Hotline 24/7
08983-08983

Dồn lực cho Dược lâm sàng trong cuộc chiến phòng chống kháng thuốc

Điểm khác biệt ở Hội nghị khoa học kỹ thuật Hoàn Mỹ năm nay có lẽ là tập trung vào công tác quản lý Dược lâm sàng trong tình hình mới. Đây là hướng đi đúng - trúng, không chỉ Bộ Y tế Việt Nam mà nền y tế thế giới đang ra sức trước nguy cơ kháng thuốc trở thành cơn đại dịch.

Ngành Y tế trong nước và thế giới quan tâm rất nhiều đến các vấn đề về dược. Mới đây nhất, Bộ Y tế cũng đưa ra những công văn hướng dẫn về dược lâm sàng. Những phản ứng liên quan đến vấn đề sử dụng thuốc khá quan trọng, đòi hỏi các nhà quản lý Y tế phải thực sự nghiêm túc trong kiểm soát, quản lý và coi đây là “cứu cánh” duy nhất trước khi chúng ta không còn gì để kiểm soát.

Chương trình Hội nghị khoa học kỹ thuật Hoàn Mỹ 2020 với chủ đề "Bước khởi đầu mới sau Covid-19" được tổ chức trong 2 ngày 23 - 24/11 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm nay, Hội nghị khoa học Kỹ thuật Hoàn Mỹ 2020 tập trung sâu rộng về vấn đề dược và quản lý dược.

Phát biểu khai mạc tại chương trình tiền hội nghị, PGS.TS.BS. Lê Thị Anh Thư - Giám đốc Y Khoa Tập đoàn Hoàn Mỹ chia sẻ, do bối cảnh nguy bách của tình hình chung, cộng với mong muốn đưa đến việc kiểm soát, điều trị tốt nhất cho người bệnh nên công tác dược được chú trọng, là một trong những điểm nhấn trong Hội nghị khoa học của hệ thống y khoa Hoàn Mỹ.

PGS.TS.BS. Lê Thị Anh Thư - Giám đốc Y Khoa Tập đoàn Hoàn Mỹ

“Tại đây, chúng ta mới có đủ thời gian để nói về công tác dược, quản lý dược, nghiệp vụ dược cũng như dược lâm sàng. Các công trình này đều có khả năng áp dụng vào thực tiễn, giúp cải thiện kết quả và đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh” - PGS.TS.BS. Lê Thị Anh Thư phát biểu.

Vai trò của dược lâm sàng

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm ADR phân tích, có rất nhiều yếu tố làm tăng mức độ kháng thuốc tại bệnh viện. Trong đó: số lượng bệnh nhân quá tải; Nhiều bệnh nhân nặng, suy giảm hệ thống miễn dịch; Vi khuẩn đề kháng từ cộng đồng; Kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hành cách ly chưa hiệu quả; Tăng sử dụng kháng sinh trong ngoại khoa; Tăng điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm kháng sinh phổ rộng... Đây đều là các vấn đề có thể can thiệp được để cải thiện chính sách kháng sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

PGS.TS.DS Nguyễn Hoàng Anh trình bày bài báo cáo “Triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong nguồn lực hạn chế”

Vì thế, cần triển khai hoạt động cảnh giác Dược trong các cơ sở khám, chữa bệnh yêu cầu đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc trong các giai đoạn kê đơn, cấp phát và thực hiện thuốc. Điều này đòi hỏi nỗ lực của nhóm chuyên môn đa ngành trong đó Dược sĩ lâm sàng đóng vai trò then chốt trong chiến lược lấy bệnh nhân làm trung tâm.

Chiến lược dược lâm sàng được xây dựng lấy bệnh nhân làm trung tâm

Nội dung của hoạt động Cảnh giác Dược bao gồm: phát hiện, báo cáo và đánh giá các sai sót, biến cố bất lợi liên quan đến thuốc; theo dõi xu hướng, đánh giá hiệu quả các hoạt động phát hiện nguy cơ hoặc những khoảng trống trong thực hành; triển khai hoạt động đảm bảo an toàn thuốc dựa trên bằng chứng và các nội dung theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện; đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế trong bệnh viện về an toàn thuốc. Các công cụ của dịch tễ dược học, nghiên cứu lâm sàng và dược lâm sàng sẽ giúp dược sĩ triển khai tốt các nội dung trên.

