Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị hậu quả phía sau COVID-19, hành trình gian nan

Cuộc chiến với COVID-19 không chỉ tồn tại trong thời gian chống chọi với bệnh tật mà nó còn tiếp diễn và ảnh hưởng lâu dài về sau đó, từ sức khỏe thể chất đến tinh thần nếu người bệnh không được phục hồi chức năng sớm.

Bệnh nhân COVID-19 lẻ loi, đơn độc

Tại chương trình hội thảo “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19” do báo Tiền phong tổ chức, khách mời tham dự không chỉ có lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia giàu kinh nghiệm mà còn có sự chia sẻ của những người bệnh COVID-19 đã vượt qua "cửa tử" trở về với cuộc sống.

Anh Hoàng Tuấn Anh - người được biết đến là "cha đẻ" của ATM gạo, ATM khẩu trang và gần nhất là AMT Oxy đã có khoảng thời gian vô cùng khó khăn khi cả gia đình chiến đấu với COVID-19. Mặc dù bản thân được tiêm 2 mũi vắc xin, song anh Tuấn Anh vẫn có giai đoạn Spo2 giảm sâu chỉ còn 82, 83 và phải điều trị trong bệnh viện.

Để giảm nguy cơ, rủi ro lây bệnh cho người ba lớn tuổi, vợ và các con của anh là F0 phải đi cách ly, điều trị ở nơi khác. Song khi đó, đáng lo nhất chính là con của anh vừa là F0 vừa mắc thêm sốt xuất huyết, việc chăm sóc trong điều kiện giãn cách xã hội cũng như đồng mắc cả hai bệnh khiến khó khăn thêm chồng chất.

Gắn bó với công việc thiện nguyện xuyên suốt mùa dịch, anh luôn chuẩn bị tâm lý có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Nhưng khi thực sự tự trải nghiệm qua thời khắc này, anh càng thấu hiểu sâu sắc sự lẻ loi khi các F0 đối diện với dịch bệnh. “Nếu không có sự hỗ trợ từ y bác sĩ và những người thân chưa mắc COVID-19 tiếp tế lương thực thì gần như là bế tắc, cảm giác như rơi vào đường cùng” - anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ.

Vì thế, ngay cả khi nhập viện điều trị COVID-19, anh Tuấn Anh vẫn tiếp tục công việc điều hành hỗ trợ oxy cho các F0 tại TPHCM và các tỉnh, thành lân cận. Qua đó, anh cũng muốn nhắn nhủ: “Nếu thực sự thương gia đình, hãy hạn chế tối đa nhất việc lây lan. Vì nếu để cả gia đình cùng trở thành F0, việc chăm sóc rất khó khăn”.

BS Trương Hữu Khanh chia sẻ về những điểm cần nhìn lại để khắc phục trong cuộc chiến với COVID-19

Là người đồng hành cùng với hàng chục ngàn F0 thông qua fanpage, zalo, BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM đã có những nhìn nhận thẳng thắn, chính chia sẻ của người đã khỏi bệnh với người đang điều trị quan trọng hơn nhiều so với bác sĩ. Đồng tình với chia sẻ của “cha đẻ” ATM Oxy, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, tâm lý khi đối diện với cuộc chiến này diễn ra như nhau, đó là sự cô đơn, bất lực và bơ vơ.

“Sự quá tải của dịch bệnh đối với người làm truyền nhiễm là hết sức bình thường. Đối với tôi, trong mỗi đợt dịch bệnh có thể tiếp nhận đến 1.000 trẻ bị tay chân miệng. Nhưng trong thời gian ngắn, tôi không ngờ đợt dịch thứ 4 này ghê gớm như vậy. Mặc dù dồn toàn lực nhưng vẫn có lúc quá tải, không làm được gì bởi đôi khi chúng ta quá cứng nhắc, không lắng nghe và không tìm hiểu người bệnh thiếu gì, cần gì.

Chúng ta đối diện với lổ hổng chưa từng có. Đó là lý do tôi thành lập group F0, ban đầu với ý định để người bệnh giúp đỡ với nhau, vì chỉ họ mới chia sẻ với nhau được. Nhưng sau đó, tôi thấy họ cần “cứu cánh” từ những người F0 đã khỏi bệnh, đã phục hồi và cần người làm trọng tài. Do đó, về sau, tôi mới mở ra cho các bác sĩ trẻ, chia sẻ kiến thức để người bệnh nào cũng có thể tiếp cận” - BS Trương Hữu Khanh nói.

Vị chuyên gia đề cập, đừng chỉ dừng lại ở việc ca ngợi mà chúng ta cần ngẫm lại những vấn đề chưa làm được. Cuộc chiến này mang lại nhiều bài học với quá nhiều chỉ số để bàn luận, trong đó chỉ số quan trọng nhất là người bệnh cần được chăm sóc tinh thần.

Ông nhấn mạnh: “Người bệnh phải được điều trị sớm nhất, không phải là đi bệnh viện sớm nhất và cuối cùng là được sống. Những điều chúng ta chưa làm được trong những đợt dịch trước thì đừng để xảy ra ở hậu đợt 4, và có thể là tiếp tục đợt 5. Đừng để trở thành lối mòn. Đừng áp đặt các chỉ số, từ cam qua vàng, từ vàng qua xanh, mà hãy khuyên cộng đồng thực hiện 5K tốt nhất có thể và vắc xin. Nếu chúng ta “có bóc, có tách” nhưng không có 5K + vắc xin thì cũng vậy thôi”.

