Hotline 24/7
08983-08983

Can thiệp dinh dưỡng - “vũ khí” quan trọng giúp khắc phục các yếu tố hậu COVID-19

Đây là nội dung xuyên suốt mà Liên chị Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM muốn truyền tải đến các Hội viên và thành viên tham dự tại buổi hội thảo chuyên đề “Can thiệp dinh dưỡng hậu COVID-19” được tổ chức vào sáng 4/6 tại TPHCM.

Dinh dưỡng được khẳng định vai trò khá quan trọng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 và sau lành bệnh. Dinh dưỡng không chỉ còn là “hậu phương” hỗ trợ bệnh nhân và còn là vũ khí giúp bệnh nhân sớm vượt qua những đợt tấn công của bệnh tật. Tuy nhiên, chủng Delta và Omicron khiến dịch bệnh đến quá nhanh nên không thể có cái nhìn tổng quan và có được những buổi hội thảo cụ thể, bàn luận kĩ càng hơn trong “cuộc chiến” chống COVID-19.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM cho biết: Sau đúng 1 năm làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu hoành hành tại TPHCM, Liên chị Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM mới có cơ hội tổ chức buổi hội thảo chuyên ngành, cùng bàn luận về các ảnh hưởng, vai trò của dinh dưỡng trong công tác điều trị và phục hồi bệnh nhân hậu COVID-19.

“Thông qua chương trình, ngoài việc nhìn nhận rõ ràng hơn về vai trò của dinh dưỡng với sự nâng cao thể trạng của mọi người, chúng ta - những người làm chuyên môn còn mong muốn kéo người bệnh hậu COVID-19 sớm thoát khỏi những di chứng của bệnh tật một cách nhanh chóng, hiểu quả như chưa từng chịu đựng sự tấn công của bệnh tật” - BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp bày tỏ.

Hội thảo thu hút hơn 120 đại biểu đến từ 15 tỉnh thành, 55 bệnh viện và trung tâm y tế khác nhau trên địa bàn miền Nam.

Ba báo cáo viên tham gia Hội nghị. Từ trái qua: BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, TS.BS Trần Quốc Cường

Buổi hội thảo với ba phần trình bày, bao gồm: Cập nhật về chẩn đoán và điều trị hậu COVID-19 do TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng Bộ môn Nhiễm - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày; bài báo cáo "Can thiệp dinh dưỡng ở người bệnh hậu COVID-19" - do BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM trình bày và "Suy dinh dưỡng và Sarcopenia - nguy cơ tiềm ẩn ở người bệnh hậu COVID-19" do TS.BS Trần Quốc Cường - Bộ môn Dinh dưỡng ATTP - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày.

Việt Nam có ít nhất 3 triệu người bệnh nhân hậu COVID-19 cần can thiệp

Tính đến đầu tháng 6/2022, Việt Nam có gần 11 triệu ca nhiễm COVID-19 với đa phần bệnh nhân nhẹ và trung bình, tự điều trị tại nhà. Trong đó, các số liệu chỉ ra có khoảng 30% bệnh nhân COVID-19 nhẹ (3 triệu người) cần được can thiệp hậu COVID-19. Trong thực tế, số lượng bệnh nhân COVID-19 có thể cao hơn nhiều do giai đoạn ổn định, người dân tự test nhanh tại nhà và không khai báo y tế.

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa với bài báo cáo “Cập nhật về chẩn đoán và điều trị hậu COVID-19”

Số liệu được TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng Bộ môn Nhiễm - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đưa ra trong bài báo cáo “Cập nhật về chẩn đoán và điều trị hậu COVID-19”.

Hội chứng hậu COVID-19 thường được thấy ở những người mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, nhưng bất kỳ ai đã bị nhiễm SARS-CoV-2 đều có thể gặp phải hội chứng hậu COVID, ngay cả những người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Với 63 nghiên cứu trên thế giới trên 250.000 người mắc COVID-19, đa phần bệnh nhân đều gặp các vấn đề trên tâm thần, thần kinh, phổi, da, tim mạch, xương khớp… 
Đái tháo đường, béo phì cũng được ghi nhận là yếu tố nguy cơ khiến tình trạng hậu COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn.