Nhân lực, cơ sở vật chất, quy trình chuyên môn kỹ thuật và sự tham gia tích cực của các đối tác khác trong bệnh viện là các thách thức lớn hiện tại tại của triển khai hoạt động cảnh giác dược.

Việc hoàn thiện quy trình và đánh giá định kỳ hiệu quả cũng là các yếu tố cần thiết đảm bảo triển khai hoạt động cảnh giác dược tại bệnh viện.

Tháng 12 tới đây, Bộ Y tế sẽ ban hành những nội dung mới để làm rõ hơn hành lang pháp lý để các dược sĩ lâm sàng cùng với các bác sĩ để làm công tác hiệu chỉnh liều, với mục đích giúp người bệnh sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

ThS.DS Nguyễn Thị Thu Ba - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

ThS.DS Nguyễn Thị Thu Ba - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng mang đến Hội nghị về bài báo cáo về “Vai trò của dược sĩ trong việc sử dụng thuốc vận mạch”.

Thuốc vận mạnh có ý nghĩa đặc biệt trong cấp cứu tim mạch. Tuy nhiên, dường như đây lại là chủ đề bị bỏ ngỏ trong các chương trình hội nghị - nhất là chuyên về dược, rất ít được đề cập. Điều này khiến các dược sĩ, nhất là dược sĩ lâm sàng có thể bị lúng túng trong việc tham mưu cho các bác sĩ lâm sàng.

Các thuốc này lại không được thường xuyên báo cáo tại các hội nghị. Chính vì thế, đây được coi là một trong những bài rất hiếm được thực hiện trong hội nghị lần này.

Với những dẫn chứng cụ thể về lâm sàng, ThS.DS Nguyễn Thị Thu Ba cho rằng điều quan trọng, các bác sĩ và dược sĩ lâm sàng cần phải thăm dò và đánh giá chính xác về các thông số huyết động trên bệnh nhân, từ đó có sự điều chỉnh liều thuốc một cách hợp lý.

Một trong những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc vận mạnh là bám sát tình hình của bệnh nhân trên lâm sàng. Mọi chỉ định về thuốc cần phải được điều chỉnh dựa trên thay đổi của bệnh nhân. Nếu thuốc không đáp ứng, cần đánh giá cụ thể hoặc thay đổi thuốc để bệnh nhân đáp ưng hơn. Tuy nhiên, không nên chuyển đột ngột sang thuốc vận mạnh khác mà thay vào đó hãy chuyển từ từ.

Sự “vào cuộc” của khoa học kỹ thuật công nghệ

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Dược đang là xu hướng của nhiều bệnh viện trong nước và quốc tế. Trong những năm gần đây, nhiều bệnh viện thật sự chú trọng trong việc đưa các mô hình kĩ thuật cao, trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý dược.

DS.CK2 Đào Duy Kim Ngà - Trưởng khối Dược, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ

Đây cũng chính là nội dung được DS.CK2 Đào Duy Kim Ngà - Trưởng khối Dược, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đề cập trong bài báo cáo: “Số hóa quản lý dược theo hệ thống chuỗi bệnh viện bằng các chỉ số chuyên môn”.

Theo DS Kim Ngà, các chỉ số được quan tâm hàng đầu trong công tác dược bệnh viện bao gồm các chỉ số về nghiệp vụ dược và dược lâm sàng như quản lý số lượng tồn kho, sai sót thuốc, phản ứng có hại của thuốc, tương tác thuốc, các bài bình bệnh án, đơn thuốc,… được thiết kế tối ưu hóa trong các website, app để hỗ trợ tốt nhất cho các bệnh viện lưu trữ, báo cáo phân tích và đinh hướng hoạt động, đảm bảo nâng cao chất lượng theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế và quốc tế.