Hậu COVID-19, người bệnh nên tầm soát sức khỏe

COVID-19 khốc liệt nhưng cuộc chiến sau đó gian nan không kém. Đây là chia sẻ của BS Đinh Quang Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM.

Khi dịch bệnh bắt đầu có tín hiệu đáng mừng thì các y bác sĩ đối diện với tình trạng khác mang tên “hậu COVID-19”. Bởi trước đó, khi nhân lực y tế không đủ nên hầu hết chỉ tập trung vào cứu người mà không lưu ý việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu.

“Thực tế đã ghi nhận những trường hợp rất đau lòng. Có người thanh niên còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 30, làm ở công ty nước ngoài, đã khỏi COVID-19 nhưng nửa đêm thức giấc đi trong vô thức. Sau đó, người thanh niên mất tích, báo công an tìm kiếm thì phát hiện anh đã không còn hơi thở ở sông.

Thậm chí có câu chuyện đau buồn hơn nữa, hai vợ chồng đều stress do mắc COVID-19, nửa đêm người chồng đã chích điện khiến người vợ tử vong, sau đó bản thân tự tử nhưng không thành. Gia đình bỗng chốc ly tán, vợ mất, còn chồng rơi vào vòng lao lý. Đây là những sang chấn tâm lý người bệnh có thể gặp phải sau khi mắc COVID-19 và chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa ngay từ đầu”.

Do đó, BS Đinh Quang Thanh nhấn mạnh, khi cuộc sống “bình thường mới”, bác sĩ không chỉ cứu sống người bệnh COVID-19 mà điều quan trọng hơn cả là cần quan tâm đến chất lượng cuộc sống sau khi khỏi bệnh. Có những người dù đã vượt qua “cửa tử” nhưng sau đó không ngồi, đi đứng được nên họ rất khó để tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Tâm lý là yếu tố dẫn đến sự bi quan cho người bệnh.

Song, may mắn là những điều này có thể giải quyết được, hoặc giảm thiểu, hạn chế thấp nhất nếu chú trọng vào vấn đề phục hồi chức năng. Việc phục hồi này có thể bắt đầu ngay từ khi người bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình.

Với chính bản thân người bệnh, họ cần phải được tập luyện, kỹ thuật thở cần được huấn luyện từ sớm. Với nhân viên y tế, không nên phục thuộc hoàn toàn vào nhân viên tâm lý mà chính người thầy thuốc khi tiếp xúc người bệnh cần mềm mỏng, giải thích rõ ràng, có thái độ quan tâm, không gắt gỏng sẽ góp một phần quan trọng trong việc vực dậy tâm lý.

“Bởi người bệnh khi phải nhập viện điều trị họ thường hoảng loạn rất dữ dội khi xung quanh hầu hết là người xa lạ, không biết bấu víu vào ai khi có vấn đề cần hỏi. Mặc dù áp lực của nhân viên y tế không hề nhỏ, nhưng nếu cố gắng tạo ra các kênh để kết nối người bệnh thì đây sẽ là chỗ dựa vũng chắc để họ được giải tỏa tâm lý, như vậy việc phục hồi chức năng sẽ trở nên hết sức đơn giản.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng chú trọng hơn về vấn đề này. Nếu trước đây, trong phác đồ ngày 14/7 hoàn toàn không nói về phục hồi chức năng. Nhưng trong cập nhật mới nhất ngày 6/10, có 3 vấn đề phục hồi chức năng, dinh dưỡng và tâm lý được Bộ Y tế nhấn mạnh nên thực hiện ngay từ đầu”.

Bên cạnh đó, BS Đinh Quang Thanh cho rằng, các bệnh nhân mắc COVID-19 để lại nhiều di chứng, đây là bệnh đa cơ quan, ngoài việc tấn công hô hấp còn ảnh hưởng lên thần kinh, nội tiết, tim mạch, tiêu hóa, thận… Vì vậy, việc phục hồi chức năng không chỉ dừng lại ở tâm lý, hô hấp mà rất cần tầm soát các cơ quan khác ngay cả khi bệnh nhân đã khỏi COVID-19.

“Các bệnh nhân mắc COVID-19 để lại nhiều di chứng và hiện tại còn 300 bệnh nhân đang nằm ở Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng TPHCM. Tại đây, có những bệnh nhân đã điều trị nhiều tháng nhưng vẫn không thể đi lại, sinh hoạt, rất khó cai oxy. Với những người bệnh này, chất lượng sống của họ tiên lượng rất kém trong thời gian tới.

Thậm chí, có người bệnh dù kết quả xét nghiệm RT-PCR đã âm tính nhưng giai đoạn xơ phổi vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó, để phục hồi chức năng, đặc biệt là theo dõi hậu COVID-19, nhất là những nhóm bệnh nhân nặng và nhóm nguy kịch sau khi sống sót phải được tầm soát bài bản ở những đơn vị y tế, vì di chứng về sau ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và gia đình, xã hội” - BS Đinh Quang Thanh bày tỏ quan điểm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X