“Các mạch máu đã tổn thương từ trước do đái tháo đường và thừa cholesterol, mắc thêm SARS-CoV-2 sẽ làm tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Đường huyết sẽ không còn kiểm soát tốt vì nhiều lý do khi mắc SARS-CoV-2, tâm lý một số bệnh nhân sẽ ăn nhiều hơn để có sức đề kháng chống lại Covid-19 vô tính làm tình trạng đường huyết tăng cao” - báo cáo nêu.

Một số bệnh nhân tự ý bỏ uống thuốc hoặc sử dụng thuốc vô tội vạ, ít vận động trong thời gian cách ly và sau khi khỏi bệnh cũng được coi là nguyên nhân khiến cho tình trạng hậu COVID-19 thêm lo ngại.
Trẻ em được ghi nhân ít mắc các biến chứng hậu COVID-19 hơn người lớn, tuy nhiên ghi nhận ở lứa tuổi từ 12-18 tuổi cao hơn nhiều so với nhóm tuổi trẻ hơn, với 2-3 lần.

“Trẻ bị béo phì và có cơ địa dị ứng dễ bị hậu COVID-19 và có thể bị biếng chứng nặng nề. Đặc biệt, các đối tượng này có nguy cơ diễn tiến nặng hơn nếu không được tiêm ngừa đầy đủ. Do đó, cần cân nhắc cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế” - TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa khuyến cáo.
Thuốc men - tâm lý và dinh dưỡng là kiềng ba chân trong điều trị và khắc phục tình trạng hậu COVID-19. Khỏi COVID-19 người bệnh cần phải tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ.

Can thiệp dinh dưỡng ở người bệnh hậu COVID-19

Bài trình bày của BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp

Dịch COVID-19 khiến nhiều người đuối sức, mất cơ

Đây là khuyến cáo được thể hiện quan bài báo cáo "Suy dinh dưỡng và Sarcopenia - nguy cơ tiềm ẩn ở người bệnh hậu COVID-19" do TS.BS Trần Quốc Cường - Bộ môn Dinh dưỡng ATTP - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày.

Phần báo cáo của TS.BS Trần Quốc Cường

Theo TS.BS Trần Quốc Cường: Sau đợt dịch COVID-19 với nhiều yếu tố như giãn cách, bồi dưỡng… khiến nhiều người có tâm lý bồi dưỡng, thiếu vận động dẫn đến hệ quả tỉ lệ béo phì gia tăng.

“Chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân than mệt sau khi thực hiện công việc sau một thời gian ngắn. Điều đáng nói, so với trước đợt dịch COVID-19, với khối lượng công việc như thế thì tình trạng sức khỏe của đại đa số bệnh nhân COVID-19 cảm thấy suy giảm rõ rệt. Sức cơ của đa số đối tượng yếu hơn, kể cả vận động và sức khỏe” - BS Trần Quốc Cường băn khoăn.

Vấn đề suy dinh dưỡng khá thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID-19. Đó là hệ lụy từ tổng hợp các nguyên nhân mà người bệnh từ các vấn đề từ COVID-19 như phản ứng viêm, chán ăn, bệnh nền/ cao tuổi... đến các vấn đề xã hội như nguồn cung cấp thực phẩm, kinh tế xã hội hay sử dụng các thuốc quá mức...

Do đó, những bệnh nhân này càng được can thiệp dinh dưỡng hợp lý như: Phục hồi suy dinh dưỡng, sarcopenia; Điều trị thiếu máu; Bổ sung các chất chống oxy hóa; Bổ sung kháng viêm; Phục hồi hệ vi sinh; Điều trị thiếu vitamin và khoáng chất...

Tăng cường vận động đóng vai trò quan trọng trong phục hồi ở bệnh nhân hậu COVID-19

Theo BS Trần Quốc Cường, tăng cường vận động với các bài tập co duỗi chân, gập gối, đứng nhón chân, dang gập khuỷu tay, squat... giúp giảm các triệu chứng hậu COVID, hồi phục sức khỏe.

Những bài tập này giúp hồi phục thể chất và sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19. Nếu người bệnh lo lắng việc tập luyện có thể khiến hụt hơi, cần chú ý lắng nghe cơ thể, không tăng cường độ bài tập quá nhanh, không thúc đẩy bản thân tập luyện quá mức.

Một số hình ảnh về buổi Hội nghị:

BS.CK2.Phan Thanh Tâm - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Võ sư Trần Trọng Tuân đang thị phạm, hướng dẫn các thành viên tham dự hội nghị một số động tác để nâng cao thể trạng, sức bền

Lê Bình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X