Với sự hỗ trợ từ các ứng dụng công nghệ thông tin, các dược sĩ sẽ tổ chức tốt công việc, truy cập nhanh các nguồn tài liệu cần thiết và giảm thiểu các giấy tờ lưu trữ. Đồng thời có thể dành thời gian tập trung vào công tác chuyên môn, tư vấn đảm bảo việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lí, hiệu quả cho người bệnh.

Hệ thống Y khoa Hoàn Mỹ trong những năm gần đây đang đẩy mạnh xây dựng mô hình bệnh viện thông minh không giấy tờ, tối giản hóa thủ tục và thời gian cho người bệnh, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế, góp phần xây dựng quốc gia số. Công tác quản lý dược theo mô hình số hóa cũng được chú trọng.

Mới đây, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc - thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cũng là 1 trong 5 đơn vị trên cả nước đạt được chứng nhận JCI (Joint Commission International) về quản lý và chăm sóc người bệnh.

DS Lê Ngọc Thu - Khoa Dược, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc

Về bản chất, JCI được đánh giá giống như bộ 83 tiêu chí của Bộ Y tế, tuy nhiên các điều khoản của JCI được phân mảnh, cụ thể và chặt chẽ hơn. Tất nhiên, để được công nhận bởi bộ tiêu chí JCI, bệnh viện cũng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Bù lại, khi đạt tiêu chí của JCI, việc đảm bảo chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh là trách nhiệm của mỗi cá nhân và phải được truyền tải đến tất cả mọi người.

Có thể nói, với JCI thì công tác dược được đưa vào quy chuẩn hóa, việc quản lý cũng như có cơ sở đúng đắn trong việc sử dụng kháng sinh. Không những vậy, công tác quản lý khác cũng được nâng tầm, chuẩn hóa và minh bạch.

Một trong những điểm mới lạ của mảng Dược mà Hội nghị mang lại là tìm hiểu về các phản ứng có hại, các nội dung có liên quan đến gen.

Gen là một trong những nội dung mới nhất của năm 2020 và các năm về sau, chính vì thế việc tìm hiểu mối tương quan của tương tác thuốc và gen di truyền mang đến những cơ hội mới, chủ động phát hiện và phòng ngừa phản ứng có hại của thuốc trong điều trị.

Đây là nội dung được đề cập đến trong bài “Bước đầu ứng dụng công nghệ gen trong dự phòng và phát hiện phản ứng trên da nghiêm trọng” của ThS.DS Phạm Hồng Thắm - Phó Trưởng khoa Dược Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

ThS.DS Phạm Hồng Thắm - Phó Trưởng khoa Dược Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Theo ThS.DS Phạm Hồng Thắm, trong điều trị bằng thuốc không phải tất cả các thuốc đều hiệu quả cho tất cả mọi bệnh nhân, trong đó yếu tố di truyền ảnh hưởng đến 95% đáp ứng của thuốc. Dược lý di truyền là nền tảng của y học cá thể trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhằm đáp ứng mục tiêu sử dụng thuốc đó là tối đa hiệu quả và giảm thiểu độc tính; tránh điều trị thuốc không cần thiết.

Bằng việc thực hiện nghiên cứu trên hàng loạt ca, ThS.DS Phạm Hồng Thắm và cộng sự đã xác định mối quan hệ giữa dấu ấn di truyền với phản ứng có hại nghiêm trọng trên da bao gồm hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ái toan gây ra bởi allopurinol.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, sàng lọc xác định kiểu gen HLA-B*5801 giúp phát hiện và phòng ngừa phản ứng có hại nghiêm trọng trên da ở những bệnh nhân sử dụng allopurinol góp phần đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo an toàn trong khi sử dụng thuốc cho người bệnh. Kết luận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cải thiện sự an toàn, ngăn ngừa điều này thông qua việc xác định các bệnh nhân có nguy cơ phản ứng thuốc.

Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm cùng với báo cáo viên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X