vì thế, có một tranh luận rằng chúng ta có thể dùng thuốc phòng ngừa cơn động kinh ở bệnh nhân đột quỵ hay không?

Hiện, vẫn chưa có kết luận rõ ràng về điều này. Có một nhóm đưa ra quan điểm rằng phải phòng ngừa cơn động kinh ở bệnh nhân bị đột quỵ, nhưng nhóm khác nói rằng cần phải có căn cứ dùng thuốc.

Bởi vì khi dùng thuốc động kinh, nó sẽ gây ra tác dụng phụ. Thuốc sẽ ảnh hưởng lên chức năng gan, thận, thậm chí một số người bị sốc phản vệ với thuốc. Do đó, khi bệnh nhân mới bị đột quỵ phải dùng thuốc chống động kinh còn đang được nghiên cứu.

Thời gian dùng thuốc sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi của bệnh nhân, nghề nghiệp, giới tính. Ví dụ như nam sẽ dùng thuốc khác nữ trong thời gian khác nhau. Hoặc người bị suy giảm chức năng gan, thận sẽ phải dùng thuốc khác.

Nếu chúng ta dùng thuốc chống động kinh cho bệnh nhân thì liều thấp nhất và ít nhất là 2 năm. Việc xem xét giảm liều và ngưng thuốc cho bệnh nhân sẽ tùy tình trạng sức khỏe.

6. Phương pháp cải thiện tình trạng động kinh ngoài dùng thuốc?

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Việc khởi phát cơn động kinh sau đột quỵ tùy thuộc vào yếu tố gây ra cơn động kinh. Ví dụ như bệnh nhân lo lắng, kích động, mất ngủ có thể khiến cơn động kinh khởi phát. Bữa ăn nhiều dầu mỡ, carbohydrates cũng gây khởi phát cơn động kinh.

Ngoài dùng thuốc, chúng ta có thể giúp bệnh nhân cải thiện cơn động kinh bằng cách cho bệnh nhân chế độ sinh hoạt đều đặn.

Trong chế độ ăn, chúng ta nên cho bệnh nhân ăn các thực phẩm ít dầu mỡ, chất béo và carbohydrates để làm giảm sự kích thích cơn động kinh.

Đồng thời, chúng ta cần cho bệnh nhân dùng thuốc một cách đều đặn và đầy đủ. Mỗi bệnh nhân sẽ có hàm lượng thuốc cũng như lựa chọn thuốc nhất định. Bệnh nhân khi dùng thuốc, cần phải tuân thủ theo liều lượng và thời gian một cách triệt để. Từ đó, họ sẽ không bị lên cơn động kinh.

Khi cơn động kinh xảy ra, nó sẽ làm tổn thương các tế bào não, đó là vòng xoắn bệnh lý. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế động kinh để chất lượng bệnh nhân được tốt hơn.

7. Lời khuyên của bác sĩ đối với người đang chăm sóc bệnh nhân động kinh

TS.BS Đinh Vinh Quang:

Bệnh đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu bệnh đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi, người đó được phục hồi về mặt vận động nhanh nhưng bị động kinh thì chúng ta giải thích cho họ biết động kinh chỉ là triệu chứng của tổn thương não và nó sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường. Vì vậy, bệnh nhân cần cố tái hòa nhập với xã hội càng sớm càng tốt.

Chúng ta cần tạo cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, tránh tình trạng lo âu, trầm cảm, cảm thấy tự ti. Nhiều bệnh nhân bị động kinh trên nền đột quỵ nhưng vẫn sinh hoạt được trong cộng đồng, tốt nhất mình nên khuyên bệnh nhân tham gia sinh hoạt cộng đồng.

Đối với người thân chăm sóc người thân bị tàn phế sau đột quỵ, chúng ta giải thích cơn động kinh xảy ra là do tổn thương não để lại di chứng trên người bị đột quỵ.

Nếu bệnh nhân lên cơn động kinh, tốt nhất chúng ta cần đặt bệnh nhân ở nơi thoáng mát, quần áo thì nới lỏng. Thứ hai, chúng ta nên nghiêng người bệnh qua một bên để tránh họ có thể nuốt vật lạ vào đường thở, tiêu hóa khi lên cơn động kinh.

Nhiều người thấy bệnh nhân cắn răng khi lên cơn, họ đưa vật lạ vào miệng người bệnh. Điều đó là không nên vì nguy cơ này sẽ khiến bệnh nhân cắn lưỡi.

Chúng ta không nên cố gắng cố định tay chân bệnh nhân bởi vì khi họ lên cơn co giật động kinh, chúng ta có thể gây chấn thương, gãy xương.

Trọng Dy (ghi), benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X